NGUỒN TÀI NGUYÊN NƯỚC TRONG TRI THỨC NGƯỜI MƯỜNG

 

Người Mường cư trú khá đông ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Ninh Bình, Sơn La... Người Mường Thanh Hóa sống tập trung ở mường Khô (Điền Lư), mường Ống (Thiết Ống), mường Khoòng (Cổ Lũng), mường Lau (Ban Công), mường Ai (Sa Lung), mường Ca Da (Văn Nho), mường Trám (Cẩm Thành)... Trải qua thời gian, người Mường Thanh Hóa đã tích lũy cho mình những hiểu biết, kinh nghiệm về sử dụng và quản lý tài nguyên nước phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi địa bàn cư trú.

Nước là nguồn tài nguyên quan trọng liên quan trực tiếp đến sự sống của con người và muôn loài. Chính vì thế, người Mường khi chọn đất lập làng thì tiêu chí hàng đầu là phải có nguồn nước thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất. Với người Mường, nguồn nước sạch dồi dào còn là niềm tự hào chung của làng. Bất cứ ai đến chơi một làng Mường, thì theo thông lệ trước tiên người ta khen nguồn nước. Điều này làm cho dân làng vui, và người khách được khen là người biết ứng xử, giao tiếp và được đón tiếp nhiệt tình. Xuất phát từ tâm lý này mà trong hát xường mở đầu (rằng mở đầu) bao giờ cũng là những lời khen của khách. Khen về hình ảnh đẹp của cây cầu bắc qua suối, mó nước trong xanh, rừng núi thơ mộng, sự màu mỡ của đất đai... rồi sau đó họ mới đánh thức xường dậy:

Thấy mó nước đẹp, mó nước xanh

Hòn đá xanh mó nước càng xanh trong

Em không muốn trở về nhà nữa

Mà muốn ở lại làng anh hát xường...

Lời khen hàm nhiều điều, nhưng quan trọng nhất vẫn là vị trí nguồn nước, biểu hiện sự giàu nghèo của một làng, một bản...

Các làng Mường nằm ở thung lũng chân núi thường có trữ lượng nước lớn từ các mó nước, cung cấp đủ nước cho sinh hoạt, sản xuất và những vùng lân cận. Nguồn nước của các làng chủ yếu là mạch ngầm. Nước mưa chỉ có vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 9, góp thêm cho sản xuất vụ mùa như lúa rẫy và ruộng bậc thang cao. Nước sinh hoạt được lấy trực tiếp từ các mó. Trong sản xuất, nước được lấy từ các mó tạo thành khe suối, đắp bai dẫn vào ruộng tưới cho cây trồng. Những mó có diện tích bề mặt khá rộng, nơi sinh sống của những loài thủy sản như cá, tôm, cua, ốc, ếch... Người ta thả ngan, vịt nhằm phục vụ cho bữa ăn ngày tết, lễ và đôi khi mang bán để mua sắm những vật dụng khác cho gia đình.

Việc dùng nước sạch sinh hoạt hàng ngày là một nhu cầu thiết yếu liên quan trực tiếp đến vấn đề vệ sinh, sức khỏe. Bởi vậy, nguồn nước ăn và tắm giặt thường được dân làng chọn ở những mó đầu nguồn. Để có nước, các gia đình dùng ống luồng, ống vầu đựng nước vác về dựng ở góc nhà dùng dần. Chính vì thế khi nói đến đặc trưng văn hóa Mường, các nhà dân tộc học tổng kết “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”. Những gia đình nào ở gần mó nước thì dùng các cây luồng chẻ đôi, nối dài, tạo thành những máng dẫn nước từ mó về nhà. Hiện nay một số gia đình vẫn sử dụng hình thức dẫn nước này, nhưng thay bằng ống nhựa.

Nước cũng vô cùng quan trọng đối với canh tác nông nghiệp lúa nước. Để đưa được nước vào ruộng, từ rất lâu người Mường đã đắp bai ở giữa dòng suối cho nước dâng lên. Đây là một cách lấy nước thông dụng và hiệu quả.

Trước năm 1960 ở nhiều làng Mường đã có đập ngăn nước (bai) trên những khe suối. Phần lớn hệ thống bai đó hiện nay không còn nữa. Chỉ tính riêng làng Muốt (Cẩm Thành, Cẩm Thủy) trước kia có 13 bai: Ỏm, Tu Mươi, Rộc Cha, Cối, Khang, Khi, Cầu, Nghia, Khế Trong, Khế Ngoài, Đè, Nhỏng, Rườm. Họ làm bai bằng cách đóng cọc tre hoặc gỗ ở giữa dòng khe, suối. Sau đó, dùng những đoạn gỗ thẳng có độ dài bằng chiều rộng của lòng khe và kè chúng chồng lên nhau sao cho độ cao phù hợp, để ngăn dòng chảy cho nước dâng lên, tràn vào ruộng. Theo địa hình thì độ dốc của ruộng bậc thang trung bình từ 10-150. Nên khi đưa nước vào ruộng chỉ đắp bai cao trung bình để nước chảy với lưu lượng, tốc độ vừa phải, thấm dần từ ruộng cao xuống ruộng trũng. Bai không được đắp quá cao bên cạnh những chân ruộng thấp, nếu không nước sẽ chảy tràn mạnh làm rửa trôi màu và xói mòn đất dẫn đến ruộng bị hỏng, trồng lúa sẽ kém năng suất. Cách dẫn nước này là một kinh nghiệm chống rửa trôi mất màu ở trong ruộng cũng như dồn màu từ ruộng cao xuống ruộng thấp. Những thửa ruộng cạnh những bai nước vẫn màu mỡ không kém gì những chân ruộng trũng ở giữa làng, cho năng suất từ 2-3 tạ/sào.

