Đà Lạt, thành phố trên cao nguyên Langbian là một địa danh quen thuộc với người Việt Nam, du khách quốc tế. Từ những năm đầu TK XX, Đà Lạt chịu ảnh hưởng của nền văn hóa phương Tây. Chính sự hòa trộn hai nền văn hóa Pháp, Việt đã thấm sâu trong cách sống của người Đà Lạt, để từ đó hình thành nên phong cách thanh lịch, hiền hòa, đằm thắm, mến khách… của cộng đồng dân cư nơi đây. Cuối TK XIX, thực dân Pháp chủ trương xây dựng Đà Lạt thành trung tâm hành chính của họ ở Viễn Đông. Cùng với việc phát hiện ra cao nguyên Langbian, ý đồ xây dựng Đà Lạt thành một trung tâm nghỉ dưỡng của người Pháp, dòng người Việt, một bộ phận dân cư khác đã đến nơi đây định cư, góp phần tăng dân số Tây Nguyên; vì thế, cấu trúc dân số mang tính hỗn hợp nhiều tộc người.
Khái quát về người Việt ở Đà Lạt
Người Việt từ nhiều địa phương khác nhau đã đến Đà Lạt định cư. Ngoài một bộ phận nhỏ người Việt gốc Nam Bộ, phần lớn cộng đồng người Việt ở Đà Lạt đều có xuất xứ từ các tỉnh, thành phố ở đồng bằng Bắc Bộ, duyên hải miền Trung.
Người Việt gốc Bắc tại Đà Lạt phần lớn là người Hà Nội, các tỉnh thuộc tứ trấn nội kinh thời nhà Lý, Lê sơ. Họ có truyền thống văn hiến lâu đời với lễ nghi, tập tục, phong cách, lối sống riêng. Năm 1938, ở Đà Lạt đã hình thành ấp Hà Đông. Năm 1954, Đà Lạt tiếp nhận một lượng lớn người Việt gốc Bắc di cư là trí thức, tư sản đến định cư ở nội thành, những người nông dân định cư trong những ấp mới. Năm 1975, một số cán bộ, chiến sĩ miền Bắc đã vào Đà Lạt công tác mang theo gia đình, lập nghiệp lâu dài. Với nhiều ưu thế, số người miền Bắc đã có sự đóng góp tích cực vào việc hình thành phong cách người Đà Lạt như hiện nay.
Người Việt gốc Thừa Thiên - Huế phần đông sống bằng nghề làm vườn, công chức, giáo viên, buôn bán nhỏ. Họ vào Đà Lạt không ồ ạt, nhưng liên tục nên chiếm khá đông dân số toàn thành phố. Họ phần lớn ở nội thành như ấp Ánh Sáng, Thái Phiên. Sau năm 1975, họ cư trú xen lẫn với các nhóm cư dân khác. Người Thừa Thiên - Huế vào Đà Lạt mang theo phong tục tập quán chịu ảnh hưởng lễ nghi cung đình triều Nguyễn, từ cách ăn mặc, bố trí nhà ở, trang trí nội thất đến ma chay, đình đám, hội hè, cưới hỏi... Cho đến nay, cư dân gốc Huế còn lưu giữ nhiều tập tục cổ truyền hơn các nhóm dân cư khác. Những người này còn xây dựng nhà thờ họ, tế tự, giỗ chạp theo chu kỳ như ở quê cũ. Sinh hoạt tế tự của các làng đồng hương, giỗ chạp trong dòng họ là một hình thức sinh hoạt của hội tương tế. Ở đó, họ không chỉ thắt chặt tình tương ái giữa những người tại Đà Lạt, mà còn làm cầu nối gắn bó số người này với quê hương, dòng họ, mồ mả tổ tiên ở quê nhà. Nhắc đến người Huế phải kể đến áo dài, nón bài thơ. Khi di cư đến Đà Lạt, bộ phận cư dân Huế đã mang theo kỹ thuật làm nón ở quê cũ. Điều đó nói lên ảnh hưởng văn hóa Thừa Thiên - Huế khá mạnh mẽ không những trong một nhóm dân cư mà cả trong nhiều mặt sinh hoạt của người dân thành phố.
