Thế hệ nối tiếp nghề dệt thổ cẩm ở buôn Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) - Ảnh: baodaklak.vn
Đặt vấn đề
Nghề dệt thổ cẩm ở Việt Nam là một trong những nghề đang được quan tâm hiện nay. Ngoài việc kích cầu phát triển du lịch ở miền núi, nó còn tác động tích cực đến việc phục hồi phát triển nghề dệt truyền thống của một số dân tộc ít người ở các địa bàn trong cả nước. Nghề dệt thổ cẩm không chỉ dừng ở những kỹ thuật dệt, cài màu mà còn chứa đựng giá trị văn hóa tộc người, cũng như những dấu ấn lịch sử xã hội trong đó.
Đắk Lắk là nơi có nhiều dân tộc cùng chung sống, họ đã tạo nên không gian văn hóa truyền thống riêng biệt, trong đó đặc sắc nhất là nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Ê Đê, Mnông, Gia Rai… Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới, các dân tộc nơi đây đã giao thoa văn hóa và vô tình đánh mất đi bản sắc riêng. Nhận thấy được vấn đề đó, tỉnh Đắk Lắk cũng mở ra một số hợp tác xã nhằm bảo tồn nghề dệt thổ cẩm cổ truyền, nhưng cần phải có một chính sách rõ ràng và một kế hoạch dài hơi cho việc này. Thông qua việc nghiên cứu nhận diện nghề dệt ở tỉnh Đắk Lắk, nhằm đưa ra giải pháp tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị trường và phát triển du lịch, để nghề dệt thực sự trở thành nguồn lực kinh tế chính của đồng bào các dân tộc nơi đây.
1. Khái quát về cộng đồng dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk
Đắk Lắk là địa bàn sinh tụ của hơn 20 tộc người, nói các ngôn ngữ thuộc dòng ngữ hệ là Môn - Khmer và Nam Đảo. Trong đó, các tộc người tiêu biểu cho dòng Môn - Khmer là các dân tộc Ba Na, Xơ Đăng, Mnông, Mạ, Xtiêng… còn các dân tộc dòng Nam Đảo là Ê Đê, Gia Rai, Raglai, Chu Ru. Về phân bố dân cư của các tộc người cho thấy các tộc Nam Đảo xen cài vào nhóm Ba Na bắc. Với kiểu phân bố của nhóm tộc người nói trên đã đem lại các sắc thái địa phương của vùng văn hóa Đắk Lắk.
Với vị trí địa lý và nguồn tài nguyên đất đai, Đắk Lắk là điểm đến lý tưởng của nhiều cuộc thiên di của các tộc người từ Bắc, Trung, Nam. Chính vì thế, vùng đất trù phú này có đông đồng bào dân tộc, tiêu biểu là dân tộc Ê Đê, Mnông, Gia Rai là những tộc người sinh sống từ lâu đời và có mối quan hệ hòa thuận với nhau… Trong lịch sử, các dân tộc ở Đắk Lắk đã trải qua nhiều sự giao lưu, tiếp biến văn hóa và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các tộc người, đặc biệt từ người Chăm. Sử liệu, di tích của người Chăm trên vùng đất này là minh chứng rõ nhất về sự ảnh hưởng của họ tại nơi đây. Câu chuyện vào TK XIII, vị vua cuối cùng Chăm (Po Remé) đã lấy vợ người Ê Đê (H’Bia Than Chan). Cùng với sự tiếp thu văn hóa Chăm, thì các dân tộc ở đây cũng chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa người Việt do một nhóm người muốn chống lại người Chăm đã xin cứu viện từ quân triều đình Việt. Từ khoảng TK XVIII tới nay, các dân tộc Tây Nguyên gắn bó mật thiết hơn với các triều đại phong kiến Việt Nam và người Việt ở vùng duyên hải miền Trung. Triều Nguyễn đã từng áp dụng chế độ thuộc quốc và thuộc man đối với các dân tộc, thông qua chế độ thần thuộc và cống nạp. Năm 1458, thủ lĩnh dân tộc Ê Đê và Gia Rai đã có mối quan hệ chính thức với triều đình Việt. Năm 1841, vua Nguyễn đã phong thủ lĩnh hai tộc người giữ chức vụ hàng tam phẩm trong triều. Từ cuối TK XX, người Việt di cư lên Tây Nguyên ngày càng đông, đặc biệt là tỉnh Đắk Lắk, chiếm tỷ lệ từ trên 50% tổng số dân tạo nên vùng xen cư giữa các dân tộc bản địa và người Việt. Ngoài ra, còn các tộc người từ miền núi phía Bắc thiên di đến như Thái, Mông, Mường, Dao, Nùng... thành phần tộc người ở đây lên tới hơn 40 tộc người khác nhau. Tuy đã trải qua nhiều cuộc giao lưu văn hóa, xong các tộc người gốc ở Đắk Lắk như Ê Đê, Mnông, Gia Rai vẫn giữ được những bản sắc văn hóa riêng khó có thể trộn lẫn.
