Tác động của đại dịch COVID-19 tới các tổ chức văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn

Bối cảnh chung

Đại dịch COVID-19 đã tác động vô cùng to lớn trên mọi phương diện của đời sống toàn cầu, từ sức khỏe thể chất, hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường và đời sống văn hóa. Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên (1).

Trong lĩnh vực văn hóa, tác động của đại dịch COVID-19 được nhìn thấy qua tình trạng đóng cửa - dừng hoạt động của các thiết chế văn hóa như: thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa nghệ thuật, các trung tâm sinh hoạt văn hóa nghệ thuật cộng đồng, không gian văn hóa công cộng...; mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật như các chương trình biểu diễn nghệ thuật, festival, liên hoan phim, triển lãm,… bị dừng hoặc hủy bỏ; các chương trình/khóa đào tạo, giáo dục về văn hóa nghệ thuật bị hoãn hoặc hủy; nghệ sĩ, giảng viên, giám tuyển, chuyên gia văn hóa, các nhà thực hành văn hóa và sáng tạo, giảng viên và đào tạo viên... bị dừng hợp đồng, cắt giảm lương/thù lao hoặc nghỉ việc... Sự bùng nổ của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) gây ra, cho tới thời điểm này sau hơn 4 tháng xuất hiện trên thế giới, đã vượt quá mức là một khủng hoảng thông thường, đặt toàn cầu vào trạng thái phân định “thế giới trước COVID-19” và “thế giới sau COVID-19”, đặt toàn bộ các tổ chức văn hóa nghệ thuật lớn nhỏ ở khắp các quốc gia, vốn đã luôn gặp nhiều khó khăn thách thức, trước tình trạng sống còn.

Trong bối cảnh này, văn hóa và nghệ thuật không còn đủ năng lực và cơ hội để thực thi nhiệm vụ căn bản là nền tảng tinh thần, nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của mọi cộng đồng và quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sự hiện diện của văn hóa và nghệ thuật trong đời sống của người dân bị dừng đột ngột bởi dịch COVID-19. Văn hóa và nghệ thuật, lúc này, cũng giống như các lĩnh vực khác của đời sống con người, cần có sự chung tay hỗ trợ và ứng cứu từ các cấp chính quyền thành phố, quốc gia và liên quốc gia; để có thể tồn tại qua khủng hoảng dịch COVID-19, phục hồi, biến đổi tích cực hơn và tiếp tục sứ mệnh của mình trong và sau dịch.

Thách thức của các tổ chức văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay

Về mặt loại hình tổ chức, các tổ chức văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay có thể được nhóm thành ba nhóm cơ bản:

Các tổ chức văn hóa nghệ thuật do nhà nước quản lý (các bảo tàng, khu triển lãm văn hóa nghệ thuật, nhà hát, trường, viện nghiên cứu, rạp chiếu phim, xưởng phim,... cấp trung ương và cấp tỉnh/thành phố). Cả nước hiện nay có 115 đơn vị văn hóa nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, 103 tổ chức nghệ thuật thuộc các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố và 108 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo văn hóa - nghệ thuật (2)...

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty tư nhân, hộ kinh doanh cá thể). Tính tới 2018, trên cả nước có khoảng 46.535 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực các ngành công nghiệp văn hóa gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa (Tổng cục Thống kê GSO, 2019).

Các tổ chức phi chính phủ địa phương (local NGO như các liên hiệp hội, hội, quỹ) và các tổ chức văn hóa nghệ thuật hoạt động động lập, chưa đăng ký tư cách pháp nhân dưới dạng thức nhóm, dự án… Theo kết quả khảo sát của Mạng lưới Sáng kiến Không gian sáng tạo Việt Nam ViCHI (3), trong năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 198 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo với quy mô nhỏ và siêu nhỏ (ViCHI, 2019).

Trong những tháng đầu năm 2020, những thách thức và khó khăn mà các tổ chức văn hóa nghệ thuật này ở Việt Nam vốn đã, đang phải đối mặt trong nhiều năm qua, dưới sự tác động của đại dịch COVID-19, như một cú bồi dứt điểm (knock-out), đẩy họ vào tình trạng kiệt quệ. Rất nhanh chóng, nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ, những tổ chức này sẽ không có khả năng hồi phục và tiếp tục tồn tại sau dịch.

