Suy ngẫm về sân khấu thời COVID

Cảnh trong vở Lau trắng của CLB Sân khấu thử nghiệm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - Ảnh: Hoài Phương

Những năm cuối cùng của thập kỷ thứ hai và đầu thập kỷ thứ ba của TK XXI sẽ đi vào lịch sử nhân loại như một giai đoạn có nhiều biến cố đau thương nhất, mang tính toàn cầu, do đại dịch COVID-19 gây ra. Hơn hai năm qua, hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã trải qua bốn đợt sóng dữ dội của đại dịch COVID-19 và hiện đang phải căng mình đối phó một đợt sóng mới đầy thách thức với biến thể Omicron. Dịch bệnh đã làm đảo lộn hoạt động của tất các lĩnh vực xã hội, trong đó đặc biệt là lĩnh vực sáng tác, biểu diễn nghệ thuật. Sâu khấu Việt Nam cũng không là một ngoại lệ và những thích ứng của các đoàn nghệ thuật, giới nghệ sĩ cả nước thời gian qua đã gợi lên nhiều suy ngẫm cho các nhà quản lý và công chúng.

1. Vẫn luôn đam mê và cống hiến

Nếu như những phương tiện hiện đại của công nghệ thời 4.0 giúp cho con người có thể giao lưu và kết nối toàn cầu không biên giới, không khoảng cách thì riêng loại hình nghệ thuật sân khấu lại có phần hạn hẹp, gò bó và “miễn cưỡng”. Đó là bởi sân khấu có những đặc thù mà quan trọng nhất là cần sự giao lưu trực tiếp với khán giả. Mỗi khi biểu diễn trên sân khấu, các nghệ sĩ luôn cần có sự cổ vũ của người xem; còn gì vui sướng hơn khi dưới kia là khán phòng phủ kín khán giả, sự chăm chú dõi theo từng hành động, từng câu thoại của nhân vật, là những tiếng cười bật lên thích thú và những tràng vỗ tay tán thưởng kéo dài... Những lúc như vậy, người nghệ sĩ biểu diễn sẽ hưng phấn, thăng hoa và cống hiến hơn!

Riêng với một số hình thức sân khấu truyền thống Việt Nam, khán giả không chỉ là người xem mà còn là người đồng sáng tạo cùng nghệ sĩ biểu diễn. Được diễn với một sân khấu có khán giả luôn là điều mong muốn thiết tha nhất của các nghệ sĩ sân khấu nói chung, nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nói riêng.

Chính vì vậy, suốt hai năm qua, mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành hết làn sóng này đến làn sóng khác, nhưng các nghệ sĩ sân khấu vẫn âm thầm luyện tập, dàn dựng vở mới, để mỗi khi lệnh “giãn cách”, “phong tỏa” được dỡ bỏ thì lập tức có kịch mục mới để phục vụ nhân dân và tham gia các cuộc liên hoan sân khấu.

Nhìn lại hoạt động của ngành Nghệ thuật biểu diễn năm 2020, chỉ riêng lĩnh vực sân khấu đã để lại nhiều thành tích đáng kể: tổ chức bốn cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên toàn quốc (các thể loại tuồng, dân ca kịch, chèo, cải lương, kịch nói) tại nhiều tỉnh, thành khác nhau; tổ chức Liên hoan nghệ thuật sân khấu về Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ tư; Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ tư... Ngoài ra, còn có hàng chục chương trình biểu diễn của các nhà hát với nhiều vở diễn mới.

Năm 2021, ngành Sân khấu Việt Nam kỷ niệm 100 năm - sân khấu Kịch nói chính thức ra đời. Do đại dịch diễn biến phức tạp nên công tác tổ chức lễ kỷ niệm chưa thực sự xứng tầm với sự kiện quan trọng này, song dẫu sao nó cũng có ý nghĩa khuấy động tâm thức của những người làm sân khấu Việt Nam, làm sống dậy trong họ lòng yêu nghề và niềm tự hào với những thành tựu đã đạt được của sân khấu Kịch Việt Nam trong một thế kỷ qua, đồng thời động viên nhau tiếp tục cống hiến.

Sau ba lần bị trì hoãn, Liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021 đã được tổ chức tại thành phố Hải Phòng, từ ngày 5 đến ngày 17-11. Tham gia Liên hoan có 600 diễn viên của 14 đơn vị nghệ thuật sân khấu phía Bắc với 20 vở diễn. Có lẽ, đây là một kỳ Liên hoan có nhiều điều “đặc biệt” nhất trong các kỳ liên hoan sân khấu ở nước ta. Trước hết, vì diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh đang khá căng thẳng nên tuy là liên hoan sân khấu nhưng không có khán giả, hầu hết các đoàn chỉ đến để diễn rồi về, bản thân các nghệ sĩ cũng không có cơ hội xem vở diễn của đơn vị khác. Thứ hai, cũng tại Liên hoan lần này, Bộ VHTTDL có quy chế mới là thêm giải Huy chương Đồng cho vở diễn và diễn viên; cũng theo quy chế mới, Liên hoan lần này có đến 6 vở được tặng Huy chương Vàng (trong khi chỉ có 3 vở Huy chương Bạc). Thứ ba, vì các đơn vị nghệ thuật và công chúng không có điều kiện đến nhà hát xem trực tiếp nên Ban tổ chức đã đưa toàn bộ các vở diễn lên YouTube, đáp ứng nhu cầu của người quan tâm. Đây cũng là một hình thức mới mẻ chưa từng có ở các kỳ liên hoan trước đây.