Một đặc trưng cơ bản nhất của văn hóa vùng Trường Sơn là nếp sống nương rẫy, đây là nếp sống chung của hầu hết các tộc người sinh sống trong vùng. Nếp sống đó được biểu hiện trên nhiều phương diện. Về mặt kinh tế, nếp sống nương rẫy là phương thức canh tác bắt con người phải thích nghi với hoàn cảnh môi trường tự nhiên, nhạy bén với những thay đổi của khí hậu. Chính nhờ truyền thống nương rẫy này, con người nơi đây trở nên gắn bó hơn với thiên nhiên, mặt khác tạo nên những tác động mạnh mẽ tới sự sinh tồn và thế giới tinh thần mang tính đặc trưng riêng. Đó là quan niệm về tín ngưỡng, nghi lễ, đời sống tình cảm của các tộc người nơi đây. Ngoài những cái thực tại xoay quanh thế giới của họ là những điều tâm linh thần bí với thần linh, ma quỷ hay thế giới của những linh hồn. Yang (hồn) tốt là thần hộ mệnh, phù hộ, che trở cho con người, Yang xấu được coi là ma quỷ có thể hại con người. Chính tất cả những điều tâm linh huyền bí này đã đem lại một thế giới văn hóa riêng biệt cho người dân tộc ở Đắk Lắk trong văn học, nghệ thuật và xuất hiện cả trên những sản phẩm dệt.
2. Nhận diện về nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Lắk
Nghề dệt thổ cẩm dân tộc thiểu số nói chung
Trong tiến trình phát triển ngành nghề thủ công dân tộc Việt Nam, không thể nào không nhắc tới một nghề do đôi bàn tay các chị em phụ nữ tạo nên đó là nghề dệt thổ cẩm. Phải nói nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc thiểu số nói chung, người dân tộc Đắk Lắk nói riêng mặc dù không được coi là một nghề chính, song, nó lại là một trong những nghề thủ công mang giá trị cốt lõi tạo nên nét đặc trưng của các vùng dân tộc. Bên cạnh những nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm như một đứa con tinh thần biểu hiện sự sáng tạo từ đôi tay của những người phụ nữ các vùng dân tộc. Đó là một truyền thống đẹp của riêng phụ nữ các vùng dân tộc, họ đã phải làm ra các sản phẩm như chăn, gối, vật dụng, quần áo để làm lễ gia đình bên chồng. Quá trình này được thực hiện trong một thời gian dài và trong nhiều năm, thậm chí từ khi lên mười tuổi.
Lịch sử quá trình đã ghi lại, nghề dệt được coi là một món hàng được diễn ra trong một thời gian dài. “Đó là sự trao đổi hàng dệt và sản phẩm dệt giữa các nhóm tộc người như Tày - Thái, Malay - Polynesia với cư dân Môn - Khmer” (1). Từ những năm 1960, việc trao đổi đã diễn ra mạnh hơn, các dân tộc có thể mặc vải dệt của dân tộc khác, có lẽ vì đa số các dân tộc đều có điểm chung là những hoa văn, màu sắc đều gần giống nhau, đều gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Nên mới có hiện tượng nhiều vùng trang phục gần như bị đồng hóa, các nhóm dân tộc mặc đồ của nhau.
