SỰ LAN TỎA CỦA MÚA CHĂM TẠI NHẬT BẢN VÀ TRUNG QUỐC

Trong suốt bề dày lịch sử từ cuối TK II cho đến nay, người Chăm đã sáng tạo nên một nền văn hóa nghệ thuật vô cùng rực rỡ. Sau những khúc quanh lịch sử và sự thay đổi địa lý, người Chăm đã để lại trên dải đất đồng bằng duyên hải miền Trung nhiều di tích đền tháp cổ kính rất giá trị về mặt kiến trúc và điêu khắc. Các khu đền tháp này vốn là những trung tâm tôn giáo và tâm linh của dân tộc Chăm. Ở đó, thông qua những lễ hội và nghi lễ, họ đã gửi gắm cả niềm tin yêu, hy vọng của mình tới các đấng tối cao với ngôn ngữ giao tiếp chính là những điệu múa. Có thể nói, đối với người Chăm, trong quá khứ cũng như hiện tại, múa là linh hồn, là cuộc sống của cả cộng đồng, là một trong những bản sắc không thể thiếu của cư dân Chăm.

Nghệ thuật múa Chăm mang đậm sắc thái đặc trưng, độc đáo về nội dung, đa dạng về loại hình, phong phú về hình thức. Các hình thái múa Chăm đã đồng hành cùng với lịch sử phát triển của dân tộc Chăm và tiến triển phù hợp với từng giai đoạn xã hội. Tuy chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa Ấn Độ, văn hóa Đông Nam Á… nhưng người Chăm đã biết chắt lọc và sáng tạo nên nền nghệ thuật múa của riêng mình. Ngày nay, nghệ thuật múa Chăm là một trong những lĩnh vực nghệ thuật truyền thống được gìn giữ và phát triển, là một phần tinh hoa của nền nghệ thuật nước nhà.

Trong thời gian qua, múa Chăm đã thu hút các nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau quan tâm và tìm hiểu. Những công trình nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật múa Chăm và các vấn đề liên quan cũng đã được công bố trên sách, báo và tạp chí chuyên ngành. Gần đây, một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đưa ra những cơ sở lý luận khoa học về sự lan tỏa của múa Chăm ở Nhật Bản và Tây Tạng. Đây là nguồn thông tin hết sức thú vị và là tư liệu quý khẳng định vai trò và giá trị của nghệ thuật múa Chăm ở các nước trong khu vực.

Phật giáo đã xuất hiện ở vương quốc Champa từ TK I, II tại trung tâm Kauthara và phát triển cho đến TK XV (1). Các nhà sư khi đảm nhận vai trò hoằng pháp đã nối kết mối giao lưu giữa nền văn hóa Chăm với Nhật Bản và Tây Tạng thông qua một số nghi thức múa và âm nhạc đặc biệt mà hiện vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Vị sứ giả đã lưu truyền âm nhạc và múa Lâm Ấp là nhà sư Phật Triết. Từ nhỏ, Phật Triết đã theo học Phật giáo. Thấy chúng sinh nghèo khổ, ông muốn cứu giúp nên đã bơi thuyền ra biển Nam Hải đọc chú để Long Vương đem ngọc Như Ý ra. Nhưng Long Vương đã nói dối và đem ngọc trốn xuống biển. Lúc đó, sóng biển rất to làm thuyền bị lật, Phật Triết đã may mắn gặp nhà sư Bồ Đề Thiên Na đang trên đường sang Trung Quốc. Tại đây, hai người kết bạn và cùng nhau sang tu tại Ngũ Đài Sơn (Sơn Tây, Trung Quốc). Năm 736, Phật Triết và Bồ Đề Thiên Na được mời sang Nhật Bản, cả hai nhà sư đã được đất nước mặt trời mọc hết sức quí mến và trọng dụng. Như vậy, Phật Triết và Thiên Na đã dùng con đường tơ lụa trên biển đến với Trung Hoa. Mối liên hệ của miền Trung Việt Nam với Ấn Độ bằng đường biển, và vai trò của người Ấn Độ đã được xác nhận ở thời kỳ Phật Triết.

Những truyền thuyết về quá trình du nhập nhạc Lâm Ấp vào Nhật Bản qua tiểu sử cao tăng Nhật Bản được trích thuật lại như sau: “Thánh Vũ Thiên hoàng năm Thiên Bình (Tenpyo), nhà sư Nam Thiên Trúc là Bồ Đề cùng với nhà sư nước Lâm Ấp (Rinyoo) là Phật Triết, đi chiếc thuyền nhỏ ghé cảng Nanba (Osaka ngày nay). Nhà sư Bồ Đề thuộc dòng tộc Bà La Môn, tầng lớp quý tộc cao nhất ở nước ngài. Thiên Hoàng vô cùng sùng kính Bồ Đề Thiên Na, sau phong làm Tăng Chính (vị tăng lữ cao nhất của triều đình). Ngài Phật Triết thông thạo âm nhạc bản xứ (Lâm Ấp). Ngày nay trong nhạc bộ có các khúc Bodi (Bồ Đề), Bạt Đầu già (Batooka), Lâu tần (Roubin) và nhạc Lâm Ấp (Rinyougaku) đều do ngài Phật Triết truyền lại cho Nhật Bản” (2).

Múa Bồ Đề là một điệu múa trong nhã nhạc của Đông Nam Á. Bồ Đề là dịch âm chữ Hán của chữ Bodhi, tức là đạo, giác, tri để bỏ hết phiền não và có được trí tuệ đúng đắn. Múa Bồ Đề nhạc Lâm Ấp có thể được hiểu là những điệu múa Phật Giáo mang tính cách Lâm Ấp. Ngày nay, múa Lâm Ấp và múa Bồ Đề không còn tất cả những chi tiết như trước, chỉ có múa Bạt Đầu tạm gọi là đầy đủ.

Múa Bạt Đầu là điệu múa Taishiki (Thái thực) trong Đường nhạc. Sáo là nhạc cụ chính yếu. Múa một người ( hitorimai ) có hai loại : múa bên trái và múa bên phải, như vừa múa vừa chạy ( hashirimai ) hoặc đôi khi múa trẻ con (đồng vũ). Mặt nạ có mũi màu đỏ và màu đen, đầu tóc hình dạng ghê rợn, tay phải đánh trống, tay trái vừa múa vừa nắm tay. Tương truyền điệu múa này được Phật Triết và Thiên Na đưa vào Nhật Bản từ Trung Hoa dưới đời nhà Đường .

 
 
 
Điệu múa Bạt Đầu (Taishiki) Nhật Bản. Ảnh TL 
 

Ngoài ra, theo nguồn tư liệu và bia ký ở chùa Nhật Bản ghi chép, múa Chăm đã lan tỏa sang Nhật Bản, gọi là Gagaku, chứa đựng tám điệu khúc cổ nhạc có nguồn gốc từ Champa với tên gọi Lâm Ấp bát nhạc. Đây cũng là những điệu nhạc thịnh hành nhất ở Nhật Bản từ xưa đến nay bao gồm: Karyobin (Ca lăng tân), Bosatsu (Bồ Tát), Bairo Bugaku (Bồi Lô), Bato (Bạt Đầu), Án Ma (gồm hai vũ khúc), Ryo-o (La Lăng Vương), Koingu (Hồ Âm Tửu - một khúc tân nhạc), Manjugaku (Vạn Thu nhạc). Tài liệu của Viện nghiên cứu nhã nhạc Kyoto ghi về Bairo như sau: “Điệu múa Bồi Lô phá trận nhạc là một điệu múa điển hình trong các điệu vũ nhạc gọi là Thái Bình nhạc tả phương (một trong tám điệu múa gọi là Lâm Ấp Bát nhạc), do ngài Bà La Môn tăng chính nổi tiếng là Bồ Đề Thiên Na và nhà sư Phật Triết người Lâm Ấp (Việt Nam) truyền vào Nhật Bản, dưới thời Thiên Hoàng Shomu (trị vì từ năm 724 đến năm 748). Thái tử Shotoku, ngài Monobe no Moriya và ngài Hiroman Taro Yoshie thường hay tấu vũ nhạc này khi ra trận... Như vậy chính Nhật Bản đã công nhận điệu vũ nhạc Gagaku là một thể loại opera vừa múa, vừa hát là nhạc Lâm Ấp (3).

Ngược dòng lịch sử, ít ai nghĩ rằng Tây Tạng (Trung Hoa) và văn hóa Chăm (Việt Nam) có mối giao lưu văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực múa và âm nhạc. Tây Tạng ở vùng núi cao chót vót, hiểm trở, nơi dãy núi Hymalaya được coi như mái nhà thế giới và chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa cổ đại Ấn Độ và Trung Hoa. Tuy vậy, văn hóa Tây Tạng và văn hóa Chăm đều có sự tiếp nhận văn minh Ấn Độ và Phật giáo từ rất sớm. Sự giao lưu kết nối giữa nền văn hóa Tây Tạng và Champa thông qua các nhà sư truyền đạo pháp và nghệ thuật múa. Theo các ghi chép của thư tịch cổ Tây Tạng, vũ đạo Chăm xuất hiện từ khi Tây Tạng còn theo hệ thống tín ngưỡng Bon, vì vậy, rất có thể tên Bon Cham được hình thành từ đây. Tại đây, vũ điệu Chăm được người dân và tín đồ Phật giáo xem là rất linh thiêng và được tổ chức vào những thời điểm khác nhau trong suốt một năm, nhưng chủ yếu là ở lễ hội Monlam đầu năm mới. Theo các đại tạng kinh tra cứu, “đây là nghi thức múa lục cúng của phái Mật Tông. Mục đích của Lục Cúng là nhằm cúng dường chư Phật. Trước hết là tưởng nhớ ân sâu hóa độ của Đức Phật và qua đó là thực hành phụng sự chúng sinh, truyền bá chính pháp”.

