SÂN KHẤU THỦ ĐÔ VỚI NHỮNG HÌNH TƯỢNG ĐẸP

Sự trưởng thành của sân khấu Việt Nam qua 70 năm luôn gắn liền với sự phát triển của sân khấu cách mạng. Sau thành công của Cách mạng tháng Tám, sân khấu Việt Nam đã nhanh chóng chuyển mình, hòa nhịp với không khí chung của toàn dân tộc với nhiều chủ đề, hình tượng mới. Tiêu biểu nhất là hình tượng nhân vật người cộng sản, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cốt cách con người Việt Nam đã được tôi luyện trong những năm tháng dựng nước và giữ nước. Đặc biệt, hình tượng này có thể thấy khá rõ trên sân khấu thủ đô, linh hồn, bộ mặt sân khấu của cả nước.

Ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, sân khấu thủ đô đã bắt đầu đi vào những đề tài mới, đề tài hiện đại. Song song với các vở diễn về đề tài lịch sử, dân gian, một số vở mới về đề tài hiện đại lần lượt ra đời. Dù chưa nhiều, song những vở diễn về đề tài mới này đã mở đầu cho một hướng đi mới trong sáng tác và dàn dựng. Những vở diễn của các đoàn kịch kháng chiến từ khắp mọi miền đất nước đã hội tụ về xứ kinh kỳ linh thiêng, hào hoa, như các vở: Lòng dân, Chị Tấm anh Điền, Chị Hòa

Thế mạnh của kịch nói là phản ánh kịp thời những vấn đề đương đại, cuộc sống hàng ngày. Đề tài hiện đại đối với sân khấu, đặc biệt đối với kịch nói là cả một mảnh đất màu mỡ để các nghệ sĩ tha hồ sáng tạo. Chỉ riêng đề tài hiện đại cũng đã vô cùng rộng lớn, nhất là với Hà Nội, vùng đất có bề dày hơn 1000 năm văn hiến. Trong phạm vi bài viết này, xin chỉ đề cập đến một hình tượng xuất hiện rất đặc biệt trên sân khấu, đó là hình tượng người cộng sản. Với sân khấu thủ đô, hình tượng người cộng sản là một trong những chủ đề lớn của đề tài hiện đại.

Hình tượng người cộng sản trên sân khấu thủ đô qua nhiều thập kỷ, đặc biệt vào những ngày sau giải phóng miền Nam hoặc những năm đầu của TK XXI đã có những tiến bộ rõ rệt. Các vở diễn đã biết khai thác vào chiều sâu nội tâm của nhân vật, tìm ra cái tư chất đầy bản lĩnh và tính chiến đấu của người cộng sản. Hình ảnh người cộng sản trên sân khấu thủ đô, dù là của các đoàn nghệ thuật trung ương, quân đội hay các đoàn nghệ thuật Hà Nội, đều có chung những nét tiêu biểu. Đó là tính kiên cường, thẳng thắn, bản lĩnh của người cộng sản trong cuộc đấu tranh với mọi sai trái, xấu xa, hèn nhát, cơ hội, ảnh hưởng không tốt tới cách mạng, nhân dân.

Thể hiện người cộng sản trên sân khấu, các tác giả thường lấy khoảng thời gian diễn ra trong một đêm. Vấn đề không phải là thời gian dài hay ngắn, quan trọng là thể hiện hình tượng nhân vật sao cho đẹp, cho thực, cho sống động. Hàng chục vở diễn về đề tài này đã có mặt ở Hà Nội với nhiều hình tượng người cộng sản, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Tuy nhiên, vẫn còn một vài vở diễn, hình tượng người cộng sản còn khô cứng, nhạt nhẽo, gò bó, thiếu chiều sâu nội tâm, thiếu những đấu tranh tư tưởng trước những tình huống gay cấn, căng thẳng, chưa bộc lộ được phẩm chất của người cộng sản. Thậm chí có những vở xây dựng hình tượng người cộng sản trong bối cảnh không hợp lý, thiếu sức thuyết phục.