Theo Báo cáo của Liên đoàn Xiếc Việt Nam lên Bộ VHTTDL vào ngày 8-4-2020, từ 1-2-2020, đơn vị này đã dừng mọi hoạt động theo quy định của Chính phủ. Vì vậy, liên đoàn vừa không có nguồn thu, vừa phải chịu lỗ vì một số chương trình dự kiến bị dừng đột ngột, không đủ khả năng chi trả tiền lương cho các diễn viên hợp đồng ngoài biên chế và chi phí vận hành cơ sở vật chất. Tình trạng tương tự cũng đã đang diễn ra ở nhiều đơn vị sự nghiệp nhà nước về văn hóa - nghệ thuật như các bảo tàng, nhà hát, trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật, trung tâm chiếu phim, cơ sở đào tạo,…

Ở nhóm các tổ chức văn hóa nghệ thuật độc lập, tình trạng thậm chí còn nặng nề hơn khi nhiều không gian không chỉ phải dừng hoạt động tạm thời trong giai đoạn dịch, mà có thể không còn khả năng phục hồi sau dịch khi không có nguồn lực dự trữ, nguồn lực tối thiểu để đảm bảo cơ sở vật chất (chi phí thuê mặt bằng cao, không có chế tài nhà nước hỗ trợ người thuê trong trường hợp bất khả kháng như hiện nay khiến nhiều tổ chức với quy mô nhỏ, siêu nhỏ phải trả lại mặt bằng, thu hẹp số lượng địa điểm hoạt động); trang thiết bị (đặc biệt là trang thiết bị công nghệ để chuyển đổi hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến như hệ thống thu thanh, ghi hình, chụp ảnh, phát truyền để có thể tổ chức các sự kiện triển lãm, biểu diễn, hội thảo, lớp học trực tuyến); trả lương cho nhân viên hay không đủ năng lực chuyên môn, quản trị lẫn công nghệ hỗ trợ chuyển đổi phương thức hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến như trường hợp của Tổ Chim Xanh (Blue Bird); Ơ Kìa Hà Nội, Heritage Space, Manzi, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh TPD,… vốn là những không gian văn hóa sáng tạo tiêu biểu của Hà Nội và cả nước trong những năm vừa qua.

Nhận thức rõ tình hình này, nhiều tổ chức văn hóa - nghệ thuật đã, đang rất nỗ lực kết nối với nhau để tìm kiếm sáng kiến, chia sẻ nguồn lực để có thể cùng nhau nhanh chóng chuyển đổi mô hình hoạt động sang nền tảng trực tuyến, tinh giảm nhân lực và tối đa hóa nguồn lực để có thể sống sót sau đại dịch. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ và xã hội, những tổ chức này khó có thể trụ lại trước tác động của đại dịch COVID-19.

Hỗ trợ các tổ chức văn hóa nghệ thuật đối phó với đại dịch COVID-19: nỗ lực quốc tế và Việt Nam

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng thông qua các gói chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua các tác động của đại dịch COVID-19. Bên cạnh các chính sách về tài khóa và tiền tệ khẩn cấp, các gói cứu trợ dành cho các doanh nghiệp được ban hành, chính phủ nhiều quốc gia cũng nhanh chóng nhận thấy sự khó khăn không kém của khu vực văn hóa và nghệ thuật so với các khu vực kinh tế và xã hội khác, vì vậy, đã kịp thời đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa, nghệ thuật.