Dệt thổ cẩm không giống như dệt vải lanh, hay vải bông nhuộm chàm của các dân tộc khác. Dệt thổ cẩm có một quy trình thực hiện phức tạp hơn các loại dệt vải. Nếu như dệt vải chỉ cần se sợi, kéo sợi và đưa lên khung dệt thì dệt thổ cẩm lại đòi hỏi người làm phải cân nhắc trước hết về hoa văn, vị trí đặt và màu sắc rồi mới tiến hành se sợi, nhuộm sợi. Chính do quá trình dệt phức tạp nên đa phần các dân tộc đều dệt khổ nhỏ.
Cần phải nhìn nhận nghề dệt thổ cẩm hiện nay không còn được các dân tộc gìn giữ nữa, mà thay vào đó là các vải mua sẵn từ Trung Quốc. Qua khảo sát thực địa ở một số vùng dệt thổ cẩm của người Mường, Thái ở Hòa Bình, Sơn La đã không còn thấy họ dệt vải nữa, trong nhà cũng không còn khung cửi. Ở khu vực Tây Nguyên, với 47 dân tộc cùng sinh sống, song chỉ còn người Ê Đê, Mnông, Ba Na là vẫn giữ lại được nghề dệt thổ cẩm với số lượng ít.
Nguồn nhân lực và nguyên vật liệu
Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm không còn là tự cung tự cấp cho một vùng dân tộc, mà nó đang trở thành một món hàng hóa mang tính kinh tế của một số địa phương có du lịch phát triển. Tuy vậy, nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Lắk qua điều tra khảo sát thì hầu như không còn được chú trọng, chỉ còn ít người Ê Đê vẫn còn dệt theo nhu cầu. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập một số hợp tác xã dệt thổ cẩm, như hợp tác xã Tơng Bông trong buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Mê Thuật của người Ê Đê; hợp tác xã bon Jăng Plây 3, xã Trường Xuân, Đắk Song của người Mnông; hay hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar của người Gia Rai.
Qua điều tra số liệu các tộc người bản địa ở Đắk Lắk có thể khẳng định lực lượng nhân lực tương đối nhiều, do sự gia tăng dân số. Theo tư liệu năm 1907 của Hécna, người Ê Đê có khoảng 40.000 người. Năm 1979, người Ê Đê có 140.880 người. Năm 2019, theo tổng điều tra dân số, người Ê Đê có 398.671 người. Như vậy, có thể thấy cộng đồng dân tộc Ê Đê càng ngày càng mở rộng, trên 20 nhóm địa phương. Cũng theo tổng điều tra dân số 1-4-2019, dân số của dân tộc Mnông có khoảng 127.334 người, dân tộc Gia Rai có khoảng 146.613 người (2). Nhưng phần đa do nhu cầu cuộc sống mà còn ít người tham gia vào việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm này.
Ở khu vực Tây Nguyên, nhiệt độ ổn định với mùa mưa và mùa khô nên thường cây bông được trồng vào hai vụ. Bông sau khi thu hoạch về được phơi khô và chế biến thành sợi vải. Công cụ chế biến thô sơ, như chiếc cán bông, bật bông, sa quay sợi. Người ta cũng dùng bột gạo để hồ sợi trước khi đem nhuộm. Khác với các kiểu dệt bông ở các vùng dân tộc khác, dệt thổ cẩm là dệt tạo hoa văn họa tiết trực tiếp trên nền vải, nên trước khi dệt người dệt phải nhuộm sợi trước. Cũng như nhiều dân tộc khác còn ở trình độ phát triển tiền công nghiệp, các màu sắc để nhuộm sợi đều tìm kiếm trong các sản vật tự nhiên như màu đen, chàm. Người Ba Na thường nhuộm đen bằng lá cây mo, nhuộm chàm bằng vỏ cây truôn nhây hay vỏ cây kpai, lá cây tơ rum (chàm), còn người Mạ thì lại nhuộm màu chàm bằng nđir… Ngoài màu đen và chàm là màu nền vải trang phục, các dân tộc ở đây còn nhuộm sợi màu để thêu dệt hoa văn. Người Ba Na tạo ra màu đỏ từ cây loang nhâu, màu vàng từ củ nghệ (kmứt), người Mạ nhuộm đỏ bằng vỏ cây rial, nhuộm vàng bằng củ rmit…
Kỹ thuật dệt và hoa văn
Kỹ thuật dệt là một trong những đặc điểm quyết định đến giá trị của một tấm vải thổ cẩm đồng thời cũng là thước đo trình độ phát triển của mỗi một dân tộc. Các dân tộc ở vùng Đắk Lắk đều dệt vải bằng khung dệt khá thô sơ, kỹ thuật dệt cũng tương tự như cách họ sử dụng đan lát. Chẳng hạn ở người Xơ Đăng và Ba Na gọi dệt là tan hoặc tian.
