SÂN KHẤU KỊCH NÓI Ở HẢI PHÒNG THỜI PHÁP THUỘC

Ngay sau khi đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất, với hiệp ước Philastre, thực dân Pháp đã đạt được thỏa thuận mở cửa biển Ninh Hải và đặt cơ quan lãnh sự cũng như quân lính đồn trú ở Hải Phòng. Cộng đồng người Pháp ở Hải Phòng đã cố gắng xây dựng, duy trì đời sống vật chất và tinh thần giống như ở chính quốc. Bên cạnh việc xây dựng nhà thờ Thiên chúa giáo, trường học, khách sạn, nhà hát..., chính quyền thành phố cùng thương nhân giàu có đã đầu tư kinh phí, mời các nghệ sĩ từ Pháp tới biểu diễn, trong đó hoạt động biểu diễn kịch nói là phổ biến nhất. Hải Phòng đã thể hiện rõ vị trí trọng yếu, cửa ngõ của vùng châu thổ Bắc Bộ khi tất cả các đoàn kịch đến Bắc Kỳ biểu diễn đều đặt chân đến Hải Phòng trước nhất.

Kịch nói là một loại hình sân khấu mà đài từ dùng bằng văn vần hay văn xuôi, phương thức biểu diễn là dùng lời nói (hoặc ngâm nếu là văn vần). “Yếu tố ca nhạc trong kịch nói chỉ là thứ yếu” (1). Đây là một hình thức sân khấu có nguồn gốc từ phương Tây, khác biệt với những loại hình diễn xướng truyền thống của người Việt như chèo, tuồng, cải lương. Trong giai đoạn TK XVII-XIX, cùng với quá trình tiếp xúc và giao lưu với văn hóa phương Tây, cũng như quá trình xâm lược và bình định của thực dân Pháp ở Việt Nam, kịch nói châu Âu được du nhập vào nước ta. Sang những thập niên đầu TK XX, thực dân Pháp đã cho xây dựng ở các đô thị lớn những nhà hát thành phố để tổ chức các buổi diễn kịch, hòa nhạc hay dạ hội dành riêng cho những người Pháp và những người trong bộ máy cai trị ở thuộc địa. Sự xuất hiện của những đoàn kịch nói đến từ Pháp đã tạo ra một luồng không khí mới trong đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân, từ đó tạo nên những sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng người châu Âu (mà chủ yếu là người Pháp) nói riêng và các cộng đồng cư dân khác ở Hải Phòng nói chung.

1. Sự xuất hiện của những nghệ sĩ kịch đầu tiên

Vào cuối năm 1884, 10 năm sau khi người Pháp đặt chân đến Hải Phòng, lần đầu tiên có hai nghệ sĩ kịch chuyên nghiệp là ông Julien Deschamps và bà Scrivanna Deschamps (2) được mời tới Hải Phòng biểu diễn. Lúc này, tại Hải Phòng chưa có một sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp nên ông bà Deschamps phải biểu diễn tại quán café Vidal trên đại lộ Paul Bert (nay là đường Minh Khai). Người ta đã nhanh chóng cải tạo sảnh lớn của quán café thành một khán phòng với những tấm trần nhà được trang trí theo phong cách Pháp, treo bộ đèn chùm và một tấm ri đô xanh viền quanh sân khấu. Trên sân khấu tạm thời ấy, ông bà Deschamps đã trình diễn nhiều vở kịch ngắn có hai hoặc ba nhân vật, trong số ấy có một vài vở của Nhà hát Hài kịch Pháp.