Ngoài ra ở một số ruộng mùa chỉ trồng một vụ lúa, nếu ở cách xa nguồn nước, người Mường tạo ra những máng nước bằng luồng nối dài từ đầu nguồn nước đến ruộng, hoặc nếu thuận tiện về mặt địa hình, họ khơi những con mương, con lạch nhỏ chạy ven sườn đồi dẫn nước từ khe suối hoặc mó nước về ruộng.

Và nguồn nước đã cung cấp cho người dân một lượng thủy sản tự nhiên dồi dào ở khe suối và những chân ruộng trũng ngập nước quanh năm với nhiều giống cá như chép, trê, chuối, rô, chạch, tôm, cua, ốc, ếch… Để khai thác hiệu quả theo mùa vụ, người Mường tạo ra nhiều dụng cụ đánh bắt như: chài, lưới, nơm, dậm, vó, ngò râấu, lừ, chịp, xăm xăm, răặc răặc, cần câu và một số loại mồi để nhử cá. Họ dùng phân trâu trộn với cám rang hoặc dùng bã hèm (bã rượu) ném xuống một đoạn suối và khoảng một giờ sau quăng chài bắt cá. Theo bí quyết của dân Mường, ở những đoạn suối, khe nào có nước hay sủi tăm, sủi bọt là ở chỗ đó có nhiều cá trê. Ngoài kinh nghiệm câu cá trê theo mùa người Mường còn dùng lá quýt giã nhỏ lẫn với vỏ ốc, dùng lá gói lại rồi bỏ vào trong cái lừ (một loại dụng cụ nhử bắt cá) mang đặt ở khu vực khe suối có nhiều cá trê.

Có 2 mùa cá: mùa cá gầy và mùa cá béo. Mùa cá gầy từ tháng giêng đến tháng tư, thời gian cá sinh đẻ (mùa cá đi xuôi) nên ít khi đánh bắt cá vào thời điểm này để bảo vệ con giống. Mùa cá béo từ tháng 5 đến tháng 11, thời gian có mưa, đồng thời cá được ăn màu của lúa nên rất béo. Dân Mường chủ yếu khai thác cá vào mùa này. Câu ca “cơm trên cá dưới” còn có một hàm ý nữa là cứ chỗ nào có nước là ở đó có cá. Nhưng không phải vì thế mà họ không có ý thức trong việc khai thác đánh bắt mà ngược lại họ bảo vệ rất tốt nguồn thủy sản quý giá này. Người Mường không bao giờ dùng thuốc độc, lá độc để bắt cá, thậm chí khi đánh bắt những con nhỏ người ta lại thả xuống nước để tiếp tục sinh trưởng, hoặc kiêng đánh bắt cá vào mùa xuân vì đây là mùa sinh sản.

Người Mường không những tận dụng nguồn thủy sản mà còn tận dụng diện tích mặt nước để chăn thả vịt, ngan. Sự gia tăng nhanh về dân số, tác hại của thuốc hóa học trong nông nghiệp đã làm nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt. Để đáp ứng nguồn thức ăn, người Mường đã chuyển từ khai thác ở khe suối, đồng ruộng sang nuôi thả cá ao. Hiện nay, mỗi gia đình đã chọn những khoảnh đất trũng ở cạnh nguồn nước để đào ao, thả cá, chủ yếu nuôi thả các giống như trắm, trôi, mè, chép, rô phi. Ngoài ra, các gia đình còn tận dụng diện tích mặt ao để thả rau muống hoặc thả bèo nuôi cá và nuôi lợn.

Bên cạnh sự hữu dụng của nguồn nước tới cuộc sống, người Mường cũng có những quan niệm tín ngưỡng liên quan tới yếu tố thủy. Nghi lễ cầu mưa là một trường hợp điển hình. Mỗi khi hè về, khoảng 2 - 3 tháng không có mưa, ruộng đồng khô hạn thì người Mường làm lễ tế thần cầu mưa. Dân các làng ở Cẩm Thành phải rước kiệu mời thần xuống đình Chiềng Đông (nơi ở của lang đạo - Mường Trám) để tế lễ. Họ đánh trống suốt ngày đêm cầu cho có mưa. Mặc dù, một số làng có nước chảy quanh năm, nhưng khi các làng trong toàn Mường làm lễ, người dân ở đó cũng phải rước thần xuống đình Chiềng Đông để tham dự. Ngoài ra người Mường ở Cẩm Thành còn có tục lệ cúng gà trắng cho thần sông nước. Xưa kia nếu mó nước trong làng ngừng chảy thì phải chuẩn bị một mâm cơm, trong đó phải có một con gà trống trắng, đem cúng tại mó nước cầu xin thủy thần cho nước chảy trở lại. Tục cúng gà trắng cho đến nay chưa giải thích được.

Tất cả các làng Mường đều có luật tục trong việc bảo vệ nguồn nước. Các gia đình trong làng đều phải có trách nhiệm gìn giữ các mó nước, đặc biệt là những mó nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, việc quy định quyền sử dụng nguồn nước của từng làng cũng rất rõ ràng. Chẳng hạn ở làng Muốt quy ước nguồn nước của làng sử dụng được tính từ đồi Đuống (đầu làng) đến đập Đá Mài (cuối làng), đây là nguồn nước chỉ người làng Muốt được sử dụng. Các làng khác tuyệt đối không được dẫn, tháo nước về làng mình mà không được sự đồng ý của trùm làng và người làng Muốt. Các làng khác cũng tuyệt đối không được đánh bắt nguồn thủy sản trong địa bàn làng Muốt.

Để giữ cho nguồn nước trong sạch, làng cấm mọi người vứt xác động vật chết xuống khe suối. Quần áo của phụ nữ đến tháng, tã lót của bà đẻ và trẻ sơ sinh không được giặt ở đầu nguồn. Những quy định này vừa có tác dụng giữ gìn vệ sinh chung, đồng thời nó có ý nghĩa kiêng kỵ về mặt tâm linh.

Về nguồn nước ăn, các làng đều có quy ước: Cấm để trâu, bò, lợn gà, chó, mèo uống; cấm giặt giũ, nếu vi phạm lần đầu tiên làng nhắc nhở, vi phạm lần thứ 2 bị phạt một con lợn từ 20-30kg và công bố cho toàn làng biết; vi phạm lần thứ 3 thì không cho sử dụng nguồn nước sạch để ăn. Bên cạnh việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, làng còn có quy ước: cá, tôm, cua, ốc... ở khe suối là của chung; dân làng ai cũng có quyền được đánh bắt, nhưng cấm dùng thuốc độc, lá độc bỏ xuống khe suối.

Trên các đoạn khe suối, đầm hồ, nếu ai đó đào một cái hố có cắm vài tàu lá cọ để cho cá trú ẩn thì người đó độc quyền hưởng dụng số cá đánh bắt được. Gia đình có ruộng cạnh khe suối nếu đắp bai lấy nước, cá theo vào ruộng thì người chủ ruộng được hưởng dụng số cá đó. Nhưng đến mùa thu hoạch lúa, chủ bai tháo nước thì số cá ở bai được cả làng đánh bắt và hưởng dụng chứ chủ bai không được hưởng riêng số cá này.

Làng còn quy ước những gia đình ở ruộng thấp không được tự ý đào bờ để cho nước ruộng trên chảy xuống ruộng nhà mình. Người ta để ruộng trên tự tràn xuống ruộng dưới, hoặc chỉ được phép dùng một ống luồng hoặc ống nứa xuyên qua bờ để lấy nước. Cũng theo quy ước, các gia đình ở ruộng trên muốn dọn sạch bèo cũng không được tự ý tháo nước để bèo trôi sang hoặc xuống ruộng nhà khác, mà phải xin phép nhà có ruộng ở bên khơi một con lạch nhỏ, tháo nước cho bèo trôi qua đó chảy ra suối ra khe. Nếu tự ý tháo nước cho bèo trôi qua ruộng nhà khác sẽ bị phạt dưới hình thức dọn sạch bèo còn vương vãi trên ruộng và bồi đền đất màu đất bị nước rửa trôi bằng cách bón một lần phân chuồng.

Những quy ước về bảo vệ nguồn nước của các làng rất hiệu quả, không những trên phương diện vệ sinh nguồn nước sinh hoạt mà còn sử dụng trong sản xuất. Bằng cách đó, người Mường đã tạo thêm dinh dưỡng, chống xói mòn, chống rửa trôi màu của đất. Những quy ước đó được đồng bào trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, trở thành những kinh nghiệm quý báu trong việc bảo vệ các nguồn nước. Ngày nay, mặc dù phong trào bê tông hóa kênh mương, bai, đập đã đến với từng làng bản, nhưng những kinh nghiệm, tri thức trong việc bảo vệ nguồn nước của người Mường vẫn còn nguyên giá trị, góp phần đắc lực cho đời sống hàng ngày.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 295, tháng 1-2009

Tác giả : Mai Văn Tùng

;