PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA Ở VIỆT NAM, THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC

Được xem là nguồn lực nội sinh quan trọng trong quá trình phát triển bền vững đất nước, những giá trị kinh tế của văn hóa đang được khơi dậy, phát huy hơn bao giờ hết. Đó là những nỗ lực kích thích sức sáng tạo, tái sản xuất, đổi mới khâu tổ chức, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao của đông đảo công chúng. Việt Nam là quốc gia có nhiều thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), tuy nhiên, những tác động phức tạp của tình hình trong nước và thế giới đang đặt ra những khó khăn, thách thức cho ngành kinh tế đặc biệt này.

1. Vai trò của ngành CNVH

CNVH là quá trình sản xuất, tái sản xuất, truyền bá các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thông qua cơ chế thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân. Ra đời vào những năm 30 TK XX, CNVH đã nhanh chóng khẳng định được ưu thế vượt trội trong sản xuất, kinh doanh, thu hút, chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Bằng các sản phẩm chứa đựng những giá trị nhân văn, các ngành CNVH góp phần không nhỏ làm phong phú tâm hồn, trí tuệ, phát huy khả năng sáng tạo của con người, đồng thời quảng bá được hình ảnh, vị thế, sức mạnh của quốc gia, dân tộc, mang lại những khoản doanh thu khổng lồ, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập quốc dân.

Phát triển ngành CNVH là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia với những bước đi cụ thể về tầm nhìn, quyết sách đầu tư, nghệ thuật tuyên truyền, quảng bá, cách thức chinh phục thị trường. Nhật Bản là một quốc gia điển hình trong phát triển CNVH, năm 2001, Chính phủ Nhật đã cụ thể hóa chính sách phát triển CNVH trong chương 3, điều 8 đến 12, Luật cơ bản thúc đẩy phát triển nghệ thuật và văn hóa. Hàng năm, ngân sách dành cho Cục Văn hóa luôn tăng, năm 2000, 80 tỷ yên; năm 2001, 90 tỷ yên; năm 2002, 98 tỷ 500 triệu yên; năm 2003, 100 tỷ yên; năm 2004, 101 tỷ 600 triệu yên, từ năm 2010 đến nay, mức đầu tư luôn dao động trong khoảng 104 tỷ yên (1). Hiện nay, Nhật dành nhiều chính sách ưu tiên cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh việc quảng bá văn hóa Nhật ra nước ngoài. Với những chính sách đầu tư có trọng điểm, ngành CNVH của Nhật đã đóng góp thị phần lớn trong tổng thu nhập quốc dân với doanh thu hàng năm chiếm khoảng 7%, thu hút 5% nhân công lao động của toàn quốc. Theo thống kê của Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản, năm 2013, nếu chỉ tính riêng thị trường nội địa của ngành công nghiệp nội dung số, lĩnh vực cốt lõi của CNVH, đã đạt khoảng 12 nghìn tỷ yên. Xuất khẩu năm 2013 của ngành này đạt 550 tỷ USD, với mục tiêu mở rộng thị trường tại khu vực châu Á, Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng sẽ đạt 75,8 tỷ USD vào năm 2020 (2).

Hàn Quốc cũng là quốc gia có những chính sách ưu tiên đầu tư cho công nghiệp sáng tạo văn hóa trên nhiều lĩnh vực, nhất là các loại hình giải trí: điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, đã đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho đất nước. Theo số liệu của Viện Chính sách VHDL Hàn Quốc, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của CNVH khoảng 10% (năm 2005), nếu tính riêng bốn lĩnh vực chủ đạo (phim, âm nhạc, phát thanh truyền hình, games) thì dự báo tăng trưởng trung bình hàng năm tới 22,8%, vượt mức tăng trưởng trung bình của toàn bộ nền kinh tế 6% (3). Theo ước tính của Bộ VHDL Hàn Quốc, quy mô xuất khẩu CNVH năm 2001 đạt 328 triệu USD, chiếm 0,2 % tổng kim ngạch xuất khẩu. Công nghiệp phim hoạt hình đạt tới 270 triệu USD, chiếm 0,4 % thị trường thế giới. Năm 2005, ở Hàn Quốc có 200 công ty hoạt động trong ngành sản xuất phim hoạt hình, thu hút 15.000 nhân công. Phim đặc tả nhân vật, games, công nghiệp âm nhạc đạt tới mức doanh thu lần lượt là 3,8 tỷ USD, 3,2 tỷ USD và 340 triệu USD (4).

