Quyền lực mềm và quyền lực cứng là hai yếu tố không thể tách rời thực lực tổng hợp của một quốc gia, dân tộc. Nhìn từ góc độ của mỗi loại quyền lực văn hóa, quyền lực mềm nhận được sự quan tâm hơn quyền lực cứng. Muốn nâng cao quyền lực mềm văn hóa quốc gia phải dựa vào sự phát triển của công nghiệp văn hóa quốc gia. Xuất phát từ các phương diện như: ý thức, kế hoạch, từng bước quy định chính sách công nghiệp văn hóa, cung cấp kinh phí hỗ trợ công nghiệp văn hóa… mà phát triển văn hóa và phát triển công nghiệp liên quan đến văn hóa.
1. Định nghĩa và bối cảnh ra đời của khái niệm quyền lực miềm
Quyền lực mềm là khái niệm nói về phương diện uy tín và thương hiệu của một quốc gia. Quyền lực cứng là khái niệm có tính chất đối ứng với khái niệm quyền lực mềm, tất cả những khái niệm này đều đến từ phương diện hoạt động cạnh tranh và hợp tác giữa các quốc gia. Người dùng khái niệm quyền lực mềm đầu tiên là Joseph Nye (1), phát biểu từ năm 1990. Trong văn bản, ông đưa ra khái niệm quyền lực mềm là nói đến sức mạnh vô hình của một quốc gia và có sự khu biệt với quyền lực cứng về quốc phòng, kinh tế. Quyền lực mềm thể hiện thông qua giá trị dân tộc, văn hóa và quan hệ đối ngoại…
Quyền lực mềm quốc gia thể hiện sự quan trọng trong sức mạnh tổng hợp của một quốc gia. Trong khái niệm quyền lực mềm Joseph Nye đưa ra đã cho rằng: quyền lực mềm là sức mạnh văn hóa của một quốc gia, bao gồm 3 loại sức mạnh, một là sức hấp dẫn văn hóa của một quốc gia; hai là những giá trị chính trị của một quốc gia; ba là chính sách ngoại giao chính trị có tính hợp pháp và uy tín. Trong đó, sự ảnh hưởng và sức hấp dẫn của văn hóa là động lực gốc của quyền lực mềm văn hóa.
2. Phát triển đất nước thông qua phát triển văn hóa, nâng cao quyền lực mềm văn hóa quốc gia
Coi trọng vị trí của văn hóa trong vấn đề phát triển, quy hoạch chiến lược phát triển văn hóa quốc gia, xây dựng chính sách và kế hoạch hỗ trợ văn hóa là những cách làm chủ yếu để nâng cao quyền lực mềm văn hóa quốc gia.
Công nghiệp văn hóa Mỹ là ngành hoạt động năng động, tích cực, cũng là quốc gia có tổng lượng sản phẩm văn hóa xuất khẩu lớn nhất thế giới. Thông qua những sản phẩm văn hóa đó, Mỹ không chỉ thu lợi nhuận kinh tế, sự khuếch trương giá trị Mỹ, dân chủ Mỹ trên phạm vi toàn thế giới mà vô hình trung còn trở thành tiền đề hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại, kinh tế và ngoại giao Mỹ.
Từ rất sớm, chính phủ Anh đã rất quan tâm đến các ngành công nghiệp văn hóa và sự ảnh hưởng mang tầm quốc tế của quyền lực mềm văn hóa. Chiến lược phát triển văn hóa đã được Ủy ban văn hóa Anh khởi thảo và lần đầu tiên chiến lược Creative Future được công bố vào năm 1993. Một phần nội dung trong chiến lược được công bố lần đầu này đã đề ra là vấn đề sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa Anh.
Pháp là trung tâm văn hóa của châu Âu, là quốc gia không chỉ chú trọng đến việc bảo vệ di sản văn hóa mà còn rất quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa. Trong vấn đề phát triển văn hóa, Pháp dựa vào phát triển tự thân của thị trường văn hóa là chính, có khuynh hướng hỗ trợ tài chính và chính sách quốc gia. Pháp khuyến khích, bảo hộ, thúc đẩy sự ảnh hưởng và sức sáng tạo của văn hóa trong nước, đồng thời sử dụng ngôn ngữ Pháp như một phương tiện thông hành quốc tế nhằm tăng cường sức ảnh hưởng của văn hóa Pháp với cộng đồng thế giới.