Vũ đạo Chăm trong Molam không bị giới hạn trong dịp năm mới, như một biểu hiện của nguồn gốc và sức mạnh Phật giáo Tây Tạng. Nó thường tổ chức vào những thời điểm quan trọng trong năm. Chẳng hạn như lễ Đản Sinh của Đức Padmasambhava, ngày sinh nhật của Đức Tsongkapa, trong tháng âm lịch Saga Dawa, và ở một vài thời điểm khác nữa. Điều quan trọng là hầu hết các tu viện không nhất thiết phải tổ chức vũ điệu Chăm, nhưng có thể nhiều tu viện nhỏ hơn sẽ tham gia với nhau và kết hợp tổ chức tại một địa điểm thỏa thuận. Các điệu múa này không được thực hiện hoặc thưởng thức với mục đích giải trí mà như một sự kiện thiêng liêng cần thiết hàng năm, nơi con người và các vị thần của đất cùng tập hợp lại để củng cố, làm hài hòa các năng lượng vũ trụ cũng như tinh thần giữa họ và đất. Các vị vua của Tây Tạng đã tổ chức thực hiện những điệu múa thiêng trong lễ đăng quang với mục đích thông báo tới các vị thần và mong nhận được phước lành của họ, đồng thời thiết lập sự hài hòa với các vị thần của đất để tìm kiếm, tăng cường tính hợp pháp cho chính quyền thế tục của họ để cai trị (4).

Bon Cham mang một cái tên mà ít ai có thể giải thích được. Bon là loại hình tín ngưỡng bản địa của Tây Tạng, còn Cham xuất hiện vào thời kỳ Phật giáo nhưng không có ý nghĩa gì về tính triết lý cũng như ngữ nghĩa. Hệ ngôn ngữ Tạng Miến không thấy xuất hiện từ này và chúng ta chỉ có thể xác định nó theo hệ ngôn ngữ tiếng Sanskrit của một địa danh mang tên Champa thuộc miền Bắc Ấn Độ và Chăm - một dân tộc xuất hiện sớm tại vùng đất miền trung Việt Nam, chủ nhân của vương quốc Champa xưa. Theo các học giả nghiên cứu ở Tây Tạng, Bon Cham xuất hiện từ TK VIII dưới sự trị vì của đức vua Trisong Deutsen (742 – 800). Người quyết định đưa Bon Cham vào nghi lễ chính thức trong các tu viện là Đức Liên Hoa Sanh (Guru Rimpoche), một vị chân sư đến từ Ấn Độ. Mục đích của việc phát triển Bon Cham là nhằm hóa giải sự xung đột tín ngưỡng bản địa là Bon Po và Phật giáo lúc bấy giờ. Bon Cham ngày nay được các tu viện Phật giáo Tây Tạng khôi phục và trình diễn liên tục vào các dịp đón mừng năm mới hay vào các ngày đại lễ của đạo Phật.

Từ những ghi chép ở ngôi chùa của Nhật Bản về điệu múa mang tên Lâm Ấp nhạc có liên quan đến nhà sư Bồ Đề Thiên Na, bước đầu khẳng định Bon Cham và Lâm Ấp nhạc là một điệu khúc vũ đạo và âm nhạc Phật giáo thuộc trường phái Kim Cang thừa. Hình thức múa này đã phát triển mạnh ở Champa và sau đó đã lan truyền sang Nhật Bản và Tây Tạng (5).

Ngày nay âm nhạc và vũ đạo Lâm Ấp vẫn được trình diễn ở các chùa Nhật Bản và tu viện phật giáo ở Tây Tạng. Họ xem đây là điệu khúc cổ nhất, thiêng nhất trong các vũ đạo truyền thống. Ở Tây Tạng, Bon Cham là linh hồn của người dân Tây Tạng vì vậy mặc dù trải qua hàng ngàn năm biến thiên của lịch sử nhưng điệu khúc này vẫn trường tồn. Ở Nhật Bản, âm nhạc và vũ đạo Lâm Ấp đã được trình diễn trong các đoàn nghệ thuật và trung tâm văn hóa.

Có thể nói, nghệ thuật múa Chăm không chỉ nảy sinh, phát triển ở các cộng đồng người Chăm mà còn lan tỏa, tồn tại ở một số nước trong khu vực châu Á. Những khảo cứu theo chủ đề này đã đem lại một diện mạo khá trọn vẹn của Lâm Ấp bát nhạc Bon Cham vào TK VII - VIII, là những tài liệu quý và trung thực nhất giúp các nhà nghiên cứu vũ đạo và âm nhạc có cái nhìn tổng quan hơn về nghệ thuật Champa trước TK XV.


_________________

1, 4, 5. Thông Thanh Khánh, Múa Chăm ở Tây Tạng, Trung Quốc, 1999.

2. Lê Hải Nam dịch.

3. Shin Toshihiko và Trương Văn Món, Tài liệu nhạc Lâm Ấp TK VIII ở Nhật Bản ( TS.Shin Toshihiko, giảng viên, Giám đốc Văn phòng đại diện Đại học Kyoto tại Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Trương Văn Món, giảng viên, Giám đốc trung tâm UNESCO nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chăm).

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015

Tác giả : NGUYỄN THÚY NGA

;