Bên cạnh đó phải kể tới những thành tựu vượt trội của ngành CNVH các nước Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Thái Lan, Singapore với chiến lược quảng bá, xuất khẩu những sản phẩm văn hóa mang đậm sắc thái độc đáo của các dân tộc, kết hợp hài hòa yếu tố truyền thống, hiện đại, mở ra cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa nhằm thu hút thị hiếu của công chúng trên khắp thế giới.

Ở Việt Nam, do những điều kiện đặc thù về lịch sử xã hội, hạn chế trong tư duy phát triển kinh tế, văn hóa, nên gần đây ngành CNVH mới manh nha xuất hiện, hình thành và dần đi đến hoàn thiện, trở thành ngành kinh tế mới, tạo sức hấp dẫn, sự quan tâm, chú ý của dư luận.

Nhận thức về giá trị kinh tế của văn hóa cũng như gắn kết hài hòa giữa phát triển văn hóa, tăng trưởng kinh tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đưa ra chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế. Đến Hội nghị Trung ương 10 khóa IX, nhận thức về vấn đề gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa được mở rộng hơn một bước...

Yêu cầu đẩy mạnh phát triển CNVH một lần nữa được Hội nghị Trung ương 9 khóa XI nhấn mạnh trong Nghị quyết về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó đề xuất nhiệm vụ cần phải “đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và CNVH”. Ngày 8 - 9 - 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những quyết sách, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể. Chiến lược khẳng định: “Các ngành CNVH là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân… Phát triển các ngành CNVH dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa”, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 doanh thu của các ngành CNVH đóng góp khoảng 3% GDP, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, đến năm 2030 doanh thu đóng góp của CNVH khoảng 7% GDP.

Đây là những tín hiệu tích cực về mặt thể chế, tạo hành lang, chính sách để đầu tư phát triển CNVH, xứng tầm với vị thế, nguồn lực văn hóa đa dạng, phong phú của đất nước.

2. Những thuận lợi, khó khăn trong phát triển CNVH ở nước ta

Xét về những tiềm lực, thế mạnh và cả những khó khăn, bất cập đối với ngành CNVH ở nước ta hiện nay, có thể kể tới một số phương diện như:

Thứ nhất, với số dân hơn 90 triệu người, tầng lớp thanh thiếu niên chiếm đa số, đây là nguồn lực lượng chính trong quá trình lao động sáng tạo, tạo ra lượng sản phẩm văn hóa dồi dào ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề nhất là thủ công mỹ nghệ, ngành nghề truyền thống (gốm, lụa, tranh, gỗ), các loại hình nghệ thuật dân gian, văn hóa ẩm thực… Hơn nữa, người Việt Nam được đánh giá là thông minh, cần cù, sáng tạo, khéo léo, đó là những phẩm chất cần có, tạo cơ sở, nền tảng thúc đẩy sự gia tăng các sản phẩm văn hóa. Dân số đông, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm văn hóa lớn, tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, phong phú, kích thích thị trường phát triển sôi động.

Sau 30 năm đổi mới, ngành công nghiệp biểu diễn nhanh chóng thu hút được khán thính giả, đáp ứng được nhu cầu của công chúng, đồng thời tạo doanh thu cho các đơn vị tổ chức “doanh thu năm 2015 của ngành ước đạt 5,2 triệu USD, tăng trưởng doanh thu ước đạt khoảng 5% mỗi năm. Cũng năm 2015 các đơn vị nghệ thuật Trung ương đã biểu diễn 2.688 buổi, phục vụ 131.970.950 lượt người xem, tổng doanh thu ước đạt 5,2 triệu USD” (5). Hoạt động của các ban, nhóm tư nhân, câu lạc bộ biểu diễn nghệ thuật cũng góp phần bảo tồn một số di sản nghệ thuật truyền thống, phát huy các nguồn lực xã hội tham gia lĩnh vực này. Bên cạnh đó, trên lĩnh vực truyền thông, công nghệ thông tin, Việt Nam được đánh giá là thị trường có sức tiêu thụ mạnh các sản phẩm sáng tạo về công nghệ.