Nói cách khác, dụng cụ dệt ở đây chưa thể gọi là khung như của người Kinh, Chăm, Thái… dụng cụ dệt chỉ có một cái go dài khoảng 1m2 dùng để luồn sợi dọc và dập sợi ngang. Khi dệt, người phụ nữ ngồi trên nền đất, hai chân duỗi thẳng, đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi khung dệt, tất cả được buộc vào cột nhà hay gốc cây. Đầu này của dàn sợi sau khi luồn từng sợi qua hàng răng của go rồi mắc vào một giá nằm ngang khác, đầu mối buộc vào lưng của người ngồi dệt. Khi dệt, người ta dùng chân và lưng của mình căng dàn sợi, một tay dập go, tay kia luồn thoi sợi. Loại khung dệt và kỹ thuật dệt này thấy phổ biến ở các dân tộc nói ngôn ngữ Nam Á và Nam Đảo ở Đông Nam Á.
Hoa văn dệt trên trang phục gắn bó mật thiết với thân thể con người trong vận động muôn vẻ hằng ngày của nó. Mà xu hướng tự nhiên của con người sống lâu đời giữa núi rừng, là vừa cố điệp vào, vừa cố vươn mình lên trên bối cảnh hoang dã bằng lao động cải tạo thiên nhiên. Biểu hiện văn hóa, trong đó có nghệ thuật tạo hình, trước hết là nghệ thuật trang trí cho đồ mặc bao bọc thân thể con người. Phải chăng, chính vì thế mà trang phục của nhiều cộng đồng trên các vùng cao nước ta, kể cả áo, khố, váy, chăn của người thượng, là loại mặt phẳng tạo hình thường chứa chất nhiều kiểu trang trí nhất, phô ra nhiều màu sắc nhất.
Khác với trang trí trên gỗ, trên đá, hay hình thêu trên vải, hình họa trên mặt dệt bị kỹ thuật tạo ra nó chi phối đến độ sâu sắc. Điều đặc biệt cách sắp đặt hình có lẽ xuất phát từ một quy tắc kỹ thuật cốt lõi, đó là đan lát nên mặt dệt hoa văn đều hiện lên dưới dạng hình học.
Hầu hết các dân tộc nơi đây đều sử dụng các hoa văn hình học hóa, xuất phát từ sự tìm tòi, mày mò muốn thể hiện sự sáng tạo hoa văn họa tiết dệt đặc sắc mà người phụ nữ đã vô tình nắm được quy tắc dựng hình họa và đưa lên các sản phẩm dệt. Đây chính là giá trị văn hóa nghệ thuật mang bản sắc riêng của các dân tộc thiểu số. Người Ê Đê, Mnông và người Gia Rai từng tạo ra được một số ít mẫu trang trí gợi lên những hình tượng có sẵn trong thiên nhiên (con người, ngôi sao…). Tuy nhiên, từng đồ án hoa văn phức tạp ấy lại là kết quả phối hợp của nhiều chi tiết hình học đơn giản. Ngay cả khi dệt một đường lượn hiếm hoi với độ mảnh và mềm của sợi thì người nhìn kỹ không khó khăn gì để nhận ra rằng đấy chỉ là tổng số của nhiều góc gãy li ti.
