PHONG CÁCH SỐNG HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà chính trị có tầm vóc lịch sử và quốc tế, là lãnh tụ thiên tài, vĩ đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nhưng, Bác Hồ lại có một đời sống vô cùng giản dị, khiêm tốn và luôn luôn gần dân, thương dân, vì dân. Đó là đặc trưng của phong cách sống Hồ Chí Minh.

Bác Hồ sống rất giản dị và khiêm tốn. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác ở nhà sàn chung với đồng chí, đồng bào. Sau ngày tiếp quản thủ đô Hà Nội, Bác không ở tòa nhà to đẹp, lộng lẫy là Phủ Toàn quyền do Pháp xây dựng trước đó, mà ở trong một ngôi nhà nhỏ của nhân viên phục vụ Phủ Toàn quyền. Khi Bác đi thăm nước ngoài, Bộ Chính trị mới bí mật làm cho Bác một ngôi nhà sàn đơn sơ như nhà sàn của đồng bào miền núi. Nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài và nhiều vị khách quốc tế thăm nhà sàn của Bác, đều vô cùng xúc động khi nhìn bộ quần áo kaki Bác thường mặc ngay cả khi tiếp đón các chính khách quốc tế cấp cao, đôi dép lốp Bác thường đi, mẩu bút chì xanh đỏ Bác vẫn dùng để đánh dấu những gương người tốt, việc tốt đăng trên các báo, và chiếc đài nhỏ Bác vẫn thường nghe tin tức trong nước và thế giới. Thật đúng như nhà thơ Tố Hữu viết về Bác: “Nhà gác đơn sơ, một góc vườn/ Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn/ Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối/ Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn” (Theo chân Bác).

Thường ngày, bữa cơm của Bác chỉ có vài ba món rất bình dị. Bác thích ăn cơm với cá kho tương và cà pháo muối - món ăn mà người Nghệ An, quê Bác thường dùng. Lúc ăn, Bác không để rơi vãi một hột cơm. Ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì để tươm tất, dùng cho bữa sau. Điều đó, chứng tỏ Bác rất quý trọng kết quả sản xuất của nhân dân và tôn trọng những người phục vụ. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác, kể lại: Có lần, Bác về thăm một tỉnh vùng trung du Bắc Bộ. Sau buổi làm việc, Tỉnh ủy mời Bác và các đồng chí cùng đi dự bữa cơm trưa. Nhưng Bác từ chối. Trên đường về Hà Nội, mấy Bác cháu trèo lên một ngọn đồi, đem cơm nắm đã chuẩn bị trước ở nhà, cùng ăn với nhau. Một lần, Bác về thăm Nghệ An. Trong bữa cơm do Tỉnh ủy mời Bác, có cả Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sĩ Quế. Thấy thức ăn dư dật, Bác để riêng ra mấy món và bảo: “Ăn làm sao hết. Để riêng ra, các đồng chí khác khỏi ăn thừa của mình”. Từ cách sống tiết kiệm, thanh đạm của Bác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật... Đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là đời sống thật sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng trong thế giới ngày nay”(1).