Việc phát huy nguồn lực con người ở nước ta cũng đang gặp phải những bất cập, hạn chế như trình độ nhận thức không đồng đều, chất lượng cuộc sống ở nhiều vùng miền, nhất là vùng sâu vùng xa chưa cao, đời sống kinh tế của đại bộ phận dân số còn gặp nhiều khó khăn. Mặt trái của nền kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa gây những xói mòn về nhân cách, đạo đức, xã hội. Tư duy về phát triển kinh tế, làm chủ khoa học công nghệ còn lạc hậu, thiếu kinh nghiệm, vẫn còn tồn lại tâm lý tiểu nông, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ… gây ra những trở ngại nhất định cho sự phát triển CNVH.

Thứ hai, Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh tín ngưỡng. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước, giữ nước, người Việt Nam đã tạo dựng, xây đắp nên một nền văn hóa rực rỡ với những nét độc đáo, đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, hiện nước ta có tới 7.966 lễ hội được tổ chức mỗi năm, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 544 lễ hội tôn giáo, 322 lễ hội lịch sử cách mạng… Lễ hội là điểm nhấn quan trọng trong du lịch tâm linh, về nguồn sẽ thu hút được lượng khách lớn từ trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam là nơi hội tụ của nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận, vinh danh, như: vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ, nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ, ca trù... Những công trình văn hóa vật thể, phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị văn hóa với những vẻ đẹp tiềm ẩn sẽ là điểm dừng chân khám phá của nhiều du khách quốc tế.

Trong những năm qua, ngành văn hóa chưa thực sự có những bước đi vượt bậc, do thiếu tầm nhìn chiến lược, cung cách tổ chức điều hành lễ hội chưa khoa học, hợp lý, phát triển du lịch thiếu chuyên nghiệp, khai thác cạn kiệt và hủy hoại môi trường cảnh quan di tích. Hiện tượng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp trong lễ hội; chèo kéo, trộm đồ của khách du lịch; tình trạng chặt chém, ứng xử thiếu văn minh, lịch sự của nhiều cư dân… khiến cho thị trường du lịch Việt Nam kém phát triển. Lượng du khách đến với các di sản không tăng, theo thống kê năm 2015 cho thấy “chỉ có 4/8 di sản văn hóa thu hút lượng khách du lịch vượt ngưỡng 1 triệu lượt người. Đó là các trường hợp của quần thể danh thắng Tràng An (5 triệu lượt khách), vịnh Hạ Long (2,5 triệu lượt), cố đô Huế (2 triệu lượt) và phố cổ Hội An (1,1 triệu lượt). Bốn di sản còn lại cũng có sự phân hóa khá rõ về chỉ số này: vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đón 740.000 lượt khách, thánh địa Mỹ Sơn đón 282.000 lượt, hoàng thành Thăng Long khoảng 120.000 lượt và thành nhà Hồ chỉ hơn 80.000 lượt” (6). Điều này đang đặt ra nhiều vấn đề về cách thức quản lý, điều hành, khai thác, quảng bá sức mạnh, sức hấp dẫn của du lịch tâm linh, tìm về miền di sản.

Thứ ba, trong quá trình mở cửa, hội nhập, Đảng, Nhà nước dành nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho các loại hình nghệ thuật truyền thống phát triển, tạo hành lang pháp lý, đề xuất nhiều cơ chế chính sách, nguồn lực để thúc đẩy các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, truyền thông có cơ hội tiếp cận với các thị trường lớn trong khu vực và quốc tế.

Về nghệ thuật điện ảnh, năm 2015 được coi là năm thị trường điện ảnhViệt Nam phát triển mạnh mẽ nhất. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, “năm 2015 phim Việt Nam có doanh thu trung bình 780,4 nghìn USD/phim, phim nước ngoài có doanh thu trung bình 391,6 nghìn USD/phim. Số lượng phim Việt được sản xuất và phát hành chiếm 18% tổng số phim phát hành trên thị trường” (7).

Bên cạnh đó, một số chương trình nghệ thuật mới ra đời đã cho thấy tiềm năng lớn của CNVH trên lĩnh vc nghệ thuật, giải trí. Nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa nghệ thuật đã tạo được thương hiệu quốc tế như Xiếc làng tôi, tác phẩm múa Hạn hán và cơn mưa... Gần đây, Ionah show ra đời với sự kết hợp của công nghệ hiện đại và nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, tạo ra những màn biểu diễn đặc sắc, mới lạ, thu hút đông đảo người xem.

