Nhiều hoạt động kỷ niệm 105 năm thành lập Thư viện Quốc gia Việt Nam

Thư viện Quốc gia Việt Nam tiền thân là Thư viện Trung ương Đông Dương, được thành lập ngày 29-11-1917. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã trở thành một địa chỉ văn hóa thân thiện, thể hiện niềm tự hào của tri thức Việt Nam.

Thư viện Quốc gia Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc thu nhận lưu chiểu, trao đổi, tổ chức, bảo quản và phổ biến di sản văn hóa thành văn của dân tộc và nhân loại, phát huy vai trò là thư viện trung tâm trong việc thống nhất, chuẩn hóa nghiệp vụ và chia sẻ tài nguyên thông tin - thư viện với các thư viện trên cả nước, tích cực và chủ động hội nhập, mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan thư viện, thông tin trên thế giới. Hiện nay, Thư viện có tổng số tài nguyên thông tin lớn nhất trong cả nước, với hơn 2,5 triệu đơn vị tư liệu và hơn 10 triệu trang tài nguyên số tự tạo lập và thu nhận.

Nhân kỷ niệm 105 năm (29/11/1917 – 29/11/2022), Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức các hoạt động nhằm khẳng định vị thế trong nước, quốc tế và hướng tới mô hình phát triển toàn diện Thư viện truyền thống - Thư viện hiện đại - Thư viện số.

Trưng bày tư liệu “Thư viện Quốc gia Việt Nam - Tiếp nối truyền thống, vững bước tương lai” từ 22-11 đến 12-12-2022

Hơn 500 tư liệu tiêu biểu, bao gồm sách, báo, tranh, ảnh, phim tư liệu được lựa chọn trưng bày đã giúp công chúng, bạn đọc và các thế hệ viên chức, người lao động của Thư viện hiểu thêm về lịch sử hình thành, các giai đoạn phát triển và những thành tựu đã đạt được trong suốt chặng đường 105 năm qua, góp phần tuyên truyền, quảng bá về vị trí, vai trò, những đóng góp tích cực của Thư viện trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Không gian trưng bày tư liệu - Ảnh: Thu Thơm

Các tư liệu được trưng bày theo 4 nội dung:

Lịch sử hình thành và phát triển Thư viện Quốc gia Việt Nam: Giới thiệu các Nghị định, Sắc lệnh, Quyết định liên quan đến việc thành lập, mở cửa và đổi tên Thư viện; Các văn bản pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thư viện Quốc gia; Các bài tổng kết, đánh giá về quá trình hình thành, phát triển và hành trình hướng tới tương lai của Thư viện Quốc gia Việt Nam;

Sản phẩm và Dịch vụ của Thư viện Quốc gia Việt Nam: Trưng bày các sản phẩm phục vụ cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị, của ngành được các thế hệ công chức, viên chức, người lao động đã và đang làm việc tại Thư viện dày công nghiên cứu, dịch, biên soạn và xuất bản; Một số sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu tiếp cận và sở hữu thông tin của đông đảo công chúng và bạn đọc;

Tài liệu quý hiếm được lưu trữ và bảo quản tại Thư viện Quốc gia Việt Nam: Trưng bày một số tài liệu quý hiếm có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa... được hình thành trong các thời kỳ phát triển của dân tộc; Một số tài liệu được xuất bản trên các vật mang tin đặc biệt như sách lá buông, sách đồng, sách nung trên đất...;

Phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng Thư viện Quốc gia Việt Nam: Giới thiệu các phần thưởng mà Thư viện đã đạt được trong suốt hành trình 105 năm xây dựng và phát triển. Trong đó có nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba và Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba.

Công chúng và bạn đọc tham quan tại trưng bày - Ảnh: nlv.gov.vn

Hội thảo “Vị trí, vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong chuyển đổi số ngành Thư viện Việt Nam - Nhiệm vụ và giải pháp”

Đón bắt kịp thời xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, cách mạng số, Thư viện đã đi đầu triển khai công tác tin học hóa hoạt động thư viện từ giữa những năm 1980 và xây dựng thư viện số từ đầu những năm 2000. Là đơn vị tiên phong trong tổ chức nghiệp vụ thư viện trong nước, từ khi mới thành lập, Thư viện đã giúp đỡ có hiệu quả các cơ quan thư viện thông tin trong cả nước, tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng ngành nghề về công tác tin học hóa hoạt động thư viện, áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế, công tác biên mục, bảo quản tài liệu... Đồng thời, với thế mạnh là thành viên chính thức của các tổ chức quốc tế và khu vực về thư viện, Thư viện đã có quan hệ hợp tác với các thư viện, cơ quan thông tin của nhiều nước, tạo cơ hội khai thác, tranh thủ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp quốc tế để từng bước chuẩn hóa công tác chuyên môn nghiệp vụ, đưa các hoạt động của thư viện Việt Nam, nhanh chóng hội nhập với thư viện các nước trong khu vực và thế giới.

