Nhiều định hướng, giải pháp phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức ngày 24-11 là dịp để các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ sĩ nhìn nhận và đánh giá lại những chủ trương về văn hóa của Đảng và kết quả hoạt động văn hóa trong suốt giai đoạn qua của đất nước kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 đến nay, đặc biệt là những thành tựu sau 35 năm đổi mới.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư trình bày Báo cáo tại hội nghị

 

Những kết quả quan trọng về văn hóa sau 35 năm đổi mới

Tiếp nối những tư tưởng mang tính thời đại Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị lần này triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về văn hóa, tiếp tục khẳng định vị trí cũng như tầm quan trọng của ngành Văn hóa trong công cuộc kiến thiết đất nước. Đây cũng chính là dịp để cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước, tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đã trình bày Báo cáo tóm tắt về việc "Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".

Theo đó, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao; xây dựng môi trường văn hóa đạt được nhiều kết quả tích cực; việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động; bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 đến nay. Đồng thời, chúng ta cũng tích cực chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Văn hóa cũng đã bộc lộ những yếu kém, hạn chế. Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội. Những năm qua, dù kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng cao, nhưng đời sống văn hóa tinh thần của con người chưa có sự phát triển tương xứng.

Báo cáo đề ra định hướng và nhấn mạnh 9 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong thời gian tới: (1) Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững đất nước; (2) Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; (3) Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhân văn, hiện đại; (4) Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt, đặc thù; (5) Xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biết là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội, văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội; (6) Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước; (7) Xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; (8) Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người; (9) Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.

Quang cảnh hội nghị

 

Tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của ngành văn hóa

Hội nghị cũng nghe đại diện lãnh đạo các địa phương; các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trình bày tham luận làm rõ thêm những nội dung nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa.

Mở đầu là tham luận của ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội với chủ đề Đảng bộ Hà Nội quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối phát triển văn hóa của Đảng từ thực tiễn Thủ đô. Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Đảng Bộ thành phố Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình trong xây dựng và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trên tiến trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Trong 35 năm đổi mới, Đảng Bộ thành phố Hà Nội đã liên tục có những sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức. Thành phố luôn đặc biệt quan tâm đến việc cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa và con người. Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ (2020-2025) tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội. Đại hội cũng xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Phong cũng đã nhìn nhận một số khuyết điểm, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa ở Thủ đô, đồng thời tập trung triển khai toàn bộ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tính sáng tạo, đột phá. Hà Nội mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội phát huy hiệu quả các nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, hòa nhịp cùng cả nước, chung tay thực hiện khát vọng phát triển đất nước.

Đại diện Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã trình bày tham luận về Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, trong đó nêu rõ những đặc trưng về văn hóa của vùng đất cố đô, cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Để xứng đáng với hình ảnh của một thành phố di sản, Thừa Thiên Huế đang hướng đến phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, quan tâm bảo tồn tối đa các giá trị vốn có của môi trường, cảnh quan thiên nhiên theo định hướng "đô thị sinh thái, văn hóa, cảnh quan, thân thiện với môi trường"...

Tại Hội nghị, ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang đã có tham luận, tập trung vào định hướng và giải pháp trọng tậm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người An Giang. Tỉnh luôn thống nhất quan điểm phát triển văn hóa, phải dựa trên quan điểm, chủ trương, đường lối về văn hóa của Đảng, đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm phát triển quê hương. Bên cạnh đó, phát huy tối đa nhân tố con người, xác định con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.

Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị, đại điện đại biểu trí thức, nhà khoa học, GS, TSKH Vũ Minh Giang nhận định, nói đến văn hóa Việt Nam trước hết phải nói tới nền tảng tinh thần là ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập, tự cường. Một trong những nét đặc sắc, đồng thời cũng là thế mạnh của con người Việt Nam chính là tính cách mềm dẻo, cởi mở và dễ hội nhập. Đó là một lợi thế lớn cho nước ta trong thời kỳ chủ động hội nhập.

Đại diện đại biểu văn nghệ sĩ, NSND Thúy Mùi đã nêu bật những thành tựu nổi bật của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nhận rõ một số khó khăn, hạn chế đã và đang tồn tại trong lĩnh vực nghệ thuât sân khấu. Để phát triển sân khấu trong những năm tiếp theo, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cần đẩy mạnh, đổi mới phương thức hoạt động, phải sáng tạo được nhiều tác phẩm các giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030

Trong phiên họp buổi chiều ngày 24-11, Hội nghị do các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì. Đây là nhiệm vụ hết sức cụ thể đối với ngành Văn hóa trong những năm tới, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã điểm lại những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 được ban hành ngày 12-11-2021.

Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì phiên họp chiều 24-11

 

Hội nghị tiếp tục nhận được nhiều tham luận, đến từ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

GS, TS Lê Hồng Lý phát biểu

 

Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc

GS, TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã có bài phát biểu tại Hội nghị. Ông nhấn mạnh: Nếu nhìn văn hóa một cách đầy đủ ở mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng ta sẽ thấy văn hóa có mặt ở tất cả những gì liên quan đến con người và trong tất cả mọi lĩnh vực. Một khi có những chính sách, cơ chế phù hợp với lòng người chúng ta sẽ khơi dậy được triệt để nhất động lực văn hóa của con người trên mọi hoạt động, mọi khía cạnh của cuộc sống, mà không phải chỉ thuần túy ở một loại hình văn hóa, nghệ thuật hay kinh tế xã hội nào khác. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, trong lĩnh vực kinh tế, xã hội động lực văn hóa và sức mạnh nội sinh của nó có thể đem lại một sức mạnh vô biên và nguồn lực kinh tế to lớn. Hiểu động lực và sức mạnh nội sinh dưới góc độ văn hóa ở trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta sẽ thấy bất kể lĩnh vực nào từ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đều có thể chỉ ra và khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa, mà không chỉ thuần túy ở trong một ngành nghề nào. Hiểu được như vậy, để mỗi ngành, mỗi lĩnh vực sẽ phát huy được tối đa những động lực văn hóa trong bối cảnh riêng của ngành mình.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu

 

Tạo điều kiện để phát triển tài năng nghệ thuật

PGS, TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã có những kiến nghị hết sức thiết thực trước thực trạng khó khăn của đội ngũ nghệ sĩ. Cụ thể như: tạo điều kiện để những tài năng, năng khiếu được phát hiện, đào tạo sớm; tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ được tôi luyện tài năng, hoàn thiện hệ thống pháp lý để bảo hộ, định hướng cho các hoạt động sáng tạo nghề nghiệp của nghệ sĩ trong điều kiện kinh tế thị trường, mặt khác, phải tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các hội đoàn và doanh nghiệp văn học nghệ thuật; Đảng, Nhà nước và xã hội, nhất là các tổ chức, hội đoàn, doanh nghiệp cần có những giải pháp đặc biệt để ưu đãi, trọng dụng, bảo vệ và tôn vinh xứng đáng hơn nữa đối với những văn nghệ sĩ có tài năng xuất chúng. Bên cạnh đó, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà cần tích cực hơn trong việc góp thêm một hạt lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ - nhân văn soi đường cho quốc dân ta.

Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL Trần Tuyết Ánh phát biểu

 

Xây dựng hệ giá trị gia đình

Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL Trần Tuyết Ánh đã có tham luận tại Hội nghị, nhấn mạnh đến đầu tư cho công tác xây dựng gia đình, là đầu tư cho phát triển bền vững, cho dù nền khoa học trên thế giới có phát triển tối tân và hiện đại đến đâu nhưng những giá trị như: giáo dục đạo đức, ứng xử văn hóa trong gia đình, tình cảm yêu thương gắn bó để vượt qua những trở ngại, gập ghềnh, những thăng trầm của cuộc sống, sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ đùm bọc, động viên, khích lệ từ gia đình không gì có thể thay thế được. Khát vọng phát triển đất nước hùng cường và giàu bản sắc văn hóa đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với sự nghiệp giáo dục nhân cách con người nói chung và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nói riêng, nhằm tạo ra con người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, có đủ trí tuệ, tài năng đưa nước ta hội nhập với thế giới.

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu

 

Phát triển văn hóa - khai thác tiềm năng có sẵn

Tham luận của PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đánh giá về hoạt động của ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta. Bà cho rằng, Việt Nam đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trên thực tế, đổi mới thể chế đã từng bước tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào của Việt Nam với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên hiện nay, công nghiệp văn hóa đang chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của nguồn tài nguyên văn hóa vốn rất phong phú của Việt Nam. Từ cách tiếp cận thể chế, tham luận đã đánh giá hiệu quả đổi mới thể chế và các giải pháp chính sách nhằm tăng cường khả năng chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sức cạnh tranh, hội nhập quốc tế của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ở nước ta hiện nay, nguồn tài nguyên văn hóa của Việt Nam vô cùng dồi dào, tuy nhiên chúng ta chưa biết cách khai thác đúng mức nên chưa phát huy được hiệu quả của nó. Khi có nhiều tiềm năng, chúng ta lại gặp khó khăn trong việc lựa chọn tài nguyên thích hợp để phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Tác giả đã đề xuất một số giải pháp: Tiếp tục kiện toàn khung thể chế, chính sách; Hoàn thiện thị trường văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa; Đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; Đầu tư phát triển hạ tầng các ngành công nghiệp văn hóa; Đổi mới phương thức khai thác, tăng cường kết nối truyền thống với hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL Lương Đức Thắng phát biểu

 

Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa - xây dựng và phát triển con người mới

Đó là những ý kiến hết sức thiết thực và cụ thể của ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL. Môi trường văn hóa thể hiện chiều sâu văn hóa của dân tộc, góp phần định hướng, điều chỉnh các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại theo hướng nhân văn, vì hạnh phúc của con người, vì sự cường thịnh, phồn vinh của đất nước. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh sẽ góp phần giảm thiểu những tiêu cực trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để cho cái đúng, cái tốt, cái đẹp thẩm thấu, dẫn dắt các hoạt động, các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 Trong giới hạn thời gian cho phép, Hội nghị chỉ chọn một số tham luận tiêu biểu để trình bày, với hơn 150 tham luận được gửi tới, thực sự là những đóng góp hết sức to lớn, những kiến nghị mang tính thiết thực, đóng góp rất lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Bài: VÂN ANH - Ảnh: TUẤN MINH

;