Quảng Bình: Thêm 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hai di sản đó là Lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều (thuộc loại hình lễ hội truyền thống) và Hò thuốc cá Minh Hóa (thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian).

Ngày 17/1 Sở VHTTDL tỉnh Quảng Bình cho biết, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Quảng Bình có 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều (thuộc loại hình lễ hội truyền thống) và Hò thuốc cá (thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian).

Người Bru-Vân Kiều ở miền núi phía Tây Quảng Bình cư trú ở vùng có khí hậu khắc nghiệt, hạn hán, mưa lũ, thiên tai... liên miên. Vì thế mà đồng bào phải sống du canh du cư, phát đốt, cốt, trỉa để sinh tồn, dựa vào tự nhiên, rừng, sông suối. Hoạt động sản xuất chủ yếu của người Bru-Vân Kiều chủ yếu là canh tác rẫy, trồng lúa là chính.

Lễ hội Trỉa lúa của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều (ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) diễn ra từ ngày 11 - 14/7 âm lịch. Đây là một lễ hội trọng đại trong năm, để cầu xin thần linh ban cho cuộc sống ấm no, mùa màng tốt tươi, con chim, con chuột không phá hoại cây lúa, cây ngô của dân làng.

Hò thuốc cá là làn điệu dân ca đặc trưng của người Nguồn ở huyện Minh Hóa. Hò thuốc cá ra đời bắt nguồn từ nghề thuốc cá tập thể khi giã, hoặc đâm nhỏ rễ cây “tèng” rồi chế thành thuốc thả xuống khe, suối để bắt cá.

Hò thuốc có nhịp điệu linh hoạt, khẩn trương theo nhịp chày giã thuốc. Ngày nay, Hò thuốc được diễn xướng trong các cuộc hội hè, đình đám như lễ hội, đám cưới và cả khi ru con. Đặc biệt là vào dịp hội Rằm tháng Ba Minh Hóa (âm lịch), trong đó phần hò và xô vẫn được diễn xuất như khi hò trong lao động chỉ khác động tác giã tèng được thay bằng nhịp vỗ tay của mọi người trong cuộc vui.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Bình đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhìn chung, các di sản đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của người dân Quảng Bình.

Tác giả: Xuân Thi

Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021

;