Người Kháng ở Tuần Giáo, Điện Biên quan niệm, luôn luôn tồn tại linh hồn bên trong mỗi con người cùng các thế lực siêu nhiên. Những linh hồn và thế lực siêu nhiên này thường gây ra bệnh tật, ốm đau cho cả con người, vật nuôi, cây trồng. Vì vậy, việc xem bói và cúng bái chữa bệnh trở nên phổ biến trong cộng đồng tộc người Kháng.
1. Nghi thức bói đoán bệnh
Trong đời sống, họ quan niệm, bệnh tật, ốm đau của con người đều do ma làm. Khi trong nhà có người bị ốm đau, tai nạn... ngoài việc chữa chạy bằng các bài thuốc nam, họ còn đi đến gặp thày mo để tìm nguyên nhân gây tai họa cho người thân của mình. Thông thường, những bệnh nhẹ chưa nguy hiểm đến tính mạng thì người thân trong gia đình sẽ mang chiếc áo của người bệnh đến nhà thày mo, cùng một số lễ vật như một con gà, một chai rượu. Sau khi nghe triệu chứng ốm đau bệnh tật, thày mo bói tìm nguyên nhân bằng sừng hươu. Chiếc sừng hươu là công cụ rất quan trọng, được truyền từ đời này qua đời khác, phải là sừng tự rụng chứ không phải cắt từ đầu hươu ra. Khi bói tìm ma, thày mo cầm chiếc áo, rồi lấy chiếc sừng hươu ra giơ lên ngang mặt. Buộc một sợi dây chỉ vào phía chân sừng, khi giơ sợi chỉ lên, phía mũi của sừng hươu sẽ quay xuống dưới - phía đặt áo của người bệnh. Thày mo thả sừng hươu xuống chiếc áo của người bệnh rồi đọc lời khấn tìm ma. Mỗi lần thả chiếc sừng xuống, thày mo lại gọi tên một loại ma: “Có phải ma rừng làm cho người ta ốm thì cho tôi biết để người nhà của người ốm sẽ sắp lễ vật dâng cúng xin cho người ốm, nếu ma rừng làm hại thì hãy nói cho tôi biết đi...” (1). Sau khi đọc xong lời khấn, thày mo đưa chiếc sừng lên ngang mặt, dõi theo từng cử chỉ động của chiếc sừng, nếu rung mạnh, đung đưa sang hai bên thì đó là ma rừng làm cho người ốm. Nếu không, thày mo sẽ phải bói đến các loại ma khác như ma nhà, ma nương, ma bản, ma đất, ma nước... Theo quan niệm của người Kháng, đây là những loại ma hay gây ra ốm đau cho con người.
Sau khi tìm được ma gây bệnh, thày mo sẽ tiến hành bói xem người nhà bệnh nhân cần chuẩn bị những lễ vật gì. Thày mo đọc lời khấn, sau đó đọc lễ rồi lại chấm chiếc sừng vào áo của người bệnh. Đọc xong thày mo giơ chiếc sừng lên nếu chiếc sừng lại cử động thì có nghĩa là con ma đó đồng ý với lễ vật. Trong một lễ cúng, nhiều hay ít lễ phụ thuộc vào việc bói xem lễ vật mà con ma đòi gồm những gì. Thày mo sẽ bói từ lễ nhỏ đến lễ lớn, từ lễ trứng, vòng bạc, vải, gà... mỗi lần báo một lễ rồi hỏi “Thế đã đủ chưa?”, nếu như chiếc sừng lại rung lên thì coi như số lễ đã đủ và không cần đến lợn nữa, nếu như chiếc sừng không rung sau câu hỏi của thày mo thì có nghĩa con ma đó đòi cả lễ lợn nữa, và với số lễ vật này thì đám cúng được coi là cúng lớn (2).
Cách bói tìm ma thứ hai bằng gạo, được thực hiện khi gia đình có người ốm nặng, họ mời thày với nghi thức trang trọng, cẩn mật. Khi đi mời, người nhà mang theo một chai rượu, hai con gà con đến để biếu thày. Khi đến nơi, người nhà trình bày lý do, dâng lễ vật cho thày, sau đó hẹn ngày đến cúng cho người ốm. Nếu thày mo nhận lời, cả hai bên ấn định ngày, báo cho gia đình biết để chuẩn bị lễ vật để cúng chữa bệnh.
