Chủ tịch Hồ Chí Minh - người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới TK XX, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, một vĩ nhân đã suốt đời hoạt động và cống hiến sáng tạo cho cuộc đấu tranh vì con người, cho con người và giải phóng con người khỏi sự bần cùng, áp bức và sự tha hóa. Trong đời sống tinh thần của dân tộc ta, Hồ Chí Minh đã trở thành một tấm gương sáng ngời về tư tưởng, đạo đức và phong cách. Bài viết xin đề cập đến phong cách lãnh đạo của Người trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
Phong cách, phong cách lãnh đạo và phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh
Trước hết, phong cách (style) là một khái niệm có nhiều hàm nghĩa. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa phong cách là: “1. Những lối, những cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên cái riêng của một người hay một loại người nào đó (nói tổng quát (…) 2. Những đặc điểm có tính chất hệ thống về tư tưởng và nghệ thuật (…); 3. Dạng ngôn ngữ sử dụng trong những yêu cầu chức năng điển hình nào đó, khác với những dạng khác về đặc điểm từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm...” (1). Tuy nhiên, ở một phương diện đầy đủ hơn, phong cách có thể được hiểu là những đặc trưng rất ổn định về phẩm chất và năng lực của con người được bộc lộ qua hành vi, hành động trong các quan hệ với tự nhiên, xã hội và với chính bản thân mình. Phong cách được hình thành trên cơ sở tư tưởng, đạo đức, lối sống, tài năng, sở trường, khí chất, nghề nghiệp, lẽ sống, lối sống của mỗi người. Tất nhiên, không phải ai cũng có phong cách rõ rệt. Chỉ những người thật sự có năng lực và giàu cá tính mới có phong cách nổi bật.
Phong cách lãnh đạo là toàn bộ phẩm chất đạo đức và năng lực tri thức của người lãnh đạo, được thể hiện qua phương pháp, cách thức, hành vi, nghệ thuật ứng xử, sử dụng quyền lực để chỉ huy, điều khiển một tổ chức, bộ máy, cơ quan, đơn vị và con người, hướng tới mục tiêu cần đạt tới, trên một phạm vi nhất định. Giống như phong cách sống của mỗi cá nhân, phong cách lãnh đạo không tự nhiên mà có. Phong cách lãnh đạo được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện của người lãnh đạo. Các yếu tố cấu thành nên phong cách lãnh đạo gồm 5 yếu tố sau: Một là, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người lãnh đạo (yếu tố nền tảng để hình thành và phát triển phong cách lãnh đạo); Hai là, trình độ và kết quả nhận thức (nhất là các tri thức khoa học, tri thức về lãnh đạo, tri thức về các bộ môn khoa học xã hội, nhân văn); Ba là, những đặc điểm về tâm lý, khí chất, nhân cách cá nhân… Bốn là, kinh nghiệm và sự rèn luyện trong thực tiễn, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Năm là, môi trường công tác; những điều kiện kinh tế - xã hội - văn hóa mà người lãnh đạo sinh sống và làm việc. Bằng tài năng kiệt xuất của một vị lãnh tụ vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam và rèn luyện những thế hệ đảng viên cộng sản lãnh đạo cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch là tấm gương sáng ngời để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta noi theo, bước tiếp trên những chặng đường lịch sử của dân tộc. Chính vì vậy, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã khẳng định: đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị. Nhằm mục đích kế thừa di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với phạm vi rộng hơn, yêu cầu cao hơn, mà trọng tâm là học và làm theo phong cách của Bác. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, bao gồm một số nội dung chính là: phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách diễn đạt. Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh là tổng hòa các phương thức, biện pháp, cách thức và nghệ thuật lãnh đạo cách mạng mà Người đã thực hiện trong suốt cuộc đời vì dân, vì nước. Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh được hình thành từ vị trí, vai trò, uy tín, vốn sống, điều kiện chính trị; phản ánh các phẩm chất cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, tình cảm, tri thức, ý chí, tính cách của Người gắn liền với những hoàn cảnh thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú.
Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh vừa thấm nhuần tinh hoa lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa thể hiện vẻ đẹp bản sắc văn hóa và con người Việt Nam, tạo thành những giá trị bền vững, có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Ngày nay, phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh đã trở thành hệ giá trị tri thức đặc biệt, có tác dụng to lớn trong quá trình giáo dục, rèn luyện phong cách của cán bộ lãnh đạo, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị ở nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
Đặc trưng phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng một phong cách lãnh đạo đúng đắn, khoa học, phù hợp và hết sức hiệu quả. Nhờ đó, Người đã cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đấu tranh cách mạng, vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ để giành được những thắng lợi to lớn, vẻ vang. Những đặc trưng tiêu biểu trong phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh được thể hiện sinh động trong cuộc đời vì dân, vì nước của Người.
Một là, luôn kết hợp giữa nhiệt tình, ý chí cách mạng với tư duy khoa học biện chứng; gắn lý luận với thực tiễn; tôn trọng khách quan, tránh bệnh chủ quan; biết dự báo với tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ lãnh đạo, trước hết phải nhiệt tình, có ý chí cách mạng, bởi đây là yếu tố cơ bản, động lực cho mọi hành động. Tuy nhiên, nhiệt tình và ý chí cách mạng chỉ phát huy hiệu quả khi tuân theo các quy luật khách quan và kết hợp chặt chẽ với tri thức khoa học. Nếu không có tư duy khách quan, khoa học mà chỉ trông cậy vào sự nhiệt tình cách mạng, thì dễ rơi vào tình trạng chủ quan, duy ý chí, hành động trái quy luật, làm cản trở bước tiến của cách mạng. Nhiệt tình cách mạng của người cán bộ lãnh đạo chỉ có hiệu quả khi họ thực sự có vốn kiến thức phong phú, sâu rộng về công việc, lĩnh vực đang phụ trách. Tri thức khoa học được hình thành trong quá trình học tập, nghiên cứu chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, kết hợp với sự nhạy cảm chính trị trước những diễn biến mới từ thực tiễn. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân…”(2).
Tư duy khoa học của người lãnh đạo có vai trò quan trọng, tạo nền tảng để hình thành phong cách lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo, không giáo điều, máy móc. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh bao giờ cũng nhìn nhận thực tiễn bằng tư duy khoa học biện chứng như Người từng viết thành thơ: “Sự vật vần xoay đà định sẵn/ Hết mưa là nắng hửng lên thôi” (Trời hửng). Như vậy, tư duy khoa học, biện chứng, gắn lý luận với thực tiễn sẽ giúp người lãnh đạo biết phân tích đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, tổng hợp, minh chứng thuyết phục, đối chiếu với đời sống thực tế; không sa vào võ đoán, chủ quan, phiến diện, từ đó có thể nhận biết sâu sắc về bản chất của vấn đề, dự báo về tình hình trong tương lai theo quy luật khách quan. Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều nghiên cứu lý luận, thực tiễn để dự báo khá chính xác về diễn biến quy luật cách mạng nước ta, đó cũng là phong cách lãnh đạo đặc biệt của Người. Chẳng hạn, Bác đã dự báo về thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, về thời điểm giải phóng miền Nam năm 1975. Ngay từ những năm 1960, Hồ Chủ tịch đã dự báo Mỹ chỉ chịu thua khi chúng thất bại bằng B52 trên bầu trời Hà Nội. Trên cơ sở đó, quân đội ta đã sớm xây dựng, phát triển quân chủng phòng không, không quân, chuẩn bị lực lượng, phương án tác chiến và chủ động đập tan cuộc tập kích của Mỹ bằng B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng khắp năm châu, bốn biển.
