NGƯỜI ANH HÙNG TRONG TUỒNG ĐÀO TẤN

        Đào Tấn, tự Chỉ Thúc, hiệu Mộc Mai và Tô Giang, sinh ngày 27-2 năm Ất Tị (6-4-1845) tại làng Vinh Thạnh, phủ Tuy Phước (hiện nay là thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước). Đậu cử nhân khoa thi năm Đinh Mão niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867). Ông làm quan đến chức hàm Hiệp biện đại học sĩ, phẩm Tùng nhất, tước Vinh Quang tử, kiêm nhiệm Thượng thư bộ Công. Ông cáo quan năm Giáp Thìn, niên hiệu Thành Thái 16 (1904). Đào Tấn mất vào rằm tháng bảy năm Đinh Mùi, đời Thành Thái 19 (23-8-1907), thọ 63 tuổi để lại sự nghiệp sáng tác đồ sộ, với hơn 20 vở tuồng, gần một ngàn bài thơ. Sinh thời Đào Tấn có câu thơ thật hào sảng: “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay”. Và quả thực nhân vật anh hùng đã trở thành trung tâm trong các sáng tác của ông. Không chỉ trong thơ, mà cả ở trong tuồng của Đào Tấn, người anh hùng vượt qua gian khổ cũng là hình tượng chủ đạo.

Khác với các loại hình chèo, cải lương,… tuồng mang âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa. Chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của tuồng. Trong những hoàn cảnh đầy mâu thuẫn và xung đột bạo liệt, các nhân vật chính của tuồng đã vượt lên cảnh ngộ, hành động một cách dũng cảm và trở thành những tấm gương anh hùng lỗi lạc. Có thể nói, tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Nhắc đến tuồng cổ về đề tài quân quốc, ta không thể không nhắc đến người anh hùng với lý tưởng trung quân tuyệt đối. Họ là đối tượng mà tuồng tập trung ca ngợi. Sự thăng hoa của tuồng chính là sự thăng hoa ở hình tượng về người anh hùng phong kiến xả thân cứu chúa. Những nhân vật này một thời đã làm nên bộ mặt hoành tráng và thể chất bi hùng của nghệ thuật tuồng cổ.

Tuồng Đào Tấn cũng không nằm ngoài đặc điểm đó. Nhân vật chính trong các vở tuồng của ông: Triệu Khánh Sanh, Trương Phi, Phương Cơ, Tiết Cương, Lan Anh,… đều là những nhân vật anh hùng. Ông tỏ ra có cảm tình đặc biệt đối với những nhân vật này. Nội dung tuồng Đào Tấn không phản ánh cuộc đấu tranh giữa hai phe trung - nịnh để bảo vệ ngai vàng của triều đại chính thống. Vì thế, so với tuồng cổ, hình ảnh về người anh hùng trong tuồng Đào Tấn dường như đã hoàn toàn đảo ngược, không còn là những nhân vật anh hùng lý tưởng của đạo lý Nho gia, với tinh thần trung quân tuyệt đối. Hầu hết, các vở tuồng Đào Tấn đều viết trên cơ sở những khung cốt truyện và nhân vật của chuyện cũ nhưng những con người anh hùng trong tuồng ông đẹp và phong phú hơn rất nhiều so với nguyên bản cũng như so với các nhân vật trong những vở tuồng trước đó. Người anh hùng của Đào Tấn không chỉ được thể hiện ở ngoại hình, hành động bên ngoài mà thế giới nội tâm cũng rất đa dạng và phong phú. Họ cương quyết, bất khuất, dứt khoát, dũng cảm trong hành động; đồng thời còn mang những nỗi trăn trở, băn khoăn, day dứt triền miên về vận mệnh nước nhà, và trách nhiệm, hành động của chính bản thân. Nếu người anh hùng trong những vở tuồng trước kia được xây dựng khá sắc sảo nhưng chủ yếu thiên về tính tự sự, tính kịch mà chưa đề cập nhiều đến yếu tố trữ tình thì đến tuồng Đào Tấn, việc tổng hợp ba yếu tố này trong việc xây dựng người anh hùng đã được hoàn thiện.