Ngoài hai nhóm dân cư kể trên, người Việt gốc Nghệ - Tĩnh, nhóm dân cư các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ lên định cư ở Đà Lạt cũng có vai trò quan trọng trong việc hình thành phong cách của người Việt ở Đà Lạt. Tuy số lượng không nhiều, nhưng bản sắc của họ, nhất là nhóm Nghệ - Tĩnh đã hiện diện trong phong cách người Đà Lạt hiện nay. Có thể do điều kiện tự nhiên, kinh tế tại quê hương khá khắc nghiệt, nên khi đến Đà Lạt họ ra sức lao động, đã tạo được vị thế của mình trong cộng đồng cư dân thành phố.
Ở bộ phận dân cư người Việt gốc Nam - Ngãi - Bình - Phú vào Đà Lạt rất sớm, chủ yếu là những người làm công khai thác tài nguyên, xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố. Họ định cư trong những ấp dọc theo đường sắt, đường bộ Phan Rang. Khác với người Thừa Thiên - Huế, những người này khá thực tế, không chú ý đến hình thức, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, phục sức của họ luôn đặt nặng vấn đề bền chắc. Xuất thân từ một vùng quê có truyền thống cách mạng, tinh thần thượng võ, nhóm người này khá giàu ý chí, nghị lực. Chính họ là chiếc cầu nối gắn liền Đà Lạt với vùng biển phía dưới qua hoạt động mua bán, trao đổi của mình.
Yếu tố hình thành phong cách của người Việt ở Đà Lạt
Quá trình hình thành phong cách chịu tác động của các điều kiện tự nhiên, môi trường, văn hóa, xã hội, kinh tế... qua các thời kỳ phát triển lịch sử. Hiện nay, có nhiều phong cách sống tùy thuộc vào những tầng lớp khác nhau trong xã hội, nhưng phong cách sống chậm là nét đặc trưng riêng có trong mỗi người Việt ở Đà Lạt, tạo thành một nét chung của cộng đồng cư dân ở thành phố này.
Điểm dị biệt giữa Đà Lạt với các đô thị khác ở Việt Nam hiện nay là vẫn giữ được nét hài hòa giữa thiên nhiên với môi trường, cảnh quan vốn có của nó. Với khí hậu đặc trưng, lạnh quanh năm, khá phù hợp cho sự phát triển của thảm thực vật, cây xanh, các loại rau, hoa. Để thích ứng với khí hậu lạnh, người Việt ở đây có một cách phục sức trang nhã, thanh lịch.
Phong cách của người Việt ở Đà Lạt
Những năm đầu TK XX, người Pháp đã chia nội thành Đà Lạt thành hai khu vực: phía Bắc, phía Nam suối Cam Ly. Đa số người Việt sống tập trung ở khu vực phía Bắc. Ngoài số người đi buôn, những người Việt đầu tiên định cư ở Đà Lạt là những tù nhân, những người giúp việc cho các phái đoàn nghiên cứu người Âu... Về sau, những người lao động cùng khổ ở miền Bắc, Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã lên Đà Lạt buôn bán, xây dựng đường sá, nhà ở...
Từ 1925 đến trước năm 1945, Đà Lạt được xem như hoàn chỉnh với một quần thể kiến trúc độc đáo, một kỷ lục về xây dựng đô thị của người Pháp. Tư tưởng Đông - Tây của học sinh Việt, Pháp có ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân Đà Lạt đó là nếp sống cởi mở, thiên về khoa học. Trong thời gian này, nền nông nghiệp Đà Lạt đã hình thành. Từ năm 1938, những ấp nông nghiệp chính thức thành lập với quy chế mỗi gia đình nông dân được cấp một diện tích vừa đủ sống như ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh… Ở đây, đất đai màu mỡ, nhiều tiềm năng, nghề làm vườn như trồng rau, hoa, cây ăn quả đã tiến tới trình độ thâm canh. Với nhiều cây đặc sản quý hiếm có giá trị lớn, nghề làm vườn đã đem lại cho người nông dân thu nhập cao trong khi công sức, vốn bỏ ra tương đối ít.
