Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại lễ hiến tặng thành quả sưu tầm nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, diễn ra đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11).
Cùng dự buổi lễ, có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, các học giả uy tín.
Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hải Liên sinh ra tại Quảng Nam. Ông đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống. Cho đến nay, ông đã sưu tầm, phục dựng hầu hết các lễ hội Chăm, cũng như các bài bản của lễ nhạc bao gồm 75 bài trống Ginăng và 6 giai điệu kèn Saranai đã được ký âm. Ông cũng đã phát hiện ra bộ trống thiêng loại nhỏ đi với hai cái chiêng núm, kèn ru hồn Saranai và trống lớn thân cây - bộ nhạc cụ này chỉ xuất hiện trong hai lễ hội nên rất ít người biết đến. Bên cạnh đó, ông đã sáng lập ra 3 đoàn nghệ thuật bán chuyên Chăm (Ninh Thuận, Bình Thuận, và Mỹ Sơn - Quảng Nam), đưa văn hóa dân gian Chăm lên một tầm vóc mới. Về văn hóa Raglai, ông đã chứng minh người Raglai có sử thi và đã được công nhận. Với nhạc cụ Mã la, ông cũng đã ghi âm và ký âm được 150 bài, khôi phục lại những nhạc cụ đã mất như trống đất, chiềng nứa, kèn bầu Sarakel. Trong nhiều năm tìm tòi, ông đã phát hiện, phục dựng trang phục cổ truyền người Raglai vốn bị mai một, mất mát hàng chục năm qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn chụp ảnh lưu niệm với gia đình nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên
Ảnh: Tuấn Minh
Việc hiến tặng toàn bộ công trình sưu tầm, nghiên cứu của ông Nguyễn Hải Liên trong hơn 30 năm về văn hóa phi vật thể Chăm, Raglai là việc làm cao quý, biểu hiện sống động của tình yêu đất nước.
Xúc động trước tình cảm và niềm đam mê của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và đánh giá cao những tâm huyết, đóng góp to lớn của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên cho sự nghiệp làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thủ tướng cam kết, công trình tâm huyết này sẽ tiếp tục được đầu tư bảo tồn, phát triển, phổ biến và diễn xướng một cách thích đáng trong nhân dân.
Nhân sự kiện này, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL triển khai một số nội dung:
Ngôn ngữ, chữ viết là cội nguồn, là cốt tủy văn hóa của một dân tộc. Vì vậy, muốn giữ được cốt tủy dân tộc, bảo tồn được văn hóa các dân tộc thiểu số, chúng ta phải giữ gìn, bảo tồn được chữ viết của đồng bào.
Tổng hợp thống kê, báo cáo và đề xuất chi tiết các giá trị văn hóa dân gian cần được bảo tồn, duy trì, phát triển, đồng thời đề ra được những đường hướng, hành động cụ thể để thực hiện.
Thủ tướng lưu ý phải quan tâm sát sao đến việc sưu tầm và làm giàu kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. Kết hợp giữa phát triển du lịch với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian thông qua các lễ hội truyền thống, các hoạt động du lịch cộng đồng.
Chúng ta cần tìm ra và phát huy những giá trị kinh tế và giá trị văn hóa trong văn hóa dân gian. Phải biến văn hóa trở thành di sản và tạo sinh kế cho người dân. Đây là vai trò của công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Đồng thời, có chính sách ghi nhận, tôn vinh xứng đáng các cá nhân, tổ chức tài trợ tham gia vào công tác bảo tồn di sản văn hóa dân gian nói riêng, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh thu hút đầu tư vào văn hóa để khai thác, phát huy những tiềm năng và sức mạnh của văn hóa nước ta. Đặc biệt, phải có cách thu hút sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp trong việc khôi phục nhiều làng nghề thủ công truyền thống đang dần mai một và có nguy cơ biến mất; hồi sinh những bản làng đặc sắc về văn hóa, kiến trúc và sinh thái, những lễ hội và ẩm thực dân gian, trò chơi dân gian, các giá trị văn hóa nghệ thuật cổ xưa... Phải xã hội hóa mạnh mẽ, Nhà nước phải quan tâm.
Thủ tướng nêu rõ: nói theo ngôn ngữ của thời đại số ngày nay, văn hóa dân gian là mã định danh để mỗi dân tộc hội nhập với thế giới mà vẫn định dạng được mình. Nói dân dã, dễ hiểu hơn thì đó là phong tục, tập quán, tri thức dân gian, là bản sắc và hồn cốt của dân tộc. Yêu cầu làm giàu kho tàng văn hóa dân gian không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, mà rất cần những nhà nghiên cứu, những cá nhân tâm huyết chung tay đóng góp. Thủ tướng ủng hộ, khuyến khích và rất vui mừng nếu ngày càng có thêm nhiều người tâm huyết, cống hiến thầm lặng trong việc giữ gìn, tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa dân gian phong phú, lâu đời, làm giàu kho tàng văn hóa dân gian, văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tác giả: Thảo Nguyên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019