Nhưng điều khiến người ta ngạc nhiên gấp bội chính là lượng khán giả đông như thể tất cả Hải Phòng đến xem ông bà Deschamps biểu diễn, với đủ các thành phần từ những nhà chức trách cấp cao của thành phố cho tới các viên chức của bộ máy cai trị, những thương gia và rất nhiều sĩ quan cùng các bà vợ của họ... Sau những buổi trình diễn thành công ở Hải Phòng, đầu năm 1885, ông bà Deschamps đã đến trình diễn ở Hà Nội và tiếp tục nhận được sự tán dương từ cộng đồng dân cư sinh sống ở đây. Vợ chồng nghệ sĩ hài kịch đã ở trong ngôi nhà cổ của một người thợ chụp ảnh người Hoa, khu vực gần cổng đền Ngọc Sơn hiện nay. Từ tháng 6-1885, để thu hút người xem, các buổi biểu diễn kịch của ông bà Deschamps được tổ chức xen lẫn với các tiết mục ca hát do những nghệ sĩ đến từ nhà hát Sài Gòn như Héloise Languésty (biệt danh Jeanne Préval), Emile Jordan (biệt danh Fervel) biểu diễn. Nhưng thật không may, các nghệ sĩ này đã chết vì dịch tả nên hoạt động biểu diễn cũng như kinh doanh quán café của ông bà Deschamps phần nào bị đình trệ. Trong những năm tiếp theo, khi các cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổ ra trên khắp xứ Bắc Kỳ, các loại dịch bệnh hoành hành, đời sống của cộng đồng người Pháp bị ảnh hưởng trầm trọng. Tờ báo Tương lai Bắc Kỳ gợi ý chính quyền nên trợ cấp cho hoạt động biểu diễn của ông bà Deschamps để xua đi bầu không khí u ám, nhưng không có khoản kinh phí nào được hỗ trợ. Cuối cùng, do nợ tiền thuê nhà, việc kinh doanh khách sạn, nhà hàng, quán café, sân khấu biểu diễn thua lỗ, ông bà Deschamps đã bỏ trốn cùng khoản nợ 1000 đồng và bị xử vắng mặt 2 năm tù. Dẫu kết cục không mấy tốt đẹp, song ở vùng đất mà người ta chỉ biết có cái chết do sốt rét, thổ tả, kiết lỵ, say nắng hoặc do rơi vào tay quân địch thì sự xuất hiện của ông bà Deschamps với cộng đồng người Pháp đã thổi lên tinh thần tự do, để hát hò, châm biếm. Đối với cộng đồng cư dân ở Việt Nam nói chung, ở Hải Phòng nói riêng thì bước đầu đã biết tới một hình thức biểu diễn sân khấu mới, tạo tiền lệ cho sự xuất hiện của các đoàn kịch từ Pháp đến biểu diễn, cũng là tiền đề cho sự xuất hiện của sân khấu kịch nói Việt Nam sau này.

2. Các nhóm kịch đến từ nước Pháp

Sau khi ông bà nghệ sĩ Deschamps dời đi, vào tháng 12-1885, ở Hải Phòng có sự xuất hiện của một nhóm kịch do ông Maurel diễn chính và bà Léonti, Moraly diễn phụ trong một thời gian ngắn. Cũng như ông bà Deschamps, nhóm kịch này biểu diễn tại quán café Vidal vài buổi, sau đó nhanh chóng vào Sài Gòn, thành lập Nhà hát Sài Gòn với một đoàn khoảng 20 nghệ sĩ biểu diễn.

Trong những năm 1886, 1887, hoạt động biểu diễn ở Bắc Kỳ gần như bị đình trệ do tình hình xã hội biến động, các phong trào khởi nghĩa tiếp tục nổ ra. Vào cuối năm 1887, đầu năm 1888, xuất hiện nhóm kịch của ông Mallaivre và ông Turbat. Lần này, họ không biểu diễn ở sân khấu của quán café Vidal nữa mà biểu diễn trong sảnh của khách sạn Thuộc địa. Sau những thành công ở Hải Phòng, nhóm kịch Mallaivre lên Hà Nội biểu diễn để ủng hộ các thương binh, rồi quay lại biểu diễn ở Hải Phòng lần thứ hai vào giữa năm sau.