Là quốc gia triển khai phát triển công nghiệp văn hóa muộn hơn nhưng đến nay Trung Quốc đã đạt được những thành tựu nhất định. Năm 2014, công nghiệp văn hóa Trung Quốc đạt 23940 tỷ nhân dân tệ, tăng 12,1% so với năm 2013, chiếm 3,76 GDP (2). Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc chiếm 5% GDP (3). So với tỷ trọng của các ngành công công nghiệp văn hóa tham gia vào GDP của các quốc gia như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn… thì con số 5% trong GDP của Trung Quốc năm 2015 là một con số còn khiêm tốn.
Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến phát triển công nghiệp văn hóa. Ngày 6-5-2009, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Xác định đến năm 2015, một trong những đề án lớn được đề cập đến là xây dựng và tổ chức thực hiện đề án phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Chính thức khái niệm công nghiệp văn hóa được đề cập trong hệ thống văn bản quản lý nhà nước. Hiện nay, Bộ VHTTDL cũng đang được giao xây dựng chiến lược chung về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Với nhiều nước ở phương Tây, công nghiệp văn hóa đã trở thành lĩnh vực quan trọng tham gia vào nền kinh tế quốc dân. Mỹ là quốc gia có nguồn thu nhập nhờ ngành công nghiệp văn hóa cao, chỉ tính thu nhập từ giá trị sản phẩm văn hóa đã chiếm ¼ trên tổng GDP của quốc gia.
Công nghiệp văn hóa Anh đã trở thành ngành công nghiệp lớn, có tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao nhất. Năm 2012, với việc tổ chức Thế vận hội Olympic, ngành công nghiệp sáng tạo của Anh đã mang về gần 300 tỷ bảng Anh. Trong những năm gần đây, giá trị sản lượng của ngành công nghiệp sáng tạo của Anh tăng trưởng 9%.
Ở Nhật Bản, ngành công nghiệp văn hóa đã vượt qua vị trí của ngành công nghiệp sản xuất ô tô vốn là thế mạnh của nước này. Hàng năm, Nhật Bản xuất khẩu rất nhiều các sản phẩm văn hóa, trong đó phải kể đến phim hoạt hình (chiếm 60% thị phần thế giới).
Như vậy, phát triển công nghiệp văn hóa tất yếu kéo theo hoạt động xuất khẩu sản phẩm văn hóa ngày càng tăng. Vấn đề xuất khẩu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho quốc gia mà qua đó còn truyền đi những thông điệp, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống. Sức ảnh hưởng quốc tế của hoạt động xuất khẩu văn hóa thông qua quá trình phát triển công nghiệp văn hóa từ đó không ngừng được mở rộng.
Ngành công nghiệp văn hóa của Mỹ đang thực sự tỏa sáng và trở thành chuẩn mực và mục tiêu phấn đấu của nhiều quốc gia, tổng lượng sản phẩm văn hóa xuất khẩu giữ vị trí số 1 thế giới. Hiện nay, Mỹ đang có hướng kiểm soát truyền thông tin tức toàn cầu thông qua các phương tiện truyền thông như báo in, truyền hình, điện ảnh…
Pháp ngữ là nền tảng vững chắc của văn hóa Pháp. Chính phủ Pháp rất coi trọng việc bảo vệ vị trí quốc tế của Pháp ngữ, thông qua việc thường xuyên tổ chức các hoạt động tuần, mùa, năm văn hóa Pháp tại nước ngoài, tạo nên sức ảnh hưởng của văn hóa Pháp ngày càng cao.
Từ những thực tế của các quốc gia nói trên, có thể thấy, việc khuếch trương hoạt động thương mại văn hóa đối ngoại, chú trọng truyền thông, giao lưu văn hóa chính là những yếu tố tiền đề quan trọng để tăng cường quyền lực mềm văn hóa của các quốc gia.