Hai là, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “tập trung dân chủ”, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”
Xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh đã xây dựng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong phong cách lãnh đạo cách mạng. Đây là nguyên tắc thể hiện quan điểm chính trị của Đảng ta, thể hiện bản chất chính trị của Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách giúp cho công tác lãnh đạo tránh được sai lầm, bởi trí tuệ của tập thể bao giờ cũng toàn diện và phong phú hơn cá nhân. Mọi quyết định của cá nhân người lãnh đạo phải xuất phát từ ý kiến tập thể, nhưng không vì thế mà vai trò người lãnh đạo bị lu mờ. Hơn thế, nếu nhà lãnh đạo biết lắng nghe ý kiến tập thể thì sẽ có những quyết định đúng đắn, khoa học, không rơi vào phiến diện, võ đoán, chủ quan. Chính vì vậy, mặc dù là nhà lãnh đạo cao nhất, nhưng Hồ Chí Minh vẫn luôn tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định. Mọi vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật…, Người đều dựa vào đội ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải được cân nhắc, lựa chọn thận trọng, để sau khi ban hành, ít phải thay đổi, bổ sung. Hồ Chí Minh yêu cầu công tác lãnh đạo phải đi đúng đường lối quần chúng, phải biết lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, kể cả những người bình thường trong cơ quan đơn vị. Người lập luận: “Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người: trông từ trên xuống. Vì vậy sự trông thấy có hạn. Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác: họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn. Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệm cả hai bên lại. Muốn như thế, người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng” (3).
Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào trí tuệ của nhân dân, luôn tin rằng họ là người hiểu nhất vấn đề của chính họ, cái mấu chốt là cán bộ lãnh đạo phải làm sao để khơi dậy nguồn lực trí tuệ đó. Người chỉ rõ: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra” (4). Người lãnh đạo phải tôn trọng nguyên tắc dân chủ, từ dân chủ trong Đảng đến dân chủ trong các cơ quan đại biểu của dân, thực hiện đường lối quần chúng; phải nắm vững và hiểu sâu cơ sở, đi vào thực tế, gần gũi, hòa đồng với quần chúng để thực hiện vai trò lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo biết lắng nghe, thấu hiểu và phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo của quần chúng thì sẽ đoàn kết, quy tụ được tập thể, tạo nên động lực và sức mạnh to lớn để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Ba là, đảm bảo dân chủ đi đôi với quyết đoán, bản lĩnh chính trị vững vàng
Khi viết tác phẩm Dân vận năm 1949, Hồ Chí Minh nêu rõ: Nước ta là một nước dân chủ, chế độ ta là một chế độ dân chủ; trong một chế độ dân chủ thì bao nhiêu lợi ích sẽ thuộc về dân, quyền hành cũng của dân. Đây là điểm cốt lõi trong dân chủ và thực hành dân chủ trong phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh. Dân chủ trong Đảng là tất cả đảng viên đều được tự do bày tỏ chính kiến trong sinh hoạt đảng để thống nhất về quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng nghị quyết.
Phong cách dân chủ trong lãnh đạo đòi hỏi người đứng đầu phải bàn bạc, trao đổi, lắng nghe ý kiến của cán bộ đảng viên và quần chúng khi triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là ý kiến phản biện trái chiều. Tuy nhiên, thực hiện dân chủ nhưng phải tập trung, không lan man, tản mạn, phân tán và cũng phải phòng tránh căn bệnh “dân chủ hình thức” bề ngoài. Cán bộ lãnh đạo vừa phải thực hành dân chủ, lắng nghe ý kiến của tập thể, lại vừa phải quyết đoán, nhận thức đầy đủ thẩm quyền của mình, dám ra quyết định và chịu trách nhiệm về điều đó. Theo Hồ Chí Minh, người lãnh đạo phải biết động viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật. Trên cơ sở đi sâu đi sát quần chúng nhân dân, người cán bộ lãnh đạo mới biết đời sống thực, khả năng thực của quần chúng, biết được những mong muốn, băn khoăn, trăn trở của nhân dân để kịp thời uốn nắn và tháo gỡ cùng nhân dân.
Hồ Chí Minh đã từng phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ không dân chủ, áp đặt, dẫn đến tình trạng người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau, không còn sáng kiến, không còn hăng hái trong khi làm việc.