Người anh hùng sống ngoài vòng cương tỏa, không cân đai áo mão, không phẩm vị triều đình nhưng lại dũng cảm tuyệt vời, kiên trung hết mực, luôn luôn xả thân vì việc nghĩa. Trong những hoàn cảnh khác nhau, biểu hiện của mỗi người không giống nhau, nhưng họ vẫn là anh hùng, vẫn sáng ngời những phẩm chất anh hùng không trùng lặp. Tiết Cương một mình một ngựa, chân không, áo cộc bị quân triều đình đuổi bắt ráo riết nhưng nhất định không chịu đầu hàng luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc, người xem. Lý tưởng của Tiết Cương là nhất thiết không chịu hàng phục triều đình phản động, hành động phản kháng của chàng vô cùng mạnh mẽ và bất khuất. Mặc dù thế cô, sức yếu nhưng Tiết Cương vẫn quyết định chống lại một lực lượng phản động mạnh là Võ Hậu và Võ Tam Tư. Hành động, ý chí của Tiết Cương giống như Triệu Khánh Sanh (trong tuồng Diễn võ đình), tuy bị triều đình truy nã, hãm hại nhưng vẫn nuôi ý chí chống lại bọn vua quan phong kiến. Trên bước đường bôn ba chạy giặc, trong lòng Tiết Cương vẫn nung nấu mối hận thù với triều đình Võ Hậu. Lòng mang mối hận thù và nuôi chí lớn với ước mong xoay vần thế cuộc, nhưng Tiết Cương vẫn còn đơn thân độc mã. Chàng phải chiến đấu trong lẻ loi, thất bại và chưa nhìn thấy được tương lai. Cố quốc hồi đầu lao mộng mị là những gì không thể nguôi ngoai trong lòng, nhưng tâm trạng của Tiết Cương vẫn là tâm trạng: Thế sự đoản như xuân mộng/ Nhân tình bạc tựa thu vân/ Cắn răng cười, cười cũng khó khăn/ Ôm lòng chịu, chịu càng vui sướng. Bị Tiết Nghĩa phản bội, cái chết cận kề nhưng Tiết Cương vẫn không khuất phục. Trong suy nghĩ, Tiết Cương đã chủ động chấp nhận hy sinh nên mới cảm thấy vui sướng trong sự nếm mật nằm gai của mình như thế. Câu hát của Tiết Cương là những câu thơ hay nhất thể hiện cái chí, cái khí của con người luôn phấn đấu, vẫy vùng trong nghịch cảnh. Xuân Diệu đã có những lời bình thật sâu sắc: “Đâu có phải dễ mà xem nhẹ, dễ mà cười, dẫu là cười gằn, chuyện này quan hệ tới sống chết; và lại phải căm phẫn lắm, khó mà vừa nghiến răng mà cười, tuy nhiên, hỡi ta ơi, hỡi lòng yêu chính nghĩa của ta ơi, ta đâu phải là người khổ sở. Bây giờ ta gọi niềm vui sướng ấy là sự tự giác tự nguyện”. Ý chí của Tiết Cương không chỉ được thể hiện qua hành động dứt khoát mà còn được thể hiện ở suy nghĩ, ở chiều sâu của tâm lý, của tư tưởng. Cho nên, tính cách nhân vật luôn luôn mới và có sức sống lâu dài. Không khuất phục trước kẻ thù, chấp nhận hy sinh vì lý tưởng, Tiết Cương nuôi hy vọng vào đứa cháu trai còn đang ẵm ngửa - Tiết Giao - lớn lên sẽ nối nghiệp mình mà gánh vác non sông. Điều làm chàng luôn day dứt là mình chưa xoay chuyển được thế cuộc trong khi gian khổ phía trước vẫn còn dài đằng đẵng: Tiết Giao/ Chú chết rồi, cháu gắng lấy nghe? Ngóng phương trời gởi gánh non sông/ Mấy lâu cuối bắc, đầu đông/ Biển xanh chưa đổi bụi hồng còn xa/ Cuộc phong ba đâu là chỉ ngạn. Tiết Cương vì tình, vì hiếu mà phải chịu gian nan, u uất. Chàng thương ông bà, cha mẹ nên nhìn cung kiếm mặt mày thêm tủi hổ. Tiết Cương tủi hổ vì mang danh là anh hùng nhưng không đảm bảo được mồ yên mả đẹp cho cha ông và mạng sống cho đứa cháu nhỏ; tủi hổ vì phải sống trong tâm trạng nhớ về cố quốc mà kẻ thù thì đang tác yêu tác quái. Tất cả những điều đó đã thôi thúc chàng lao vào cuộc chiến đấu với nỗi hận khôn nguôi. Dù không áo dài, xiêm hài gấm vóc, lại đang bị truy nã, ở trong vòng đe dọa của hình phạt tru di tam tộc, nhưng người anh hùng Tiết Cương được Đào Tấn miêu tả bằng tất cả những tình cảm vô cùng tốt đẹp. Tiết Cương không chỉ có quyết tâm sắt đá, hành động dũng cảm mà những điều tốt đẹp còn được thể hiện trong tình nghĩa vợ chồng, bè bạn, cha con. Trong cuộc chiến với Võ Tam Tư, chàng oanh liệt bao nhiêu thì ở những lớp tuồng Tiết Cương - Lan Anh tiến tửu, Đoàn viên, Tiết Cương lại bình thường, giản dị bấy nhiêu trong hạnh phúc của một người chồng, người cha gặp lại vợ con sau bao ngày xa cách. Tiết Cương là người anh hùng không siêu phàm, vẫn là con người bình thường nhưng không tầm thường nhạt nhẽo. Đó cũng là nét mới về tính cách người anh hùng trong tuồng Đào Tấn mà ta chưa thấy ở những vở tuồng trước đó.