3. Kinh nghiệm thành công trong vấn đề nâng cao quyền lực mềm văn hóa
Ngày nay, quyền lực mềm văn hóa đã trở thành một bộ phận quan trọng có tính hạt nhân để tạo ra sức cạnh tranh của một quốc gia. Trong quan hệ quốc tế, quyền lực mềm văn hóa đóng vai trò phát huy lợi ích, thúc đẩy quốc gia hưng thịnh, phát triển.
Pháp là cái nôi của văn hóa châu Âu. Xem xét từ góc độ lịch sử, phạm vi ảnh hưởng của văn hóa Pháp ngữ rất rộng lớn. Pháp đã trở thành một quốc gia có bề dày về văn hóa và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các nước trong khu vực và trên thế giới.
Mỹ là quốc gia còn tương đối non trẻ so với các dân tộc khác trên thế giới, nhưng lại rất chú trọng phát triển văn hóa. Chính phủ Mỹ đã tận dụng những ưu thế về chính trị, kinh tế và thông qua chính sách phát triển văn hóa mà thu hút nhân tài công nghiệp văn hóa trên phạm vi toàn thế giới để phát triển dịch vụ, sản xuất văn hóa.
Hiện nay, Nhật Bản xác định chiến lược lấy công nghiệp văn hóa làm ngành trụ cột. Một số sản phẩm văn hóa của Nhật Bản như quảng cáo, hoạt hình, games, thu âm… chiếm thị phần lớn trên thế giới.
Các quốc gia nói trên có một điểm chung là rất chú trọng đến vấn đề xây dựng quyền lực mềm văn hóa quốc gia. Họ đều xây dựng kế hoạch, có chiến lược, duy trì chính sách, đầu tư tài chính… trong hệ thống các biện pháp phát triển văn hóa. Từ các quốc gia này, có thể rút ra bài học kinh nghiệm sau:
Một là: đặt vấn đề phát triển văn hóa vào vị trí quan trọng, xây dựng và thực thi chiến lược phát triển văn hóa quốc gia, có quy định pháp luật và chính sách văn hóa là cách tốt nhất để nâng cao quyền lực mềm văn hóa quốc gia.
Hai là: tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp văn hóa để trở thành nền tảng quan trọng cho quyền lực mềm văn hóa quốc gia. Tăng đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, phát huy tiềm lực kinh tế, hiệu quả lợi ích xã hội của các ngành công nghiệp văn hóa là cách mà các quốc gia phát triển áp dụng để nâng cao quyền lực mềm văn hóa quốc gia của họ. Những thành tựu đạt được đã cho thấy, trong giai đoạn đầu phát triển, các quốc gia nhất định phải có sự đầu tư và hỗ trợ của chính phủ, khuyến khích nhân dân và không ngừng tạo động lực cho đội ngũ nhân tài tham gia vào quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Ba là: tăng cường sự ảnh hưởng của các sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa là chiến lược quan trọng nâng cao quyền lực mềm văn hóa quốc gia. Đồng thời, cần chú trọng quan hệ đối ngoại, khuếch trương văn hóa quốc gia trên trường quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm và xuất khẩu tư bản văn hóa.
4. Kết luận
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần nghiên cứu và tham khảo phương pháp, kế hoạch của các nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển để xây dựng, lựa chọn cho mình những cách làm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của đất nước. Muốn nâng cao quyền lực mềm văn hóa quốc gia, phải có nhận thức cụ thể, rõ ràng về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, có kế hoạch chiến lược mang tính khả thi và hệ thống các đề án tương ứng; có kế hoạch đầu tư tài chính và chính sách huy động nguồn vốn; có chiến lược đào tạo bồi dưỡng nhân tài để cung cấp nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa… Phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần nâng cao năng lực tổng hợp của mỗi quốc gia mà còn thông qua phương thức truyền thông và thẩm thấu văn hóa còn giúp củng cố vị trí của quốc gia đó trên trường quốc tế.
____________
1. Nhà ngoại giao, nhà khoa học chính trị, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
2, 3. Số liệu Tổng cục thống kê Trung Quốc năm 2014, 2015.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018
Tác giả : NGUYỄN TIẾN MẠNH