NGƯỜI DAO ÁO DÀI VỚI TẾT NHẢY BÓI

Dao là tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, có 7 nhóm địa phương, trong đó có người Dao áo dài (1), còn gọi là Dao làn tẻn, Dao tuyển... cư trú ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai và Lai Châu. Riêng ở Hà Giang, họ cư trú đông nhất ở huyện Vị Xuyên và ở Cao Bồ, một xã vùng cao, thuộc vùng đệm rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh, và vẫn giữ được nhiều phong tục, tập quán cổ truyền, trong đó có tết nhảy bói (lễ học bói).

Trong cuốn Văn hóa truyền thống người Dao ở Hà Giang, các tác giả có đề cập đến lễ học bói của nhóm Dao áo dài như một trò chơi nghi lễ, nhưng số lượng còn khiêm tốn, chỉ có vài dòng ở trang 300 và hơn một trang, từ trang 304 - 305 (2). Tuy nhiên, khi nghiên cứu các nghi lễ diễn ra trong ngôi nhà của người Dao áo dài ở xã Cao Bồ, Vị Xuyên, Hà Giang, bằng các phương pháp quan sát tham gia, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm…, chúng tôi phát hiện ra bên cạnh các nghi lễ trong chu kỳ đời người, còn có nghi lễ học bói, và biết rằng: Lễ học bói theo tiếng Dao áo dài gọi là thiệt thoong qua, tạm dịch là tết nhảy bói (thiệt: tết, thoong: nhảy, qua: bói), cũng có thể hiểu và dịch là lễ học bói. Mặc dù thấy rõ tính chất vui chơi trong nghi lễ, chúng tôi còn nhận thấy lễ học bói như một hình thức đào tạo dân gian về shaman giáo của người Dao áo dài, chứ không chỉ dừng lại như một trò chơi nghi lễ trong di sản văn hóa truyền thống của nhóm tộc người này.

 

1. Địa điểm, thời gian diễn ra lễ học bói

Các tác giả còn cho biết: “Lễ tập bói có đặc điểm là tổ chức vào các ngày đầu năm, từ tối 30 tết đến hết ngày mùng 5, trước đây có thể kéo dài đến 15 tết”(3). Nhưng ở các làng Dao áo dài xã Cao Bồ, Vị Xuyên, Hà Giang, lễ học bói diễn ra hàng năm vào các dịp: tết Nguyên đán, rằm tháng giêng và rằm tháng 7. Trước kia, lễ học bói diễn ra trong vài ba ngày vào mỗi dịp, nhưng hiện nay chỉ diễn ra trong một đêm. Địa điểm diễn ra lễ học bói là ở chính trong ngôi nhà của thày dạy bói. Bản thân tôi cũng đã 3 lần may mắn được chứng kiến, tham dự lễ học nhảy bói của nhóm Dao này: lần thứ nhất vào đêm mùng 1 tết Nguyên đán năm Nhâm Ngọ (12-2-2002) tại nhà thày dạy nhảy bói Cháng Văn Thiếp (sinh năm 1960) tại thôn Tham Vè, xã Cao Bồ; lần thứ 2 và thứ 3 trong cùng một đêm, vào dịp rằm tháng giêng năm Đinh Hợi (3-3-2007) cũng tại nhà ông Thiếp và tại nhà ông Cháng Văn Tòng (sinh năm 1945) cũng là thày dạy nhảy bói, ở cùng thôn.

 