Là Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Đảng và dân tộc, nhưng Bác Hồ suốt đời gần dân, hết lòng thương dân, gắn bó máu thịt với nhân dân. Bác luôn luôn đồng cam cộng khổ với nhân dân và thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ, chúng ta không thể sống khác đồng bào”. Sau hòa bình, Bác đã 700 lần về thăm và làm việc với các cơ sở. Bác về thăm và động viên bà con nông dân ở nhiều hợp tác xã nông nghiệp, xắn quần lội ruộng, cùng tát nước chống hạn với các xã viên. Bác đến với công nhân các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ. Bác đến với cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang. Bác về thăm các trường học, từ mẫu giáo đến đại học, nhắc nhở thầy và trò “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Bác ra hải đảo, lên miền núi, quan tâm đến đời sống của đồng bào các dân tộc. Đi đến đâu, Bác cũng bình dị, không thích hình thức đón tiếp linh đình, không thích tiền hô hậu ủng, mà hòa nhập ngay với quần chúng, đối thoại trực tiếp và thân tình với quần chúng, để nắm sát tình hình thực tế và đồng cảm với tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Ví như chuyện Bác về thăm nhân dân xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ ngày 26-1-1964, giữa mùa đông giá rét. Cùng đi với Bác, có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và Tổng cục Lâm nghiệp. Nhân dân nô nức ra đón Bác, ai cũng muốn được đứng gần Bác. Để đảm bảo an toàn, các đồng chí công an giữ lại một khoảng cách, nhưng Bác xua tay nói: “Bác về đây là về với nhân dân, sao các chú lại không cho nhân dân đến với Bác?”. Thế là bà con được đứng chung quanh Bác. Một cán bộ địa phương trải chiếu hoa trên nền ngôi đình làng để Bác đứng nói chuyện với nhân dân, Bác bảo cuộn chiếu lại và nói: “Nhân dân đứng không có chiếu, sao Bác lại được đứng vào chiếu?”. Khi nói chuyện, Bác bỏ chiếc mũ dạ để trên bàn, đồng chí Nguyễn Tạo - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp lại đưa lên cho Bác đội, nhưng Bác bỏ mũ ra và nói: “Nói chuyện với nhân dân sao lại đội mũ?”. Bà con nông dân ai cũng bỏ mũ xuống cầm tay. Nói chuyện xong, Bác vào thăm một vài nhà dân. Đến một gia đình có 3 mẹ con đang ăn cơm trưa - bữa cơm đạm bạc thời bao cấp, Bác lấy khăn lau nước mắt, rồi chia kẹo cho các cháu. Những chuyến Bác về với nhân dân tương tự như thế, không thể kể hết được. Thật cảm động biết ngần nào về tấm lòng yêu nước thương dân, tác phong giản dị, chân tình, gần dân của Bác Hồ. Chính vì thế, Bác đã đề ra các chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn để chỉ đạo cách mạng, nhân dân tâm phục khẩu phục, đồng thời tập hợp được khối đại đoàn kết dân tộc chung quanh Người.

         Phong cách sống Hồ Chí Minh giản dị, khiêm tốn, đồng cảm và gắn bó máu thịt với nhân dân, chỉ mong muốn cho đất nước độc lập, nhân dân được hạnh phúc là phong cách sống của người cộng sản chân chính, một người cộng sản đích thực là cộng sản. Nói cách khác, đó là phong cách sống “dĩ công vi thượng” (tổ quốc và nhân dân là trên hết). Phong cách sống của Bác chính là đỉnh cao đích thực của nhân đạo và văn minh, không phải chỉ là tuyệt đỉnh của văn hóa Việt Nam mà còn của cả loài người.

Ngày nay, không ít cán bộ, đảng viên, trong đó nhiều người có chức, có quyền sống theo kiểu “quan cách mạng”(!) và theo lối “trưởng giả học làm sang”(?), nhiễm thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền với dân, ăn chơi xa hoa, trụy lạc bằng tiền của dân và tiền của nhà nước vay nợ nước ngoài - trong khi đời sống của đại bộ phận nhân dân lao động (bao gồm cả cán bộ, công chức lương thiện), nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa và những nơi bị thiên tai đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, Luật phòng, chống tham nhũngLuật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần phải được thực thi nghiêm túc.

Thiết nghĩ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không gì hơn và thiết thực nhất, là học tập và sống theo phong cách sống của Bác, hết lòng vì nước, vì dân. Đấy là điều làm Bác Hồ vui lòng nhất, nhân dân mong đợi nhất!

_______________

            1. Phạm Văn Đồng, Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1973, tr.279.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 314, tháng 8-2010

Tác giả : Đào Ngọc Đệ

;