Cùng với điêu khắc và kiến trúc, nghệ thuật hội họa là yếu tố không thể thiếu để tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh cho không gian cảnh quan nhà thờ, đặc biệt là những bức tranh ghép bằng thủy tinh màu. Được biết đến cùng với sự ra đời của các Thánh đường cách đây hàng trăm năm, những bức tranh kính này đã tự tỏa sáng, góp một phần quan trọng vào tổng thể thẩm mỹ của các nhà thờ.
Tranh kính vừa là tác phẩm mỹ thuật độc lập, vừa là một phần của kiến trúc nhà thờ bởi khu vực tranh kính giúp lấy sáng cho không gian bên trong Thánh đường. Tranh kính mang nội dung ngợi ca công đức, tinh thần của Chúa và truyền tải giáo lý tới chúng dân. Những giới hạn không gian do phải tuân thủ quy cách kiến trúc nhà thờ cũng như đề tài thể hiện không làm giảm đi nguồn cảm hứng bất tận của nhiều họa sĩ vẽ tranh kính. Trên thế giới, một số nghệ sĩ lớn từng tham gia vẽ tranh kính như: Jan Van eyck (1390-1441), Hieronymus Bosch (1450-1516), Michelangelo (1475-1564). Hầu hết các tác phẩm của họ thời điểm ấy là tranh sơn dầu hoặc mang hình thức bích họa/ tranh tường. Đối với chất liệu sáng tác có độ trơ và cứng như thủy tinh, thành công của tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào bàn tay tài hoa và sự cảm nhận tinh tế của người sáng tác. Vì vậy, những bức tranh kính hiện hữu trong không gian các Thánh đường luôn mang trong mình biết bao giá trị nghệ thuật độc đáo và đặc sắc.
Ở Hà Nội, không phải nhà thờ nào cũng được lắp đặt những bộ tranh kính mang giá trị nghệ thuật cao và chế tác theo kỹ thuật ghép kính châu Âu truyền thống. Ba trong số những nhà thờ được xây dựng sớm: nhà thờ Cửa Bắc (1925 -1930), nhà thờ Hàm Long (1934), nhà thờ Lớn Hà Nội (1884) nằm trong số rất ít nhà thờ may mắn sở hữu bộ tranh kính quý giá và hầu như còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Vì vậy, bài viết chỉ tập trung vào tìm hiểu, phân tích những tác phẩm tranh kính trong ba nhà thờ trên.
Đồng dạng về đề tài
Đầu tiên, giá trị nghệ thuật của những bức tranh kính trang trí trong nhà thờ Cửa Bắc, nhà thờ Hàm Long, nhà thờ Lớn Hà Nội đều đến từ chính chủ đề của tác phẩm. Các bức tranh thể hiện tiêu chí: “cuốn sách giáo khoa bằng tranh cho người không đọc được”, qua đó thể hiện quan điểm tôn giáo rõ ràng và đồng nhất. Như đã nói ở trên, tranh kính trong các nhà thờ chỉ thể hiện chủ đề duy nhất là các điển tích trong Kinh Thánh, ca ngợi Thiên Chúa.
Tại nhà thờ Cửa Bắc, có bốn bức tranh mô tả bốn vị đã được Giáo hội phong “Thánh”, trong đó có hai vị là người Việt Nam ở TK XIX.
Tại nhà thờ Hàm Long, chỉ có hai bức vẽ về hai vị Thánh, một người là vua nước Pháp, một người là hoàng hậu thuộc triều đại khác.
Tại nhà thờ Lớn Hà Nội, số lượng các bức tranh và đề tài đa dạng, phong phú nhất trong số ba nhà thờ, vì ngoài đề tài chung về các Thánh, tại đây còn có tranh mô tả các tích về Chúa, Đức Mẹ, các trích đoạn trong Kinh Thánh.