2. Diễn trình một buổi lễ học bói

Cho đến nay, dù không dựa vào nhật ký điền dã, chúng tôi vẫn còn nhớ rõ những hình ảnh và cảm giác vô cùng ấn tượng khi lần đầu tiên được chứng kiến một buổi lễ học bói. Đó là tối mồng 1 tết Nguyên đán năm Nhâm Ngọ (2002), khoảng 7h30’ tối, khi bước lên cầu thang để vào trong căn nhà sàn 3 gian 2 chái của gia đình ông Cháng Văn Thiếp, chúng tôi chứng kiến cảnh rất nhiều người đang tập trung ở đây: đàn ông, con trai ngồi vây chung quanh 2 bếp lửa ở 2 gian bên (cạnh gian chính giữa ngôi nhà); ngoài cùng, ở 2 gian chái là phụ nữ, trẻ em, kẻ đứng, người ngồi, đang chờ đợi để xem nhảy bói. Vào nhà một lúc, chúng tôi còn thấy một số nam thanh niên đến muộn, mỗi người mang theo một bó hương, một ít giấy tiền âm phủ tiến vào phía trong rồi quỳ lạy ông Cháng Văn Thiếp, thày dạy nhảy bói, rồi đưa hương, giấy để ông đặt lên bàn thờ. Ngoài hương, giấy, những người đến học bói còn mang theo một túi vải nhuộm chàm đựng gạo, rượu, một ít thức ăn có thể là rau, thịt, cá khô, trứng…, nhiều ít tùy theo điều kiện gia đình, để đưa cho vợ con thày chuẩn bị bữa ăn cộng đồng sau khi kết thúc buổi học bói.

Đúng 8h30’, đứng trước bàn thờ (gùng hom) nghi ngút khói hương, thày Cháng Văn Thiếp nhón vài hạt gạo (trong chiếc bát đặt trên bàn thờ), ném ra xung quanh, vỗ 2 bàn tay vào nhau rồi chắp trước bụng, hướng mặt vào bàn thờ, giọng ông ngân nga, lúc trầm lúc bổng cầu cúng một điều gì đó, mà sau này chúng tôi được biết là ông đang khấn báo các ma bàn thờ, ma nhà, ma tổ sư nghề bói và các ma sư phụ dạy bói, ma cấp sắc của ông về việc có những người học trò đến nhà tập nhảy bói và công việc dạy bói của mình vừa để báo cáo vừa để cầu xin các ma phù hộ cho người dạy cũng như người học thành công, không ai bị tai nạn hay gặp sự cố về sức khỏe... Lời cúng vừa dứt cũng là lúc ông Thiếp xoay tròn 3 vòng trước bàn thờ, tay cầm con rồng gỗ vừa lấy trên bàn thờ đập mạnh xuống sàn nhà làm lệnh. Tiếng cạch giòn tan vang lên, ngay lập tức tất cả những người đàn ông, con trai vừa ngồi chung quanh 2 bếp lửa bỗng dưng vùng dậy, co chân nhún xuống rồi bật cao rơi thình thịch xuống sàn nhà rồi nhún nhảy dần vào phía trong và dừng lại quỳ lạy trước bàn thờ. Lúc này ông Thiếp cùng 2 thày phụ đưa cho học trò, người que hương (đang cháy, vừa rút từ ống hương trên bàn thờ), người cái roi tre. Đến khi hầu hết mọi người đều có một cái gì đó trên tay, họ bắt đầu vùng lên chia thành nhiều vòng, tay cầm hương hoặc roi hướng lên trời, chân thả, chân co, nhảy quanh vòng ngoài gian giữa trước bàn thờ theo chiều kim đồng hồ. Không chỉ phát ra những tiếng động rầm rậm bởi những bước chân dậm xuống sàn nhà, họ còn liên tục hí vang như tiếng ngựa và phát ra những tiếng lai, lai, lai… (gọi ngựa), suỵt, suỵt… (đuổi ngựa). Thày chính và 2 thày phụ thi thoảng cũng nhảy theo một vài vòng, vừa nhảy họ vừa hát để kích động tinh thần các học trò thêm hưng phấn hoặc đốt vài tờ giấy tiền âm phủ để soi đường, rồi trở lại đứng trước bàn thờ quan sát các học trò tập luyện. Lại có lúc thày chính hoặc thày phụ nhảy theo, kéo một thanh niên đang nhảy vào trước bàn thờ, rồi kẹp đầu người thanh niên vào nách để giữ, tay kia lấy một chén nước chè gạo (đã được 2 cô gái phục vụ rót sẵn đặt trên bàn thờ) cho uống (4), rồi đưa cho học trò một que hương để tiếp tục nhảy. Nhảy theo vòng khoảng 10 - 15 phút, tất cả những người học nhảy dừng lại nhảy tại chỗ nhưng hướng mặt về phía bàn thờ rồi dậm chân liên tục và vung tay, tung người lên cao, nhưng khi rơi tiếp sàn nhà thì sao cho đang ở tư thế của một người xếp chân bằng tròn, 2 tay nắm (như đang cầm cương và roi đánh ngựa) đặt lên 2 đầu gối, người liên tục rung rung, mắt nhắm, đầu lắc về 2 bên, miệng thì phát ra những tiếng xì xì…, chẹp, chẹp… như thể đang cưỡi và điều khiển ngựa đi vào một thế giới siêu linh. Sau vài phút thực hiện những hành vi như thế, những người học bói tiếp tục nhảy theo vòng tròn trong một thời gian, sau đó lại dừng lại nhảy trước bàn thờ và tung người lên, ngã vật ra sàn nhà trong tư thế nằm ngửa, chân hướng về phía bàn thờ, liên tục giãy giụa, đập 2 gót chân, 2 tay xuống sàn trong khoảng vài phút, rồi lại nhảy, lại ngã, lại giãy giụa, nhưng ở những lần sau đó, họ nằm duỗi chân của mình về các hướng vuông góc, đối diện với bàn thờ rồi trở lại hướng bàn thờ thêm một lần nữa. Sau khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ thực hiện tất cả những động tác như vậy, những người nhảy bói được các thày cho nghỉ ngơi, ngồi quanh bếp uống nước hay hút thuốc lào... trong khoảng 20 phút rồi tiếp tục nhảy và thực hiện những hành vi như vừa mô tả, nhưng lần nhảy này theo chiều ngược kim đồng hồ.

