Người Pa cô ở vùng núi hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế qua hàng ngàn năm đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống. Đến nay, họ vẫn luôn cố gắng bảo tồn, truyền lại cho thế hệ sau những nét hay, nét đẹp của tộc người Pa cô. Cách tính thời gian là một trong những giá trị văn hóa độc đáo của người Pa cô xưa, hiện vẫn được áp dụng song song với cách tính lịch hiện đại.
Người Pa cô xưa quan niệm thời gian chính là sự chuyển động của mặt trăng. Hướng chuyển động của mặt trăng thường theo chiều khuyết (lần đầu) - tròn - khuyết (lần thứ hai) - khuất. Cứ mỗi lần trăng khuyết - tròn - khuyết - khuất sẽ tương ứng với một tháng. Đối với những tháng trời mưa dầm, lũ lụt, bão... nếu không thấy mặt trăng thì cách tính chu kỳ của trăng như sau: họ dùng 1 thân cây gỗ, cạo nhẵn rồi theo dõi và đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa khứa vào thân gỗ. Ví dụ: trăng khuyết (lần đầu) có 8 ngày thì khứa 8 dấu, trăng tròn 8 ngày thì 8 dấu, trăng khuyết (lần thứ hai) 12 ngày thì 12 dấu, và trăng khuất 2 ngày khứa 2 dấu. Với cách làm này, người Pa cô có thể yên tâm trong việc tính ngày những tháng vào mùa mưa, chủ động trong công việc nhà cũng như việc nương rẫy, săn bắn, trồng trọt.
Hình ảnh mặt trăng đã ăn sâu vào đời sống vật chất, tinh thần của người Pa cô. Chính vì lẽ đó, tất cả công trình kiến trúc như nhà làng, nhà ở, nhà mồ, quan tài, vật dụng lao động, trang sức, trang phục, phương tiện vận chuyển như gùi, thuyền... các hình xăm trên cơ thể người đều có hình ảnh mặt trăng được cách điệu hóa. Làng bản cũng được sắp xếp, bố trí các ngôi nhà quây quần bên nhau theo hình dáng của vầng trăng khuyết. Hình ảnh mặt trăng còn xuất hiện nhiều trong các câu chuyện kể, thơ ca dân gian của người Pa cô.
Lịch tháng của người Pa cô chỉ có tháng đủ ngày và tháng thiếu ngày. Nếu tháng đủ ngày thì người già sẽ nhìn thấy sự xuất hiện bầu trời tối như mực, còn tháng thiếu ngày thì đi đêm thấy được mặt của hai người đối diện. Ngày cuối tháng trước và ngày đầu tiên của tháng sau được nhận biết qua vệt mặt trăng sắp hình thành trên bầu trời. Chính vì sự thay đổi hình dạng của trăng trong từng đêm, từng tháng, từng mùa mà người Pa cô có lịch mùa vụ thích hợp.
Người Pa cô sử dụng những hình ảnh rất gần gũi với con người như nhú sừng, bắp chân, cánh diều, cái sập, cái đèo, cái gối, lụi sừng... để nói về các ngày trong tháng. Khi dựa vào sự chuyển động của mặt trăng, người Pa cô đã tính được các ngày trong tháng:
Các ngày |
Tiếng Pacô |
Nghĩa |
Tiếng Việt |
01 |
Kaler |
hườm (đỏ) |
mồng một |
02 |
takoi ngô’h |
nhú song |
mồng hai |
03 |
Ilău ngô’h tôm |
bắp chân căng lần đầu |
mồng ba |
04 |
Ilău ngô’h tua |
bắp chân căng lần cuối |
mồng bốn |
05 |
kalang ngô’h tôm |
cánh diều lên lần đầu |
mồng năm |
06 |
kalang ngô’h tua |
cánh diều lên lần cuối |
mồng sáu |
07 |
tưng ngô’h tôm |
chính giữa hiện lần đầu |
mồng bảy |
08 |
tưng ngô’h tua |
chính giữa hiện lần cuối |
mồng tám |
09 |
pannoang ngô’h tôm |
bánh phồng lên lần đầu |
mồng chín |
10 |
pannoang ngô’h tua |
bánh phồng lên lần cuối |
mồng mười |
11 |
kumuiq ngô’h tôm |
linh hồn người chết hiện lần đầu |
mười một |
12 |
kumuiq ngô’h tua |
linh hồn người chết hiện lần cuối |
mười hai |
13 |
traleang ngô’h |
