Đảng và Nhà nước ta luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực, mục tiêu của CNXH. Việc quản lý nhằm bảo tồn, kế thừa, phát triển những giá trị văn hóa dân tộc là quốc sách hàng đầu được ghi nhận trong các bản hiến pháp. Một trong những lĩnh vực hoạt động phổ biến trong đời sống văn hóa xã hội ở nước ta, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm, nhận thức của nhiều người đó là hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Sự tác động của khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, của quá trình giao lưu văn hóa và hội nhập kinh tế đã đưa nghệ thuật biểu diễn không chỉ trở thành sản phẩm tinh thần đáp ứng nhu cầu của quần chúng mà còn trở thành một bộ phận của kinh tế thị trường phát triển năng động, sáng tạo. Phát triển nghệ thuật biểu diễn đi đúng hướng dân tộc, khoa học, đại chúng chắc chắn không thể thiếu vai trò then chốt của quản lý nhà nước.
1. Quan niệm về quản lý nhà nước với hoạt động biểu diễn nghệ thuật
Nghệ thuật biểu diễn bao gồm nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau vì vậy đến nay chưa có một khái niệm đầy đủ, chính xác. Mỗi khái niệm đưa ra chỉ bao hàm được một khía cạnh nào đó. Tác giả Đình Quang quan niệm rằng nghệ thuật biểu diễn là nghệ thuật tổng hợp, là một công trình tập thể. Tổng hợp vì nó bao gồm cả giá trị văn học, hội họa, âm nhạc, vũ đạo; thể hiện ra trong câu ca, nhạc nền, điệu bộ, dáng múa, phục trang, ánh sáng... Tập thể vì đây là công sức góp lại của nhiều người, từ đạo diễn, tác giả, diễn viên đến nhạc sĩ... Tác giả Trần Trí Trắc thì cho rằng nghệ thuật biểu diễn là sự thể hiện sáng tạo của nghệ sỹ trước khán giả, là tiếng nói từ trái tim đến trái tim, từ tình cảm đến với tình cảm và trở thành một bảo tàng sống của dân tộc. Trong hệ thống văn bản luật của nhà nước cũng nêu rõ biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp là hoạt động đưa chương trình, tiết mục, vở diễn đến với công chúng qua sự trình diễn của diễn viên chuyên nghiệp, thể hiện hình tượng nghệ thuật, phản ánh cuộc sống thông qua tác phẩm sân khấu, ca, múa, nhạc...
Xây dựng một xã hội có đời sống vật chất đầy đủ, đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và toàn dân đang theo đuổi. Trong đó các hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói riêng càng cần được định hướng và quản lí nhằm phục vụ hiệu quả cho mục tiêu đó. Quản lý trong xã hội nói chung là quá trình tổ chức điều hành các hoạt động nhằm đạt được những mục tiêu và yêu cầu nhất định dựa trên những quy luật khách quan. “Quản lý là sự chỉ đạo, điều khiển một hệ thống, một quá trình căn cứ vào các quy luật, định luật, nguyên tắc tương ứng để cho hệ thống, quá trình vận động theo ý muốn của người quản lý nhằm đạt mục tiêu đề ra” (1).
Quản lý nhà nước, theo nghĩa rộng được hiểu là hoạt động tổ chức, điều hành của cả bộ máy nhà nước, bao hàm cả sự tác động, tổ chức của quyền lực nhà nước trên các phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo nghĩa hẹp, quản lý nhà nước chủ yếu là quá trình tổ chức, điều hành hệ thống cơ quan hành chính nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người theo pháp luật, nhằm đạt được những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước theo nghĩa hẹp còn đồng nghĩa với khái niệm quản lý hành chính nhà nước.
Như vậy, quản lý nhà nước đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng không nằm ngoài các khái niệm nêu trên. Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật là “một quá trình đi từ chỗ nắm được, nắm đúng cái hiện có; thấy được, thấy đúng cái cần có và biết tìm mọi biện pháp khả thi, tối ưu để đưa từ cái hiện có lên cái cần có” (2). Quản lý nhà nước đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật là tổng lực của nhà nước trong các phạm vi, nhằm tác động phù hợp với quy luật phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn trong những nhiệm vụ, mục đích cụ thể.