Đào Tấn còn đưa một quan niệm mới vào sân khấu tuồng là đề cao hành động của những con người mà giai cấp phong kiến cho là nữ nhi thường tình. Xét lại toàn bộ các tác phẩm tuồng Đào Tấn, ta thấy hầu hết những nhân vật nữ dù già hay trẻ, Kinh hay Thượng, vị trí xã hội cao hay thấp đều là những con người đẹp và hành động anh hùng. Lan Anh, Tú Hà, Hồ Nô, ba nhân vật nữ, ba thân phận xã hội khác nhau, nhưng cả ba đều có tâm hồn và sức sống vượt khỏi lẽ thường. Cùng với Tạ Phương Cơ, Lý Xuân Hương, Bích Hà (Khuê các anh hùng), Kiều Quang (Diễn võ đình),... họ trở thành hình tượng nữ anh hùng tuyệt đẹp trong tuồng Đào Tấn. Xuất thân từ một động hoa đào một cõi riêng, Lan Anh vừa là vợ vừa là bạn chiến đấu của Tiết Cương. Lan Anh võ công mưu trí hơn người đã tổ chức phục binh cứu Tiết Cương khi chàng gặp nạn. Trong khó khăn, phẩm chất của nàng được bộc lộ: Bước anh hùng đã lỡ/ Gan nữ nhi càng dày/ (nếu) chẳng liều mình giữa chốn chông gai/ (sao) còn gọi ân tình trong nước lửa. Lan Anh đã cùng chồng tả xung hữu đột đánh phá vòng vây của Võ Tam Tư. Chính sự tài ba ấy của Lan Anh đã khiến kẻ thù của nàng là Võ Tam Tư cũng phải kiêng nể: Khôn cùng kinh ngạc/ (con gái nhà ai mà)/ Rất đỗi ly kỳ. Là vợ Tiết Cương, một tội nhân đang bị triều đình truy nã, vì đức hiếu hạnh, nàng phải chiến đấu để bảo vệ chồng, bảo vệ công lý là điều dễ hiểu. Nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất thôi thúc Lan Anh lao vào cuộc chiến với Võ Tam Tư. Lan Anh chiến đấu vì nàng biết rất rõ đâu là chính nghĩa cần phải bảo vệ và đâu là phi nghĩa cần phải loại trừ. Vì vậy, bản thân nàng cũng nuôi mối thù lớn với Võ Tam Tư, tên tướng giặc dựng nên triều đình Võ Tắc Thiên. Quan niệm mới mẻ của Lan Anh được thể hiện trong câu hát nam nổi tiếng, rất hay, rất đẹp ấy được coi là tiêu biểu cho sự phấn đấu của các nhân vật anh hùng trong tuồng Đào Tấn. Tuy nhiên, đằng sau hình ảnh của một nữ tướng trại chủ ấy là một người vợ, người mẹ với những cảm xúc rất đỗi giản dị, thường tình: xa chồng thì thổn thức nhớ nhung, gặp lại chồng thì vui mừng hớn hở, chia sẻ, nhỏ to, thậm chí còn thỏ thẻ với chồng chuyện không có sữa cho con bú nên con nhay vú làm mình đau khiến phải đánh con một cái. Trong Hộ sanh đàn, lực lượng phản kháng triều đình không chỉ có căn cứ địa Long Sơn của vợ chồng Tiết Cương - Lan Anh mà còn một lực lượng khác nữa ở căn cứ Hùng Sơn do Ngũ Hùng, Tần Hán làm chủ. Nếu không có lực lượng Ngũ Hùng, Tần Hán cứu giúp thì có lẽ cuộc đời Tiết Cương đã kết thúc. Họ đã cùng với vợ chồng Tiết Cương lập nên anh hùng hội chống lại triều đình. Vũ Ngọc Liễn cho rằng: “Nếu cuộc chiến đấu gian truân của ba khách anh hùng ở hai căn cứ Long Sơn và Hùng Sơn, tiêu biểu là vợ chồng Tiết Cương, là một bài ca phản kháng cực kỳ quyết liệt thì cái chết của Tú Hà là một bản án phản bội song hành với bài ca phản kháng ấy”.