Điều đáng trân trọng là mặc dù trong hoàn cảnh mà hầu như mọi hoạt động nghệ thuật bị ngừng trệ, thu nhập của nghệ sĩ bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng các đơn vị nghệ thuật vẫn nhiệt tình tham gia Liên hoan. Một số nhà hát còn tham gia tới 2 vở diễn, trong đó có Sân khấu Lệ Ngọc - một đơn vị nghệ thuật tư nhân nhưng luôn đứng ở vị trí hàng đầu các đơn vị có nhiều vở diễn tham gia các kỳ liên hoan sân khấu gần đây.

Nhìn một cách tổng quát, sân khấu Việt Nam năm 2021, với cái kết là Liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, khá thành công, ghi nhận sự năng động vượt khó của cơ quan quản lý là Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL, hội nghề nghiệp là Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và các nghệ sĩ sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại khiến cho những người tâm huyết với sân khấu Việt Nam còn chưa yên lòng.

2. Những điều trăn trở

Thực tế nhiều năm qua, các đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan sân khấu thường chỉ đến diễn theo lịch rồi về, chứ không ở lại đợi xem vở diễn của đơn vị khác. Lý do chính là vì liên hoan được tổ chức luân phiên tại một địa phương, kéo dài nhiều ngày trong khi điều kiện kinh phí hạn hẹp nên các đoàn từ xa tới dự khó có đủ điều kiện để trang trải chi phí sinh hoạt cho cả đoàn. Điều này làm giảm hiệu quả của các cuộc liên hoan sân khấu rất nhiều, vì đáng lẽ, đây là cơ hội để nghệ sĩ trao đổi và học hỏi lẫn nhau.

Vẫn biết, tổng chi phí cho một cuộc liên hoan sân khấu tầm quốc gia là không nhỏ, và không thể kéo dài mãi tình trạng để Nhà nước phải chu cấp cho các đơn vị nghệ thuật, nhưng thiết nghĩ, Nhà nước nên có chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế (về thuế, về cơ sở hạ tầng...) để khuyến khích họ tài trợ cho nghệ thuật. Đây là cách mà nhiều nước trên thế giới đã làm từ lâu. Ngay ở nhiều nước phát triển, các nhà hát, đoàn diễn cũng không thể hoạt động chỉ từ nguồn thu bán vé, họ đều phải dựa vào các khoản tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau... Ở Việt Nam, nếu đơn vị nghệ thuật nào tìm được tài trợ thì cũng chỉ là mang tính ngắn hạn, cho từng dự án cụ thể, chủ yếu dựa vào các quan hệ cá nhân, chứ chưa phải do chính sách ở tầm quốc gia mang lại. Đó là lý do vì sao các đơn vị nghệ thuật “xã hội hóa”, không thể cầm cự lâu dài.

Câu chuyện của huy chương và danh hiệu cũng là một vấn đề của liên hoan sân khấu. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ví dụ như: sân khấu luôn trong tình trạng thiếu kịch bản mới có chất lượng để dàn dựng, không ít diễn viên mong có đủ huy chương theo quy định để được phong danh hiệu NSƯT, NSND nên rất cần có vai diễn. Do vậy, nhiều đoàn phải dựng lại kịch bản cũ, hoặc kịch bản đã được nhiều đoàn dựng rồi, sau đó đạo diễn “ưu tiên” cho những diễn viên nào cần có Huy chương Vàng, Bạc để sắp tới đăng ký nâng danh hiệu bằng cách “bồi đắp” thêm cho vai mà diễn viên đảm nhiệm, nhằm tạo đất diễn cho diễn viên... Trong trường hợp đó, vở diễn chỉ như cái “cớ” dẫn dắt câu chuyện, còn vài ba nhân vật chính mới là “mục đích”, là “trung tâm”... Đây là một cách làm phản nghệ thuật, nhất là đối với nghệ thuật sân khấu - một loại hình nghệ thuật tổng hợp đòi hỏi tất cả các bộ phận cấu thành phải được hòa quyện chặt chẽ với nhau thành một khối thống nhất là vở diễn. Đáng tiếc rằng, đây lại là cách mà không ít đoàn đã làm trước đây và ngay ở trong Liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021.

Theo tôi, chừng nào các quy định, quy chế về phong danh hiệu nghệ sĩ chưa được cải tiến, chưa được thay đổi thì tình trạng này sẽ còn tiếp tục xảy ra. Nếu vậy, e rằng đến một lúc nào đó, các nghệ sĩ chờ đợi tham gia liên hoan sân khấu chỉ là để tìm kiếm huy chương, chứ không còn vì niềm đam mê ánh đèn của “thánh đường nghệ thuật” và vì khát khao cống hiến.