2. Tầm quan trọng của quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật
Hơn một thập niên trở lại đây, với chủ trương đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước đã tạo nên một sự biến đổi và phát triển mạnh mẽ cho toàn bộ đời sống xã hội, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ngày càng đáp ứng kịp thời, linh hoạt thị hiếu, nhu cầu khác nhau của công chúng. Các loại hình nghệ thuật biểu diễn trở nên sinh động, phong phú với những hình thức, thể loại đa dạng, nội dung hấp dẫn... tạo sinh khí và sắc thái mới cho đời sống tinh thần xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ngành nghệ thuật biểu diễn hiện nay vẫn còn những tồn tại, bất cập. Một số quốc gia lớn đang tạo áp lực đến đời sống văn hóa, nghệ thuật của nước ta, tác động không nhỏ vào quá trình nhận thức và thị hiếu về nghệ thuật, thẩm mỹ, dẫn đến hiện tượng một bộ phận giới trẻ đã bị lệch chuẩn về văn hóa. Trước sức ép về nhu cầu hưởng thụ cuộc sống, một số nghệ sỹ, người mẫu bất chấp quy định của pháp luật, coi thường chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp dẫn đến những hành vi vi phạm về thuần phong mỹ tục, đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc. Những hành vi sai phạm này đã tác động xấu đến nhận thức của giới trẻ, làm suy giảm các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ của văn học nghệ thuật đối với đời sống xã hội.
Trên toàn quốc có khoảng gần 2.000 doanh nghiệp có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, có khoảng gần 10.000 nghệ sĩ, người mẫu, trong đó có khoảng 1/3 ngoài công lập. Con số nghệ sĩ đông đảo, sự bùng nổ tự phát của nhiều thành phần tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn toàn quốc không nắm được số lượng, nhân thân của các cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trên địa bàn được giao quản lý.
Trong bối cảnh đó, việc uốn nắn, điều chỉnh, quản lý của các cơ quan Nhà nước có chức năng đã và đang trở thành một tất yếu khách quan vì quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật tạo môi trường thuận lợi cho ngành nghệ thuật biểu diễn phát triển, góp phần tạo nên sự ổn định về chính trị, đem lại hiệu quả kinh tế, tạo nên sự ổn định và công bằng xã hội. Hơn nữa, quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật còn nhằm bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
3. Các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật
Những hạn chế trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay ngoài sự tác động khách quan của nền kinh tế thị trường còn phải nói đến vai trò chủ quan của công tác quản lý. Nguyên nhân sâu xa là sự thiếu nghiêm minh, khoa học ở ba khâu: quản lí hoạt động cấp phép, quản lý đơn vị tổ chức và quản lý đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên. Vấn đề đặt ra cho các chủ thể quản lý là phải căn cứ tình trạng thực tế, dựa trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước đề ra các biện pháp có tính chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Quy hoạch lại mạng lưới các đoàn nghệ thuật biểu diễn
Tùy theo điều kiện của từng địa phương và thực tế của các đơn vị nghệ thuật để sắp xếp, quy hoạch theo hướng giảm dần các đoàn nghệ thuật công lập, tránh chồng chéo về loại hình hoạt động. Ở cấp trung ương cần giữ nguyên các đơn vị nghệ thuật truyền thống song song với việc đầu tư phát triển một số đơn vị nghệ thuật hiện đại, thực hiện tốt cơ chế tự hạch toán theo phương thức khoán chi hành chính và từng bước thực hiện chính sách xã hội hóa. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM cần giữ nguyên và tiếp tục đầu tư cho các đơn vị hoạt động hiệu quả, đúng phương hướng; chuyển dần các đơn vị hoạt động kém hiệu quả sang hình thức bán công hoặc dân lập. Đối với các tỉnh, thành phố khác thì cần tập trung xây dựng một đơn vị nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của địa phương hoăc xây dựng đơn vị nghệ thuật tổng hợp đối với vùng đông dân cư
Đầu tư cho sáng tác và dàn dựng tiết mục
Muốn có những tác phẩm đạt chất lượng cao, xứng đáng với tầm vóc của đất nước, phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu của công chúng, cần tập trung mở các cuộc vận động sáng tác, các cuộc thi có mục đích và nội dung cụ thể. Trên cơ sở kết quả của các cuộc vận động này, đầu tư kinh phí cho những tác phẩm xuất sắc, giao cho một số đơn vị nghệ thuật và nghệ sỹ có uy tín để dàn dựng.