Sự xuất hiện hình tượng người cộng sản trên sân khấu thủ đô cũng là điều tất yếu, hợp quy luật của lịch sử, qua đó, khẳng định vai trò, vị trí tiên phong của Đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng đất nước. Nhiều nhà văn, nhà viết kịch đã đạt được ít nhiều thành công trong lĩnh vực này như: Học Phi, Nguyễn Huy Tưởng, Đào Hồng Cẩm, Xuân Trình, Kính Dân, Hoài Giao, Tào Mạt, Lưu Quang Hà, Mịch Quang, Trần Quán Anh, Vũ Minh, Tất Đạt, Lưu Quang Vũ, Doãn Hoàng Giang, Thanh Hương, Phan Vũ, Vũ Dũng Minh…

Hình tượng người cộng sản rất phong phú, đa dạng, tùy theo hoàn cảnh chiến đấu, công tác của nhân vật. Có những người cộng sản đã chiến đấu và hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Có người cộng sản đang hàng ngày phải đối mặt với những tư tưởng sai trái, lầm lạc, thậm chí có tính chất phản động, chống phá cách mạng trong hoàn cảnh đất nước đã hòa bình và đang xây dựng với điều kiện kinh tế thị trường vô cùng phức tạp.

Gần 70 năm, đặc biệt là sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, hình tượng người cộng sản đã lần lượt ra mắt công chúng thủ đô. Hình tượng người cộng sản trên sân khấu, vào những năm đầu còn sơ lược, dập khuôn, gò bó, chưa khai thác được chiều sâu của nhân vật, chưa làm rõ được phẩm chất cao đẹp của người cộng sản như tính kiên định, vững vàng, tư chất vốn có của người cộng sản. Do đó, tính hấp đẫn của tác phẩm trong giai đoạn này còn hạn chế, chưa xứng tầm phản ánh phẩm chất người cộng sản.

Nền sân khấu hiện đại nước ta ra đời sau Cách mang tháng Tám đã tiếp thu tinh hoa của sân khấu truyền thống và lấy việc thể hiện con người mới của thời đại làm sứ mệnh thiêng liêng, mục đích lâu dài. Người cộng sản là bộ phận tiêu biểu nhất trong những người mới của thời hiện đại, vì vậy tất yếu, họ trở thành đối tượng chiếm lĩnh sàn diễn, mà sân khấu thủ đô là tiêu biểu.

 
 
 
Cảnh trong vở Nhân danh công lý. Ảnh tư liệu

Trong chiến tranh, người cán bộ Việt Minh, anh bộ đội cụ Hồ, người du kích ven đô… đều là những hình tượng người cộng sản mà sân khấu Hà Nội đã đưa lên sàn diễn, như các vở: Tô Hiệu, Đầu quân, Vào Nam, 19 tháng Tám, Du kích Thôn Đồi, Giữa vòng vây… Vở Bắc Sơn (1946), vở tuồng Chị Ngộ (1953)… đều là những vở diễn được công chúng ngưỡng mộ, vì đã xây dựng thành công hình tượng người cộng sản hoặc các chiến sĩ cách mạng kiên cường.

Lý tưởng cộng sản đóng vai trò linh hồn, quyết định chiều hướng phát triển, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội. Hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam đã sinh ra biết bao chiến sĩ cách mạng bản lĩnh kiên định, dũng cảm. Đó là vị lãnh tụ vĩ đại, các nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định… đã trở thành những hình tượng đẹp. Các chiến sĩ Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Mã Lương… đã anh dũng, kiên cường trong chiến đấu. Đó còn là những người cộng sản trên tuyến đầu đấu tranh với mọi biểu hiện xấu xa, tiêu cực của một số phần tử cơ hội, biến chất, thậm chí là phản động trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước. Tiêu biểu nhất là các nhân vật trong Hà My của tôi, Sống như Anh, Nhân danh công lý, Nguồn sáng trong đời, Đỉnh cao phía trước, Đại đội trưởng của tôi, Bạch đàn liễu