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: Thu Trang

Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thư viện quan tâm làm rõ các nhiệm vụ, xác định các giải pháp cụ thể để Thư viện Quốc gia Việt Nam tiếp tục phát huy vị trí, vai trò trung tâm của mình, cùng các hệ thống thư viện toàn quốc hoàn thành các nội dung của Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện Việt Nam.

Các tham luận và ý kiến trao đổi thảo luận tại Hội thảo xoay quanh các vấn đề trọng tâm như: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số ngành Thư viện Việt Nam; Nhiệm vụ của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong chuyển đổi số; Vị trí và vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong xây dựng thư viện số quốc gia; Xây dựng mục lục liên hợp; Vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong xây dựng thư viện hiện đại; Vấn đề chuẩn hóa (tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn xử lý...); Hợp tác, liên kết, chia sẻ tài nguyên thông tin trong và ngoài nước; Các công cụ hỗ trợ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ (từ điển, từ khóa, chủ đề...); Kinh nghiệm quốc tế; Các mô hình thư viện quốc gia trên thế giới; Chiến lược, kế hoạch, định hướng phát triển và những đề xuất, kiến nghị, giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả chuyển đổi số trong thời gian tới; Đề xuất mô hình, các thiết bị và giải pháp công nghệ, quản trị và khai thác tài nguyên; Bài học kinh nghiệm, sáng kiến triển khai hiệu quả chuyển đổi số hoạt động thư viện trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Hội thảo đã thống nhất xác định một số định hướng cụ thể, để Thư viện Quốc gia Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ trong Chương trình chuyển đổi số thời gian tới và nâng cao vị trí, vai trò trong chuyển đổi số ngành Thư viện như sau: Xây dựng và phát triển thư viện điện tử, thư viện số quốc gia theo hướng hiện đại, tập trung, dùng chung, là đầu mối tích hợp, chia sẻ dữ liệu số cho các thư viện trong nước và quốc tế. Kết nối, tích hợp được đến các thư viện lớn trong các loại hình thư viện; Tạo lập các bộ sưu tập số tập trung, là trung tâm chia sẻ dữ liệu cho các thư viện trong nước và quốc tế, thông qua các tiêu chuẩn mở (OAI). Số hóa được 10 triệu trang tài liệu quý, hiếm, tài liệu có giá trị cao, phổ biến rộng rãi trên internet; Biên mục, xử lý dữ liệu tập trung, xây dựng Cơ sở dữ liệu mục lục liên hợp quốc gia, là đầu mối tích hợp, chia sẻ dữ liệu mang tính tập trung cho các thư viện trong nước và quốc tế qua các chuẩn nghiệp vụ phổ biến; Xây dựng hệ thống tìm kiếm tài liệu tập trung, nơi có thể tìm kiếm được tất cả các loại hình tài liệu, mọi nguồn tài nguyên thông tin của Thư viện trên một giao diện duy nhất; Nghiên cứu và tổ chức triển khai các mô hình thư viện hiện đại, thư viện thông minh, ứng dụng các công nghệ mới như RFID, Internet vạn vật, Dữ liệu lớn, Blockchain, Thực tế ảo, Thực tế tăng cường... Tiếp tục xây dựng thư viện theo mô hình tập trung hóa cao (cả hạ tầng và dữ liệu), mở rộng liên thông, tích hợp, hỗ trợ các loại hình thư viện toàn quốc; Xây dựng các ứng dụng thông minh, thiết bị đọc, trình diễn, các tiện ích có thể dễ dàng, thuận tiện để truy cập, khai thác tài nguyên thông tin dạng số của Thư viện; Thực hiện chương trình Lưu chiểu số, đồng thời số hóa kho tài liệu Lưu chiểu phục vụ bảo quản lâu dài tri thức quốc gia bằng dạng số; Xây dựng Trung tâm bảo quản số quốc gia với mục tiêu bảo quản lâu dài tài liệu số của quốc gia theo chuẩn quốc tế.

Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Thu Trang

Tại Hội thảo, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga chia sẻ: “Kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ VHTTDL, Thư viện Quốc gia Việt Nam được giao thực hiện 2 dự án quan trọng là: Số hóa tài liệu quốc gia và Xây dựng mục lục liên hợp quốc gia. Đây là những nhiệm vụ lớn, là căn cứ để Thư viện tiếp tục được đầu tư cải thiện, bứt phá nâng cao năng lực số, xây dựng nền tảng công nghệ có thể tích hợp, xử lý lượng dữ liệu lớn, tạo lập hạ tầng công nghệ, trung tâm dữ liệu dùng chung của ngành Thư viện nhằm dễ dàng phân phối, chia sẻ, liên thông với các thư viện trong và ngoài nước”.

Trong suốt chặng đường hơn 100 năm qua, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã, đang và sẽ phấn đấu không ngừng để trở thành nơi lưu truyền tri thức và khơi nguồn cảm hứng thực sự tin cậy, thân thiện của bạn đọc trong và ngoài nước, có uy tín và vị thế xứng đáng trong cộng đồng thư viện Việt Nam, khu vực và thế giới.

HỒNG VÂN

;