QUÂN VỤ BIÊN PHÒNG CHẠNH NIỀM VIỄN XỨ

Đó là một câu trong bài văn tế lính Hoàng Sa, dài hơn 60 câu, mà tôi đã ghi lại được vào dịp tế xuân, ngày 16-3 âm lịch, tại Âm Linh Tự (làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn). Xin được trích ra đây vài dòng:

Hỡi ơi

Đất trời Việt Nam trải bao phen lao khổ

Nghĩ đến kẻ điêu linh từ thuở nọ

Cho hay: Sinh hề ký, tử hề quy

Ra đi có mà ít người trở lại

Thân ấy mất mà danh còn sống mãi

Xót thương thay!

Liều thân vì tổ quốc, son sắt một lòng,

Ngang dọc chí nam nhi, phong ba dồi dập

Tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn

Quân vụ biên phòng, chạnh niềm viễn xứ

Quyết một dạ bảo vệ biên cương, bờ cõi

Hoàng Sa lãnh hải, biển cả mênh mông, tháng năm vô định...

Những câu văn tế rất đỗi bi thương và não nùng trên kia phản ảnh ít nhiều về lòng quả cảm, dũng khí, cũng như số phận lênh đênh trên sóng biển của những người lính biên phòng vùng biển Đông thuở trước - những người lính thuộc hải đội Hoàng Sa - Trường Sa được thành lập từ thời chúa Nguyễn.

Một vài tư liệu

Lần giở những trang lịch sử, ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy cha ông ta, ngay từ thuở đầu thiết lập biên cương Đại Việt vào phía Nam, đã hết sức chú trọng đến nguồn tài nguyên vô tận trên biển cũng như vị trí chiến lược của biển Đông trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mà đặc biệt là ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của tổ quốc, nơi mà sách Hải lục của Trung Quốc viết vào những năm sau này (1842) phải thừa nhận rằng: “...những bãi cát nổi trên biển dài mấy nghìn dặm, làm phên dậu bên ngoài của nước An Nam”.

Chính nhờ sớm ý thức đến chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông và tài nguyên vô giá nơi đây, mà ngay từ thời chúa Nguyễn trấn nhậm phía Nam, Đội Hoàng Sa bắt đầu được thành lập, nhưng chính thức ngày tháng năm nào thì chưa rõ. Nhiều tư liệu cho biết: Đội Hoàng Sa được thành lập vào “hồi đầu bản triều” (triều Nguyễn), tức sớm nhất cũng vào khoảng thời gian khi Nguyễn Hoàng được Thái tổ Thái vương Trịnh Kiểm cử vào làm trấn thủ Thuận Hóa (năm 1558). Đội Hoàng Sa duy trì sứ mệnh cao cả trên biển Đông liên tục từ thời các chúa Nguyễn (tức khoảng từ 1558 đến 1783), qua thời Tây Sơn (1786-1802), đến cả thời nhà Nguyễn về sau và kết thúc sứ mệnh của mình có lẽ vào những năm Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam.

Lúc làm Hiệp trấn Thuận Hóa (1776), nhà bác học Lê Quý Đôn đã ghi trong Phủ biên tạp lục: “Trước họ Nguyễn đặt Đội Hoàng Sa 70 xuất, lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu tư mà ra biển, ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiêng, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định lượng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về” (1).

Trong phần về phủ Tư Nghĩa của sách Hoàng Việt địa dư chí, Phan Huy Chú cũng ghi chép những dòng tương tự, và còn ghi thêm rằng: “Vật báu ở đó (tức Hoàng Sa - N.Đ.V) rất nhiều, nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ và khai thác vật báu” (2).