Trong quá trình làm việc, người lãnh đạo có ý thức tập thể cao sẽ tạo ra bầu không khí làm việc dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, phát huy trí tuệ tập thể, nhưng nếu không quyết đoán, thì không thể có những quyết định kịp thời, đáp ứng yêu cầu, công việc cũng không thể tiến triển được. Người lãnh đạo phải có phong cách quần chúng, luôn hòa đồng, học hỏi quần chúng nhưng cũng phải có bản lĩnh vững vàng, không được để mất chính kiến, rơi vào tình trạng “theo đuôi” quần chúng. Như vậy, người lãnh đạo giỏi là người có cách làm việc dân chủ, tập thể, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể; đồng thời, phải quyết đoán trong những thời điểm quyết định.
Vào tháng 8-1945, thời cơ cho cách mạng nước ta đã đến, Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm sắt đá của dân tộc: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhận biết được âm mưu của bọn phản động quốc tế muốn can thiệp vào nước ta, ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cách mạng tiến hành rất nhanh việc tuyên bố nền độc lập và thành lập chính quyền. Hồ Chí Minh đã trực tiếp soạn thảo và đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước đại diện hợp pháp cho dân tộc ta trên trường quốc tế, đúng vào thời điểm trước khi quân đồng minh vào Đông Dương giải giáp vũ khí quân Nhật. Điều đó đã làm thất bại mọi âm mưu phá hoại cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch.
Năm 1946, khi đất nước đang ở hoàn cảnh rất khó khăn: thù trong, giặc ngoài điên cuồng chống phá quyết liệt, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cách mạng nước ta ký Hiệp định Sơ bộ 06/3 và Tạm ước 14/9 với Pháp, phá tan vòng vây của kẻ thù, đẩy 20 vạn quân Tàu Tưởng ra khỏi miền Bắc, tranh thủ thời gian để xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến sau này. Đó là một minh chứng về phong cách lãnh đạo dân chủ nhưng rất quyết đoán của Hồ Chí Minh. Đêm ngày 19-12-1946, trước tình thế nguy cấp, vận mệnh của dân tộc bị đe dọa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập tức ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là một quyết định đúng đắn và kịp thời, giúp quân và dân ta có định hướng tư tưởng rõ ràng trong hành động cách mạng, bắt đầu cuộc trường chinh chín năm kháng chiến vẻ vang.
Bốn là, luôn đi sâu, đi sát cơ sở, nắm chắc tình hình thực tiễn, thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, lấy hiệu quả công việc làm thước đo, tổng kết và rút kinh nghiệm kịp thời
Đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể về phong cách lãnh đạo của vị Chủ tịch nước luôn đi sâu, đi sát thực tiễn, gần dân, gắn bó với dân, thương dân qua những lần Bác bí mật đến với nhân dân thật xúc động: “Tối 30 Tết năm 1960, Bác đã đến thăm gia đình chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội. Chiều mồng 2 Tết năm 1961, Bác đến Văn Miếu dự buổi bình thơ Xuân của các cụ. Mùng 2 Tết 1962, Bác đến thăm các cháu học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Chiều 29 Tết năm 1963, Bác cải trang thành một cụ già theo cháu đi chợ hoa và chợ Đồng Xuân… tất cả đều bí mật bất ngờ và do đó bao giờ cũng tạo hiệu quả lớn” (5). Do am hiểu sâu sắc tình hình cuộc sống và gắn bó thân thương với quần chúng nhân dân nên những bài thơ chúc Tết của Bác luôn có hơi thở của cuộc sống, làm lay động trái tim của hàng chục triệu đồng bào cả nước.