Để thấy rõ hơn nữa tác động của kỹ thuật dệt lên nghệ thuật tạo hoa văn thì phải nhìn qua một trường hợp cụ thể về cách dệt của người Ê Đê. Ví dụ, các sợi dọc giăng phía trước còn được buộc vào lưng dưới người dệt thông qua một mảnh gỗ khum khum, mà tiếng Ê Đê gọi là kteh, tác động bằng lưng vào kteh, người dệt dễ dàng điều chỉnh độ căng của thảm dệt. Nhìn thoáng qua thôi, cũng đủ để đánh giá mức phát triển của nền kỹ thuật nơi đây, qua đó mà ước lượng những hạn chế đối với người tạo hoa văn và nghệ thuật của họ. Người Ê Đê không dệt trên khung cố định, tất cả công cụ dệt đều là những bộ phận rời rạc đơn giản, chủ yếu là cách họ giăng sợi thành một thảm dọc phía trước người dệt, họ ngồi một chỗ mà luồn sợi ngang qua thảm dọc mang tên mrai hay rai. Và một khi người dệt hoàn chỉnh sản phẩm và tháo nó ra thì mrai cũng không còn nữa và các công cụ nhỏ đã tham gia vào việc giăng sợi, cũng như “đan” sợi, lại trở về vị trí những bộ phận rời. Điều đó càng dễ thấy sự khác biệt giữa khung cửi của dân tộc phía Bắc (Việt, Mường, Tày, Thái) và mrai của người Ê Đê. Một khác biệt nữa, người dệt Ê Đê giăng sợi thành một vòng kín, với hai khung hay khoóng (đoạn nứa tròn, dài khoảng 120cm) ở hai đầu của vòng kín để căng cho sợi thẳng. Trong vòng kín sợi dệt được xếp thành hai tầng trên - dưới, với cách giăng sợi thành vòng kín cho tấm vải dệt của người Ê Đê còn nhiều hạn chế: chiều dài của nó chỉ là khoảng cách giữa hai khung được nhân đôi lên (vì vòng kín gồm hai tầng), khoảng cách vừa nói lại không thể quá dài, phải đảm bảo cho thảm sợi trải dọc trước mặt người dệt được căng thực thẳng (khoảng cách ấy thường là 3m, nhân đôi lên là 6m).
Để tạo hoa văn, ngay từ lúc giăng sợi người dệt đã sắp xếp trật tự màu sắc của các sợi dài hợp thành thảm dọc theo một công thức nhất định ứng với kiểu trang trí định thực hiện trên mặt tấm dệt. Có những công thức khác nhau ứng với những kiểu trang trí khác nhau. Hoa văn chính hiện hình thành những dải màu sắc nổi trên nền đen của trang phục. Về cách tạo hoa văn trong các dải men theo chiều dọc của thảm dệt, người Gia Rai lại để phức tạp hóa đồ án và màu sắc bên hai dải biên, họ đan tay bằng một cái lông nhím để ghép các sợi chỉ màu cần thiết cạnh sợi chỉ ngang. Ghép chỉ màu bằng lông nhím cũng phải ghép theo công thức quy định, mẫu trang trí nào cũng có công thức riêng nên tốc độ lao mũi đan cực kỳ chậm chạp.
Tựu chung, kỹ thuật tạo hoa văn chỉ có thể được áp dụng cho hai đầu cùng tấm vải. Điều đó, cộng với nhịp độ triển khai lao tác quá chậm, khiến cho những dải trang trí có độ dày và trình ra một số mẫu tương đối phức tạp chỉ xuất hiện dưới chân đằng trước và đằng sau khố lễ, hay bên mép dọc của váy dành cho ngày hội: quả vậy, trên khung dệt chân khố cũng như mép váy đều ở hai đầu cùng của tấm vải. Còn như loại hoa văn không ở ví trí đó, hoặc trải ra dọc chiều dài của tấm chăn, tức men theo bờ dọc của tấm vải, hoặc cắt ngang thân áo hay thân váy ở trung độ, thì thường là những dải màu suông hay chỉ mang các mẫu hình học đơn giản.
Ưu điểm, tuy bị hạn chế về chiều dài, tấm vải ra đời từ bàn tay của người phụ nữ lại thoát khỏi nỗi khống chế ngặt nghèo đối với chiều ngang, vì khổ vải không bị đóng khung lại trong một khung cửi cố định, như khung cửi của dân tộc phía Bắc và cả người Việt. Với từng ấy trang bị còn quá mỏng manh về nếp sống nói chung và kỹ thuật dệt nói riêng của người dân tộc bản địa ở Đắk Lắk đã cho ta hiểu lý do họ thường dệt thành bố cục thành dải.