Trong khoảng thời gian xen kẽ đó, có sự xuất hiện của đội kịch Haakman vào tháng 5-1888, gồm 5 người: giám đốc Haakman kiêm nghệ sĩ dương cầm, hai nữ ca sĩ Craure, Mercier, hai nam ca sĩ Ferrier, Roger. Họ đã biểu diễn 15 ngày ở Hải Phòng, cũng trên sân khấu là sảnh lớn của khách sạn Thuộc địa. Đặc biệt, đây là nhóm kịch lần đầu tiên đã trình bày một số tiết mục từ những vở opera đang thịnh hành và nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ khán giả.

Vào tháng 6-1889, nhóm kịch của ông Mallaivre đến Hải Phòng lần thứ hai. Khác với lần trước, lần này nhóm có 4 nghệ sĩ (ông Mallaivre và vợ, cô Lucie Debay và cô Marguertie Gauthier). Đó là những nghệ sĩ tài giỏi và nhạc công dương cầm tuyệt vời. Các nghệ sĩ đã tạo được dấu ấn riêng nhờ vào việc bốn diễn viên đều thủ một vai trong một vở hài kịch trẻ trung và vui vẻ. Sau thành công của những buổi biển diễn ở Hải Phòng, nhóm kịch Mallaivre đã đi lưu diễn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn Tây, Nam Định và đều được hưởng ứng nhiệt liệt. Nửa năm sau, trong phiên họp ngày 27-1-1890, Hội đồng nhân dân thành phố đã xem xét khoản trợ cấp 1.500 đồng cho các nghệ sĩ, song họ đã không quay lại Bắc Kỳ biểu diễn thêm lần nào nữa.

Đoàn kịch Chanson đến Hải Phòng vào đầu tháng 4-1889 với bốn nghệ sĩ: các ông Chanson, Charles và các cô Angeline, Guillabert. Họ đã tổ chức một buổi dạ hội ở khách sạn Thuộc địa, biểu diễn một vài vở kịch ngắn và một số bản hòa nhạc xen kẽ. Đoàn kịch Chanson không được đánh giá cao dù có những nghệ sĩ lão luyện. Họ đã mời một số tài tử tham gia chương trình với các trò vui đùa quá trớn, đã làm khán phòng ồn ào, huyên náo quá mức. Tình trạng này cũng xảy ra khi đoàn kịch biểu diễn ở Hà Nội. Những khán giả nhốn nháo, những buổi biểu diễn thiếu sự tôn trọng với các nghệ sĩ biểu diễn đã làm cho đoàn kịch Chanson về nước sớm hơn dự kiến.

Vào cuối năm 1889, xuất hiện một đoàn kịch được đánh giá là hoàn hảo nhất, hấp dẫn lôi cuốn nhất, bởi nó quy tụ được nhiều nghệ sĩ tài danh. Tiêu biểu nhất là nữ ca sĩ nhạc nhẹ Fermont Poitevin với giọng ca tuyệt vời làm cho công chúng khoái chí bởi sự chính xác, vững vàng trong những khoảng âm cao và quyến rũ công chúng bởi sự thoải mái tự nhiên của một nữ kịch sĩ. Buổi diễn khai trương của đoàn kịch đã chật cứng người xem, trong đó có sự hiện diện của những nhà cầm quyền hàng đầu như Toàn quyền Piquet và phu nhân cùng Thống sứ Bắc Kỳ Brière, Đốc lý thành phố và rất nhiều quan chức cao cấp khác. Đây là lần đầu tiên có một đoàn kịch với đông đảo nghệ sĩ đến Hải Phòng biểu diễn (15 người), với khoản kinh phí do chính quyền và một số thương nhân ủng hộ nên đoàn kịch đã biểu diễn với những bộ trang phục lộng lẫy, các thiết bị cầu kỳ khiến công chúng thực sự rất ấn tượng.