Sau khi nghị quyết của Đảng được ban hành, người lãnh đạo phải tổ chức tốt việc thực hiện, để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Điều đó gắn liền với công việc kiểm tra, kiểm soát. Theo Hồ Chí Minh, muốn mọi việc được tốt thì “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”. Sở dĩ sự thật còn bị bưng bít vì công tác kiểm tra, kiểm soát của các ngành, các cấp không nghiêm túc, chưa chặt chẽ và thậm chí rất quan liêu. Trong lãnh đạo phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, lấy hiệu quả công việc làm thước đo, tổng kết và rút kinh nghiệm kịp thời. Đó là yêu cầu cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển. Nếu không kiểm tra giám sát và kiểm soát, sẽ khó đo lường đúng đắn về hiệu quả công việc trong phạm vi phụ trách, công tác kém hiệu quả. Những ngày cuối năm 1947, chuẩn bị đón Tết Mậu Tý (1948), sau khi nghe kết quả kiểm tra về công tác kháng chiến, kiến quốc của ba tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn, thấy có những vấn đề cần phải uốn nắn ngay lập tức, mặc dù đã 30 Tết, Bác Hồ vẫn gửi thư cho UBND tỉnh và huyện của ba tỉnh đó. Trong thư, Bác đã chỉ ra những khuyết điểm rất cụ thể: “Về kinh tế… dân thiếu vải, muốn trồng bông, muốn nuôi tằm, nhưng cán bộ không biết tìm hạt, tìm giống cho dân…; Tín dụng sản xuất thi hành sai mục đích, cho vay để tiêu pha nhiều hơn sản xuất;… Hợp tác xã không biết chọn những người có năng lực, có công tâm làm quản lý, để đến nỗi có sự nhũng lại, thiệt, mất cả tín nhiệm thòi cho dân…” (6). Sau khi Bác gửi thư chỉ đạo uốn nắn kịp thời, cả ba tỉnh nói trên đã nhanh chóng khắc phục được khuyết điểm, thiếu sót để xây dựng địa phương theo tinh thần kháng chiến kiến quốc, tích cực đóng góp và thắng lợi chung.
Sinh thời, Bác Hồ còn nhiều lần đi xuống cơ sở, ngành, lĩnh vực, để lắng nghe ý kiến của cấp dưới và quần chúng, chứ không phải chỉ để huấn thị cấp dưới. Trong 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955 - 1965), theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bác đã thực hiện hơn 700 lần đi thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Trung bình mỗi năm có hơn 60 lần Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần Bác trực tiếp gặp gỡ quần chúng. Ngoài ra, qua đọc báo, đọc thư của nhân dân gửi lên hằng ngày, thấy có những ý kiến tốt, những việc gấp cần giải quyết, Bác đều dùng bút đỏ đánh dấu lại, chuyển tới các cơ quan chức năng, yêu cầu phải nghiên cứu và giải quyết ngay.
Năm là, luôn thực hành nêu gương ở mọi lúc, mọi nơi, “nói phải đi đôi với làm” để quần chúng noi theo
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người đòi hỏi, mỗi cán bộ, đảng viên phải đi đầu trong công tác và lối sống, mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Đặc biệt, người lãnh đạo phải thật sự mẫu mực, nêu gương trước tập thể và quần chúng thì mới có uy tín để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo không phải là tấm gương sáng về mọi mặt thì nói không có người nghe, không thể vận động tập thể và quần chúng làm việc tốt được. Gương mẫu, nêu gương, nói đi đôi với làm là những nội dung không thể thiếu đối với người lãnh đạo. Nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu, không chỉ là lời nói suông mà chủ yếu là phải hành động, nói ít, làm nhiều. Ðây là nguyên tắc trước hết, cực kỳ quan trọng của việc nêu gương. Thực tế cho thấy, nếu người lãnh đạo mà nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo, nói mà không làm, thì sẽ mất uy tín trước trước cấp dưới, trước quần chúng và không thể lãnh đạo được ai. Chỉ có nhất quán giữa lời nói và việc làm thì người lãnh đạo mới có được sự tin yêu của tập thể, quần chúng, của cấp dưới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương mẫu mực về sự nêu gương, thống nhất giữa lời nói với việc làm, luôn nêu gương trước để cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân noi theo. Vào những năm đầu kháng chiến, Bác tự nguyện mỗi tuần nhịn ăn một bữa, mỗi bữa bớt lại một nắm gạo góp vào hũ gạo cứu đói. Bác còn kêu gọi đồng bào cả nước tập thể dục thể thao cho dân cường nước thịnh và Người nói: “tự tôi ngày nào cũng tập”. Chính Bác là tấm gương sáng về tinh thần tự giác rèn luyện sức khỏe. Việc tập luyện đã trở thành nếp sống của Người.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp ở rừng sâu, núi cao gian khổ, Bác vẫn tập luyện đều đặn, dù trời mưa cũng như ngày lạnh. Ngày nào Bác cũng dậy rất sớm, đi đến các lán đánh thức mọi người cùng tập thể dục. Không chỉ thể dục thông thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rèn luyện tạ, nhảy dây, khí công, quyền thuật, đi bộ, chạy, bóng chuyền... tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Sau này khi tuổi thêm cao, sức khỏe không được như trước, nhưng sáng nào Bác cũng tập Thái cực quyền và đi bộ trong vườn Phủ Chủ tịch.
