Quảng Bình: Nâng cao hiệu quả các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng

Thể dục thể thao (TDTT) quần chúng được xác định là một trong những nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của thể thao tỉnh Quảng Bình. Thời gian qua, phong trào TDTT quần chúng đã phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh thu hút nhiều đối tượng, lứa tuổi, giới tính tham gia tập luyện dưới nhiều hình thức, thực sự trở thành nhu cầu thường xuyên của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI đã xác định: "Xây dựng phong trào TDTT quần chúng gắn với thể thao thành tích cao. Đến năm 2020, tỷ lệ người tập thể thao thường xuyên đạt 35%". Mặc dù còn nhiều khó khăn, song nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ban, ngành, địa phương, sự nghiệp TDTT Quảng Bình nói chung và phong trào TDTT quần chúng nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, phong trào TDTT quần chúng gắn với cuộc vận động ”Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, là nền tảng để thúc đẩy phát triển thể thao thành tích cao; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển sự nghiệp TDTT, tạo cơ hội cho mọi người tập luyện thể thao, hình thành phong trào TDTT rầm rộ ở các thôn bản, tiểu khu, khu phố, cụm dân cư. Các hình thức tổ chức hoạt động phong trào ngày càng đa dạng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, miền, đối tượng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, vừa phát triển các môn thể thao hiện đại, vừa khôi phục nhiều trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc cổ truyền để đáp ứng nhu cầu, sở thích của mọi đối tượng...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào TDTT quần chúng vẫn còn một số hạn chế, chưa thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Các hoạt động TDTT cơ sở chủ yếu theo mùa vụ, thời điểm tổ chức chỉ tập trung vào các lễ hội, các ngày kỷ niệm lớn và nặng về việc tổ chức thi đấu; vấn đề tập luyện TDTT thường xuyên ở các điểm tập luyện, câu lạc bộ chưa thực sự bền vững. TDTT trường học tuy đã tiến bộ nhiều trong những năm gần đây nhưng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu góp phần xây dựng nguồn lực kế cận và trở thành nền tảng cho thể thao thành tích cao. Bên cạnh đó, sự đầu tư phát triển TDTT cho các huyện, xã còn hạn chế. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao số lượng và chất lượng các công trình TDTT, tuy nhiên việc đầu tư ngân sách cho phát triển sự nghiệp TDTT (thể thao thành tích cao, TDTT quần chúng) còn thấp so với yêu cầu và tiềm năng,...

Từ những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong việc xây dựng, phát triển TDTT quần chúng thời gian qua, để phong trào TDTT quần chúng ở Quảng Bình ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, có nền tảng vững chắc, thiết tưởng các cơ quan chức năng cần hướng tới một số giải pháp, đó là:

Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với hoạt động TDTT quần chúng; xây dựng chương trình phát triển từng nội dung, gồm: TDTT cho công nhân, viên chức; người dân; người cao tuổi; người khuyết tật; lực lượng vũ trang; thể thao giải trí cho các đối tượng.

Kế hoạch hóa công tác TDTT quần chúng và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch hằng năm; xây dựng các nội dung hoạt động TDTT quần chúng có tính cân đối, khoa học và hệ thống từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; vận dụng phương pháp kiểm tra khoa học về số người tập luyện TDTT thường xuyên hằng năm để tính toán số liệu thực tế, qua đó điều chỉnh chỉ tiêu phát triển số người tập luyện và gia đình thể thao.

Mở rộng việc triển khai, tổ chức các cuộc thi đấu thể thao quần chúng để thu hút và động viên người dân từ thành thị đến nông thôn kiên trì tham gia rèn luyện thân thể. Không ngừng đổi mới nội dung và hình thức hoạt động TDTT quần chúng; tổ chức nhiều hoạt động thi đấu thể thao ở các cấp độ khác nhau, loại hình khác nhau. Từ việc định kỳ tổ chức Đại hội TDTT  toàn tỉnh, kết hợp tổ chức những hoạt động thi đấu tổng hợp tại các địa phương; chú trọng việc tổ chức hoạt động thi đấu TDTT quần chúng phải thu hút được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, mang tính giao lưu, rèn luyện và giải trí. Tổng kết kinh nghiệm, mở rộng và phát triển các mô hình tổ chức thi đấu mang tính chất sự kiện thể thao quần chúng.

Củng cố và phát triển hệ thống thiết chế về TDTT quần chúng, xây dựng mô hình điểm về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động TDTT tại cơ sở, tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia tập luyện và thi đấu thể thao theo nhu cầu và sở thích, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị.

Nâng cao chất lượng dạy học TDTT chính khóa, phát triển TDTT ngoại khóa, cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp TDTT với hoạt động giải trí, chú ý sự lựa chọn của mỗi học sinh, xây dựng các CLB TDTT ở trường học phù hợp với thực tiễn.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT, nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các công trình TDTT, tài trợ kinh phí cho hoạt động TDTT ở cơ sở, tổ chức nhiều loại hình hoạt động phục vụ cộng đồng và các đối tượng tham gia nhằm làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Phát triển các cơ sở tập luyện TDTT dưới nhiều hình thức, đa dạng hóa các hình thức thi đấu TDTT. Có sự liên kết giữa các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa đa năng, đảm bảo phát triển cả lĩnh vực văn hóa và TDTT. Khai thác, bảo tồn và phát triển phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Tăng cường xây dựng, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT; tích cực triển khai, mở rộng lực lượng tình nguyện viên phục vụ nhu cầu tập luyện của nhân dân. Hoàn thiện chế độ và các quy định cho hướng dẫn viên, cộng tác viên cơ sở; có cơ chế khen thưởng, biểu dương, đầu tư kinh phí, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên, tình nguyện viên TDTT. Tổ chức phong trào phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT quần chúng thông qua hoạt động tình nguyện của các VĐV cấp cao, các huấn luyện viên và những người có nhiệt huyết tham gia trực tiếp làm nghĩa vụ hỗ trợ, hướng dẫn.

Những kết quả đạt được trong xây dựng và phát triển phong TDTT quần chúng trên ở Quảng Bình thời gian qua rất đáng khích lệ, góp phần vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước và xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

 

Tác giả: Nguyễn Tuynh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020

 

 

;