Trong những cuốn sách được xem là kinh điển, thể hiện nội dung chủ yếu của Nho giáo tiên Tần như Luận ngữ, Mạnh Tử, Tuân Tử thì phạm trù dân (dân là ai, gồm những tầng lớp nào) chủ yếu được các nhà nho đặt trong mối quan hệ đối lập với tầng lớp khác, tầng lớp trị dân (gồm vua, quan). Cơ sở, căn cứ chủ yếu để các nhà nho Tiên Tần phân biệt, chỉ ra sự khác nhau giữa hai tầng lớp này là do sự khác nhau chủ yếu về đạo đức, tài trí, địa vị, vai trò xã hội của các tầng lớp này.
Thứ nhất, theo các nhà nho Tiên Tần, phạm trù dân bao gồm nhiều giai tầng khác nhau; về cơ bản, họ có cùng địa vị kinh tế, vai trò xã hội; là bộ phận nhiều nhất trong dân cư, đối lập với giai cấp thống trị (hay tầng lớp cầm quyền, cai trị gồm vua, quan lại các cấp).
Thứ hai, theo quan niệm của các nhà nho Tiên Tần, dân là những người bị sai khiến, bị điều khiển. Như trong Luận ngữ, Khổng Tử đã từng cho rằng: “Đối với dân thì không nên giảng giải những điều cao siêu mà nên dạy những điều để dễ sai khiến họ” (1). Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử luôn khẳng định rằng địa vị xã hội của người dân là những người nô lệ, bị trị, luôn chịu sự sai khiến, cai trị của tầng lớp thống trị; do vậy, họ là tầng lớp đối lập với giai cấp thống trị. Với ý nghĩa này, trong Luận ngữ, Mạnh Tử, Tuân Tử dân có nhiều cách gọi khác nhau.
Vì dân được các nhà nho Tiên Tần xem là những người không có hoặc hèn kém về đạo đức, trí tuệ, bị sai khiến, bị cai trị, cho nên được gọi là kẻ tiểu nhân, đối lập với người quân tử. Chữ tiểu nhân được các nhà nho Tiên Tần nhắc đến trên ba mươi lần, trong đó Luận ngữ chiếm nhiều hơn cả (khoảng hai mươi lần). Cách gọi này chiếm tỉ lệ cao hơn so với cách gọi khác nhằm chỉ dân là người bị điều khiển, bị thống trị. Trong cách nhìn, quan niệm của các của các nhà Nho tiên Tần, dân với tên gọi là kẻ tiểu nhân là hạng người không có địa vị, nhất là không có vai trò, sức mạnh to lớn như người quân tử. Trong Luận ngữ, Khổng Tử nói: “Đức hạnh của người quân tử (người trị dân) như gió, mà đức hạnh của dân như cỏ; gió thổi thì cỏ tất rạp xuống” (2). Tiểu nhân với tư cách là người bị trị không bao hàm nho tiểu nhân, tức là những kẻ sĩ thiếu tư cách đạo đức tuy họ có tri thức, có tài nghệ. Muốn trở thành nho quân tử phải có đủ cả hai tiêu chí đó (đạo đức, tài trí).
Trong Luận ngữ, có đôi chỗ, theo Khổng Tử, sở dĩ dân là người bị sai khiến, người bị điều khiển vì họ là kẻ hạ ngu. Hạ ngu là chỉ tầng lớp người hèn kém về trí tuệ, không có tài trí, bất tiếu, đối lập với những người hiền, trí, quân tử. Sử dụng thuật ngữ này để chỉ người dân, đã cho thấy Khổng Tử rất khinh miệt tầng lớp dân đen, nô lệ trong xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ. Ông cho rằng những kẻ này dẫu có học chăng nữa cũng không thể hiểu được đạo lý, nên những điều vi diệu, cao siêu thì không nên giảng giải cho họ. Khổng Tử còn cho rằng dân đối lập với bậc thượng trí (là hạng người mà theo ông, sinh ra không cần học cũng đã biết). Sự đối lập này được Khổng Tử khẳng định rằng chỉ có bậc thượng trí, kẻ hạ ngu là không thay đổi.