3. Sự xuất hiện của sân khấu kịch nói Việt Nam đầu TK XX

Trong vòng 10 năm, sau khi đặt chân đến vùng đất Hải Phòng, người Pháp đã nhanh chóng bình định và xây dựng một đời sống phương Tây trên mảnh đất nhiều bùn lầy, sông nước. Trong thập kỷ tiếp theo, đời sống phương Tây ấy càng được bồi đắp, củng cố thêm bởi sự xuất hiện của những giá trị văn hóa từ phương Tây, trong đó, tiêu biểu nhất là sự xuất hiện của các đoàn kịch đến từ Pháp. Bên cạnh việc biểu diễn phục vụ cho cộng đồng những người phương Tây ở Hải Phòng thì những buổi biểu diễn này đã bước đầu hình thành nên ý niệm về một hình thức biểu diễn sân khấu khác với những hình thức biểu diễn truyền thống quen thuộc của người Việt như tuồng, chèo.

Trong tuồng, chèo vẫn có những đoạn đối thoại giữa các nhân vật, có những đoạn hài hước của các vai hề, đặc biệt có những đoạn nói hoặc đối thoại dùng lời thường (không vần, không biền ngẫu, không hạn chế số tiếng, lời văn nôm bình dân) kèm theo điệu bộ của người biểu diễn là những nhân tố tương đồng với kịch nói. Song, đây chỉ là những nhân tố sơ khai của kịch nói, bởi trong tuồng, chèo, yếu tố nói vẫn là phụ, ít phát triển, không lấn lướt được yếu tố hát. Hơn nữa, giai đoạn đầu thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đã đưa vào nước ta một hệ thống giáo dục mới, dần thay thế cho hệ thống giáo dục và thi cử Nho học đã tồn tại hàng nghìn năm thời phong kiến. Chính sự truyền bá trong hệ thống giáo dục mới này đã đưa những yếu tố mới của văn hóa, văn học Pháp vào những nhân sĩ nước ta đương thời (như Đoàn Ân, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Hữu Kim, Vũ Đình Long, Hồ Trọng Hiếu...). Chính từ những nhân tố nói của sân khấu truyền thống, kết hợp với văn chương sáng tác từ Pháp, sân khấu biểu diễn kịch nói của Pháp, sang đầu TK XX, những trí thức, nghệ sĩ người Việt đã dần tham gia vào loại hình sân khấu biểu diễn này.

Tháng 4-1920, nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội Khai Trí Tiến Đức, ở Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn vở Người bệnh tưởng của Molie, do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, sau còn diễn các vở Trưởng giả học làm sang, Người biển lận. Các vở diễn này tuy có kịch bản ngoại song đều do các nghệ sĩ người Việt biểu diễn. Sau những đêm diễn ở Hà Nội, các nghệ sĩ cũng đến biểu diễn ở Hải Phòng vở Người biển lận. Việc những nghệ sĩ người Việt biểu diễn những vở kịch của Molie đã dấy lên câu hỏi “tại sao người mình (người Việt) lại mặc quần áo Pháp TK XVII diễn những vở kịch Pháp cho người mình xem?” (3). Từ đó, phong trào sáng tác những vở kịch nói về đời sống của con người Việt Nam, do người Việt biểu diễn cho người Việt xem được đẩy mạnh. Liên tục trong những năm đầu của thập niên 20 TK XX, tại rạp Quảng Lạc (Hà Nội) diễn các vở Ai giết người của Tô Giang (1920), Già kén kẹn hom của Phạm Ngọc Khôi (1920), Mảnh gương đời, Bình địa ba đào của Trần Tuấn Khải, Cô giáo Phượng của Nguyễn Ngọc Sơn (1921)... Tuy các vở diễn đều nhận được sự cổ vũ từ công chúng, song “không có tiếng vang gì lớn do trình độ sáng tác, diễn xuất còn non yếu, quá sơ lược và tự nhiên chủ nghĩa” (4). Sân khấu kịch nói Việt Nam dần dần được hình thành.

Sang đến năm 1921, vở kịch 3 hồi Chén thuốc độc được đăng trên tạp chí Hữu thanh và công diễn trên sân khấu của Nhà hát lớn Hà Nội, được công chúng đón nhận, đánh giá cao. Với nội dung về đời sống xã hội của Việt Nam thời Pháp thuộc, do nhà viết kịch Vũ Đình Long sáng tác, các nghệ sĩ người Việt biểu diễn, vở kịch Chén thuốc độc chính thức đánh dấu sự ra đời của kịch nói ở Việt Nam.