Xếp hoa văn dệt thành dải trên trang phục, thường là dải ngang, mỗi dải chứa một đồ án được nhắc đi nhắc lại, gắn liền với kỹ thuật dệt, trong chừng mực dệt chỉ là “chồng chéo” lên nhau sợi ngang và sợi dọc trên khung cửi trong suốt quá trình dệt, nghĩa là trong suốt quá trình tạo hoa văn, mà “chồng chéo” theo những công thức nhất định được đều đều lặp đi lặp lại. Kỹ thuật dệt này, như ta đã biết, hạn chế khả năng đặt các đồ án khác nhau lên mặt vải vào những vị trí bất kỳ, tùy cảm hứng từng lúc của người dệt, nhằm gieo những biến động bất ngờ vào bố cục trang trí.
Nhìn chung, về bố cục và họa tiết của các dân tộc ở khu vực Đắk Lắk tương đối giống nhau, thoạt nhìn có thể không phân biệt được thổ cẩm của dân tộc nào. Có lẽ một phần các dân tộc chung sống lâu năm chịu ảnh hưởng văn hóa của nhau thêm vào đó là kỹ thuật dệt gần như trình độ tương đương. Tuy nhiên, khi đi vào nghiên cứu kỹ về thổ cẩm của từng dân tộc ở Đắk Lắk sẽ thấy có những điểm riêng biệt.
Đỉnh cao của dệt thổ cẩm của người Ê Đê là kỹ thuật kteh, đó là kỹ thuật được làm từ lâu đời và chỉ thực hiện trên những bộ lễ phục. Kỹ thuật tạo màu của người Ê Đê chủ yếu sử dụng màu sẫm, không sử dụng những màu có độ rực, mặc dù sử dụng màu đỏ, xanh sáng nhưng không rực rỡ mà hơi sẫm lại, tạo cảm giác trang nghiêm, đứng đắn nhưng vẫn lôi cuốn sự chú ý. Thêm vào đó là cách phối hợp màu sáng như vàng, xanh, đỏ đều được dệt thành những dải đường diềm mảnh mai, nên sự tương phản không mạnh mẽ như các dân tộc khác xung quanh. Hoa văn thổ cẩm Ê Đê chiếm chủ yếu 1/3 bề mặt vải với họa tiết hình học hóa như đề tài lá cây rau dớn, con thú, cối giã gạo, tuy nhiên với sự sáng tạo của đôi bàn tay của phụ nữ Ê Đê đã làm nên nhiều cách điệu hình khác nhau từ các đề tài trên. Bên cạnh đó là những đường diềm hình học như đường thẳng, dích dắc nằm song song dải hoa văn.
Thổ cẩm người Mnông có vẻ phong phú về chủ đề hoa văn họa tiết hơn dân tộc Ê Đê, ngoài những hoa văn, đường nét như của các dân tộc khác người Mnông còn có hình tượng con người nổi bật và làm hình tượng chính trong bộ đề tài hoa văn của người Mnông. Bên cạnh đó là phần kỹ thuật tạo hoa văn của người Mnông cũng tươi trẻ hơn. Có lẽ vì sự phân bổ họa tiết trên vải dệt của người Mnông nhiều hơn các dân tộc khác ở Đắk Lắk. Ngoài họa tiết con người, họ còn khai thác các đề tài khá hiện đại như máy bay, khẩu súng, chữ kỷ niệm, bình hoa… Phần kỹ thuật tạo màu của người Mnông không tạo cảm giác trang nghiêm như của người Ê Đê mà có phần rực rỡ hơn do cách sử dụng màu sắc trên các dải hoa văn nhiều màu hơn, có sự tương phản rõ rệt giữa sáng - tối, nóng - lạnh. Người Mnông không chỉ có các màu gốc cơ bản mà có thêm các màu thứ cấp như màu hồng, xanh nõn chuối…
Hoa văn dệt của người Gia Rai có thoáng hơn, mát hơn, nhưng lại có phần đơn điệu hơn so với hoa văn dệt của người Ba Na. Người Gia Rai đã có mở rộng phần nào chiều ngang của từng dải mỏng. Có lẽ họ muốn cung cấp cho từng đồ án giản lược một bối cảnh có diện tích hơn, để nó dễ phát huy tác dụng. Thổ cẩm người Gia Rai gồm đề tài đường hình học cơ bản (thẳng, cong, hình thoi), hình mái nhà mồ; hoa quả, cây như lá rau dớn (giống người Ê Đê, có lẽ bắt nguồn từ loài cây từng nuôi tổ tiên của họ ở vùng Tây Nguyên), hay trái kdăk (hình giống như bông hoa); chim - thú như họa tiết mắt chim, con rùa, con chó. Đặc biệt họ cũng có đề tài người như Mnông tuy nhiên hình người đều được trong các tư thế uống rượu, cưỡi voi hay múa kiếm, múa ô. Đây là một điều rất mới mẻ và độc đáo của người Gia Rai, chỉ tiếc là khoảng dệt trang trí không được nhiều nên bị hạn chế về mặt tạo hình sắp đặt. Về kỹ thuật tạo màu cũng tương tự như người Ê Đê, người Gia Rai không sử dụng nhiều màu, đa phần chỉ sử dụng 4 màu cơ bản như màu đen của nền vải, màu trang trí gồm đỏ, vàng, xanh. Khi nhìn cũng tạo nên hiệu quả trang nghiêm.
