Phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Trẻ em ở đồng bằng  thích tắm sông rất nguy hiểm

Các tỉnh miền núi, vùng cao ở nước ta thường có nhiều sông, suối, ao, hồ, ghềnh, thác…là những nơi thường xảy ra đuối nước cho trẻ em. Theo một số liệu thống kê, chỉ trong vòng 2 tuần đầu tháng 4/2021, trên địa bàn Hà Tĩnh có 5 học sinh đuối nước. Mới đây, vào chiều 26/5, cháu T. (3 tuổi, trú khu Nghĩa Trung, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đang chơi đùa trước ngõ thì không may rơi xuống kênh N1 thuộc trạm bơm Phước Nghĩa. Nước kênh cuốn T. trôi xa 500m. May thay, lúc này một tài xế lái xe múc đã phát hiện và vớt cháu lên bờ, hô hấp nhân tạo tại chỗ. Khi thấy T. có dấu hiệu thở nhẹ trở lại, người dân đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu. Hiện T. đã dần hồi phục. Đây là hồi chuông cảnh báo đối với nhà trường, các em học sinh và các bậc phụ huynh khi hè tới cũng là thời điểm nhu cầu vui chơi, bơi lội của trẻ em tăng cao.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em nhưng đa số do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước ở trẻ nhỏ còn chưa đúng mức. Từ đó, trẻ thiếu đi sự giám sát, trông giữ của gia đình và người thân. Công tác quản lý của gia đình, nhà trường đối với con em, học sinh trong và ngoài trường học cũng còn hạn chế. Việc dạy bơi trong trường học chưa thực sự được chú trọng. Một số công trình xây dựng thủy lợi như kênh hở, mương, hố ga lại tiềm ẩn nhiều tai nạn cho trẻ em, nhất là đuối nước.

Có nhiều người ở nông thôn, miền núi, khi phát hiện các trẻ bị đuối nước… không có kiến thức để sơ cứu ban đầu, “hô hấp nhân tạo”, khi mang trẻ đến cơ sở y tế thì đã quá muộn. Nên chăng, các ngành chức năng, các cơ quan chuyên môn cần mở các lớp tập huấn, thực hành nhiều lần cho người dân, các bà mẹ ở khu vực nông thôn, miền núi… nhằm nâng cao kiến thức bảo vệ, tạo an toàn cho trẻ.

Theo các thầy thuốc, khi trẻ em bị ngạt nước, người sơ cứu cần bình tĩnh tìm mọi phương tiện đưa nạn nhân ra khỏi nước, tốt nhất là sơ cứu trẻ ở nơi thoáng mát. Bị ngạt nước (đuối nước) nếu không được sơ cứu kịp thời sẽ bị tắt nghẽn đường thở do dị vật, nước tràn vào phổi, não bị tổn thương do ngừng tim, ngừng thở dẫn đến tử vong hoặc di chứng suốt đời.

Bên cạnh đó, ở một số vùng nông thôn, miền núi do cuộc sống gia đình khó khăn, nhiều em phải mưu sinh bằng việc bắt thủy sản tại các khu vực sông, hồ, ao… Đây cũng là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ cao tình trạng đuối nước hiện nay. Lứa tuổi thanh thiếu niên có tính hiếu động, thích tụ tập thành nhóm để vui chơi ở những địa điểm công cộng có nguồn nước biển, sông, suối, ao hồ vào mùa nắng nóng.

Để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra đuối nước, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và bản thân các em về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè; hướng dẫn cho các em cách phòng tránh những nguy cơ tiềm ẩn, học hỏi những kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý các tình, huống khi bơi lội…

Đã vào mùa hè 2021, trẻ em ở nông thôn, miền núi thường đến ao hồ, sông suối để tắm, bắt cá, chèo thuyền… nên nguy cơ đuối nước rất cao. Rất mong các bậc phụ huynh, nhà trường, các hội đoàn thể, các ngành chức năng… cần hoàn thiện, đảm bảo an toàn các công trình xây dựng thủy lợi, đẩy mạnh truyên truyền, giáo dục, dạy bơi…, nhằm nâng cao kỹ năng, ý thức phòng chống đuối nước xảy ra cho các em, nhất là các bậc phụ huynh ở nông thôn có hồ, ao nuôi trồng thủy sản. Chính quyền địa phương cần dựng các biển báo, biển cấm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước cho người lớn và trẻ em; đồng thời, tổ chức học cách sơ cứu đuối nước và cấp cứu các trường hợp tai nạn khác cho người dân nhằm mang lại an toàn cho trẻ. .

Tác giả: Tiên Sa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021

                         

 

;