Theo sự giải thích của các thày dạy bói, mỗi người học nhảy bói đều được thày xin Ngọc hoàng giao cho một con ngựa ngọc để cưỡi. Lúc đầu nhảy theo chiều kim đồng hồ, là biểu thị của một chuyến cưỡi ngựa đến thế giới của các thần ma, còn nhảy ngược chiều kim đồng hồ, là hành trình trở về thế giới của thực tại. Còn việc chỉ cho những người nhảy bói uống nước chè gạo là bởi vì họ tin rằng uống thứ nước này rất thanh tịnh, vừa làm đỡ cơn khát vừa không gây nên cảm giác nóng ruột, và có như vậy ma bói mới nhập và theo thân.

Kết thúc buổi tập bói, tất cả những người đến nhảy bói ở lại nhà thày ăn bữa cơm cộng cảm chung do vợ con thày chuẩn bị bằng những thực phẩm họ mang đến trước đó; những người có biểu hiện thực sự cho thấy đã được ma bói nhập thân cũng được thày nói cho biết thêm, mặc dù tất cả những người học nhảy bói đều tự biết mình đã được ma bói nhập hay chưa, hay ai trong số người tập nhảy bói đã có được may mắn này.

 

3. Tục lệ và kiêng cữ liên quan đến lễ học bói

Trong lễ học bói, tuy có sự tham dự của các thành phần khác nhau: người học, người dạy, người ôn luyện, người phục vụ, người đến xem, nhưng giữa họ đều có một điểm chung là đã đến trường bói thì thân thể đều phải sạch sẽ. Nếu không thực hiện như vậy, ma bói sẽ phật ý, không nhập vào những người tập nhảy bói, thậm chí còn gây ra tai nạn bằng cách làm cho những người nhảy bói đâm xầm vào nhau hay bị ngã đau, ngất xỉu... Do vậy, tất cả những người có mặt ở lễ học bói dù với tư cách nào, đều không được ăn thịt chó, không nhìn thấy đám ma tươi, không nhìn thấy sản phụ mới sinh nở chưa quá 7 ngày (5). Những người học bói còn phải kiêng quan hệ nam nữ trước và sau thời gian nhảy bói 1 tuần; thày dạy nhảy bói (bao gồm cả thày chính và 2 thày phụ) phải kiêng 3 tuần (1 tuần trước lễ nhảy bói và 2 tuần sau đó). Hai cô gái phục vụ rót nước chè và thắp hương đứng 2 bên bàn thờ cũng phải là con gái ngoan ngoãn, chưa từng có quan hệ nam nữ với ai. Khi tập luyện nhảy bói dù trời có nóng hay thân thể ra nhiều mồ hôi đến mấy thì những người tham gia nhảy bói đều không được tắm rửa (kiêng nước) vì quan niệm ma bói sợ nước, sẽ tránh xa bản thân mình.