Khí hậu nơi đây lạnh vào mùa khô, ẩm ướt vào mùa mưa, nên người dân ít tham dự những sinh hoạt ngoài trời. Không gian sống của người Việt ở Đà Lạt luôn gắn với hoa, là biểu tượng, đặc trưng riêng của thành phố này.
Mặc dù là đô thị hình thành muộn, nhưng nơi đây đã thu hút được luồng dân cư từ nhiều nơi, khiến cho lối sống của người Việt có sự pha trộn phong cách ở nhiều vùng miền khác nhau; trong đó, những người khai sơn phá thạch chính là thành phần nòng cốt tạo nên cốt cách người Đà Lạt. Bên cạnh đó, một bộ phận quan trọng của cư dân nơi này là người Pháp, mang tác phong sinh hoạt, làm việc, cách ăn mặc, xã giao của phương Tây. Có lẽ bởi vậy, trong gia đình thị dân Việt tại Đà Lạt thời đó vừa mang bản sắc văn hóa phương Đông, lại sớm tiếp xúc với nền văn minh hiện đại phương Tây.
Với điều kiện khí hậu mát mẻ, đất rộng, người thưa, công việc nhiều đã tạo ra con người thanh thản, không ganh đua, kèn cựa, luôn giúp đỡ lẫn nhau. Những năm đầu khi mới khai hoang, do môi trường khắc nghiệt, họ phải nương tựa nhau trong lao động sản xuất cũng như xây dựng nhà cửa. Mỗi người trong các xóm, ấp tự động tới làm giúp theo hình thức vần công.
Năm 1965, ở Đà Lạt không có lính Mỹ, chỉ có một số cố vấn Mỹ; do đó, ít có ảnh hưởng đến nếp sống của người Việt. Từ năm 1968, mặc dù có một số thay đổi do tình hình chung của xã hội nhưng đa số vẫn sống bình dị, thanh thản.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thành phố Đà Lạt gặp nhiều khó khăn về lương thực, vật tư, nhiên liệu, xã hội bị biến động, mức sống thấp, chế độ quan liêu bao cấp, phân bố dân cư bị xáo trộn; trong đó phải kể đến bộ phận dân di cư tự phát đã làm cho Đà Lạt bị nông thôn hóa, lối sống của cư dân ở đây lúc thị, lúc nông. Từ sau đổi mới năm 1986, tại các bến xe không còn cảnh xô đẩy, chen lấn, chèo kéo, giành giật khách nữa.
Cũng do ảnh hưởng của khí hậu đã hình thành nét riêng trong văn hóa mặc của người Việt ở Đà Lạt là khá kín đáo. Áo khoác ngoài, áo len trở thành trang phục quen thuộc, phổ biến ở cư dân toàn thành phố nói chung, người Việt nói riêng. Trước năm 1975, các thiếu nữ Đà Lạt vẫn phục sức duyên dáng với chiếc áo dài thướt tha, chiếc ô nhiều màu sắc. Hiện nay, họ vẫn ăn mặc có tính chọn lọc, đẹp, ấm, kín đáo. Một nét đẹp từ xưa đến nay được người Việt ở Đà Lạt gìn giữ, xem là cốt cách riêng của người mình là nét văn hóa ứng xử nơi công cộng. Hàng năm, Đà Lạt đón một lượng du khách trong nước, người nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, nhưng người Việt ở đây ít bị Âu hóa hay chịu tác động lối sống nhanh của văn hóa phương Tây.