Đến ngày hẹn, gia đình sẽ cho người ốm đến đón thày mo, nếu gần, thày mo sẽ chủ động đến nhà người bệnh, chuẩn bị mọi vật dụng cần thiết để thực hiện lễ cúng cho người bệnh như quạt, chuông, sáo, nanh lợn rừng... Khi thày mo đến nhà, gia đình phải ra mời từ dưới chân thang nhà, vào gian bếp khách ngồi uống nước nghỉ ngơi, sau đó gia đình sắp cơm rượu mời thày mo và anh em họ hàng thân thích. Trong bữa ăn, chủ nhà một lần nữa nói lý do mời thày về nhà để cúng chữa bệnh cho người ốm. Anh em họ hàng của chủ nhà ngồi trong mâm cơm cũng có lời với thày mo, mong thày giúp đỡ cho gia đình, để người bệnh được khỏe mạnh, hết ốm đau... Khi thày mo ăn xong, một người thổi sáo cho thày mo thực hiện lễ cúng, gia đình chuẩn bị mọi thứ phục vụ nghi lễ, sắp mâm cúng cho thày. Gia đình chuẩn bị một bát gạo, một quả trứng, một cái vòng bạc đeo tay, một cái đèn con, hai cây nến sáp ong, hai cái chén, một chai rượu, một chậu đựng lá trầu, vỏ chay và một cục vôi nhỏ. Mâm thờ đó được đặt ở sát vách nhà, thày mo ngồi đối diện, cạnh người thổi sáo.
Thày mo bắt đầu đọc lời khấn, một tay cầm chiếc quạt, chùm chuông cúng rung ba tiếng rồi lấy quạt che mặt, miệng lẩm nhẩm đọc thần chú không thành lời, tiếng sáo được cất lên liên tục trong quá trình khấn. Khấn xong thày mo ra lệnh cho người bệnh cởi áo để thực hiện lễ bói tìm ma. Tiếng sáo ngưng lại, thày mo đọc lời hẹn với ma: “Tôi muốn biết ma nào làm hại người của gia đình bị ốm, ma nào đưa hồn của người trong nhà đi mất, nếu là ma nhà thì báo cho tôi biết bằng số hạt gạo chẵn tôi nhặt vào áo người ốm nhé...”. Vừa khấn thày mo vừa nhặt hạt gạo ở trong bát đặt vào áo người bệnh, thày mo nhặt gạo ba lần rồi bỏ ra đếm, nếu số hạt gạo là chẵn thì đúng là ma nhà, nếu là số lẻ thì thày mo sẽ bói đến lần lượt các loại ma khác. Khi nào tìm được ma, thày mo bói sang lễ vật dâng cúng. Tương tự như bói tìm ma, thày cúng khấn lời hẹn lễ vật, nếu số lượng hạt gạo là số chẵn thì ma đồng ý, gia đình chuẩn bị lễ vật luôn để thực hiện lễ cúng gọi hồn về nhà, tiến lễ cho ma.
Có nhiều trường hợp, thày mo chỉ dựa trên kinh nghiệm có thể tìm ra ma gây ốm mà không cần thực hiện nghi lễ bói. Ví dụ như người bệnh bị đau bụng, trương bụng là do ma nước (ngặt ỏm) hoặc ma rừng (ngặt lô) gây ra, ngã gãy chân, tay là do ma rừng, người bị ốm lâu không khỏi là do ma nhà, hoặc bị ốm bất ngờ ở trong bản thì do ma bản.
Trong các lễ cúng chữa bệnh, không phải lễ cúng nào cũng giống nhau, mà được thực hiện dựa trên loại ma thày mo tìm ra. Nếu là ma trời, việc cúng được thực hiện ở sân phơi ngoài hiên nhà; nếu là ma nước, ma rừng, ma bản thì làm lễ cúng dưới gầm sàn nhà. Tuy nhiên, các lễ cúng này có phần đơn giản hơn so với lễ cúng ma nhà.
2. Lễ cúng ma nhà tìm hồn cho người bệnh
Để thực hiện lễ cúng này, gia đình người ốm phải chuẩn bị lễ vật, thông báo cho họ hàng, con cháu biết để về dự lễ cúng, cầu mong cho người bệnh được mạnh khỏe, tìm lại được hồn về với xác.
Khi chuẩn bị lễ vật cúng, họ phải mang gà, lợn vào gian thờ tổ tiên cắt tiết, đọc lời khấn, báo cho tổ tiên biết về việc gia đình đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật cúng tiến, xin hồn về cho người ốm. Họ để lại hai bát tiết trong gian thờ, ông trưởng họ cúng mời ma tổ tiên về hưởng lễ, rồi khấn báo ma tổ tiên rằng, gia đình đang chuẩn bị làm lễ cúng, khi xong việc mới mời tổ tiên xuống ăn cơm, uống rượu được. Sau đó, lợn gà được đem mổ, người nhà sẽ chuẩn bị những thứ cần thiết như lời thày cúng.