Còn trong Mạnh Tử, ông gọi dân là kẻ lao lực, tức là những người lao động chân tay, lực lượng sản xuất ra hầu hết của cải để duy trì sự tồn tại của xã hội, cho cả tầng lớp thống trị. Theo Mạnh Tử, dân bao gồm ba hạng người: công, nông, thương, có trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi dưỡng người, phải chăm sóc kẻ lao tâm, phục vụ người cai trị. Những người này, trong quan niệm của Mạnh Tử, cũng giống như Khổng Tử, thực chất là những người thiếu đạo đức, trí tuệ, thuộc tứ dân bách tính tầm thường, trong đó chủ yếu là người nông dân của xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ. Theo sự lý giải của Mạnh Tử, “trong xã hội bao giờ cũng có người làm việc bằng tâm trí, có kẻ làm việc bằng tay chân; người làm việc bằng tâm trí thì cai trị dân chúng; kẻ làm việc bằng tay chân thì chịu quyền điều khiển, sai khiến; kẻ chịu quyền điều khiển có phận sự cung cấp cho tầng lớp cai trị dân chúng được dân chúng phụng dưỡng; đó là lẽ thông thường trong thiên hạ vậy” (3). Quan hệ giữa lao tâm với lao lực ở đây không chỉ là quan hệ tương tác giữa hai hình thức lao động trong xã hội, mà chủ yếu là quan hệ giữa tầng lớp thống trị, bị trị, Mạnh Tử xem quan hệ đó là lẽ đương nhiên. Do hạn chế lịch sử, lập trường giai cấp nên Mạnh Tử chưa thể nhận thức được nguyên nhân kinh tế sâu xa đã tạo nên sự đối lập này mà chỉ dừng lại cách nhìn trực quan, để rồi xem đó là lẽ thông thường trong thiên hạ. Sự phân biệt giữa lao tâm với lao lực, sự khác nhau, đối lập nhau về địa vị của hai loại người đó, thể hiện rõ ràng là tư tưởng xem thường người lao động chân tay của Mạnh Tử nói riêng, Nho giáo Tiên Tần nói chung.
Ngoài ra, người bị sai khiến (dân) có lúc được Khổng Tử, Mạnh Tử gọi là kẻ thứ dân, hạ dân, dã dân. Đây là những người dân thường trong xã hội, là những người lao động bình thường. Cách gọi này ít nhiều có sự phân biệt đẳng cấp trong tư tưởng của Khổng Tử, Mạnh Tử, nhưng cũng phản ánh đúng địa vị của người dân trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc. Dân theo các tên gọi này xuất hiện trên hai mươi lần trong Luận ngữ, Mạnh Tử, Tuân Tử, điều đó chứng tỏ rằng quan niệm về dân của Mạnh Tử, Tuân Tử có xu hướng tiến bộ hơn Khổng Tử.
Cũng trong Mạnh Tử, người bị sai khiến, bị điều khiển còn gọi là kẻ lê dân (dân đen), xích tử (con đỏ). Phần Thượng Mạnh Tử có chép: “Bực quốc trưởng, nhà cầm quyền lo liệu cho dân, cũng như mẹ giữ gìn con đỏ. Câu ấy có ý nghĩa gì. Chi này hiểu như vầy: chúng ta phải thương tất cả mọi người như nhau, không phân hơn kém. Nhưng cha mẹ bà con là những người ở gần bên ta, cho nên ta phải thi thố sự thương yêu trước hơn những kẻ khác mà thôi” (4). Cách gọi dân theo ý nghĩa này, ít nhiều thể hiện sự thương cảm, chứa đựng yếu tố nhân đạo của Mạnh Tử đối với người dân đen cơ cực ở đáy cùng trong xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ.