Còn đối với những người đang trong thời gian mang tang bố mẹ, muốn nhảy bói thì nhất thiết phải được thày làm các nghi thức tháo tang và thu hồn gói vào tang phục rồi nhốt vào chiếc cối giã úp ngược và yểm lại, khi nào tập nhảy bói xong, thày mới làm phép trả lại tang phục và hồn. Người ta giải thích rằng, những người đang mang tang là người có bụi, hồn vía rất yếu, nếu không nhờ thày làm như vậy, dễ bị các thần ma uy hiếp, làm tổn hại đến sức khỏe, và thậm chí là cả tính mạng anh ta.

Trong lễ học bói có 2 nhân vật quan trọng, đó là 2 cô gái phục vụ việc thắp hương, nấu và rót nước chè lên bàn thờ. Theo phong tục, 2 cô gái này đều phải là con gái đồng trinh, tính nết hiền lành, nết na, được ví như 2 tiên nữ do Ngọc Hoàng cử xuống phục vụ lễ học bói. Có như vậy lễ học bói mới thành công.

 

4. Những người tham gia lễ học bói và lý do họ tham gia

Tham gia nhảy bói trong lễ học bói có cả những người chưa biết bói và cả những người đã biết bói, hay có người đã trở thành thày bói đến đây luyện tập và tự nguyện hướng dẫn thêm cho những người còn đang tập nhảy bói. Những người nhảy bói hầu hết đều là đàn ông, thanh niên trong làng, nhưng đôi khi cũng có những người làng khác đến học, trong trường hợp làng này năm đó không có đủ người để các thày mở lớp nhảy bói. Cũng có khi, có một vài người ở một làng nào đó đã biết nhảy bói, đến làng này chơi hay có việc gì đó, không kịp về lớp nhảy bói ở làng mình, nghe thấy tiếng động của lớp nhảy bói, cảm thấy hưng phấn, cũng có thể xin phép thày dạy nhảy bói ở làng này cho vào nhảy cùng. Những người chưa biết bói thường còn trẻ, tuổi đời thường từ 15 - 30. Họ đi học nhảy bói với mong muốn sẽ được ma bói nhập vào thân. Với những người mới học nhảy bói lần đầu, trước tết, họ đến nhà thày đặt vấn đề xin được học nhảy bói, đồng thời mang theo 1 đồng 8 bạc trắng, 1 con gà, 1 con lợn (không kể nhỏ to), 3 ống gạo, cùng vài bó hương, giấy tiền âm phủ để nhờ thày làm lễ khấn báo, nhập tên với ma bói và các vị sư phụ dạy bói trước đây của người thày.

          Đối với những người đã biết bói, dù còn trẻ hay đã già vẫn đi nhảy bói, vì họ cần môi trường ôn luyện để con ma bói luôn theo thân. Thậm chí, “chỉ cần nghe thấy tiếng động của lớp nhảy bói, trong người mình có cảm giác lạ lắm, lúc đầu là từ những cái ngón chân, rồi dần dần lên đến cái thân, cái tay rồi lên đến cái đầu mình thì không đi nhảy mình không thể chịu nổi rồi. Có ông già yếu lắm rồi, nghe thấy tiếng nhảy bói cũng phải đi. Đi nhảy như thế này, mình cảm thấy chân tay nhẹ lắm. Bình thường không nhảy được đâu, chỉ vài vòng đã muốn sắp chết rồi” (lời kể của ông Đặng Văn Cành, sinh năm 1964, thôn Tham Vè, xã Cao Bồ).