Sáu là, khéo dùng người, trọng dụng nhân tài, giáo dục và rèn luyện lớp trẻ kế cận
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh thể hiện trong cách sử dụng cán bộ, là mẫu mực của việc “khéo dùng người, trọng dụng nhân tài”. Vấn đề là phải biết người để dùng người. Chữ “khéo” ở đây biểu hiện tài năng của người lãnh đạo. Phàm là con người, ai cũng sẽ có sở trường, sở đoản nhất định, hiếm có người toàn năng, toàn diện, toàn tài. “Khéo” dùng người có thể được hiểu là từ việc mà chọn người hợp lý, hoặc từ người mà tìm việc gắn với sở trường của họ một cách phù hợp nhất. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta phải nhớ rằng: người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được” (7). Đây chính là sự kế thừa di sản văn hóa truyền thống Việt Nam về thuật dùng người: “Dụng nhân như dụng mộc”. Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh vấn đề chủ động phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Trọng dụng nhân tài là công việc thường xuyên, liên tục; nhưng cũng phải tùy tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ” (8). Nếu dùng người mà sai, công việc sẽ không chạy, thậm chí có hại cho cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm thui chột nhân tài. Đồng thời, phải có bản lĩnh quyết đoán trong việc cất nhắc những người có tài, có đức để họ được cống hiến cho Đảng, cho cách mạng và nhân dân.
Ngày 28-8-1945, để chuẩn bị ra mắt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã mời các trí thức yêu nước như tham gia Chính phủ như: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Mạnh Hà, Phạm Ngọc Thạch, Cù Huy Cận, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Đình Hòe… tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc.Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi được đông đảo đội ngũ trí thức, các nhà khoa học tài năng tham gia kháng chiến của dân tộc như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Lương Đình Của, Trần Hữu Tước… làm nên sức mạnh tổng hợp của cuộc kháng chiến. Bác còn phát hiện ra những nhân tài quân sự và thụ phong quân hàm cấp tướng cho hàng chục tướng lĩnh trong quân đội, mà tiêu biểu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam với tài năng thao lược đặc biệt đã chỉ huy quân đội ta đánh thắng thực dân pháp và đế quốc Mỹ), và các nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng nước ta như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh... Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến thanh thiếu niên và nhi đồng. Bác đã gửi thư cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự động viên kịp thời đối với thế hệ trẻ. Thời gian hàng chục năm sau đó, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, Chính phủ ta đã lần lượt gửi hàng chục vạn lưu học sinh học tập ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em để xây dựng đội ngũ trí thức cho nền khoa học Việt Nam, giúp đất nước ta có thể phát triển ngang tầm với quốc tế.
Hiện nay, trong thời kỳ đổi mới, mở cửa, giao lưu, hội nhập với thế giới, phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh đã trở thành hệ giá trị chuẩn mực của văn hóa lãnh đạo ở nước ta: vừa truyền thống, hiện đại, vừa khoa học, cách mạng, dân tộc và thời đại, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ trong quản trị đất nước, góp phần hướng tới hợp tác quốc tế trong quản trị toàn cầu, vì sự ổn định, hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân loại.
_______________
1. Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2005, tr.782.
2. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.377.
3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.286, 295.
5, 6, 7. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb Thông tin và Truyền thông, tr.43, 27, 16.
8. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, H., 2011, tr.43.
Tác giả: Nguyễn Toàn Thắng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020