Theo các phương tiện thông tin đại chúng, mới chớm hè 2022 đã xảy ra không ít vụ trẻ em bị đuối nước. Cụ thể ở khu vực miền Trung vào ngày 26-4, trên địa bàn kênh thủy lợi Nam Thạch Hãn đi qua địa phận P.1, thị xã Quảng Trị có 3 học sinh đến chơi trên dòng kênh này, không may rơi xuống nước. Một em đã được cứu lên còn 2 em khác mất tích, đều là nữ, cùng sinh năm 2008. Gần 1 giờ đồng hồ, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã tìm thấy 2 nạn nhân mất tích cách hiện trường gặp nạn gần nửa cây số, đã đuối nước, tử vong.
Trẻ em tắm ở bể bơi cần có người trông coi, giám sát
Đây là vụ trẻ em gặp nạn đuối nước thương tâm thứ 2 chỉ trong 3 ngày qua tại Quảng Trị. Trước đó, vào chiều tối ngày 23-4-2022, tại đập Động Lòi, thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ cũng xảy ra vụ đuối nước gây tử vong cho 1 em. Mới đây, sáng 1-5, tại tỉnh Đắk Nông em N.C.D (sinh năm 2004, trú xã Đắk Rla, huyện Đắk Mil) cùng nhóm bạn đến quán B.S (xã Đắk Sôr) ăn uống. Khoảng 12 giờ cùng ngày, sau khi ăn xong, D. nhảy xuống sông Sêrêpốk (đoạn qua xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô) tắm thì xảy ra đuối nước. Phát hiện sự việc, nhóm bạn và người dân xung quanh đã nỗ lực tìm kiếm nạn nhân nhưng do nước sâu, địa hình hiểm trở nên đến khoảng 13 giờ 30 mới tìm thấy thi thể của em D.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng đa số do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em còn chưa đúng mức, từ đó trẻ thiếu sự giám sát, trông giữ của gia đình và người chăm sóc. Công tác quản lý của gia đình, nhà trường đối với con em, học sinh trong và ngoài trường học cũng còn hạn chế, việc dạy bơi trong trường học cũng chưa thực sự được chú trọng.
Có nhiều người ở nông thôn, miền núi, khi phát hiện các trẻ bị đuối nước thì ít có hoặc không có kiến thức để sơ cứu ban đầu, về “hô hấp nhân tạo”, khi mang trẻ đến cơ sở y tế thì đã quá muộn. Nên chăng, các ngành chức năng, các cơ quan chuyên môn cần mở các lớp tập huấn, thực tập nhiều lần cho người dân, các bà mẹ ở khu vực nông thôn, miền núi… nhằm nâng cao kiến thức bảo vệ, tạo an toàn cho trẻ .
Bên cạnh đó, ở một số vùng nông thôn, miền núi do cuộc sống gia đình khó khăn nên các em phải mưu sinh bằng việc bắt thủy sản tại các khu vực sông, hồ, ao… Đây cũng là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ cao tình trạng đuối nước hiện nay. Lứa tuổi thanh thiếu niên có tính hiếu động, thích tụ tập thành nhóm để vui chơi ở những địa điểm công cộng có nguồn nước biển, sông, suối, ao hồ vào mùa nắng nóng.
Ngoài ra, tình trạng trẻ đuối nước tăng trong những năm qua, còn do ảnh hưởng một phần của dịch bệnh COVID - 19. Một số thời điểm phải giãn cách xã hội, học sinh nghỉ học dài ngày nên rủ nhau đi chơi, tắm sông suối, ao hồ; thiếu sự giám sát của người lớn dẫn đến đuối nước. Đặc biệt, đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS ít được tiếp cận với việc dạy bơi, học kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước, nên khi xảy ra tai nạn thì không tự cứu được mình...
Theo các thầy thuốc, khi trẻ em bị ngạt nước, người sơ cứu cần bình tĩnh tìm mọi phương tiện đưa nạn nhân ra khỏi nước, tốt nhất là sơ cứu trẻ ở nơi thoáng mát. Nguy cơ của ngạt nước (đuối nước) nếu không được sơ cứu kịp thời sẽ bị tắt nghẽn đường thở do dị vật, nước tràn vào phổi, não bị tổn thương do ngừng tim, ngừng thở dẫn đến tử vong hoặc di chứng suốt đời.
Để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra đuối nước, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và bản thân trẻ em về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tăng cường tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè; hướng dẫn cho các em những nguy cơ tiềm ẩn, những kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý các tình, huống khi bơi lội…
Ngoài ra, các bậc phụ huynh, nhà trường, các hội đoàn ở địa phương cần dạy cho con em mình giải quyết, đối phó với các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước trên sông suối, ao hồ, mương, đập…, giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông suối khi không có sự canh chừng của người lớn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã gửi công điện yêu cầu phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học. Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trước đó về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Đã vào mùa hè 2022, trẻ em ở nông thôn, miền núi thường đến ao hồ, sông suối để tắm, bắt cá, chèo thuyền…, nên có nguy cơ chết đuối nước rất cao, mong các bậc phụ huynh, nhà trường, các hội đoàn thể cần đẩy mạnh truyên truyền, giáo dục, dạy bơi…, nhằm nâng cao kỹ năng, ý thức phòng chống chết do đuối nước xảy ra cho các em, nhất là các bậc phụ huynh có hồ ao nuôi trồng thủy sản; chính quyền địa phương cần dựng các biển báo, biển cấm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước cho người lớn và trẻ em. Đồng thời các cơ quan, ban, ngành chức năng cần phải tổ chức học cách sơ cứu đuối nước và cấp cứu các trường hợp tai nạn khác cho người dân, nhằm mang lại an toàn cho trẻ.
Ngoài ra, địa phương nên giao cho các chi hội, Đoàn Thanh niên quan tâm hơn nữa đến trẻ em, nhất là các em học sinh đang nghỉ hè ở trong phạm vi của địa phương mình và UBND xã, huyện… quan tâm, hỗ trợ, khen thưởng kịp thời… những cá nhân cứu đuối nước nhằm hạn chế tai nạn do đuối nước xảy ra.
Trẻ em ở đồng bằng thích tắm sông rất nguy hiểm
TIÊN SA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 498, tháng 5-2022