          Khi hỏi tại sao hầu như tất cả những người đàn ông, con trai người Dao áo dài ai cũng tham gia học và tập luyện nhảy bói, chúng tôi được nhiều thông tín viên cho biết (kể cả những người đi học bói và những người dân bình thường): nếu học nhảy bói thành công, được con ma bói nhập vào thân, họ sẽ có khả năng giao tiếp với các thần ma để hỏi về nguyên nhân của sự việc nào đó. Chẳng hạn, nếu ai nằm mơ hoặc nhìn thấy gì lạ ở nhà mình hay trên đường, hay máy mắt liên tục…, người Dao áo dài sẽ cho rằng đó là điềm báo trước chuyện gì đó không hay có thể xảy ra với mình hoặc gia đình như ốm đau, tai nạn trong lúc đi rừng, đi làm ruộng làm nương, mất của, ốm đau…, họ đều nhờ đến thày bói tìm cho ra ma nào báo trước để cầu cúng giải xui, giải hạn, đề phòng chuyện không hay có thể xảy ra. Hoặc giả, trong làng có ai đó bị tai nạn, ốm đau (có thể đã chữa trị nhưng không khỏi hoặc chưa dùng bất cứ loại thuốc nào), gia đình người bệnh cũng thường nhờ đến thày bói xem ma nào đã làm hại người bệnh để xác định cách thức cầu cúng phù hợp để đuổi bệnh, trả lại hồn vía cũng như sức khỏe cho bệnh nhân (6). Người Dao áo dài cho rằng đây là một phương thuốc trị bệnh dân gian rất hữu hiệu trong nhiều trường hợp, và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Điều này khác với cách hiểu trước kia của một số người ở bên ngoài cộng đồng người Dao áo dài, khi họ cho rằng đây là một hủ tục, mê tín dị đoan cần xóa bỏ. Và trong thực tế, những người biết bói hầu như không lấy tiền (điều này cũng khác với như suy đoán của nhiều người), nếu có thì thi thoảng chỉ nhận một chút rất ít để làm lễ tạ ơn ma sư phụ của người thày bói, hay nói cách khác chỉ là sự giúp đỡ những người có nhu cầu trong cộng đồng. Do vậy, giống như những người biết cúng, những người biết bói được cộng đồng người Dao áo dài hết sức tôn trọng, bởi thày bói giúp dân làng tìm ra thủ phạm gây nên những chuyện không hay. Nói như anh Đặng Văn Quân, sinh năm 1979, ở thôn Tham Vè, xã Cao Bồ: “Theo phong tục người Dao, đã là con trai, đàn ông thì ai cũng muốn học cái này. Nhưng chỉ có điều, nếu ai số may thì mới học được, ma bói nhập vào thân thì mới biết bói, mới trở thành thày. 10 người đi học nhảy bói, có khi chỉ có 1-2 người được ma bói nhập theo. Như em, cái số không may, tập luyện đã mấy năm nay nhưng vẫn chưa được”.

Tuy nhiên, nếu như trước kia gần như 100% nam thanh niên người Dao áo dài tham gia học bói thì hiện nay, số người tham gia học bói đang giảm đi, một phần do là do một số người không còn tin vào thần ma như xưa nữa, mặt khác hiện nay có nhiều nam thanh niên phải đi học hoặc đi làm ăn xa, không có điều kiện về thời gian, cũng như không thể thực hiện được một số kiêng cữ liên quan đến việc học bói.

 

5. Kết luận

Mặc dù bài viết chưa có điều kiện mô tả, phân tích và lý giải đầy đủ, sâu sắc các khía cạnh của Lễ học bói, nhưng dù vậy có thể thấy: Lễ học bói của người Dao áo dài có cả người học, người dạy, có người ôn luyện nhảy bói; và mục đích quan trọng nhất là đào tạo những người chưa biết bói học nhảy bói để đạt tới được một khả năng cao siêu - có thể giao tiếp bằng tri giác với một hệ thống thần ma để bói tìm nguyên nhân gây nên các sự việc bất thường hay ốm đau, bệnh tật của con người. Lễ học bói đồng thời còn là môi trường cho những người đã biết nhảy và bói ôn luyện để duy trì khả năng giao tiếp với các thần linh trong quan niệm tín ngưỡng của người Dao áo dài. Từ đó, có thể coi lễ học bói là một sinh hoạt cộng đồng đặc biệt với một hệ thống những tín niệm liên quan, là trường đào tạo thày bói kiểu shaman giáo, là môi trường lưu giữ và truyền dạy một loại hình tín ngưỡng và văn hóa truyền thống của người Dao áo dài.

