Phát huy sức mạnh truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam trong tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975

Truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam nhìn từ góc độ văn hóa quân sự là một sức mạnh tổng hợp, có khả năng chiến thắng mọi thế lực xâm lược bất luận bằng hình thức: chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế hoặc dưới dạng diễn biến: bằng chiến tranh hay bằng diễn biến hòa bình, bao vây cấm vận kinh tế… mà các thế lực thực dân, đế quốc đã làm.

Trên quan điểm duy vật biện chứng, sức mạnh của truyền thống văn hóa là những thành tựu đã đạt được trong xây dựng và bảo vệ đất nước suốt hàng nghìn năm lịch sử như: những công trình trị thủy ở đồng bằng Bắc Bộ, những công cuộc mở mang, kiến tạo bờ cõi, những công trình văn hóa, nghệ thuật còn lưu giữ và phát huy đến ngày nay, những chiến tích vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Về mặt tâm linh, sức mạnh truyền thống văn hóa không còn đơn thuần là những biểu hiện bằng những khía cạnh vật chất mà sức mạnh ấy đã hun đúc thành khí thiêng sông núi, huyền bí, diệu kỳ, dũng mãnh trong mọi thời đại của lịch sử dân tộc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam là sự hội tụ của sức mạnh truyền thống văn hóa dân tộc. Cuộc chiến đã lùi xa 45 năm, một quãng thời gian đủ để chúng ta nhận thức, đánh giá sức mạnh ấy một cách toàn diện hơn và sâu sắc hơn cả từ thực tiễn và lý luận.

Có thể nói, cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam rất thâm độc, tàn bạo, với quy mô lớn nhất, dài ngày nhất và ác liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Tuy nhiên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”. Lời tiên đoán sáng suốt ấy đã trở thành hiện thực. Đó là thắng lợi của sức mạnh văn hóa giữ nước Việt Nam, một sức mạnh vĩ đại được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta kế thừa và phát huy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Một là, sự kết tinh giá trị văn hóa trong trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng cách mạng duy nhất thống nhất lãnh đạo hai miền tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau, nhằm thực hiện một mục tiêu chung: giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh truyền thống văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thể hiện ở tinh thần đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao; những đường lối, chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện và đã mang lại thành công, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của kẻ địch, đánh bại 4 chiến lược chiến tranh của 5 đời Tổng thống và kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4-1975.

Hai là, sức mạnh văn hóa truyền thống với  lòng yêu nước nồng nàn, đã tạo nên ý chí quật cường quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sức mạnh của lòng yêu nước đã tựu trung trong lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giônxơn và bè lũ phải biết rằng: Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội của chúng càng thêm nặng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Người, quân dân cả nước đã đứng lên quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi và nhấn chìm bè lũ bán nước. Miền Bắc đã vững vàng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bằng không quân, hải quân, đập tan đợt tập kích chiến lược 12 ngày đêm từ 18 đến 29-12-1972 bằng pháo đài bay B52. Tính đến ngày           17-1-1973 đã có 4.181 máy bay các loại của Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc. Ở miền Nam, với sức mạnh của tinh thần yêu nước, quân và dân cả nước đã đánh bại chiến lược “chiến tranh một phía”, chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, chiến lược “chiến tranh cục bộ”, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và với chiến dịch Hồ Chí Minh, đã kết tinh sức mạnh của dân tộc làm nên đại thắng mùa xuân 1975

Ba là, những tinh hoa văn hóa quân sự - nguồn sức mạnh để thắng Mỹ. Tinh hoa văn hóa quân sự Việt Nam phát triển toàn diện và mạnh mẽ, một sức mạnh tiềm tàng, một nguồn lực vô tận được hội tụ từ mấy ngàn năm lịch sử nay trở thành sức mạnh trong thời đại Hồ Chí Minh, được phát huy cao đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Nguồn sức mạnh của tinh hoa văn hóa quân sự đó là:

Cả nước chung lòng đánh giặc, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mọi lực lượng đều được tập hợp lại trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước và sức mạnh quốc tế để quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.