Trong giai đoạn này, vẫn có những đoàn kịch nói từ Pháp sang nước ta biểu diễn, như: gánh hát De la Merci sang diễn kịch và trình diễn ảo thuật (1921); một đoàn khác sang diễn kịch Faust của Goethe (1924); Claude Bourrin cùng một số nghệ sĩ người Pháp sang diễn các vở kịch của Molie, song hoạt động biểu diễn cũng như tầm ảnh hưởng đã bị hạn chế nhiều.

Đến đầu thập niên 20 của TK XX, sân khấu kịch nói Việt Nam chính thức hình thành, bên cạnh những hình thức biểu diễn truyền thống của dân tộc. Nếu như trong giai đoạn đầu, với sự xuất hiện những đoàn kịch đến từ nước Pháp, Hải Phòng là điểm đến trước nhất rồi mới đến Hà Nội thì sang giai đoạn sau, với sự hình thành của sân khấu kịch nói Việt Nam, vị trí đầu tiên ấy chuyển sang Hà Nội với vai trò là thủ đô, trung tâm của đất nước. Sau này, cùng với các rạp Quảng Lạc, Sán Nhiên đài, Cải lương hý viện ở Hà Nội, Hải Phòng cũng có Lạc Mộng đài. Đặc biệt, trong giai đoạn những năm 1935, ở Hải Phòng có nhóm kịch Thế Lữ (do Thế Lữ làm đạo diễn, họa sĩ Tô Ngọc Vân, Lê Thị Lựu trang trí, các nghệ sĩ có Song Kim, Minh Trâm, Thanh Hương, Lan Bình, Lê Mai, Tú Mỡ...) đã hoạt động rất sôi nổi, được đánh giá cao.

Những đoàn kịch Pháp đã đến và biểu diễn trên đất Hải Phòng nói riêng, Bắc Kỳ nói chung trong những tháng ngày đầu của công cuộc bình định của người Pháp ở xứ Bắc Kỳ. Tuy những buổi biểu diễn của họ chỉ diễn ra ngắn ngủi, trên những sân khấu được cải tạo tạm bợ, nghèo nàn, đối tượng khán giả chủ yếu là cộng đồng người Pháp và một số ít những người phục vụ trong bộ máy cai trị... nhưng hoạt động biểu diễn ấy đã mang chút hương thơm thực sự của nước Pháp đến an ủi, xoa dịu nỗi nhớ quê hương xứ sở của những người lính viễn chinh xứ thuộc địa, mang đến một thứ ánh sáng sân khấu khác lạ đối những người dân bản xứ. Hoạt động biểu diễn sân khấu trong những thập niên cuối TK XIX đầu TK XX ấy tuy không có tác động nhiều đến đời sống văn hóa của người dân Việt nhưng bước đầu đã hình thành ý niệm về một hình thức biểu diễn sân khấu mới.

Trong giai đoạn đầu thời kỳ Pháp thuộc, Hải Phòng đã thể hiện rõ vị trí trọng yếu, cửa ngõ của vùng châu thổ Bắc Bộ. Khi đến Bắc Kỳ, tất cả các đoàn kịch đều đặt chân đến Hải Phòng trước, sau đó mới đến Hà Nội, rồi đi lưu diễn ở các tỉnh và dời đi các nước vùng Đông Nam Á hoặc trở về chính quốc. Nhờ quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa, Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung đã tiếp nhận một loại hình sân khấu biểu diễn mới, làm tiền đề, cơ sở cho sự ra đời của sân khấu kịch nói Việt Nam ở đầu TK XX.

_______________

1, 3, 4. Phan Kế Hoành, Huỳnh Lý, Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1978, tr.6, 21, 24.

2. Trong giai đoạn này, tên của các đoàn kịch, nhóm kịch thường được gọi theo tên của nghệ sĩ trưởng đoàn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Hoài Phương

;