Hoạt động sản xuất, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu cũng cho thấy nhiều tiềm năng phát triển. Trung bình mỗi năm có khoảng 300 chương trình được sản xuất mới, cấp khoảng 2-4 triệu nhãn kiểm soát. Những thay đổi tích cực về thể chế chính sách, đặc biệt là các chính sách kinh tế trong văn hóa, khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư nguồn vốn trong và ngoài nước vào các ngành CNVH đã thúc đẩy thị trường CNVH Việt Nam có những bước tiến mới.

Nhiều ngành CNVH vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm nên chưa có những sáng tạo đột phá, chưa có bề dày kinh nghiệm trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm, đánh giá đúng thị trường công chúng tiêu thụ. Ở lĩnh vực điện ảnh, tình trạng phim Nhà nước đặt hàng, sản xuất đang rơi vào tình trạng khủng hoảng khi không chiếm lĩnh được thị trường người xem. Theo thống kê, điện ảnh Việt Nam mỗi năm sản xuất khoảng mười phim nhựa, nhưng chỉ có 1/10 số phim này được người xem tiếp nhận ngoài thị trường, thậm chí tỷ lệ này cũng không ổn định.

Về tình hình hoạt động của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, “cả nước có 129 đơn vị, trong đó có 12 đơn vị trực tiếp do Bộ VHTTDL quản lý. Chỉ tính riêng 12 đơn vị này mỗi năm nhà nước đầu tư trung bình 100 tỉ đồng, nhưng trực tiếp vào vở diễn chỉ khoảng 10 tỷ đồng, còn phần lớn dành cho bảo trì cơ sở làm việc, điện nước, lương bổng, chính sách...” (8). Vì thế mỗi đơn vị một năm chỉ dựng được 2-3 vở, doanh thu bán vé từ tất cả các đơn vị không vượt qua con số 30 tỷ đồng/năm, không bằng phần nhỏ doanh thu của một công ty tổ chức biểu diễn tư nhân.

Về loại hình âm nhạc, hiện đang phân hóa thành hai bộ phận. Một bộ phận gồm lớp nhạc sỹ luống tuổi, hào quang ở phía sau, phía trước là chông gai, thử thách do không đủ khả năng tài chính, không biết áp dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm đến công chúng. Ngược lại, đội ngũ sáng tác trẻ có khả năng tổ chức, thu hút rất đông khán giả nhưng chất lượng sản phẩm lại không cao.

Bên cạnh đó, các ngành quảng cáo, xuất bản, truyền hình hiện cũng đang phải đối diện với những cơn khủng hoảng (về nguồn vốn đầu tư, tìm kiếm thị trường) cần phải tái cơ cấu, cổ phần hóa, hoạt động độc lập, thoát khỏi cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, chủ động, tích cực đổi mới, sáng tạo để đáp ứng tốt hơn những nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công chúng.

Sức sáng tạo của con người đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, chứa đựng những giá trị nhân văn nhằm quảng bá hình ảnh, vị thế của quốc gia, dân tộc, vừa mang lại sức sống mới cho nền kinh tế. Ở Việt Nam, phát triển ngành CNVH là xu hướng tất yếu tạo sự phát triển bền vững, hài hòa, hướng đến mục tiêu tất cả vì hạnh phúc con người. Dù thực tiễn đang đặt ra những thách thức, khó khăn, nhưng những tiềm năng, thế mạnh vốn có từ nguồn nhân lực, truyền thống văn hóa, cơ chế, chính sách… sẽ là điều kiện căn bản để ngành CNVH nước ta có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

____________

1, 2. Cjs.inas.gov.vn.

3, 4. Trần Nho Thìn, Công nghiệp sáng tạo và văn hóa, vanhoanghean.com.vn, 2015.

5. baovanhoa.vn.

6. Đông Mai, Hoàn thiện mô hình quản lý di sản thế giới tại Việt Nam, nhandan.com.vn, 2016.

7. Nguyễn Thị Thu Phương, Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam: Thay đổi mang tính đột phá, vicas.org.vn, 2016.

8. bvhttdl.gov.vn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018

Tác giả : NGUYỄN HUY PHÒNG

;