Sáng 6-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn Quốc hội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo kết quả nổi bật về KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm
Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã cập nhật ngắn gọn những kết quả nổi bật về KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm, đồng thời báo cáo về những giải pháp trọng tâm Chính phủ tập trung triển khai để giải quyết những vấn đề Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
"Bức tranh" kinh tế, xã hội có nhiều khởi sắc
Theo đó, tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm đã đạt nhiều kết quả tích cực: lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,03%, nằm trong ngưỡng Quốc hội đã giao cho Chính phủ 4-4,5%. Kinh tế duy trì đà phục hồi tốt ở cả 3 khu vực, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 và 5 tháng đầu năm, đã tăng đạt 6,8%, trong khi năm 2023 giảm 2%. Nông nghiệp phát triển ổn định, dịch vụ tiếp tục tăng mạnh, trong tháng 5 khách quốc tế đã đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019, là năm chúng ta có kết quả thành công nhất trước đại dịch.
Kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đạt trên 305,5 tỷ USD, tăng 16,6%. Xuất siêu trên 8,01 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đến nay đạt 52,8% dự toán và tăng 14,8%, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới tại Việt Nam đạt 7,9 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ và cao nhất trong 3 năm vừa qua.
Vốn FDI thực hiện đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% và cao nhất trong 5 năm qua. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,3% kế hoạch và đây cũng là mức cao hơn cùng kỳ với năm trước.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô, Chính phủ sẽ tập trung để tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông các nguồn lực, lành mạnh hóa các thị trường, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực. Nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức… Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo sự ủng hộ, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Ngay trong tháng 6-2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm tỷ lệ thuế trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước, nhiều loại phí, lệ phí khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu dùng...
Phát huy thế mạnh tài nguyên tự nhiên và văn hóa, con người Việt Nam
Về giải quyết những vấn đề nổi lên hiện nay mà trong các kỳ họp đại biểu Quốc hội và cử tri hết sức quan tâm, Chính phủ sẽ đảm bảo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, ưu tiên nguồn lực triển khai chính sách xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng; mở rộng thị trường, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tập trung giải quyết các thách thức về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng ngành Du lịch bền vững dựa trên thế mạnh tài nguyên tự nhiên và văn hóa, con người Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về những khó khăn, hạn chế đang là rào cản đối với phát triển văn hóa, mong muốn Quốc hội tiếp tục quan tâm, sớm quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045.
Chính phủ đã và đang ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, coi đây là lĩnh vực kinh tế đa ngành quan trọng, đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các ngành Văn hóa, Thể thao, rà soát, có các cơ chế, chính sách từ tuyển chọn, đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ, sắp xếp đối với các nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, thể thao đỉnh cao; tôn vinh đúng mức tài năng, đóng góp cống hiến đỉnh cao; có chính sách dài hạn để đào tạo lại, phát triển các vận động viên, nghệ sĩ tài năng tham gia công tác giảng dạy, huấn luyện, nghiên cứu, phê bình lý luận… Quy hoạch, huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cấp vùng, cấp quốc gia, có các cơ chế khai thác, vận hành đảm bảo hiệu quả, nhất là hợp tác công tư.
Với quan điểm phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82 về phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 08 chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp giải quyết những khâu yếu mà đại biểu đã chỉ ra, đó là liên kết liên ngành, liên kết liên vùng giữa các địa phương để tạo ra động lực mới, sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết giữa các ngành dịch vụ với du lịch, vận tải, lưu trú, tiêu dùng, y tế, giáo dục, sự kiện thể thao gắn với phát triển du lịch văn hóa, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, tạo thuận lợi về thủ tục xuất, nhập cảnh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý du lịch và quảng bá du lịch, như đặt phòng, dịch vụ visa điện tử, quảng bá, thanh toán... Liên kết các tour, tuyến, phát triển các tuyến du lịch theo chuỗi điểm đến phong phú, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại phục vụ du lịch. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, mến khách.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các ĐBQH
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) chất vấn về những giải pháp để đẩy mạng quá trình phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam, từ đó góp phần kích cầu phục hồi và phát triển du lịch bền vững
Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) về những giải pháp để đẩy mạng quá trình phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam để từ đó góp phần kích cầu phục hồi và phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay nước ta có 3 công viên di sản về địa chất, đây là những công viên có quy mô và phạm vi rất lớn. Việt Nam chưa có những kinh nghiệm trong vấn đề bảo tồn, quản lý và khai thác.
Chúng ta bước đầu đã làm được một số việc, đó là xây dựng các quy hoạch và đề xuất một số chương trình, dự án thực hiện đối với các công viên này. Bất cập hiện nay là vấn đề khu nào là bảo vệ tuyệt đối, khu nào là khu vực vùng đệm và khu nào có thể cho phát triển, sử dụng bền vững ở những khu vực cần bảo tồn; đồng thời chúng ta phải phát huy giá trị các công viên này thông qua việc xem xét các hình thức để phát triển du lịch khám phá, nghiên cứu. Phải coi đây như là một sản phẩm du lịch đặc biệt.
Chúng ta phải triển khai các dự án để phát triển các hạ tầng để có thể tiếp cận một cách dễ dàng với các công trình này.
Cùng với đó, cần phải tăng cường hợp tác với bạn bè quốc tế và đơn cử là chúng ta có thể học hỏi một số kinh nghiệm về việc khai thác các công viên địa chất ở một số nước để học hỏi, từ đó đề xuất cơ chế, huy động sự tham gia của người dân; đồng thời xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Phó Thủ tướng cho biết về các biện pháp kích cầu du lịch trong năm 2024 và các năm tiếp theo
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Phó Thủ tướng cho biết về các biện pháp kích cầu du lịch trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải xem xét lại ở khâu liên kết các chuỗi giá trị, đặc biệt kết hợp giữa các lĩnh vực như các công ty du lịch lữ hành, nơi cư trú, thương mại, giao thông, kết nối giữa các địa phương với nhau để tạo ra những con đường di sản hay tạo ra những điểm đến để hấp dẫn. Đồng thời, cần có sự hợp tác, phối hợp chung giữa các khu vực có những sản phẩm tương tự để kết nối tuyên truyền, quảng bá được tốt hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta phải cải thiện chất lượng các sản phẩm du lịch và công tác quảng bá các sản phẩm du lịch. Theo Phó Thủ tướng, trên thực tế, các sản phẩm của chúng ta cũng đã phát triển nhưng chưa có một định hướng rõ ràng về các sản phẩm mang thương hiệu riêng biệt Việt Nam. Nếu chúng ta xây dựng được thương hiệu, đưa ra tiêu chuẩn về chất lượng thì sẽ đạt được hiệu quả. Cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch. Có nhiều nơi khách du lịch đến khá đông nhưng chưa đảm bảo được cơ sở hạ tầng, môi trường, thực phẩm.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần đa dạng hóa các loại sản phẩm về du lịch phong phú, hấp dẫn hơn nữa, không để xảy ra tình trạng trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương; có sự liên kết giữa các ngành và các địa phương; đồng thời có các giải pháp về thủ tục nhập cảnh, visa, để phát triển du lịch.
NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội