Khi nói về bản sắc của các tộc người Tây Nguyên, bao giờ người ta cũng đề cập đến nhà rông như là biểu tượng đầy đủ nhất của văn hóa Tây Nguyên. Với đồng bào Tây Nguyên, có làng thì phải có nhà rông, làng nào không có thì làng đó thiếu sức sống cội nguồn. Vì nhà rông vừa là tinh hoa của tộc người, vừa là nơi chứa đựng yếu tố tâm linh.
Nền văn hóa cổ truyền của các tộc người Tây Nguyên là nền văn hóa hình thành trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp nương rẫy, tự cấp, tự túc, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, gắn bó hòa quyện với thiên nhiên. Nhà rông là một sản phẩm văn hóa hình thành và tồn tại phù hợp với cơ sở kinh tế, văn hóa này.
Theo tư duy truyền thống của đồng bào các dân tộc thì nhà rông là một thành tố không thể thiếu trong đời sống cộng đồng buôn làng. Đó là nơi hội họp của cả làng, nơi ngủ của trai chưa vợ, đàn ông góa vợ còn tuổi cầm vũ khí, nơi đón tiếp và nghỉ ngơi của khách quý.
Cũng như bao dân tộc anh em khác, ngoài kiến trúc nhà rông, điêu khắc tượng nhà mồ, các hoa văn trang trí độc đáo, những cấu trúc, kết cấu không gian, tổng thể nội ngoại thất, nhà rông người Gia rai còn có những nét riêng độc đáo khác biệt với các dân tộc khác bởi ý nghĩa đặc biệt và sắc thái tâm linh đa dạng của nó.
Cách tiến hành và nghi lễ khi làm nhà rông
Nhà rông giống như một biểu tượng cho sự trường tồn của cộng đồng buôn làng; ngoài ý nghĩa tinh thần nó còn là nơi sinh hoạt chung của cả làng, vì thế nên việc chọn lựa vật liệu hết sức kỹ càng. Tùy thuộc vào kinh tế, vào loại gỗ kiếm được mà người ta sử dụng các loại như: lim, trắc, gụ, hương, tăm xe, mật, dẻ trâm để làm cột, xà, sàn nhà. Ngoài ra còn kết hợp các loại tre, le, dây rừng, mây cật, đùng đình... Vật liệu lợp chủ yếu là cỏ tranh, lá cọ và nứa.
Việc vận chuyển những cây gỗ to ngoài sức con người phải nhờ sức kéo của trâu, bò. Những công cụ dùng để khai thác gỗ cũng chính là những nông cụ hàng ngày như cái rựa, cái rìu, dao k’gạ, dao nhỏ. Các chỗ nối, chắp đều được chặt đẽo cẩn thận rồi dùng mây, lạt tre để buộc. Chỉ với vài công cụ thô sơ họ đã làm nên mái nhà rông đứng sừng sững với thiên nhiên.
Đồng bào Tây Nguyên đo bằng cách ước lượng như: gang tay (20cm), cẳng tay (40cm), cánh tay (60cm), với những người có tầm vóc trung bình cao 160cm. Nhà rông thường dài khoảng 10m, rộng hơn 4m, cao 15-16m.
Lễ chọn đất làm nền được tiến hành vào tối hôm trước ngày dựng nhà, đất chọn làm nhà rông là khoảng đất rộng, bằng phẳng ở trung tâm của làng. Nơi dựng nhà rông phải cao ráo, thoáng mát về mùa nắng, ấm áp về mùa mưa, khoảng sân phải rộng chứa đủ gấp ba lần người trong làng, đi từ các con đường về từ xa phải thấy mái nhà rông. Người chủ làng đến nơi chọn đất làm nền khấn các thần và bỏ xuống đất 7 hạt gạo để xin làm nhà rông nơi đó. Sáng hôm sau nếu còn đủ 7 hạt gạo nghĩa là yàng đã đồng ý, nếu không đủ 7 hạt gạo thì làm lễ khấn yàng xin chỗ đất khác.
Sau khi chọn được nền làm nhà rông, người ta tổ chức lễ dựng nhà rông. Lễ này được tiến hành vào lúc mặt trời mọc, sau đó đào hố chôn cột, chủ làng khấn yàng và bỏ xuống hố đó một con gà rồi mới hạ cột để mong buôn làng thịnh vượng. Khi cây cột này được chọn ngay ngắn thì chủ làng lấy nước đổ vào chân cột để dân làng sống hạnh phúc hòa thuận. Nhà rông phải làm xong trong 7 ngày.
Sau khi nhà rông được hình thành thì họ tổ chức mừng nhà rông, thời gian trong ba ngày liền (từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 10 sau khi dựng nhà rông. Sau lễ ăn mừng nhà rông thì không còn lễ hội nào liên quan tới việc xây cất nhà rông nữa, mà kể từ đó nhà rông là nơi sinh hoạt cộng đồng và những nghi lễ liên quan đến đời sống tinh thần của đồng bào như lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ cúng thần làng…
Ý nghĩa của nhà rông trong đời sống người Gia rai
Trung tâm tinh thần của buôn làng
Hầu hết ở khu vực bắc Tây Nguyên từ xưa đến nay các buôn làng đều được quản lý bằng một hội đồng già làng, đứng đầu là chủ làng, chủ làng thường là chủ nhà rông. Họ bàn bạc với nhau và thi hành những phong tục của cộng đồng, vì thế nhà rông là nơi phân xử các thành viên cộng đồng vi phạm luật tục của làng. Nhà rông còn là nơi dân làng đến đó trong những ngày quan trọng của cuộc đời để già làng, cộng đồng già làng và dân làng chứng nhận hành vi sinh hoạt của mình là đúng với luật tục của làng. Lễ cúng yàng khi đặt tên, lễ thổi tai khi hết tuổi vị thành niên, tổ chức cưới xin và khi đến cuối cuộc đời.
Trung tâm chỉ huy bảo vệ buôn làng
Trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, nhà rông là nơi bàn bạc việc quân, vạch sơ đồ tác chiến, tập hợp dân quân bảo vệ buôn làng. Khi chiến thắng giặc, nhà rông là nơi tụ họp dân làng để ăn mừng chiến thắng, đồng thời cổ vũ con cháu tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần vào thắng lợi chung qua các thời kỳ giữ nước của dân tộc ta. Sau này nhà rông là nơi tập hợp dân làng để tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trung tâm chỉ đạo sản xuất
Do sống trong một môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, trình độ sản xuất kém, nhận thức khoa học kỹ thuật còn hạn chế, vẫn làm ăn theo lối cũ, nên đồng bào Tây Nguyên nói chung và người Gia rai nói riêng khó thoát khỏi tập quán và luật tục lạc hậu vốn đã ăn sâu vào nhận thức. Mỗi giai đoạn sản xuất trong một năm, họ đều tổ chức một số nghi thức ở nhà rông như lễ cầu mưa, lễ gieo hạt, lễ mừng lúa mới... Tuy vậy khi có được những kinh nghiệm sản xuất gì thì nhà rông là nơi họ tụ họp để truyền đạt cho nhau để mùa sau đạt năng suất cao hơn.
Nhà tập thể của những thanh niên chưa vợ
Thanh thiếu niên khi đã đến tuổi trưởng thành mới được lên nhà rông, mang theo những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày đến tại nhà rông và ra vào một cách thoải mái, không bị ràng buộc bởi nghi thức nào, nhà rông đã thật sự là ngôi nhà của họ. Những thanh niên đến tuổi ngủ ở nhà rông mà không đến ngủ thì bị chế diễu, các cô gái chê cười vì chỉ có đàn bà, con gái, trẻ em mới ngủ ở nhà cùng cha mẹ. Ngủ ở nhà rông còn là trách nhiệm bảo vệ buôn làng.
Trường học của nam thanh niên
Trong những ngày tháng nông nhàn các già làng, các ông bố thường đến nhà rông để truyền đạt nghề và kinh nghiệm chống chọi với thiên nhiên, dạy cho thanh niên những bài học về sản xuất để chúng theo bố mẹ lên rẫy trồng trọt, vào rừng săn bắn, dạy những điệu múa, dạy tấu cồng chiêng. Nhà rông là mái trường đào tạo thanh niên kỹ năng sống và gìn giữ truyền thống luật tục của cha ông.
Câu lạc bộ của buôn làng
Tính từ khi phát rẫy đến khi tuốt lúa, săn bắn hơn nửa năm, còn lại là thời gian người Gia rai nghỉ ngơi và tổ chức lễ hội. Lễ hội chủ yếu diễn ra ở nhà rông như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới. Cùng với lễ hội, dân làng tập trung đến nhà rông góp rượu góp thịt nghe kể chuyện H’mon, H’ri, những câu chuyện có thể diễn ra 3 đến 4 đêm. Ngoài ra, nhà rông còn là nơi các nghệ nhân, nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật đến biểu diễn và giao lưu nghệ thuật.
Lưu trữ và bảo tồn truyền thống
Nhà rông lưu trữ những bộ ché, chiêng cổ, thóc giống cho làng, những vũ khí, chiến tích săn bắn như ngà voi, da cọp và những vật thiêng liêng, nhằm nhắc nhở dân làng luôn bảo vệ làng, bảo vệ nhà rông và mong các thần linh phù hộ.
Đồng bào Gia rai có quan niệm tín ngưỡng đa thần. Họ cho rằng nhà rông là nơi ngự trị của các yàng, nên việc tiến hành các nghi thức đều ở nhà rông, để họ có thể bày tỏ ước nguyện với các yàng. Nhà rông chính là nơi giao hòa giữa con người và thần linh.
Trong một năm, đồng bào Gia rai tập trung ở nhà rông rất nhiều lần, mỗi lần đều có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của họ. Nhà rông là nơi giải quyết mọi việc liên quan đến các thành viên trong buôn làng, nơi đào tạo các thế hệ thanh niên, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, nơi gắn kết cộng đồng buôn làng tạo sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Bảo tồn và phát huy nhà rông truyền thống
Nền văn hóa cổ truyền các tộc người Tây Nguyên đang đứng trước thử thách của một giai đoạn, một thời kỳ phát triển mới do những cơ sở kinh tế xã hội vốn có và làm nảy sinh nó nay bị thu hẹp dần, mất dần, cộng thêm tác động của yếu tố ngoại sinh tràn ngập đời sống. Tất cả những yếu tố đó đặt văn hóa truyền thống Tây Nguyên trước thực tế của sự mai một dần dần.
Muốn bảo tồn nhà rông truyền thống, trước tiên, phải giáo dục tuyên truyền ý nghĩa và tầm quan trọng của nhà rông cho lớp trẻ thông qua tiếng nói của già làng, trưởng thôn, vận động nhân dân khôi phục lại những giá trị văn hóa mà cha ông để lại. Rất cần thiết tìm lại những tài liệu hình ảnh của nhà rông truyền thống, tập hợp những người biết làm nhà rông để hướng dẫn mô hình làm nhà rông cho lớp trẻ biết và thực hiện.
Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với thừa kế và phát triển văn hóa, bởi kinh tế là nền tảng, là cơ sở để văn hóa thăng hoa. Ngược lại khi những vấn đề văn hóa có điều kiện phát triển sẽ tạo nhiều thuận lợi để kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
Theo thống kê của Sở VHTTDL Gia Lai thì đến năm 2012 toàn tỉnh có trên 600 nhà rông/ 1000 làng. Nghĩa là từ năm 2004 đã có thêm được hơn 200 nhà rông, vẫn là quá ít so với nhu cầu, nguyện vọng mỗi làng một nhà rông.
Đối với các cấp quản lý, cần quy hoạch đất tại trung tâm làng đủ khoảng đất và sân sinh hoạt rộng rãi để thuận tiện cho việc diễn ra các lễ hội, đặc biệt là khôi phục lại lễ đâm trâu, hội cồng chiêng. Tạo điều kiện cho nhân dân khai thác và lấy gỗ, hỗ trợ kinh phí cho đồng bào Gia rai làm nhà rông truyền thống.
Hiện nay các nhà rông văn hóa thường đóng cửa, ít người dân đến sinh hoạt. Thực trạng này do hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất là nhà rông văn hóa được xây dựng bằng cột bê tông, tường xi măng, mái lợp tôn nhìn rất xa lạ, vô cảm đối với dân tộc Gia rai. Bởi như đã nói, nhà rông là do niềm tin, ý chí, sức lực, tinh hoa của cả làng đóng góp làm nên, tất cả các khâu từ chọn đất, vật liệu, đến xây cất đều được thể hiện theo phong tục tín ngưỡng một cách linh thiêng, gần gũi với họ.
Thứ hai là các cuộc giao lưu diễn ra không nhiều, công nghệ thông tin thiếu thốn nên nhà rông văn hóa cũng luôn trong tình trạng vắng vẻ thưa thớt người. Muốn khắc phục điều này thì các ban ngành phải quan tâm hơn nữa bằng cách chuyển nhà rông văn hóa sang như một trung tâm văn hóa thông tin và thể thao, đưa nhiều đoàn nghệ thuật đến giao lưu biểu diễn, đầu tư các thiết bị như máy phát điện, tivi, âm thanh, loa đài, mở các lớp sinh hoạt cho thanh niên...
Trong bối cảnh phát triển mạnh của du lịch văn hóa, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số buôn làng trở thành điểm du lịch với đầy đủ không gian sinh hoạt và diễn xướng cồng chiêng, tổ chức những lễ hội truyền thống với tinh thần tiết kiệm. Đồng thời, vận động đồng bào duy trì và phát triển những sinh hoạt thường ngày như mặc trang phục dân tộc, sử dụng gùi, dệt thổ cẩm, đan lát, làm tượng nhà mồ, các loại nhạc cụ...
Nhà rông văn hóa chỉ là sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt, không lắng đọng và thể hiện được những tín ngưỡng của người dân. Đây là điều cần cân nhắc và có giải pháp thấu đáo khi xây dựng nhà rông văn hóa ở Tây Nguyên.
Nhà rông là một thiết chế văn hóa tiêu biểu, độc đáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, đời sống xã hội và tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào các tộc người Tây Nguyên nói chung và Gia rai nói riêng. Nó là một di sản quý cho hôm nay và mai sau. Giữ được nhà rông truyền thống là giữ được linh hồn của làng, giữ được đời sống tinh thần phong phú và đa dạng, bắt rễ sâu vào truyền thống nhưng cũng vươn tới những giá trị mới phù hợp với xu thế đi lên phát triển của xã hội.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 337, tháng 7-2012
Tác giả : Đặng Việt Hà