Hai bàn lễ vật được xếp ngay ngắn, hướng đầu về phía gian thờ, gà được bày trong mâm tre cùng một bát gạo, một quả trứng và bốn cái chén, một chai rượu, ba đôi đũa, ba cái bát. Ông trưởng họ sửa sang lại quần áo, ngồi đốt một cây nến, bắt đầu cúng khấn mời tổ tiên về hưởng lễ vật do gia đình dâng cúng, gồm đầy đủ gà, lợn như yêu cầu. Ông cúng khấn xong trong khoảng 5 phút, người nhà tiếp tục mang lễ vật ra, hai con lợn được sắp cạnh mâm cơm, gần vị trí ngồi của thày mo, đặt bốn góc bàn bốn cái chén, đậy hai tàu lá chuối rừng lên.
Trong lúc thày mo thực hiện nghi lễ, gia đình nhà chủ cho người lấy tre về chẻ thành nan đan bốn tấm phên, mỗi tấm dài rộng khoảng 50cm, sau đó ghép bốn tấm thành một cái vườn hùa, đây được gọi là vườn của ma tổ tiên ở thế giới bên kia.
Người chủ nhà lại phải lên rừng tìm một cây chuối non cao khoảng 60cm, đào lấy cả củ, và hai cây mía non lấy cả gốc rễ, tách bớt lá già, để lộ phần thân gốc, mang về nhà buộc hai cây mía, hai cây chuối lại với nhau, sau đó dựng trong chiếc vườn tổ tiên. Chủ nhà tiếp tục mang lên một lồng gà gồm một con gà mẹ, hai gà con, đặt lồng gà bên cạnh chiếc vườn, rồi lấy một mảnh vải trắng đậy lên trên. Người Kháng quan niệm rằng, ở thế giới bên kia, tổ tiên cũng phải làm ăn, nguồn sống của họ là vườn mía, vườn chuối, và đàn gà sẽ bảo vệ cho cây trong vườn không bị sâu bọ.
Chủ nhà lấy một mảnh vải dài khoảng một sải tay đưa cho người đang chuẩn bị lễ vật, người đàn ông trong nhà sẽ tìm nhổ một nhúm lông gáy của con lợn sề khỏe mạnh nhất trong chuồng, mang về bọc vào đầu vải cùng một hào bạc trắng. Các lễ vật đều mang ý nghĩa riêng, sợi lông được gói vào hàm ý cầu mong cho hồn người bệnh được khỏe mạnh, sống lâu, còn đồng bạc trắng để kê cho số mệnh người bệnh. Người Kháng cho rằng, khi linh hồn yếu, có nghĩa là số mệnh trên trời bị nghiêng đi, phải dùng đồng bạc đó kê lên cho hồn khỏe mạnh, còn sải vải để tổ tiên gối đầu, bảo vệ cho con cháu khỏi ốm đau.
Sau khi người bệnh chết, người ta lấy nhúm lông lợn, đồng bạc trắng bỏ vào miệng, nhằm trả lại linh hồn, số mệnh cho người đã khuất, con cháu không còn cất giữ những vật đó nữa.
Gia đình còn phải chuẩn bị những đồ vật khác như: vai trâu (xẹ khạc), chăn (pua bụt), đệm (pun sứa), gối (mon), tấm cót (puông), vải (pai), đồng xu (ươn hạo), vòng bạc (pọc khen), cân tiểu ly (rẻng phắn răng), cái bố (lẹc lọi), bẫy sóc (láng cắp plơi)... Tất cả những lễ vật này sẽ được thày mo cúng tiến cho ma tổ tiên, theo từng công đoạn, địa điểm nhất định. Lễ lợn luộc được cúng đưa ra mồ mả của bố mẹ người bệnh, còn các lễ vật khác, cúng đưa về nơi ở của tổ tiên. Thày mo thực hiện cúng đưa lễ vật như một hình thức đi âm, khi đó thày mo như một con người khác, một con người của thế giới tà ma siêu phàm. Thày mo không nói tiếng Kháng mà dùng tiếng Thái để sai bảo mọi người trong nhà làm theo mình, sắp xếp lễ vật tiếp theo để thực hiện lễ cúng. Trong lúc thày mo đọc lời cúng tiến lễ vật và tìm hồn cho người bệnh, tiếng sáo phải vang liên hồi, hòa cùng lời cúng khấn, nếu như ngưng giữa chừng, rất có thể bị lỡ hết mọi chuyện, việc tìm hồn không thành, ảnh hưởng đến người bệnh.
