Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Giáy ở Việt Nam có 58.617 người, cư trú tại 39 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Yên Bái. Người Giáy có nhiều lễ, tết, hội đặc sắc trải đều khắp các tháng lịch trăng (âm lịch). Ngoại trừ tháng mười một là không có tết, các tháng còn lại đều có những cái tết lớn nhỏ khác nhau.
Trong ngôn ngữ của người Giáy, từ siêng dùng để chỉ tết nói chung nhưng tết mở đầu năm mới diễn ra suốt nửa đầu tháng giêng là cái tết lớn nhất, kéo dài từ mùng 1 đến 15 tháng giêng. Tất cả đồ ngon, của đẹp đều tập trung cho dịp này, toàn bộ thời gian cũng dành cho ăn uống, vui chơi nên đồng bào gọi tết này là đươn siêng (tháng tết) hay xiêng láo (tết to); hoặc cũng có thể gọi là cưn xiêng láo (ăn tết to).
Trong nếp sống gia đình người Giáy, việc chuẩn bị cho tết tháng giêng được tiến hành từ đầu năm trước và kéo dài trong suốt cả năm. Dù phải chi tiêu cho bất cứ việc gì thì người ta cũng phải cố dành lại một con lợn to làm thực phẩm tết và một khoản tiền vừa đủ để mua sắm vật phẩm cho tháng tết. Càng gần cuối năm, việc chuẩn bị cho tết tháng giêng càng khẩn trương, đàn ông đi chợ mua giấy màu, quần áo mới..., đàn bà lo kiếm củi, kéo mật mía, tích trữ lương thực, thực phẩm...
Ngày 23 tháng chạp, các gia đình làm lễ tiễn Táo vương (Srỏng srảo vàng). Từ ngày 24 cho đến ngày 27, các gia đình lo dọn dẹp trang hoàng nhà cửa chuẩn bị gạo nếp để làm xôi, bánh dày. Từ ngày 27 đến ngày 30, nhà nào cũng tấp nập mổ lợn tết, làm bánh chưng, bánh bỏng...
Chiều 30, gia chủ đun nước lá bưởi lau chùi ban thờ, mang bát hương đi thay tro rơm lúa nếp hoặc cát sạch bên bờ suối nước trong rồi kính cẩn pha trà, lên nhang mời tổ tiên thưởng trà chuẩn bị đón tết. Đồ đạc trong nhà, cửa ra vào, chuồng lợn, chuồng gà… cái nào cũng được dán một miếng giấy đỏ hình vuông hoặc chữ nhật to cỡ bàn tay để cầu mong một năm mới hạnh phúc, đủ đầy. Đàn ông, con trai trong nhà ra vườn chặt hai cây mía để cả ngọn về buộc vào hai chân trước ban thờ. Bà chủ nhà cùng con gái, con dâu luộc gà, giã bánh dày xong, chủ nhà kính cẩn đăng đèn bày lễ dâng cúng tổ tiên. Kể từ đây, đèn phải sáng trên ban thờ cho đến tận rằm tháng giêng, sau khi đã hóa vàng kết thúc tết.
Sáng mùng một tết, sau tiếng gà gáy đầu tiên, nhà nhà đều đi lấy nước ở nguồn nước đầu bản. Người Giáy quan niệm lấy nước lúc này là lấy nước thiêng (au rắm cướng) nên ai cũng thắp 3 nén hương, đốt 3 tờ giấy tiền mã bên nguồn nước, khấn xin thần linh phù hộ rồi mới lấy nước về. Nước thiêng lấy về được đun sôi pha trà dâng cúng tổ tiên trước, phần còn lại thì pha ấm để rửa mặt mũi, chân tay cho con cháu trong nhà với niềm tin con cháu sẽ trắng trẻo, đẹp đẽ, ngoan ngoãn, giỏi giang…
Tuần hương đầu tiên của năm mới đã mãn, cả gia đình cùng xuất hành đầu năm, tiếng Giáy gọi là xù xìn. Gia chủ mang 3 nén hương, 3 tờ tiền mã dẫn mọi người ra khỏi nhà đi về phía mặt trời mọc cách nhà khoảng một vài trăm mét rồi dừng lại khấn cầu trời đất phù hộ cho con người mạnh khỏe, ngũ cốc phong đăng… sau đó cắm hương, hóa tiền mã ngay tại chỗ.