Khu vực châu Âu và châu Mỹ hiện có gói 160 triệu bảng Anh của Hội đồng Nghệ thuật Anh cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật; gói 22 triệu EUR của Bộ Văn hóa Pháp cho khu vực văn hóa và sáng tạo (kèm dừng và hoãn thuế thu nhập của tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực sáng tạo như điện ảnh, tài trợ 10 triệu EUR cho khu vực âm nhạc; 5 triệu EUR hỗ trợ tài chính cho các nhà hát tư; 2 triệu EUR cho các trung tâm triển lãm công và tư,...; gói hỗ trợ khẩn cấp 50 tỉ EUR của Đức nhằm hỗ trợ cho khu vực văn hóa (bao gồm tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân các nghệ sĩ; chia thành nhiều nhóm gói phù hợp với nhiều nhóm đối tượng cần hỗ trợ khác nhau như tài trợ trực tiếp và cho vay) (4); gói khẩn cấp 130 triệu EUR của Italy cho các công ty, nhà văn, nghệ sĩ, người biểu diễn, người hoạt động trong điện ảnh, du lịch và dừng thu thuế và đóng bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo; gói 75 triệu USD của Chính phủ Mỹ cho các tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận;… và các gói hỗ trợ khẩn cấp cho khu vực văn hóa của các quốc gia khác như Úc, Canada,… (5).

Ở khu vực châu Á, cuối tháng 3-2020, Singapore công bố gói cứu trợ khẩn cấp 1,6 tỉ đô Singapore dành cho các nhóm nghệ thuật, bao gồm cả hỗ trợ chi phí nâng cao năng lực (kỹ năng), duy trì việc làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (6); Hồng Kông (Trung Quốc) dành ra 55 triệu đô HK để hỗ trợ khu vực văn hóa và nghệ thuật. Hàn Quốc sẽ dừng thu 3% chi phí bán vé của các rạp chiếu phim và hỗ trợ chi phí khắc phục thiệt hại của các đơn vị sản xuất phim do hủy hoặc dừng hoạt động (7), trong khi Philippines cũng vừa kêu gọi các nguồn lực xã hội (ILMG Inivitative) để hình thành quỹ hỗ trợ khó khăn cho nghệ sĩ và các dự án văn hóa nghệ thuật trong lĩnh vực nhiếp ảnh, điện ảnh,… (8).

Trong bối cảnh dịch lan mạnh toàn cầu như hiện nay, Việt Nam nổi lên như một trường hợp thành công ở khu vực Đông Nam Á trong việc đưa ra nhiều biện pháp và sáng kiến phòng chống và ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19. Cũng như hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam đã, đang phải chịu tác động lớn đến kinh tế, xã hội và cả đời sống văn hóa và tinh thần của người dân.

Đầu tháng 4-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (9), thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính cho người dân và người lao động trên cả nước thuộc 6 nhóm gồm: người yếm thế, hộ nghèo và cận nghèo và người lao động, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra (10). Ngày 8-4-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, theo đó, các doanh nghiệp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim cũng thuộc đối tượng của nghị định này.

Như vậy, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gia đình và cá nhân là lao động có hợp đồng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo có thể nhận được sự hỗ trợ dưới hai hình thức trợ cấp thất nghiệp, mất thu nhập, giảm thu nhập… trực tiếp và trợ cấp qua gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của Chính phủ trên cơ sở của Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 Nghị định số 41/2020/CP này. Tuy nhiên, trong số gần 47.000 doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam, phần lớn có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thuê nhà đất/văn phòng/nhà xưởng từ tư nhân, theo đó, không phù hợp để nhận hỗ trợ về gia hạn đóng thuế thuê đất. Các tổ chức văn hóa nghệ thuật độc lập cùng lúc cũng đối diện với nhiều khó khăn tương tự như chi phí thuê địa điểm của tư nhân không được miễn, giảm; không có hoạt động dẫn dến không có nguồn thu, tư cách pháp nhân chưa có và lao động chủ yếu là tự do (freelancer) nên không phù hợp để nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết trên… Bên cạnh hai gói hỗ trợ trên của Chính phủ, các địa phương, các Bộ chủ quản và Chính phủ cần cân nhắc bổ sung những gói cứu trợ khẩn cấp để giúp các tổ chức, doanh nghiệp nhỏ vừa, các nghệ sĩ vốn đã luôn gặp khó khăn có thể vượt qua khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Một số giải pháp đề xuất nhằm hỗ trợ các tổ chức văn hóa - nghệ thuật Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-2019