Đang sống trong cảnh giàu sang nhung lụa, nhưng Tú Hà sẵn sàng đánh đổi tính mạng của mình để tố cáo hành động phản trắc của chồng, cứu Tiết Cương. Tú Hà nhận thấy mình phải cứu Tiết Cương vì đó là ân nhân của vợ chồng nàng, vì hành động của Tiết Cương là chính nghĩa. Vì vậy, việc nàng viết thư báo cho Ngũ Hùng, Tần Hán đón đường cứu Tiết Cương là một nghĩa cử cao đẹp. Tư tưởng dứt khoát, hành động kiên quyết, nhưng tâm hồn nàng vẫn mang một nỗi băn khoăn, day dứt triền miên: vì vẹn nghĩa mà phải phụ chồng. Có ý kiến cho rằng, cái chết của Tú Hà là một hành động tiêu cực, nhưng “Tú Hà chết vì không thể sống với một thằng chồng bạc ác, đó mới chỉ là duyên cớ, cái duyên cớ lớn hơn, sâu nghiệt hơn là dư luận xã hội sẽ buộc tội nàng là cô gái giết chồng... cho nên cái chết của Tú Hà còn có sức mạnh tố cáo dư luận xã hội về một thứ đạo cả hủ bại không kém sự tố cáo tội ác của chồng nàng”. Dù không tài nghệ mưu trí như Lan Anh nhưng vì chính nghĩa sẵn sàng đánh đổi mạng sống, vượt qua lẽ phu xướng phụ tùy, nghĩa cử cao đẹp và sự tiết liệt ấy của Tú Hà chẳng lẽ không được gọi là anh hùng?