Ngoài ra, về quần đảo Hoàng Sa và hải đội Hoàng Sa (kiêm quản Bắc Hải, tức bao gồm cả Trường Sa) còn có nhiều tư liệu, sách vở khác cũng ghi chép, như: Sinensis Oceanus (của anh em người Hà Lan Van Langren - 1595), Indiae Orientalis (của Meccato - 1663), Toàn tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư (của Đỗ Bá - 1686), Hải ngoại ký sự (của Thích Đại Sán - 1697), Đại Nam thực lục (tiền biên), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều chính biên toát yếu (của Quốc sử quán triều Nguyễn), Việt sử cương giám khảo lược (của Nguyễn Thông), Quảng Ngãi tỉnh chí (của Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Đình Chi, Khiếu Lựu Kiều...), Quảng Ngãi nhất thống chí (của Lê Ngãi),...

Một số tư liệu lịch sử trên còn cho biết, Phạm Quang ảnh người làng An Vĩnh còn được vua Gia Long cử làm cai đội Hoàng Sa (tức kiêm quản cả Bắc Hải) vào tháng giêng năm Ất Hợi (1815), và chính ông đã dẫn hải đội này tiến hành khai thác biển Đông, đo đạc thủy trình. Các vị vua kế tiếp là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng đều quan tâm đến việc củng cố chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của tổ quốc. Các tướng Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật là những người được vua Minh Mạng cử làm cai đội Hoàng Sa liên tiếp trong các năm 1834, 1835,1836, ngoài việc tìm kiếm hải vật, sản vật, còn đặc biệt chuyên tâm đến các việc vẽ bản đồ từng hòn đảo, xây dựng dinh miếu, dựng bia trên hai quần đảo này. Chỉ riêng về Phạm Hữu Nhật, sách Quốc triều chính biên toát yếu cũng đã ghi: Tháng giêng năm Bính Thân (1836), vua Minh Mạng đã “Khiến Thủy quân Suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền qua Quảng Ngãi, thẳng tới bãi Hoàng Sa, không nệ cù lao nào, cồn cát nào, hễ dài ngang rộng cao châu vi. Và bốn phía gần đó có đá mọc cát ngầm hay không; hình thế chỗ ấy có hiểm trở hay không, từ cửa biển ra đó đàng thủy đi mấy dặm; đó gần bờ biển huyện làng nào; đến đâu khám xét rõ ràng, rồi cắm tiêu làm dấu, vẽ thành bản đồ đem về dâng lên Ngài ngự lãm” (3).

Sứ mệnh của đội Hoàng Sa thời ấy quả thật vô cùng nặng nề, mà cũng hết sức thiêng liêng, cao cả, vì thế từ thời vua Thiệu Trị trở đi, nhà vua bao giờ cũng là người trực tiếp phê quyệt kế hoạch hoạt động của Đội Hoàng Sa hàng năm. Đến đời Tự Đức, nhà vua còn phong tặng danh hiệu “Hùng binh Hoàng Sa” cho những chiến sĩ thuộc Đội Hoàng Sa không may bỏ mình trên biển.

Hùng binh Hoàng Sa - Họ là ai?