_______________

1. Theo những kết quả nghiên cứu gần đây, người Dao có 7 nhóm chính: Dao đỏ, Dao tiền, Dao quần chẹt, Dao lô gang (Dao thanh phán), Dao quần trắng, Dao thanh y, Dao làn tẻn (Dao tuyển, Dao áo dài). Họ cư trú ở hầu khắp các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc, trong đó tập trung đông nhất ở tỉnh Hà Giang. Gần đây, người Dao còn có mặt ở nhiều tỉnh phía Nam như Đắc Lắc, Đắc Nông, Đồng Nai, Lâm Đồng… Số liệu thống kê năm 1999 cho biết, người Dao có 620.538 nhân khẩu, xếp thứ 9 về dân số trong 54 dân tộc Việt Nam.

2, 3. Phạm Quang Hoan, Hùng Đình Quý (chủ biên), Văn hóa truyền thống người Dao ở Hà Giang, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1999.

4. Thứ nước mà trước đó đã được 2 cô gái phục đứng ở 2 bên bàn thờ chế ra, bằng cách rang gạo cho cháy rồi bỏ vào nồi nước đun sôi lên, sau đó múc vào ấm và rót lên những chiếc chén con đặt trên bàn thờ.

5. Phỏng vấn anh Cháng Văn Xuân, cán bộ địa chính xã Cao Bồ, người chưa từng học nhảy bói, chúng tôi được anh cho biết, lý do anh không học nhảy bói được là vì từ nhỏ anh đã được gửi đi học ở Hà Giang, đã ăn thịt chó nhiều lần, có muốn học các thày dạy bói cũng không nhận, và nếu có được nhận, cố học cũng không bao giờ thành công. Còn đối với những người mặc dù chỉ đến xem nhảy bói, nếu trước đó 1 tuần đã nhìn thấy đám ma hay sản phụ mới sinh, thế nào cũng bị người ta phát hiện. Tuy nhiên, thật tiếc là đến nay tôi cũng chưa rõ làm thế nào mà người ta có thể phát hiện được những người không thực hiện những kiêng cữ khi tham dự lễ nhảy bói (?).

6. Hệ thống thần ma liên quan đến tục bói, cúng của người Dao áo dài bao gồm 19 loại ma: yàng hụ - ma nhà/ma bàn thờ, đàu phà man - ma có ảnh hưởng tốt, xấu đến sản phụ và trẻ sơ sinh, phàn hung/bồn vuồng - ma khai thiên lập địa, tháu vuồng - ma lửa, táu màn - ma bảo hộ sức khỏe cho con người, pổn hom - ma sư phụ cấp sắc của đàn ông, côn jằm man - ma thuốc, mầy vặc man - ma có khả năng đuổi bệnh, tìm ra người trộm cắp, pì bu/kẻe thiền - tổ tiên 3 đời, tô tầy man - ma thổ địa gia đình, bảo hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, bà còng man - ma sấm sét, bà cành man - ma làm mưa, nhà vằng man, nhùi vuồng - Ngọc hoàng (xử lý người có tội), vẳn vuồng man - ma làm ho, sặp pầu màn - ma nước (hay gây ốm đau cho chị em và trẻ con), kéo tảu canh man - ma trên đường (hay bắt hồn trẻ con), cắn cáo man - ma làm đau thắt bụng, thúng nằm man - ma làm đau nhức xương, pam màn - ma thổ địa nói chung (thường gây nên đau đầu nếu ai đó đóng cọc xuống đất).

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 331, tháng 1-2012

Tác giả : Phạm Minh Phúc

;