Từ truyền thống biết người, biết mình, trăm trận, trăm thắng, qua hoạt động quốc tế, thực tiễn chiến trường, chúng ta đã đánh giá đúng kẻ thù: Mỹ là một cường quốc về kinh tế và quân sự; với sức mạnh ấy, từ chỗ can thiệp đến trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, chúng muốn biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới, nơi thí điểm các chiến lược, chiến thuật quân sự và các loại vũ khí chiến tranh. Chúng hòng dùng kết quả thu được ở Việt Nam để áp dụng cho các nơi trên thế giới; để thực hiện âm mưu nô dịch, là bá chủ thế giới. Qua việc đánh giá đúng kẻ thù, quân và dân Việt Nam đã làm phá sản các chiến lược chiến tranh phản cách mạng, làm thất bại âm mưu đánh phá miền Bắc bằng không quân của Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Lấy yếu đánh mạnh, ít địch nhiều, vừa chiến đấu, vừa sản xuất - đây là tinh hoa sức mạnh đánh giặc giữ nước của nền văn minh nông nghiệp, được hình thành và hoàn thiện dần trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đến thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, sức mạnh tinh hoa, truyền thống ấy được phát huy cao độ. Từ những chiến dịch đầu tiên của cuộc kháng chiến đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thế và lực của quân dân Việt Nam đã lớn mạnh hơn hẳn so với kẻ thù, đó là một thực tế lịch sử.

Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, sức mạnh truyền thống này đã đạt được ở tầm cao mới: miền Bắc xã hội chủ nghĩa là hậu phương lớn, các vùng giải phóng rộng lớn ở miền Nam là hậu phương - hậu cần tại chỗ, phong trào chống Mỹ và tay sai trong lòng các đô thị, thành phố lớn ở miền Nam buộc Mỹ phải điều lực lượng để đối phó.

Ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích quân; ba vùng chiến lược: thành thị, nông thôn và miền núi; ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, ngoại giao - truyền thống chính trị, quân sự, văn hóa đã được nâng lên thành chiến lược, chiến thuật, làm cho kẻ thù khó xác định phương hướng chiến đấu dẫn đến bị cô lập, bị đánh đổ từng phần đến toàn diện mà chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của thế mạnh truyền thống này.

Cùng với đó, chúng ta đã mở mặt trận ngoại giao, cô lập kẻ thù, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, mở đường cho kẻ thù đến bàn đàm phán để rút quân trong “danh dự”, để cùng tồn tại trong hòa bình nếu kẻ thù từ bỏ ý đồ xâm lược. Đây cũng là truyền thống độc đáo và thế mạnh truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ Hội thề Đông Quan (1427) đến Hội nghị Giơnevơ (1954) và Hội nghị Pari ở giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ (1973) là những bước kế tiếp nhau ngày càng hoàn thiện sức mạnh của kế sách giữ nước “đánh và đàm” trong tiến trình lịch sử tiến hành chiến tranh bảo vệ đất nước của dân tộc ta trước những kẻ thù xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến cứu nước, truyền thống văn hóa dân tộc về đoàn kết, hữu nghị, hòa bình và nhân đạo đã được vận dụng như một sức mạnh để thắng Mỹ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam không chỉ giải quyết những vấn đề của dân tộc Việt Nam mà đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta đã đập tan cuộc phản công lớn nhất của tên đầu sỏ chĩa vào lực lượng cách mạng kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đẩy lùi trận địa của chủ nghĩa đế quốc, mở rộng trận địa chủ nghĩa xã hội, phá vỡ phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam châu Á, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, đẩy đế quốc Mỹ vào thế khó khăn chưa từng thấy, làm  suy yếu hệ thống đế quốc chủ nghĩa. Đồng thời, tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của các trào lưu cách mạng của thời đại, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng triệu người trên trái đất đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Bốn là, lòng dũng cảm, đức hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước đã trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đế quốc Mỹ không hiểu được và cũng không bao giờ địch được sức mạnh thần kỳ này. Sức mạnh truyền thống văn hóa ấy đã được nhân dân ta vật chất hóa thông qua mỗi người dân Việt Nam, thông qua tổ chức cách mạng của Việt Nam; đó là, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đường lối chính trị, quân sự, phương pháp cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh đúng đắn, nhằm đánh lui từng bước, đánh bại từng chiến lược chiến tranh phản cách mạng của đế quốc Mỹ, tiến lên đánh thắng hoàn toàn quân xâm lược Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sức mạnh truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam đã góp phần tạo nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc chống lại các thế lực đế quốc xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngày nay, sức mạnh ấy được phát huy, củng cố nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp sức vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước tiến lên theo con đường chủ nghĩa xã hội với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.6, 7.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.131, 618.

3. Đại thắng mùa xuân 1975 - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006.

Tác giả: Lê Tuấn Anh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

;