Căn cứ vào những nguồn tư liệu nêu trên, Đội Hoàng Sa được thiết lập dưới thời chúa Nguyễn và sau này là triều Nguyễn. Mới đầu thành lập họ chủ yếu là những người dân đinh khỏe mạnh, giỏi nghề sông nước của làng An Vĩnh, làng An Hải trên đất liền (nay thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh), và làng An Vĩnh, làng An Hải thuộc huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Nhưng đến đầu TK XIX, thì họ chủ yếu là người của làng An Vĩnh và An Hải - Lý Sơn. Vì thế cho đến nay, người dân huyện đảo Lý Sơn luôn tự hào về đội Hoàng Sa một thời lừng danh, gắn liền với tên tuổi những vị cai đội thao lược và dũng cảm: Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, Nguyễn Quang Tám..., là những người con của quê hương đất đảo. Nhưng không chỉ có vậy, căn cứ vào những tư liệu còn lưu ở các tộc họ và đã được xác tín trong nhân dân, thì 70 định xuất cho Đội Hoàng Sa hàng năm được chia đều cho các tộc họ trên hai làng An Vĩnh và An Hải, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền, được luân phiên theo nguyên tắc: người con trưởng ở nhà lo tế tự, người con thứ phải sung quân. Mỗi năm có 70 định xuất, nhưng đến hàng vài ba thế kỷ, thì có biết bao nhiêu người đã đăng lính Hoàng Sa? Ngày nay, lần tìm trong các gia phả, các khế ước, sổ đinh, các bản thuế khóa… của những dòng họ trên đảo Lý Sơn còn lưu lại, có thể thấy, hầu như toàn bộ các tộc họ trên đảo Lý Sơn đều có người đi lính Hoàng Sa thuở trước. Đó là chưa kể đến nhiều tộc họ ở các làng An Vĩnh, An Hải, An Kỳ, Bình Châu… trong đất liền và các làng quê dọc biển Quảng Ngãi khác cũng phải thường xuyên phải đăng lính Hoàng Sa theo sự chiêu mộ của triều đình nhà Nguyễn. Không những thế, từ TK XIX trở đi, triều đình còn chiêu mộ thêm các ngư dân ở các làng ven biển Bình Thuận, Quảng Bình để sung vào đội Hoàng Sa, như dân ở các làng Tứ Chính, Bình Cố hoặc Cảnh Dương mà sách Đại Nam thực lục (phần tiền biên, q.10) còn ghi.

Cho đến nay, người dân trên đảo Lý Sơn còn lưu truyền nhiều câu ca dân gian gắn liền với Đội Hoàng Sa: Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Trường Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa; Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi,…

Những lời ca buồn bã và não ruột trên đây phản ảnh số phận của những người đi lính Hoàng Sa - Trường Sa thuở trước. Hầu hết 70 người hàng năm phải lênh đênh trong sóng nước từ tháng 2 đến tháng 8 trên biển Đông đã không còn được trở về, họ mãi mãi là “Hùng binh Hoàng Sa” như lời phong tặng của vua Tự Đức. Những chiếc ghe bầu, những chiếc thuyền câu không đủ thành nơi nương tựa yên tâm cho những số phận phải luôn đối mặt với bão tố, sóng gầm, cá dữ. Biết rằng ra đi là khó trở về, nên những người lính Hoàng Sa phải tự chuẩn bị cho mình: một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, một thẻ bài ghi tên quê quán. Nếu không may họ gục ngã, thì đôi chiếu cùng những đòn tre và các sợi dây mây kia sẽ bó được xác người. Những đồng đội còn lại của họ sẽ thả xác họ xuống sông sau khi cài vào phiên hiệu. Tên tuổi, bản quán trên chiếc thẻ sẽ nổi chìm cùng bó xác người. Kẻ may mắn sẽ được sóng biển đánh giạt vào bờ, hoặc được ngư dân vớt lên mai táng. Mà hình như không mấy ai có được may mắn ấy. Khu mả gió còn lại ở làng An Vĩnh bây giờ cho ta biết số phận của nhiều người lính thú. Những mả gió đó mãi mãi chỉ là những mộ chiêu hồn cho những “Hùng binh Hoàng Sa” (kể cả những người lừng danh như Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết), dầu trước khi ra đi tộc họ nào cũng làm lễ khao lề thế lính - một lễ thức còn tồn tại đến ngày nay với ý nghĩa cầu mong sự bình yên cho từng người trước khi xuống thuyền ra biển. Xin trích ra đây một đoạn văn tế lính Hoàng Sa của một tộc họ trên đất đảo: Cúi nghĩ: Cõi u minh khó lòng tưởng tượng, chất trong chất đục phong hóa từ đầu. Ngoảnh sang đông, ngóng về tây, hướng đi mơ màng dễ dàng lạc bến. Ôi sắc nước hương trời xa đôi nẻo, lòng dễ mến yêu. Thủy phủ khiến sức nước ngưng, buổi sáng trong veo như trang điểm, cho hồn các vị tựa hàng tiên. Tiếng sóng động dông dài, tuong niệm dấu thần phương nao mờ mịt, ngóng hồn thiêng xa vời vợi mong được hàm ơn (4).