Một nữ anh hùng khác cũng rất đẹp là nhân vật Hồ Nô. Cô là hình tượng tiêu biểu cho tâm hồn đồng bào Thượng: chất phác, trung thực, giàu nhân nghĩa. Hồ Nô đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến đấu của vợ chồng Tiết Cương. Nếu không có một Hồ Nô vừa dắt ngựa, mang cung, ẵm em, vừa dìu Lan Anh khi nàng đau đẻ giữa rừng, một Hồ Nô đã biết đường xa thẳm làm ngôi sao dẫn đường thì không biết số phận và con đường phục quốc của Tiết Cương - Lan Anh sẽ đi đến đâu. Chính cô gái người Thượng thông hiểu lẽ đời cũng rất đỗi hồn nhiên, trẻ con này đã bảo vệ, đưa đường dẫn lối giúp những anh hùng như Tiết Cương, Lan Anh vượt qua khó khăn để sống còn, tranh đấu, hy vọng và thành công. Hồ Nô cùng Tiết Cương, Lan Anh, Tú Hà, Ngũ Hùng, Tần Hán đã tập hợp lại tạo nên cái đàn hộ sinh trừ gian, diệt nịnh, lật đổ triều đình Võ Hậu, khôi phục cơ đồ. Tất cả họ đều là anh hùng nhưng là một kiểu loại anh hùng khác với người anh hùng phong kiến. Họ vừa rất bình thường, vừa không bình thường. Trong những tình huống, xung đột căng thẳng, họ không có những hành động bạo liệt kiểu như Khương Linh Tá, Triệu Đình Long hay Viên Hòa Ngạn,... mà chỉ đơn giản kiểu như Lan Anh: Vì nương gánh nghĩa gánh tình/ Phải lịu địu tay bồng tay ẵm. Nhưng chính cách suy nghĩ, nói năng, hành động rất đỗi bình thường ấy lại lấp lánh phẩm chất anh hùng. Ở họ đã bắt đầu có nét tính cách đa dạng, phong phú của những con người đời thường chứa chan tình cảm vợ chồng, anh em, bè bạn,... vô cùng quý báu. Người anh hùng của Đào Tấn, như vậy, vừa có cái gì rất bình thường vừa không bình thường, và có thể phản ánh tính hai mặt đó bằng một câu hát khách rồi chuyển qua một câu hát nam. Hát khách hay hát nam cũng là hát, nhưng ở câu hát khách, nhân vật anh hùng có thể bộc lộ cái không bình thường của mình, chuyển qua câu hát nam lại thể hiện rõ những gì bình thường nhất.

        Người anh hùng trên sân khấu tuồng không phải là sáng tạo riêng của Đào Tấn. Nhưng bằng tài năng của mình, ông đã đưa người anh hùng phản kháng triều đình kiểu như Tiết Cương, Lan Anh, Tú Hà... thoát khỏi sự ràng buộc có tính chất công thức của người anh hùng phong kiến. Không chỉ biểu hiện qua ngoại hình, hành động, Đào Tấn còn thổi vào nhân vật của mình một thế giới tâm hồn vô cùng phong phú. Với một nhân sinh quan tiến bộ và sự tài hoa của người nghệ sĩ, Đào Tấn đã kết hợp giữa bút pháp cường điệu và tính chân thật, lý tưởng và hiện thực để xây dựng nên những hình tượng anh hùng tuyệt đẹp, tiếp cận tới chủ nghĩa anh hùng nhân dân. Chính những sáng tạo của Đào Tấn trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật đã đưa tuồng đi đến gần hơn với tuồng hiện đại.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 341, tháng 11-2012

Tác giả : Thục Quyên

;