Ngày nay, theo Sở VHTTDL Đắk Lắk cho biết năm 2019, tỉnh đón hơn 950.000 lượt khách du lịch. Trong đó, lượng khách quốc tế tăng mạnh với hơn 90.000 lượt; khách trong nước 860.000 lượt. Doanh thu ước đạt 1.050 tỷ đồng (3). Trong tình hình kinh tế phát triển về cả khoa học kỹ thuật, công nghệ, tỉnh cũng đã mở các hợp tác xã dệt và đầu tư các khung dệt hiện đại hơn nhằm cải cách năng xuất lao động và khôi phục lại nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người dân tộc ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, để phát triển dòng thổ cẩm ở tỉnh cần phải có những phương án cụ thể, tập trung thúc đẩy trên mọi bình diện bao gồm cả các kỹ thuật mới giúp cho giá trị văn hóa, nghệ thuật của thổ cẩm nơi đây được phát huy tác dụng.
Kết luận
Từ việc điều tra khảo sát khu vực bản địa, cho đến phân tích tiềm năng phát triển cũng như thực trạng hiện nay của nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Lắk, cần phải có một số giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển tại đây tốt hơn:
Thứ nhất, cần phải xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm dệt ở Đắk Lắk trên hai phương diện. Một là cải thiện lại khung dệt, phổ cập kỹ thuật dệt trên khung dệt mới, kích thích sự ham muốn khôi phục giá trị truyền thống dệt thổ cẩm của chị em phụ nữ vùng dân tộc nhằm phát huy được cái đẹp về tạo hình sản phẩm.
Thứ hai, tìm ra các giải pháp ứng dụng vải thổ cẩm (ngoài trang phục) để nhằm kích cầu kinh tế cho chị em tham gia dệt thổ cẩm được thích thú hơn, coi đó là nghề nuôi sống bản thân và gia đình. Cần phải có một nguồn lực hỗ trợ người dân ban đầu trong quá trình thực hiện cải tiến.
Thứ ba, đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm thổ cẩm qua các kênh thông tin du lịch, thành lập các bảo tàng sống ngay tại các tụ điểm du lịch nổi bật ở Đắk Lắk.
Thứ tư, cần đảm bảo vệ sinh, an ninh du lịch tại các khu vực làng nghề dệt thổ cẩm, nhưng vẫn phải giữ được cái khai nguyên ban đầu, không trùng tu, xâm lấn biến đổi cơ sở hạ tầng mang tính thành thị hóa làm mất đi giá trị ban đầu của nó.
Có thể nói, nghề dệt thổ cẩm ở đồng bào dân tộc Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển, nếu có chính sách và thực hiện đồng bộ kết hợp với du lịch sẽ đem lại hiệu quả cao, thu hút được đồng bào dân tộc tham gia duy trì nếp sống truyền thống này.
___________________
1. Nguyễn Thị Thanh Nga, Nghề dệt của người Thái ở Tây Bắc trong cuộc sống hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, 2003.
2. Tổng cục Thống kê, Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb Thống kê, 2020.
3. Phương Đình, Năm 2019, du lịch Đắk Lắk đón hơn 950.000 lượt khách, baodaklak.vn, 27-12-2019.
Tài liệu tham khảo
1. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Trẻ, 2004.
2. Trần Văn Bính, Văn hóa dân tộc Tây Nguyên, thực trạng và những vấn đề đặt ra, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2004.
TS VŨ HUYỀN TRANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024