Về đến nhà, gia chủ lại đi thắp hương, đốt tiền mã cho các chuồng gia súc, gia cầm, cối nước. Khi vầng dương ló dạng đằng đông, gia chủ lấy những dải vải nhỏ màu đỏ đi buộc vào tất cả các cành cây hoa và cây ăn quả trong vườn nhà để cho cây ăn tết với niềm tin cây cối trong năm này sẽ tốt tươi, cho nhiều hoa thơm trái ngọt.
Sau bữa cơm sáng mồng một tết là lúc mọi người đi xông đất, chúc tết nhà nhau. Nhiều gia đình cẩn thận chọn tuổi xông nhà rồi báo cho người mình chọn đến xông nhà từ sớm. Khoảng gần trưa, mọi người mới thoải mái đi chúc tết nhà nhau. Những gia đình nào chưa có ai xông nhà thì khách nam phải vào trước, khách nữ vào sau. Khi vào nhà, chủ khách đều xướng vang bài ca chúc tết năm mới: “Cung hỏ, cung hỏ/Đươn siêng pi mỏ/Pẩu dà, lúng pá/Dá réng, dá réng/Châu chẻ pạc nghì pi/Cùn cưn xủn lỷ/Chẹt cháy bỏ mỷ/Dủ lạc tắng pi/Dủ đi tắng nảo…” (Cung hỷ, cung hỷ/Tháng tết năm mới/Ông bà, chú bác/Mạnh khỏe, mạnh khỏe/Thọ một trăm hai mươi tuổi/Làm ăn thuận lợi/Đau ốm không có/Hưởng lạc cả năm/Hưởng phúc lâu dài…).
Tết tháng giêng với người Giáy là dịp mọi người gác lại mọi công việc để ăn uống, vui vầy nên trong những ngày này, ai nấy đều đi chúc tết những họ hàng nội ngoại, hàng xóm láng giềng, bằng hữu gần xa. Con trẻ được lì xì vài đồng bạc lẻ trong phong bao màu đỏ, được cho kẹo bánh làm quà mừng đầu năm. Các bậc cao niên và trung niên cùng vui vầy bên mâm rượu thịt đầy ắp, vừa uống rượu vừa ca hát mừng năm mới (vươn đươn siêng pi mò), hát mừng thọ các bậc lão niên (vươn châu), hát đố (vươn táng lài)… Đám thanh niên thì rủ nhau ra những bãi trống trong bản hay ngoài ruộng để cùng chơi đánh én (tó tỏm), ném còn (tó con), bắn mạc la (giống trò tó má lẹ của người Thái) hoặc hát ống (boọc vươn dài sạc). Đám con trẻ lại thích thú với những trò chơi đánh quay (tức chảng), bập bênh (ạt áo)…
Xưa kia, các bản người Giáy ở khắp mọi miền đều nô nức tổ chức hội xuống đồng (roóng pọc) vào ngày thìn đầu tiên của năm mới để cầu mong mưa thuận gió hòa, ngũ cốc phong đăng… nhưng hiện nay tục này ở nhiều nơi đã không còn.
Người Giáy có nhiều quy định và kiêng kỵ bắt buộc mọi người phải thực hiện trong những ngày tết tháng giêng. Theo tập quán, phụ nữ không được thắp hương, bày lễ hay bài trí ban thờ tổ tiên. Việc xông nhà ngày tết phải là đàn ông nam giới mạnh khoẻ thực hiện. Từ ngày mùng một đến ngày mùng ba tết kiêng không cho lửa, không vay mượn tiền của; không thổi lửa trong bếp từ sau khi giao thừa đón năm mới vì đồng bào quan niệm làm thế là thổi bay hết cái may mắn của gia đình trong năm mới. Kiêng huýt sáo, chửi mắng người khác vì làm thế thì sẽ luôn gặp chuyện xúi quẩy trong năm mới...
Nguồn : Tạp chí VHNT số 344, tháng 2-2013
Tác giả : Bùi Quốc Khánh