Từ khi đất nước chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (1986) đến nay đã 36 năm, vậy nhưng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, quá trình chuyển đổi cơ chế mới diễn ra rất chậm chạp. Hiện nay, 10/12 đơn vị nghệ thuật công lập trực thuộc Trung ương vẫn hưởng 100% ngân sách của nhà nước, và chỉ có 2 đơn vị hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính là Nhà hát Nghệ thuật đương đại và Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Tất cả các đơn vị nghệ thuật công lập ở địa phương vẫn hoạt động nhờ vào ngân sách nhà nước cấp qua tỉnh, thành phố sở tại. Nhiều đơn vị nghệ thuật “xã hội hóa” (tư nhân) ra đời, hoạt động sôi nổi, có hiệu quả kinh tế và xã hội trong khoảng 10 năm đầu tiên. Tuy nhiên, chừng dăm năm trở lại đây, nhiều địa chỉ sân khấu tư nhân đã trở nên trầm lắng, thưa vắng khán giả, phải đóng cửa, giải thể hay hoạt động cầm chừng.

Ở phía Bắc, chỉ có duy nhất một đơn vị sân khấu tư nhân là Sân khấu Lệ Ngọc. Khởi nguồn từ nhóm kịch xã hội hóa của Nhà hát Kịch Việt Nam, bắt đầu hoạt động từ năm 2013, đến tháng 9-2016, Câu lạc bộ Sân khấu Lệ Ngọc chính thức được thành lập, trực thuộc Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và sự hỗ trợ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ban lãnh đạo của Sân khấu này gồm: NSND Lệ Ngọc (người đã có hơn 40 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam) làm Chỉ đạo nghệ thuật, nghệ sĩ Văn Hải là Giám đốc sản xuất, và nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh là Giám đốc điều hành. Điều đáng ngạc nhiên và khiến nhiều người trong nghề phải khâm phục là từ khi ra đời đến nay, Sân khấu Lệ Ngọc hoạt động không ngừng nghỉ, năm nào cũng ra mắt vở mới, riêng năm 2019, dàn dựng 4 vở. Trong năm 2020, một năm đầy những biến động bất lợi của toàn thế giới trước đại dịch COVID-19, Sân khấu Lệ Ngọc đã dàn dựng và ra mắt 6 vở mới. Đặc biệt, năm 2021 vừa qua, Sân khấu Lệ Ngọc vẫn dàn dựng thêm 3 vở mới.

Chỉ trong vòng 5 năm chính thức đi vào hoạt động, Sân khấu Lệ Ngọc đã làm được khối lượng công việc khổng lồ mà không một nhà hát nào, dù là công lập cũng như ngoài công lập làm được. Ngoài việc phục vụ khán giả trong Nam, ngoài Bắc hàng trăm suất diễn, Sân khấu Lệ Ngọc còn “mang chuông đi đánh xứ người”, nhiều lần tham gia các liên hoan sân khấu quốc tế ở Trung Quốc, Hàn Quốc, lần nào cũng đạt giải cao; năm 2019 đoàn đi biểu diễn ở trên 10 quốc gia châu Âu và châu Á... Tại Liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021, Sân khấu Lệ Ngọc tham gia 2 vở và có 1 vở dành Huy chương Vàng, cùng nhiều Huy chương dành cho cá nhân diễn viên. Những bước tiến gần đây của Sân khấu Lệ Ngọc cho thấy, địa chỉ này đang phấn đấu hướng tới những vở diễn có chất lượng nghệ thuật ngày càng cao.

“Hiện tượng Sân khấu Lệ Ngọc” không ít lần khiến những người trong giới sân khấu phải đặt câu hỏi: vì sao một đơn vị sân khấu tư nhân, hoạt động trong một cơ chế, hoàn cảnh xã hội chung chưa thực sự thuận lợi, không chỉ đứng vững, lại còn tiến lên từng bước chắc chắn và hiệu quả như vậy?

Thiết nghĩ, cần đổi mới nhiều hơn nữa cơ chế quản lý đối với các đơn vị nghệ thuật. Không thể trì hoãn việc thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật ở nước ta, một chủ trương mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, nhưng để chủ trương đi vào thực tiễn và biến thành hành động có hiệu quả thì cần sự đồng bộ trong chính sách của Nhà nước, cần có sự đồng hành của nhiều bộ, ngành, nhiều tập đoàn kinh tế và tổ chức xã hội, chứ không chỉ riêng Bộ VHTTDL.

Hy vọng rằng, niềm đam mê nghệ thuật, tình yêu sân khấu và khát khao cống hiến của các nghệ sĩ Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn dồi dào trong trái tim của mỗi người, chỉ cần được sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước với những chính sách thiết thực, hiệu quả, sự khích lệ và ủng hộ của công chúng yêu nghệ thuật thì niềm đam mê và tình yêu ấy sẽ lại bùng cháy hết mình.

GS, TS LÊ THỊ HOÀI PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022

;