Nếp sống văn minh, phong cách người Việt ở Đà Lạt đã, đang được giữ gìn, phát huy trở thành phẩm chất, nét đẹp của con người trên thành phố mộng mơ này. Phong cách sống này thể hiện qua tư duy, các hoạt động hàng ngày như đi lại, giao tiếp, ăn uống, giờ giấc sinh hoạt, thời gian mở, đóng cửa hàng. Ở Đà Lạt, sau 21h đường phố đã khá vắng, những người còn lại là những người bán hàng, du khách. Trong hoạt động mua bán, người Việt thường nhẹ nhàng chào mời. Những người kinh doanh ở Đà Lạt không nói thách, không dành chỗ, thân thiện, cởi mở với khách hàng.
Một điểm khác biệt giữa đô thị Đà Lạt với những đô thị được xây dựng vào thời Pháp thuộc như Quảng Yên (Quảng Ninh), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là ở lối sống của cộng đồng cư dân này không vội vã với thời gian, trầm mặc, lịch sự. Mật độ dân số chưa cao nên các phương tiện giao thông, sinh hoạt chưa gây ra những khó chịu, căng thẳng cho con người. Môi trường sống Đà Lạt trong lành, tĩnh lặng, tốc độ, nhịp độ sống không xô bồ, náo nhiệt, khẩn trương như các thành phố khác. Môi trường ấy khiến cho con người luôn cảm thấy thanh thản. Đây cũng là điều kiện tác động đến phong cách sống chậm của người Việt ở Đà Lạt: ung dung, tự tại, chững chạc, phong lưu nhưng vẫn bắt kịp sự phát triển, tiến bộ của xã hội.
Bên cạnh những mặt tích cực cũng có những tồn tại hạn chế, đó là sự biến dạng văn hóa tộc người ở một bộ phận dân cư nơi đây. Không thể phủ nhận một thực tế, sự tăng trưởng khá nhanh về dân số, nhất là sự tăng trưởng mang tính cơ học trong vài năm trở lại đây làm cho tính đa dạng trong cộng đồng dân cư Đà Lạt thêm phức tạp, hệ quả là sự phai nhạt những nét tính cách tốt đẹp của người Việt nơi đây. Sự biến đổi các định hướng giá trị được thể hiện ở những nhóm người lớn tuổi, nhóm trí thức thường giữ phong cách sống chậm của người Đà Lạt; ngược lại, một bộ phận nhóm trẻ lại có xu hướng hiện đại thiên về lối sống thực dụng, ít quan tâm đến văn hóa truyền thống.
Trên đại thể, phong cách sống của người Việt ở Đà Lạt là phong cách chung của người Việt Nam, nhưng do đặc điểm của thiên nhiên, hoàn cảnh xã hội, con người ở đây có những nét riêng. Người Việt ở Đà Lạt đến từ khắp mọi nơi, đa số nghèo khổ nên thường có tính cần cù, sống giản dị, tiết kiệm, coi trọng tình làng nghĩa xóm, tận tình giúp đỡ lẫn nhau. Họ có lối sống khá trầm mặc, tế nhị, lịch sự, trang nhã, giản dị. Chính điều kiện tự nhiên, những đặc trưng văn hóa trên đây đã hun đúc lên phong cách người Việt ở Đà Lạt. Cùng với những bước thăng trầm của thành phố, phong cách sống của người Việt tại Đà Lạt cũng biến chuyển theo, có phần phai nhạt. Vấn đề đặt ra là cần phải phát huy, duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân địa phương; vừa tiếp thu, tiếp biến những tinh hoa văn hóa hiện đại trên cơ sở hướng đến một đô thị du lịch nghỉ dưỡng văn minh, thanh lịch; tăng cường hơn nữa công tác giáo dục tại cộng đồng dân cư, nhất là những người làm dịch vụ; xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm chuẩn mực du lịch, dịch vụ; kịp thời khen thưởng những cá nhân, cơ sở dịch vụ có những hoạt động thân thiện, nghĩa cử cao đẹp trong quan hệ với du khách.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018
Tác giả : LÊ THỊ NHUẤN