Lễ hội Tây Thiên là một trong những lễ hội tiêu biểu, đặc sắc không chỉ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mà còn thu hút khách thập phương cả nước, là kết tinh giá trị văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa lâu đời. Vì vậy, lễ hội Tây Thiên hội đủ những giá trị tiêu biểu: giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giá trị cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng; phát triển kinh tế, phát triển du lịch. Những giá trị này cần được nghiên cứu, phân tích để lễ hội Tây Thiên được phát huy giá trị trong đời sống xã hội hiện nay.
Lễ hội Tây Thiên gắn với những câu chuyện về Quốc Mẫu Tây Thiên và các dấu ấn văn hóa Phật giáo dân tộc ngày càng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng và trở thành một trong những lễ hội lớn nhất ở Bắc Bộ. Hiện nay, người dân nhiều tỉnh, thành khác nhau trên cả nước không chỉ đến Tây Thiên vào mùa lễ hội mà quanh năm, nơi đây luôn đông khách tới vãn cảnh và dâng hương.
Về lễ hội Tây Thiên
Đất Vĩnh Phúc xưa được coi là một trong những trung tâm hội tụ và lan tỏa của tục thờ Mẫu. Quốc Mẫu Tây Thiên, theo truyền thuyết là tiên nữ núi Tam Đảo đầu thai vào gia đình họ Lăng, thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Bà có nhân duyên cùng vua Hùng Vương thứ VII là Hùng Chiêu Vương khi nhà vua đến núi Tam Đảo để cầu Tiên tử. Bà trở thành Hoàng phi và từ đó mở ra triều đại mới thịnh trị với 7 đời vua Hùng. Dưới chân núi Tam Đảo còn có 54 điểm thờ cúng và riêng xã Đại Đình có tới 5 điểm thờ vị Quốc Mẫu linh thiêng này. Bên cạnh thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, các đình, đền ở Tây Thiên còn thờ Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng ngàn (các vị thần cai quản trời, đất, núi rừng) và các ông hoàng, bà chúa. Để tưởng nhớ Quốc Mẫu Tây Thiên, hằng năm vào ngày 15-2 âm lịch, dân trong vùng lại mở hội để cùng khách thập phương tưởng nhớ công đức, tỏ lòng biết ơn và cầu xin Quốc Mẫu phù hộ cho bình an, may mắn. Đây cũng là dịp để nhân dân và du khách mọi miền dựng lại các trò chơi dân gian đã tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử. Văn hóa dân gian khu vực Tây Thiên là sự phức hợp giữa văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ và miền núi phía Bắc. Lễ hội Tây Thiên thể hiện rõ nhất những nét văn hóa đặc sắc đó với phần lễ bao gồm lễ cáo, lễ rước, lễ dâng hương tưởng niệm Quốc Mẫu Tây Thiên. Riêng phần lễ cáo diễn ra trước lễ chính 5 ngày và trong 3 ngày từ ngày 15 đến 17-2 âm lịch, phật tử và khách thập phương sẽ được tham gia phần tế lễ trang trọng, đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc, gồm rước kiệu, múa xênh tiền, hoạt cảnh chèo mô tả truyền thuyết Quốc Mẫu đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất giang sơn. Với phần hội, có rất nhiều hoạt động phong phú như thi gói bánh chưng, giã bánh dày, hội vật... cùng các trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn miền bán sơn địa. Nét đặc biệt của lễ hội Tây Thiên còn là các điệu hát chèo, hát văn với những làn điệu dân ca của người Việt, khúc hát Soọng Cô của người Sán Dìu định cư ở chân núi Tam Đảo... Không chỉ có đạo Mẫu, đất Tây Thiên còn có ngôi chùa thờ Phật theo phái Mật tông rất đặc biệt mang tên Tịnh thất Tây Thiên, nằm biệt lập sâu trên núi, qua những con đường rừng quanh co, trơn trượt. Đối với phần lớn người dân Việt Nam, đức từ bi của Phật và lòng quảng đại của Mẫu là biểu tượng cho lòng bao dung, sự che chở, phổ độ cứu vớt nhân gian, để mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân vui hưởng thái bình. Đạo Phật quan tâm đến số phận con người cả sau khi chết, còn đạo Mẫu quan tâm đến cuộc sống con người dương thế. Cả hai yếu tố đó đều cần thiết để góp phần mang lại sự cân bằng cho đời sống tâm linh của con người.
Giá trị tiêu biểu của lễ hội Tây Thiên
Giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên không chỉ là tín ngưỡng của một địa phương, một vùng mà là hệ thống tín ngưỡng mang tính quốc gia. Năm 1763, từ điển bộ Lễ của nhà Lê Trung Hưng đã ghi rõ các di tích thờ cúng Quốc Mẫu Tây Thiên. Di sản tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn mang nhiều giá trị lịch sử, truyền thống yêu nước, đoàn kết các dân tộc chống giặc ngoại xâm.