cái sập cửa hiện ra |
mười ba |
14 |
Truq |
cái đèo theo sau |
mười bốn |
15 |
Trakoal |
cái gối |
mười lăm |
16 |
Traklang |
sự neo đậu |
mười sáu |
17 |
traleang păt |
cái sập cửa biến dần |
mười bảy |
18 |
pannoang păt tôm |
bánh phồng xẹp lần đầu |
mười tám |
19 |
pannoang păt tua |
bánh phồng xẹp lần cuối |
mười chín |
20 |
tưng păt tôm |
chính giữa ẩn lần đầu |
hai mươi |
21 |
tưng păt tua |
chính giữa ẩn lần cuối |
hăm mốt |
22 |
kumuiq păt tôm |
linh hồn người chết ẩn lần đầu |
hăm hai |
23 |
kumuiq păt tua |
linh hồn người chết ẩn lần cuối |
hăm ba |
24 |
kalang păt tôm |
cánh diều xuống lần đầu |
hăm bốn |
25 |
kalang păt tua |
cánh diều xuống lần cuối |
hăm lăm |
26 |
Ilău păt tôm |
bắp chân xẹp lần đầu |
hăm sáu |
27 |
Ilău păt tua |
bắp chân xẹp lần cuối |
hăm bảy |
28 |
takoi păt |
lụi song |
hăm tám |
29 |
Tayel |
vệt dài nhỏ |
hăm chín |
30 |
Nhil |
tối như mực |
ba mươi |
Các tháng trong năm của người Pa cô được tính theo phương thức trồng trọt, đây là phong tục tập quán lâu đời trong sản xuất nông nghiệp, mà chủ yếu dựa vào việc trồng ngô và lúa. Cây ngô bắt đầu trỉa từ tháng 1 và thu hoạch vào tháng 4. Cây lúa bắt đầu gieo trỉa vào tháng 5 và thu hoạch vào tháng 10.
Các già làng và người dân địa phương thống nhất cho rằng, tính theo mùa vụ thì người Pa cô có 10 tháng trong năm:
Stt |
Nhận biết tháng |
Dấu hiệu liên quan đến nghề nông và cây trồng |
1 |
Tháng 1 |
Ngô non mơn mởn lên đều |
2 |
Tháng 2 |
Ngô trổ đòng kết trái |
3 |
Tháng 3 |
Bắp ngô tươi chuyển sang màu vàng và khô vỏ bề ngoài |
4 |
Tháng 4 |
Thu hoạch và cất vào kho hoặc gác bếp |
5 |
Tháng 5 |
Rẫy được dọn sạch, đốt thực bì, trỉa lúa |
6 |
Tháng 6 |
Không ra rẫy, lúa tự mọc và phát triển |
7 |
Tháng 7 |
Ghé thăm rẫy, cỏ lúa bắt đầu phát triển |
8 |
Tháng 8 |
Làm cỏ lúa |
9 |
Tháng 9 |
Canh rẫy, đuổi chim và thú rừng phá hoại lúa |
10 |
Tháng 10 |
Tuốt lúa, đưa lúa về kho, chuẩn bị ăn tết ada và đón mùa lúa mới |
Bên cạnh các ngày trong tháng, các tháng trong năm, người Pa cô còn dựa vào thời tiết để tính các mùa trong một năm. Sự thay đổi của thời tiết ứng với sự thay đổi của vạn vật tự nhiên đó là cơ sở để người Pa cô tính mùa. Dấu hiệu để tính được các mùa là dựa vào: hoa, thời tiết nóng, mát/ cây rụng lá, lạnh. Bốn yếu tố này được lặp lại theo một hệ thống tuần hoàn thì gọi là mùa (nno). Với người Pa cô, một năm cũng có 4 mùa như người Việt: mùa xuân (nno piar) từ tháng 1 đến hết tháng 3, mùa hè (nno atooq) từ tháng 4 đến hết tháng 6, mùa thu (nno uk) từ tháng 7 đến hết tháng 9 và mùa đông (nno alsăm) vào tháng 10. Khi hoa hé nở, cây cối đâm chồi nảy lộc, chim muông hót vang núi rừng, báo hiệu mùa đông đã qua và lại chuyển sang một vòng tuần hoàn mới.
Bên cạnh mặt trăng, mặt trời cũng là đơn vị thời gian giúp người Pa cô nhận diện các giờ trong ngày. Trước đây vì chưa có đồng hồ nên người Pa cô vẫn thường ước lượng thời gian bằng cách dựa vào tiếng gà gáy, qua trạng thái bụng no bụng đói, thấy mặt trời chiếu qua các loại cây, nếu bóng cây dài thì biết là hãy còn sớm, bóng cây ngắn thì đã gần trưa, bóng cây lùi về phía sau thì biết gần chiều tối. Họ còn nhận diện các giờ trong một ngày qua thân nhiệt lạnh - ấm - nóng - ấm - lạnh - buốt tương ứng với các buổi: sớm - sáng - trưa - chiều - tối - khuya.