Trên cơ sở khảo sát đánh giá nhanh thực trạng những khó khăn và thách thức mà các tổ chức văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam đã, đang phải đối mặt do đại dịch cúm COVID-19 gây ra, cùng việc tham khảo các kinh nghiệm hỗ trợ khẩn cấp của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới cho khu vực văn hóa và sáng tạo trong ứng phó với các tác động to lớn do đại dịch gây ra, nghiên cứu này đề xuất một số giải pháp mà Chính phủ Việt Nam có thể nhanh chóng thực hiện nhằm ứng cứu khẩn cấp cho khu vực văn hóa như sau:

Giải pháp chuyên biệt

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực 12 ngành công nghiệp văn hóa (gọi tắt là các doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo):

Miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với các doanh nghiệp hoạt động trong 12 ngành công nghiệp văn hóa (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, thiết kế, thời trang, du lịch văn hóa, phần mềm, kiến trúc,....). Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 để các doanh nghiệp có khả năng bù lại những tổn thất trong năm 2020 do COVID-19 gây ra.

Hoãn nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp hoạt động trong 12 ngành công nghiệp văn hóa.

Lãi suất ưu đãi đặc biệt cho các khoản vay ngân hàng của các doanh nghiệp hoạt động trong 12 ngành công nghiệp văn hóa trong năm 2020 và 2021 để hỗ trợ họ khắc phục hệ quả do dịch.

Gói hỗ trợ đặc biệt đối với các doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo quy mô nhỏ và vừa.

Đối với các tổ chức văn hóa nghệ thuật thuộc nhóm các đơn vị sự nghiệp công:

Tạm dừng áp dụng tự chủ 10% trong 2020-2021 cho các đơn vị sự nghiệp văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Tạm dừng lộ trình tự chủ toàn bộ trong năm 2020 đối với các đơn vị sự nghiệp văn hóa nghệ thuật và các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật.

Miễn thuế doanh thu trong năm 2020 cho mọi đơn vị sự nghiệp văn hóa nghệ thuật. Thực hiện giảm 50% thuế doanh thu trong năm 2021 để các đơn vị này có thể bù lại tổn thất nặng nề do dịch gây ra trong năm 2020.

Giảm hoặc dừng thu 50% chi phí mà các đơn vị sự nghiệp này thu được từ hoạt động bán vé tham quan, biểu diễn,... (đối với bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc...).

 Gói hỗ trợ đặc biệt và khẩn cấp năm 2020 cho từng đơn vị đơn vị sự nghiệp văn hóa nghệ thuật và các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, đảm bảo các đơn vị này có thể duy trì hoạt động quản trị tổ chức và trả một phần lương cho nhân viên hợp đồng, bán thời gian.

Đối với các không gian văn hóa sáng tạo ngoài công lập:

Quỹ hỗ trợ khẩn cấp dành cho các nghệ sĩ và các không gian sáng tạo Việt Nam giúp các đối tượng này vượt qua được khủng hoảng do COVID-19 gây ra. Quỹ này có thể được xây dựng trên cơ sở kêu gọi nguồn lực xã hội hóa từ các tập đoàn doanh nghiệp lớn và vững. Các khoản tài trợ gây quỹ từ nguồn xã hội hóa này cần được miễn thuế hoàn toàn.

Miễn thuế môn bài đối với các hộ kinh doanh cá thể có hoạt động văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo trong năm 2020 và 2021, do nhiều không gian này đăng ký tư cách pháp nhân là hộ kinh doanh cá thể.

Thúc đẩy các chương trình cho vay không lãi từ các ngân hàng cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật.

Khuyến khích các kênh truyền thông chính thống (kênh truyền hình, phát thanh) hỗ trợ truyền thông quảng bá hoạt động của các tổ chức văn hóa nghệ thuật này trên hệ thống truyền thông và truyền thông mới, giúp họ nhanh chóng tiếp cận được với cộng đồng và khán giả trong thời kỳ dịch bênh.