Sau khi đã thực hiện các bài cúng tiễn đưa lễ vật xong, người nhà tiếp tục chuẩn bị lễ vật để xua đuổi những vận hạn rủi ro, giải hạn cho người bệnh, tìm hồn về để cầu mong sức khỏe cho người bệnh.
Thày mo cho người đi làm một cái thuyền bằng bẹ chuối hình quả trám dài khoảng 20cm, rộng khoảng 12cm, hai bên thành được cắm hai thanh tre nhỏ, mỏng, cao khoảng 20cm, đầu thanh tre được nối với nhau bằng một sợi chỉ đỏ.
Trên chiếc bè được đặt hai mái chèo bằng tre vót mỏng, dài khoảng 20cm, mỗi đầu thanh tre buộc một sợi chỉ đỏ ngắn, hai thanh tre này được cắm ở hai đầu thanh chèo. Sau đó, họ lấy đất bùn dẻo, nặn hình một con bò, một con dê, một tượng người nam, một tượng người nữ to bằng ngón tay cái, đặt lên bè. Hình dê, bò được đặt ở phía đầu bè, cắm cờ đỏ làm dấu, phía sau là hai tượng hình người bằng đất với tư thế ngồi, ngoảnh mặt vào nhau. Lúc này người bệnh cũng được đưa ra để con cháu dùng kéo cắt móng chân, móng tay. Người nhà lấy một miếng cót tre đan, khổ rộng 5cm, dài 8cm để cuốn những chiếc móng tay, móng chân của người bệnh lại, buộc nhiều vòng bằng dây chỉ đen sau đó đặt lên cuối bè, theo chiều ngang. Gói móng chân, móng tay được đặt lên bè chuối đó đưa hết những vận đen đủi của người ốm đi. Còn hình nộm người để gửi đi về với ma thay cho người bệnh (tương tự hình nhân thế mạng của dân tộc Kinh), hình bò, dê có thể coi như một món quà gửi về cho hồn ma tổ tiên để cầu mong sự phù hộ cho người thân trong gia đình hết ốm đau bệnh tật, khỏe mạnh, sống lâu.
Khi đã chuẩn bị đầy đủ, thày mo dẫn người bệnh ngồi vào mảnh vải, lấy một chiếc lạt tre dài khoảng 1,5m, buộc hai đầu lạt thành một vòng tròn xung quanh người bệnh. Sau đó thày mo ngồi niệm chú, giật tung chiếc lạt đó ra để tháo hết những vận hạn rủi ro xung quanh người bệnh.
Thày mo, ông thổi kèn sau khi làm phép xong sẽ được mời uống rượu cần, chuẩn bị cho những nghi lễ tiếp theo. Người nhà sẽ lấy một bát nước trong đó có ba loại lá: lì nạt, sa cáy, hạn đưa cho thày mo, thày mo cầm bát lên nhai lá rồi bất ngờ nhổ lên đầu người bệnh làm cho người bệnh giật mình, bệnh tật ẩn sâu trong cơ thể thoát hết ra ngoài.
Sau cùng, thày mo cầm nắm sợi dây chỉ ra khấn niệm chú rồi lấy một sợi giăng vào cổ người bệnh để làm bùa giữ thân và trừ ma. Số còn lại sẽ đưa cho các thành viên trong gia đình. Họ chia mỗi người một sợi dây, buộc vào cổ, tay cho người bệnh với lời chúc mạnh khỏe, sống lâu. Có người còn cho người bệnh tiền để lấy may mắn, vui vẻ. Lúc này gia đình mang một gói cơm nếp to cùng tám quả trứng vịt luộc đưa cho thày mo niệm chú, lấy một miếng cơm, một miếng trứng đưa lên miệng cho người bệnh ăn, sau đó tất cả con cháu đều chia nhau, đây được coi là cơm nhà ma thày ăn vào sẽ được khỏe mạnh tránh được ốm đau bệnh tật.
Nghi lễ chữa bệnh của người Kháng là một hình thức văn hóa dân gian rất kỳ bí, lý thú. Nó được lưu truyền trong cộng đồng từ đời này qua đời khác, dùng những lời chú để trừ tà ma, chữa các bệnh thông thường.
_______________
1, 2. Trần Hữu Sơn (chủ biên), Văn hóa dân gian người Kháng ở Tây Bắc, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2010.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016
Tác giả : MAN KHÁNH QUỲNH