Như vậy, ở nội dung thứ hai trong quan niệm về dân của Nho giáo Tiên Tần, phạm trù dân với tư cách người bị trị được hiểu họ đều là người bị sai khiến, bị điều khiển, có địa vị kinh tế, chính trị, xã hội thấp hèn, được nhìn nhận trong sự đối lập với người quân tử, bậc thượng trí, người lao tâm, người cai trị.
Thứ ba, trong phạm trù dân, dân còn được các nhà nho Tiên Tần đề cập đến với tư cách là những người không làm quan, không có địa vị gì trong bộ máy thống trị. Theo ý nghĩa này thì dân không bao gồm vua, tầng lớp quan lại ở trong xã hội phong kiến Trung Quốc đương thời, cũng không theo tinh thần như trong Kinh Thi đã viết rằng đất đai thần dân dưới gầm trời này không ở đâu không phải là của nhà vua. Theo đó, dân là những người không làm quan bao gồm cả những hào dân, tức là tầng lớp người tuy có địa vị, vai trò kinh tế, cũng có thể xuất thân từ tầng lớp phong kiến, nhưng không có địa vị, vai trò gì trong bộ máy thống trị, cầm quyền. Trong xã hội, có thể có người trong tầng lớp này đã từng làm quan, hoặc chưa có cơ hội làm quan. Khi đắc chí thì họ ra làm quan, ban ân trạch cho dân, khi không đắc chí thì họ từ quan để thành dân. Loại dân đặc biệt này như trong Mạnh Tử đã từng nói: “Lúc nên làm quan thì làm quan, lúc nên bỏ chức thì bỏ chức, cần làm quan lâu thì làm quan lâu, cần ra đi gấp thì ra đi gấp; đó là hạnh của đức Khổng Tử vậy” (5).
Dân không chỉ là những hào dân không làm quan mà còn là những dật dân ẩn sỹ, từ bỏ công danh, phú quý để làm một người dân bình thường. Đó là Bá Di, Thúc Tề, Ngu Trọng, Di Dật, Chu Trương, Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên, những người được Khổng Tử đề cập đến trong Luận ngữ. Những người ẩn sĩ này tuy làm một người dân bình thường nhưng họ không nản chí mà vẫn bền chí tu nhân, đem thân mai một với đạo lý, chờ khi gặp cơn hiển đạt thì đem thân mình giúp cho thiên hạ đều trở thành lương thiện.
Đề cập đến loại dân khá đặc biệt này, trong Mạnh Tử đã nêu một số nguyên nhân khiến họ từ quan lui về ở ẩn. Một là, do xã hội loạn lạc nên họ từ quan làm dân: “Trong khi thiên hạ có đạo, tức là khi nơi nơi đều được an ninh trật tự, người quân tử nên ra làm quan, đem đạo lý mà thi hành cho đến lúc lìa bỏ thân xác mới thôi; trong khi thiên hạ vô đạo, tức là khi chốn chốn đều phải rối rắm loạn lạc, người quân tử nên ẩn dật” (6). Hai là, như Mạnh Tử cho rằng: “Lúc cùng chẳng mất nghĩa, nhân đó kẻ sĩ giữ được cái tiết tháo trong sạch của mình; lúc đạt, chẳng rời đạo, nhân đó dân chúng trông cậy được mình mà chẳng thất vọng; người xưa khi đắc chí mà làm quan thì ban bố ân trạch cho nhân dân; khi chẳng đắc chí mà ở ẩn, thì bền trí tu thân do đắc chí làm cho danh tiếng mình tỏ rạng với đời” (7).
Như vậy, với ý nghĩa dân là những người không làm quan, không có địa vị gì trong bộ máy thống trị, bao gồm nhiều giai tầng khác nhau, có địa vị kinh tế xã hội khác nhau, nhưng họ hợp thành mặt đối lập với vua, tầng lớp quan lại trong bộ máy thống trị.