Người Pa cô không tính thời gian cho các khoảnh khắc trong ngày mà chỉ phụ thuộc vào mặt trời. Họ quan sát, theo dõi sự biến thiên của mặt trời, sức nóng, bóng cây, bóng nhà, bóng người hoặc mặt trời mọc, mặt trời lặn để gọi các giờ trong ngày như sau:
Tiếng Pacô |
Nghĩa |
Khoảng thời gian |
ântruôi tikăr |
gà gáy |
1 - 5 giờ |
ngô’h măt |
mặt trời mọc |
6 - 7 giờ |
yoor măt |
mặt trời lên |
8 - 9 giờ |
pitưng măt |
già bóng (mặt trời) |
10 - 11 giờ |
tưng măt |
đứng bóng (mặt trời) |
12 giờ |
Vih măt |
ngoảnh mặt (mặt trời) |
13 - 14 giờ |
rarong măt |
nghiêng mặt (mặt trời) |
15 - 16 giờ |
puaq kachăng koo’h |
nắng cười với núi |
17 giờ chiều |
ploot măt |
mặt trời lặn |
18 giờ tối |
Như vậy, một ngày đối với người Pa cô là 18 giờ không phải 24 giờ như người Việt. Họ quan niệm sau khi mặt trời lặn thì phải đi ngủ, lúc đó không làm việc gì thì không thể cộng thêm giờ, không có mặt trời thì cũng không tính giờ. Đối với mùa đông, khi không nhìn thấy mặt trời thì người Pa cô lại ước lượng thời gian trong ngày qua các trạng thái khi bụng đói lần 1 tức là buổi sáng, khi bụng đói lần 2 tức là buổi trưa, khi bụng đói lần 3 tức là buổi tối.
Theo người Pa cô xưa, thời gian công việc hằng ngày còn ứng với nông lịch, khoảng thời gian trỉa lúa, ngô cũng như các loại hoa màu khác nên bắt đầu từ ngày hai mươi hai đến ngày hai mươi chín. Họ quan niệm rằng trỉa đúng vào khoảng thời gian đó, lúa ngô sẽ chắc hạt, lúa nặng bông. Còn đối với việc khai thác mây, tre, lồ ô, nứa, lau, sậy… cần khai thác vào các ngày tối trời nhất trong tháng. Các nghệ nhân đan lát cho rằng vào những ngày tối trời, sâu mọt sẽ không đi ăn, các giống cây để đan lát sẽ không bị mối mọt tấn công sau khi đã thành sản phẩm, tạo cho sản phẩm có giá trị sử dụng lâu bền.
Ngày nay, các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế nói chung và người Pa cô nói riêng đã vay mượn nguyên bản các đơn vị ngôn ngữ chỉ thời gian của người Việt, đó là điều tất yếu. Họ đã dùng 24 giờ trong một ngày, 7 ngày trong một tuần, tháng đủ, tháng thiếu, tháng nhuận, năm có 12 tháng. Họ cũng biết dùng 4 quý trong năm, bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, ăn tết cổ truyền của người Pa cô và ăn tết nguyên đán theo lịch của người Việt. Lịch sản xuất nông nghiệp bây giờ cũng theo lịch thời vụ của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay, người Pa cô còn biết dùng âm lịch để lo việc cúng bái, chọn ngày lành tháng tốt để dựng vợ, gả chồng cho con cái theo lịch vạn sự. Phải chăng đây là sự giao thoa văn hóa tất yếu trong quá trình cùng tồn tại, phát triển của các tộc người trên dải đất Việt Nam.
Người Pa cô đã tạo ra cách tính thời gian độc đáo dựa trên sự nhận biết quy luật biến đổi của tự nhiên. Nhờ quá trình lao động, đối mặt với thiên tai, bệnh tật..., sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, dần dần người Pa cô đã có sự hiểu biết sâu rộng về cách tính thời gian. Cần lưu giữ và bảo tồn cách tính thời gian, nông lịch của người Pa cô xưa, cũng như của các tộc người khác, bởi đây chính là những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc, phản chiếu đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt, cách tư duy của người xưa.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014
Tác giả : Trần Nguyễn Khánh Phong