Thúc đẩy nhanh hoạt động số hóa và chia sẻ các kho, ngân hàng dữ liệu về văn hóa, nghệ thuật để khuyến khích các nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật và các doanh nghiệp sáng tạo ở Việt Nam sáng tạo ra các tác phẩm và sản phẩm dựa trên nguồn lực văn hóa quốc gia và bản địa (ví dụ: ngân hàng dữ liệu của các viện nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật, các thư viện quốc gia và cấp tỉnh; các thư viện chuyên ngành, Trung tâm Lưu trữ quốc gia...) để họ vẫn có thể tiếp tục sáng tác trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19

Giải pháp chung

 Xây dựng chương trình nâng cao năng lực quản trị các tổ chức văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ khủng hoảng và chuyển đổi, trong đó, huy động nguồn lực là các chuyên gia, giảng viên về quản trị, truyền thông, kinh doanh, gây quỹ, phát triển thị trường thành lập nhóm các chuyên gia của chương trình tham gia đào tạo nâng cao và bổ sung kiến thức và kỹ năng trên cho các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, các nghệ sĩ. Giai đoạn đầu của chương trình (trong giai đoạn dịch COVID-19), các tập huấn có thể được thực hiện trực tuyến. Mục tiêu của chương trình này là hỗ trợ xây dựng một đội ngũ những nhà quản lý, nghệ sĩ, người thực hành văn hóa nghệ thuật có kiến thức và kỹ năng tổng thể về thực hành văn hóa và sáng tạo một cách chuyên nghiệp, có khả năng tiếp cận thị trường và cộng đồng khán giả quốc tế lâu dài.

Chương trình đào tạo nâng cao năng lực của các tổ chức văn hóa nghệ thuật về khai thác các công nghệ tiên tiến, công nghệ kỹ thuật số phù hợp cho hoạt động chuyển đổi dạng thức của các sản phẩm, chương trình văn hóa, nghệ thuật từ trực tiếp sang trực tuyến như triển lãm ảo, tham quan bảo tàng ảo, chiếu phim trực tuyến, xem triển lãm trực tuyến với giám tuyển, đào tạo từ xa, hội thảo và tọa đàm trực tuyến,... (năng lực khai thác các phần mềm hiện có như Zoom, Google Classroom, Facebook Live; Live Tweet; Printerest (cho triển lãm trực tuyến); Podcasts, WhatsApp,…).

Chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản trị tổ chức văn hóa - nghệ thuật trực tuyến cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam (ví dụ: quản trị bằng các phần mềm như: Trello, Google Classroom, Microsft Teams, Webex, GoToMeeting…). Kỹ năng này có thể giúp ích cho các tổ chức văn hóa - nghệ thuật Việt Nam quản trị đơn vị một cách có hiệu quả, bền vững và có thể đối phó với nhiều khủng hoảng.

Khuyến khích và thúc đẩy các công ty công nghệ, truyền thông để có thỏa thuận trao tặng, tài trợ, hỗ trợ miễn phí, giảm phí cho việc sử dụng các công nghệ hỗ trợ hoạt động truyền thông (đường truyền băng thông rộng); công nghệ kỹ thuật số tiên tiến hỗ trợ hoạt động trực tuyến (công nghệ thực tế tăng cường/thực tế ảo AR/VR, số hóa, thu thanh, thu hình, chia sẻ dữ liệu trực tuyến,...) cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật có thể tiếp tục thực hiện các chương trình, sự kiện của họ trực tuyến; các công nghệ lữu trữ và chia sẻ trực tuyến cho phép các tổ chức này thay đổi phương thức lưu trữ hoạt động của tổ chức trong và sau dịch.

____________

1, 10. quochoi.vn

2. tapchicongsan.org.vn

3. Mạng lưới Sáng kiến không gian sáng tạo Việt Nam được thành lập từ năm 2018 bởi VICAS Art Studio, Heritage Space, DNES, TPD, Hanoi Grapevine và SiHub và chính thức ra mắt vào tháng 10-2019, đăng ký tư cách pháp nhân là doanh nghiệp xã hội. Mạng lưới này được đặt dưới sự bảo trợ về chuyên môn và một phần ngân sách hoạt động bởi Hội đồng Anh Việt Nam và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho giai đoạn 2019-2020, có tầm nhìn hỗ trợ cho sự kết nối của các tổ chức văn hóa nghệ thuật và sáng tạo ở Việt Nam.

4. archinect.com

5.bijutsutecho.com

6. channelnewsasia.com

7. hollywoodreporter.com

8. artsequator.com

9. moh.gov.vn

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

;