Trong việc xây dựng hình tượng người cộng sản, có lẽ việc thể hiện hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh trên sân khấu là một thử thách đối với sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Bởi Người là danh nhân văn hóa kiệt xuất, người anh hùng dân tộc, lãnh tụ tối cao của Đảng nhưng cũng là con người vô cùng giản dị, gần gũi với quần chúng nhân dân. Hồ Chí Minh là hình tượng đẹp nhất mà các tác giả, các đoàn nghệ thuật ở Hà Nội đã dày công xây dựng với sự kính trọng, niềm kính yêu lãnh tụ. Thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh, người cộng sản tiêu biểu nhất trên sân khấu, không chỉ thể hiện lòng tôn kính, nỗi nhớ khôn nguôi của hàng vạn công chúng thủ đô đối với Người, mà qua đó còn giáo dục, hình thành lý tưởng sống cho thế hệ trẻ hôm nay.

Việc thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh trên sân khấu kịch nói đã gặt hái được nhiều thành công, để lại những ấn tượng mạnh mẽ và hiệu quả nghệ thuật trong lòng công chúng yêu sân khấu. Hình tượng Hồ Chí Minh đã được nhiều đơn vị nghệ thuật trung ương, quân đội và các đoàn Hà Nội tâm huyết xây dựng. Các nghệ sĩ rất vinh dự, tự hào được tham gia vào sự kiện vẻ vang này như các vở: Người công dân số 1 (Nhà hát Cải lương Trung ương), Đêm trăng, Lịch sử và nhân chứng (Nhà hát Kịch Trung ương)…

Những người nghệ sĩ sân khấu đã không ngừng sáng tạo để có nhiều tác phẩm nghệ thuật thể hiện sâu sắc hình tượng Hồ Chí Minh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong số các tác phẩm xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh, chương trình nghệ thuật Hình tượng Bác Hồ của Viện Sân khấu đã mang lại tiếng vang lớn trong dư luận cả ở Hà Nội và TP.HCM. Giám đốc Sài Gòn Concert đã phát biểu rằng từ trước tới nay, chưa có bất cứ đoàn sân khấu nói riêng hoặc một đoàn nghệ thuật nào có thể trụ tại nhà hát lớn Sài Gòn quá 5 đêm, thế mà đoàn nghệ thuật với vở Hình tượng Bác Hồ đã diễn tại đây 21 đêm. Điều quan trọng là đêm nào cũng đông khách và cuối đêm diễn hôm nào cũng đầy hoa! Hình tượng Bác Hồ giữa đất Sài Gòn thật sống động, không chỉ trong đêm diễn tại nhà hát, mà còn lan tỏa rộng khắp thành phố. Không khí sôi động này không chỉ ở Sài Gòn. Hà Nội trước đó một tháng đã tạo nên một sự kiện hiếm có, hầu hết các đồng chí trong Bộ Chính trị đều tới xem và đã hoan nghênh nhiệt liệt vở diễn.

Sân khấu thủ đô luôn tự hào là cái nôi của sân khấu nước nhà, nay càng hãnh diện, tự tin vì đã và đang đóng góp cho nền sân khấu Việt Nam những vở diễn về đề tài người cộng sản, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong tâm khảm công chúng với ý nghĩa giáo dục sâu sắc lý tưởng sống cho thế hệ sau. Hình tượng người cộng sản trên sân khấu đã giúp người xem thêm hiểu biết, trân trọng những người cộng sản Việt Nam. Họ là những con người bình dị, kiên nghị, vững vàng trong chiến đấu và trong cuộc sống hàng ngày. Hình tượng người cộng sản trên sân khấu là bằng chứng sống động về sự hưởng ứng của các thế hệ nghệ sĩ sân khấu thủ đô trong việc không ngừng đổi mới đề tài, nâng cao chất lượng vở diễn, đáp ứng yêu cầu của xã hội, thời đại. Trong sự phát triển chung của nền sân khấu Việt Nam hiện đại, việc thể hiện hình tượng về người cộng sản, chính là động lực quyết định cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam qua các chặng đường lịch sử. Đội ngũ nghệ sĩ cần tiếp tục nhận thức, đào sâu, khám phá và sáng tạo hình tượng này để tiếp tục mang đến cho khán giả những tác phẩm có chiều sâu cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-2015

Tác giả : NGUYỄN PHAN THỌ

;