Bên cạnh đó, phải đầu tư cho tác giả, đạo diễn đi thực tế để tác phẩm của họ mang hơi thở cuộc sống, đáp ứng được mong mỏi của công chúng. Tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức hội thảo và tọa đàm nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm, tạo hướng mới cho sáng tác. Mở các lớp tập huấn sáng tác, kỹ thuật dàn dựng... để nâng cao tri thức cho đội ngũ đạo diễn và kỹ thuật viên...
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật
Cả nước hiện có khoảng 130 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, hơn 200 đoàn nghệ thuật xã hội hóa, hơn 42.000 đội văn nghệ cấp xã, phường, hàng trăm đội thông tin tuyên truyền và gần 200 câu lạc bộ nghệ thuật tư nhân. Tuy nhiên, hầu như hệ thống cơ sở vật chất của các đơn vị không đáp ứng được những yêu cầu về công năng biểu diễn chuyên nghiệp và nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của công chúng.
Xuất phát từ thực tế đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, định hướng xây dựng, cải tạo các rạp, điểm biểu diễn nghệ thuật. Đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống dân tộc, đảm bảo đầu tư 100% trang thiết bị phục vụ biểu diễn và đầu tư tối thiểu 70% cho các loại hình nghệ thuật hiện đại.
Cải thiện chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ, diễn viên
Những bất cập về chế độ, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực đối với nghệ sĩ đang ảnh hưởng tới sức sáng tạo và sự phát triển của ngành nghệ thuật biểu diễn. Đặc biệt, đối với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, thang lương hiện nay gồm 3 hạng, 26 bậc không phù hợp với đặc thù của hoạt động nghệ thuật. Bên cạnh đó, mức phụ cấp nghề nghiệp thấp cũng chưa bù đắp được công sức luyện tập nặng nhọc, phải thường xuyên di chuyển và hoạt động của người nghệ sĩ. Cần có chính sách ưu tiên cụ thể cho họ như điều chỉnh lại mức lương, rút ngắn số thang bậc để nghệ sĩ có quỹ thời gian phấn đấu trong quá trình công tác; điều chỉnh chế độ phụ cấp, chế độ ưu đãi với các nghệ sĩ, diễn viên có nhiều cống hiến và đạt danh hiệu cao.
Đổi mới công tác quản lý
Phải tăng cường phối hợp quản lý giữa Cục nghệ thuật biểu diễn và các cấp, ngành trong việc sản xuất và chuyển tải các sản phẩm đến với công chúng. Xác lập một hệ thống cơ quan quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp chủ động xây dựng văn bản phục vụ công tác quản lý.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn và năng lực đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ
Thực tế cho thấy hoạt động biểu diễn nghệ thuật còn xảy ra nhiều tiêu cực. Ngoài lý do công tác quản lý thiếu hiệu quả thì một phần không nhỏ là do năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý còn yếu kém về chuyên môn, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thiếu sáng tạo, chưa nhanh nhạy nắm bắt thực tế...
Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh sự cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước thì bản thân các đơn vị hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải có biện pháp, hướng đi riêng. Chủ động trong việc quản lý, đào tạo nghệ sĩ, diễn viên thuộc đơn vị mình, nắm rõ năng lực từng người để bố trí công việc đúng vị trí, khả năng. Chủ động tạo nguồn kinh phí cho hoạt động nghệ thuật từ các nguồn đầu tư, viện trợ. Đặc biệt, các đơn vị hoạt động biểu diễn nghệ thuật nên chú trọng mở rộng việc tuyển chọn các tài năng nghệ thuật trẻ có năng lực, từng bước trẻ hóa đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, tạo sức sống cho ngành nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.
Biểu diễn nghệ thuật không chỉ giữ vai trò đặc biệt trong đời sống xã hội mà còn là một bộ phận của nền kinh tế thị trường, phát triển trong năng động, sáng tạo. Nhưng những mặt trái của kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa đang đẩy nghệ thuật biểu diễn vào tình trạng lộn xộn, gây tác hại về văn hóa, chính trị, tư tưởng... Trước tình hình đó, hơn bất kỳ biện pháp nào, quản lý nhà nước chính là cách thức hiệu quả nhất. Sự quản lý kết hợp giữa mềm dẻo, năng động với kỷ cương, kỷ luật; giữa thuyết phục và cưỡng chế; giữa tập trung và dân chủ sẽ tạo ra sự ổn định và phát triển cho nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.
_______________
1. Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.8.
2. Nguyễn Văn Hy, Phan Văn Tú, Quản lý hoạt động văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.5.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014
Tác giả : Phạm Phương Thùy