Mấy điều cần gìn giữ

Lâu nay đã có một số sách báo nói về Đội Hoàng Sa - Trường Sa, về lễ thức khao lề thế lính còn hiện diện trên đất đảo, và cũng đã có dự án trùng tu, bảo tồn các di tích gắn liền với Đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, như lập bia bảng, tượng đài; xây dựng lại đình An Vĩnh - nơi Đội Hoàng Sa tế thần trước khi xuất quân; trùng tu Âm Linh Tự; trùng tu một số nhà thờ tộc họ có nhiều người đi lính Hoàng Sa, hoặc có nhiều công trạng trong công cuộc bảo vệ vùng biển Đông thuở trước; trùng tu và bảo quản khu mộ gió,… Nhưng có lẽ, không chỉ dừng ở mức đó. Những di tích gắn liền với Đội Hoàng Sa còn có ở nhiều nơi khác, mà những di tích này đang xuống cấp trầm trọng, hoặc đã bị san bằng, do thời gian và cả do con người tàn phá, như các di tích tại làng An Vĩnh - Sa Kỳ, nơi còn có dấu tích miếu Hoàng Sa - ngôi miếu mà Đội Hoàng Sa tế thần trước khi xuất quân (bởi Đội Hoàng Sa vốn xuất quân ra biển tại cửa Sa Kỳ), còn có Vườn Đồn - nơi lính Hoàng Sa đóng doanh trại (bên cạnh đồn Biên phòng Sa Kỳ hiện nay), còn có đình An Vĩnh - nơi những người đi lính Hoàng Sa trong đất liền tế tự và được phối thờ… Việc trùng tu, bảo quản các di tích liên quan đến Đội Hoàng Sa là hết sức cần thiết, ngoài ý nghĩa về việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, giáo dục truyền thống, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, còn có giá trị về phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch. Tuy nhiên, có lẽ cũng cần có cuộc tổng kiểm kê (làm lại) các di tích liên quan đến Đội Hoàng Sa, bởi như chúng ta đều biết, tầm hoạt động của Đội càng về sau càng được mở rộng, và cũng thu nạp nhiều người ở các làng quê khác, không chỉ riêng ở đảo Lý Sơn (có cả ngoài tỉnh). Cần tiến hành sưu tầm các tài liệu có liên quan đến Đội Hoàng Sa, không chỉ trong các thư tịch, mà còn lưu trong nhân dân (bởi hiện nay một số tộc họ còn giữ nhiều tài liệu bằng chữ Hán, chữ Nôm, như ở gia đình ông Nguyễn Ấn ở An Hải chẳng hạn). Cũng cần phải dành công sức cho việc sưu tầm những câu ca, hò vè, các câu chuyện dân gian (truyền thuyết, giai thoại…) liên quan đến những người đi lính Hoàng Sa, hoặc về các di tích Hoàng Sa - Trường Sa, bởi nếu không tiến hành kịp thời những người lớn tuổi sẽ dần dần mai một. Và đặc biệt là, khuyến khích các tộc họ hàng năm nên tổ chức lại lễ thức cúng tế lính Hoàng Sa, dầu là trong phạm vi tộc họ, hay trong phạm vi cả làng. Việc cúng tế có thể giản lược, nhưng nên có thêm những trò diễn dân gian mà làng Lý Sơn và các làng quê ven biển từ ngàn xưa đã có. Những điều giản lược nêu trên nếu may mắn được thực thi chắc chắn sẽ làm yên lòng phần nào những người vốn phải chịu “chạnh lòng nơi viễn xứ”.

_______________

1. Lê Quý Đôn, Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.119-120.

2. Phan Huy Chú, Hoàng Việt địa dư chí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.16.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998, tr.274.

            4. Bản dịch của Nguyễn Quang Ngọc, Vũ Văn Quân, Tư liệu về nguồn gốc, chức năng và hoạt động của Đội Hoàng Sa, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 14, 1998, tr.12.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 301, tháng 7-2009

Tác giả : Nguyễn Đăng Vũ

;