Thứ tư, phạm trù dân còn được các nhà nho Tiên Tần dùng để chỉ bề tôi, tức thần dân trăm họ trong thiên hạ, đối lập với nhà vua. Theo ý nghĩa này, dân bao gồm cả thần, dân, quan, là trăm họ, cả thiên hạ đối lập với vua, chỉ có nhà vua là không thuộc phạm trù dân.
Dân với ý nghĩa là thần dân trước đó đã được đề cập trong Kinh Thi, thường được Khổng Tử, Mạnh Tử gọi là bá tính, thiên hạ, tức là muôn dân, trăm họ sống trong cõi trời đất này. Dân với ý nghĩa là thần dân trăm họ lại có lúc được hai ông gọi là chúng dân, dân chúng, có khi Mạnh Tử gọi là quốc nhân (dân chúng toàn quốc). Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Mạnh Tử đã sử dụng từ nhân dân để chỉ dân là thần dân trăm họ: “Một vị vua chư hầu nên quý trọng ba việc này: thổ địa, nhân dân, chính sự; nếu chê ba điều ấy mà quý trọng châu ngọc, ắt thân mình phải vướng lấy tai ương” (8).
Tuy vậy, cũng phải lưu ý rằng mặc dù ở nội dung này, phạm trù dân bao gồm cả thần dân trăm họ nhưng trong luận điểm của Mạnh Tử là dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh thì dân ở đây được ông quan niệm chỉ là những người dân nào nghe, nói, làm theo sự sai khiến, điều khiển, giáo hóa của nhà vua, kẻ thống trị mà thôi. Do vậy, dân với ý nghĩa là thần dân trăm họ được thể hiện, xuất hiện trong quan niệm của Nho giáo tiên Tần là chỉ trong những hoàn cảnh, điều kiện, nhất định cụ thể.
Như vậy, ở ý nghĩa thứ tư, phạm trù dân trong quan niệm của các nhà nho Tiên Tần không chỉ là những người bị sai khiến, người không làm quan, là thần dân trăm họ, mà còn là người dân nói chung. Có thể nói rằng, với ý nghĩa này, dân được các nhà nho Tiên Tần hiểu rộng hơn so với các quan niệm trên, bởi vì dân theo ý nghĩa này là bao hàm tất cả mọi người sống trong thiên hạ.
Tóm lại, phạm trù dân trong nho giáo Tiên Tần bao gồm nhiều ý nghĩa, được nhìn nhận từ nhiều phương diện khác nhau, gồm nhiều giai cấp, giai tầng ít nhiều có sự khác nhau về địa vị kinh tế, xã hội, nghề nghiệp, thành phần xuất thân (dù rằng, sự khác nhau này là không cơ bản); là bộ phận chiếm hầu hết trong dân cư, đối lập với giai cấp thống trị.
Phạm trù dân bao hàm nhiều ý nghĩa, bởi vì dân không bao gồm tập đoàn thống trị thi hành chính sách chống lại dân. Trong suốt thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc, tập đoàn thống trị chống lại dân thường thay đổi theo hoàn cảnh. Vì vậy mà nội hàm của phạm trù dân cũng thay đổi theo. Phạm trù này luôn được bổ sung, thay đổi, hoàn thiện dần.
Dân bao gồm nhiều ý nghĩa, nhưng trong đó dân với ý nghĩa là người hèn kém về mặt đạo đức, tài trí, là những người bị cai trị, sai khiến, điều khiển, là đối tượng của giáo dục, giáo hóa được các nhà nho Tiên Tần nhắc tới nhiều nhất.
______________
1. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tứ thư, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, tr.360.
2. Nguyễn Hiến Lê, Luận ngữ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1995, tr.205.
3, 4, 5, 6, 7, 8. Đoàn Trung Còn dịch, Mạnh Tử (Thượng Mạnh Tử), Nxb Thuận Hóa, Huế, 1996, tr.167, 177, 95, 251, 223, 270.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 - 2017
Tác giả : TRƯƠNG THỊ THẢO NGUYÊN