Điện thờ Quốc Mẫu Tây Thiên - Ảnh: Thanh Trà
Giống như các lễ hội truyền thống khác, lễ hội Tây Thiên bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm lễ cáo, lễ rước kiệu, múa xênh tiền, hoạt cảnh chèo mô tả lại truyền thuyết về Quốc Mẫu Tây Thiên đánh đuổi giặc ngoại xâm thống nhất giang sơn; lễ dâng hương... Phần hội có những hoạt động như thi làm bánh chưng, bánh dày, vật, hát chèo, hát văn, thi hát dân ca của người Sán Dìu, thi nấu cơm, thi Hú Đáo và nhiều trò chơi kéo co, chọi gà, đu tiên, cờ người, vật cổ truyền.
Nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam trên quê hương Tam Đảo, động viên Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu thi đua lao động sản xuất; đồng thời giới thiệu với du khách thập phương các giá trị văn hóa danh lam thắng cảnh của di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tập quán xã hội và tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, hằng năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đều ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức lễ hội Tây Thiên tại khu di tích lịch sử đặc biệt, danh lam thắng cảnh Tây Thiên. Lễ hội Tây Thiên là một phần quan trọng của đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, nhằm tưởng nhớ công ơn và tỏ lòng thành kính đối với Quốc Mẫu Tây Thiên; thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta, thu hút đông đảo du khách tới hành lễ, vãn cảnh.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Việt Nam là đất nước có nền văn hóa lâu đời, nhiều dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ thống nhất; mỗi vùng miền, dân tộc có phong tục tập quán mang bản sắc riêng cùng đóng góp cho nền văn hóa nước nhà. Lễ hội Tây Thiên đã bảo lưu được các giá trị văn hóa, các diễn xướng dân gian và đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên. Ngày 31-10-2018, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt XXV), trong đó, hát Soọng Cô của người Sán Dìu (huyện Lập Thạch, huyện Tam Đảo, huyện Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận. Hát Soọng Cô là một loại hình xướng ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian truyền miệng đã được lưu giữ hàng trăm năm nay của người Sán Dìu. Hát Soọng Cô là hát đối đáp trữ tình, giàu tình cảm và đậm đà bản sắc dân tộc. Hát Soọng Cô, về hình thức diễn xướng cũng tương tự như sli, lượn của người Tày, Nùng; quan họ, hát ghẹo, hát xoan của người Kinh; với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt được ghi chép bằng chữ Hán cổ hoặc truyền khẩu, tiếng hát thể hiện tâm tư tình cảm của những đôi trai gái đang trong giai đoạn tìm hiểu nhau, nhờ tiếng hát để trải tấm lòng mình, là phương tiện để bộc lộ những tâm ý mà không dám ngỏ lời trực tiếp một cách tinh tế. Không chỉ có vậy, Sọong Cô còn là những lời hát ru đưa con trẻ chìm trong giấc ngủ, những lời hát để hỏi thăm về gia đình, bạn bè của những người lâu ngày mới có dịp gặp mặt. Những câu hát Soọng Cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh cũng như môi trường diễn xướng, người ta có thể hát một đêm, nhiều đêm, hát trong nhà, bên bờ suối, khi đi làm nương, hay trong lúc đi chơi làng, trong khi ru con và trong các lễ hội của người Sán Dìu.
Trên cơ sở các công trình nghiên cứu và sau khi có ý kiến thống nhất của Hội đồng Di sản quốc gia, ngày 14-1-2020, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 176 về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Như vậy, cùng với tín ngưỡng thờ Hùng Vương, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên là 1 trong 3 tín ngưỡng cổ nhất vùng Bắc Bộ. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên không chỉ là tín ngưỡng của một địa phương, một vùng mà là tín ngưỡng mang tính quốc gia; đồng thời là biểu tượng văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc, là di sản mang giá trị về lịch sử, văn hóa, về truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Việc tổ chức lễ hội Tây Thiên ngoài giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” còn khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống và lòng tự hào dân tộc; đồng thời, bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, bản sắc văn hóa vùng núi Tam Đảo. Tự hào, phấn khởi khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc càng thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên.
Giá trị cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng
Tính cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng trong lễ hội Tây Thiên được thể hiện rõ vào những ngày diễn ra lễ hội, người dân khắp nơi trong cả nước, từ các vùng quê, thôn bản, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương khác nô nức kéo nhau về dự hội; đồng thời, tham gia vào công tác tổ chức các hoạt động của lễ hội. Mỗi người một công việc, hoặc tham gia vào quá trình chuẩn bị tổ chức lễ hội (chuẩn bị lễ vật, cúng tế…) hoặc tham gia vào một hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, họ chung sức, chung tay để làm nên sự thành công của lễ hội. Sôi động nhất là phần hội diễn ra trong 3 ngày với các trò chơi dân gian, thi làm bánh chưng, bánh dày, bánh giò, thi nấu cơm, hội tung bông, hội trại văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, các loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc của tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương vùng trung du Bắc Bộ cùng hội chợ thương mại, du lịch, trong đó điểm nhấn là hội thi hát chầu văn và liên hoan các câu lạc bộ hát Soọng Cô của người dân tộc Sán Dìu.
Đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân
Khu di tích danh thắng Tây Thiên, tỉnh Vĩnh Phúc nằm giữa một vùng đa dạng sinh học phong phú của dãy Tam Đảo với cảnh quan hoang sơ, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Ngoài ra, Tây Thiên còn có hệ thống tài nguyên nhân văn gắn với lịch sử và tôn giáo, tín ngưỡng được người xưa dày công gây dựng. Tây Thiên được biết đến như miền đất địa linh, nơi giao hòa giữa đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc, là nơi du khách gần xa luôn muốn tìm về. Được bao bọc trong không gian hùng vĩ và nên thơ của cảnh sắc thiên nhiên, khu di tích, danh thắng Tây Thiên với hệ thống đền, chùa, thiền viện phong phú, trở thành nơi giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc, là chốn linh thiêng và là sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc trưng của tỉnh Vĩnh Phúc, thu hút ngày càng nhiều du khách gần xa. Người dân đến với lễ hội Tây Thiên nhằm giải tỏa hết những lo toan, ưu phiền và vất vả trong cuộc sống hằng ngày. Người dân được hưởng thụ, vui chơi và bù đắp cho thời gian lao động vất vả trong năm; được tham gia vào các hoạt động lễ hội, các sinh hoạt cộng đồng và các trò chơi dân gian, các môn thể thao… Qua đó, tạo cho người dân cũng như du khách sự hồ hởi, vui tươi, sảng khoái, giúp họ cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Phát triển kinh tế, phát triển du lịch
Trong các nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển du lịch văn hóa, các lễ hội dân gian đóng vai trò là nguồn tài nguyên quan trọng, mang lại giá trị phát triển kinh tế và du lịch. Việc tổ chức lễ hội Tây Thiên có giá trị rất lớn đối với việc phát triển kinh tế và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc có gần 500 di tích lịch sử và công trình văn hóa, trong đó có 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia với nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm giá trị tâm linh như: danh thắng Tây Thiên, tháp Bình Sơn, đền thờ Trần Nguyên Hãn, chùa Hà Tiên… Các di tích này thu hút rất đông khách du lịch đến hành hương và chiêm bái. Tây Thiên - Tam Đảo là quần thể danh thắng nổi tiếng một vùng, bởi lẽ nơi đây hội tụ cả 3 yếu tố: tâm linh - tín ngưỡng và cảnh quan thiên nhiên. Chính vì vậy, không chỉ mùa lễ hội, mà Tây Thiên còn thu hút du khách thập phương quanh năm. Những ngày nghỉ hè nóng bức, hàng đoàn học sinh, sinh viên đến với Tây Thiên để được lội suối, leo núi và ngắm cảnh rừng nguyên sinh. Tỉnh Vĩnh Phúc có quyết tâm lớn trong việc đánh thức tiềm năng du lịch của vùng đất này, với việc thiết lập các tour du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng, tâm linh khép kín từ Đại Lải, Tam Đảo đến Tây Thiên.
Thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch Vĩnh Phúc đến du khách trong nước và quốc tế; huy động nguồn vốn xã hội hóa, thực hiện có hiệu quả việc đầu tư, tôn tạo các di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Khu di tích, danh thắng Tây Thiên đã được đầu tư khá bài bản với các hạng mục quy mô như: Trung tâm văn hóa - lễ hội Tây Thiên gần 163ha, các công trình tiêu biểu như Đền thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, Đền mẫu Hoàng Thiên, Đền cô Chín, Miếu Sơn thần, sân hành lễ và khu nội tự. Hằng năm, cứ vào dịp khai xuân du khách lại kéo về Vĩnh Phúc tham gia lễ hội Tây Thiên, như được trở về miền văn hóa tâm linh đất Phật, thưởng ngoạn cảnh đẹp và khơi dậy nét văn hóa truyền thống.
Lễ hội Tây Thiên chính là nơi lưu giữ, truyền lại cho thế hệ sau những giá trị văn hóa biểu trưng cho sức mạnh, ý chí của cả cộng đồng người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của lễ hội Tây Thiên chính là cách để nền văn hóa của dân tộc ta không bị mai một, lãng quên, thể hiện trách nhiệm của thế hệ hiện tại đối với quá khứ, đồng thời tạo dựng một hành trang vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
_________________
Tài liệu tham khảo
1. Vinhphuc.gov.vn.
2. Phạm Lan Oanh, Quốc Mẫu Tây Thiên, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2011, số 329, tháng 11, Hà Nội.
3. UBND huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết công tác tổ chức và quản lý lễ hội Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2015 đến năm 2019, Vĩnh Phúc.
Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020