Tranh kính trang trí phía hông bên trái Thánh đường nhà thờ Cửa Bắc - Ảnh do tác giả cung cấp
Cùng chung chủ đề, giống nhau về hình thức song vị trí phân bổ những bức tranh kính ở ba nhà thờ lại khác hẳn. Ở nhà thờ Cửa Bắc, vị trí của những bức tranh kính là phía trong Cung Thánh và hai bức phía bên phải sát Cung Thánh. Ở nhà thờ Hàm Long, tranh kính có ở bên trong Cung Thánh, trên cao và chính giữa. Còn tại nhà thờ Lớn Hà Nội, vị trí của tranh kính được phân bố rải khắp mặt bằng gồm dọc hai bên hông nhà thờ, trong Cung Thánh và trên trán cửa chính dẫn vào Thánh đường. Dù ở đâu trong không gian nội thất của các thánh đường, vị trí dành cho tranh kính đều rất trang trọng, vừa với tầm mắt người, tạo nên sự choáng ngợp. Những bức tranh kính khúc xạ dưới ánh sáng mặt trời tạo nên một không gian sống động đa sắc màu, hư hư thực thực.
Đồng dạng về kỹ thuật
Dạng tranh ghép kính như những bức tranh trong nhà thờ Cửa Bắc, nhà thờ Hàm Long, nhà thờ Lớn Hà Nội không nằm trong hệ thống mỹ thuật truyền thống của người Việt. Bên cạnh đó, do đặc thù trong việc xây dựng nhà thờ, những bức tranh này không được sản xuất tại Việt Nam, nói theo cách khác, nó được các nhà chức trách đương thời đặt hàng từ nước ngoài mang về.
Các tranh này đều được tạo tác bằng kỹ thuật ghép mảnh kính màu tạo thành một bề mặt tranh hoàn chỉnh. Để hình thành tác phẩm, người nghệ nhân trên cơ bản là cắt mảnh thủy tinh thành những mảng màu theo phác thảo có sẵn, sau đó, dùng những đường nẹp chì chạy dài hình chữ H để cố định các miếng màu. Những đường nẹp chì đó cũng chính là đường nét của tranh kính, giúp định hình các mảng miếng, các khoảng trong tranh hay hình dáng của người và các vật.
Nhiệt độ đóng vai trò quan trọng, góp phần quyết định màu sắc trên kính, vì cùng tỷ lệ dung dịch thủy tinh nấu chảy và oxit kim loại như nhau, song nền nhiệt thay đổi khiến thủy tinh thành phẩm mang màu sắc không giống nhau. Bên cạnh đó, quá trình làm lạnh thủy tinh sau khi nấu cũng ảnh hưởng tới chất lượng màu sắc trên tấm kính. Do vậy, dù phương thức chế tác tranh giống nhau, các bức tranh ở mỗi nhà thờ vẫn mang những nét riêng bởi phụ thuộc vào trình độ của thợ/ nghệ nhân.
Tranh kính trang trí phía hông bên trái Thánh đường
nhà thờ Cửa Bắc - Ảnh do tác giả cung cấp
Trong một số tác phẩm tại nhà thờ Lớn Hà Nội, mặc dù màu sắc dưới hiệu ứng của ánh sáng trong trẻo và sắc nét nhưng những đường nét bao quanh nhân vật, hình thể nhân vật chính lại là những đường nẹp chì rất to, thô cứng, cộng thêm đường nét chạy ngang chịu lực cho các mảnh kính nhỏ bên trong khiến cho tổng thể bức tranh trông khá nặng nề, bức bối. Cũng kỹ thuật đó, cặp tranh tại Cung Thánh của nhà thờ Hàm Long vẽ về các Thánh Louis và Thánh Elisabeth De Hongrie (Thánh Eli-sabeth nước Hungary) có nét nẹp chì thanh thoát hơn hẳn. Mái tóc của Thánh Louis vốn là vua nước Pháp được mô tả mềm mại, duyên dáng, đúng nguyên mẫu của đàn ông quý tộc Pháp. Tấm áo choàng của Thánh Elisabeth De Hongrie, với những đường nẹp chì thanh mảnh, uốn lượn quanh hình thể nhân vật, khiến người xem có một cảm giác chiếc áo đó rất nhẹ và mỏng manh. Tổng thể của cặp tranh này mang lại cho người xem một sự nhẹ nhàng, êm ái, mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi hệ thống nét chì chạy ngang dọc khắp bề mặt tranh.
Một điểm chung nữa là do mỗi bức tranh kính thường có trọng lượng nặng, kích thước lại lớn và hầu như là tranh khổ dọc, dồn trọng lượng xuống, thay vì tranh khổ ngang, dàn trải trọng lượng, nên nguy cơ hỏng hóc rất cao, chính vì thế ở những tác phẩm cỡ lớn, phía sau (mặt áp ra phía ngoài) thường có thêm một lớp kính trong để chịu lực và giúp cản sự tác động của môi trường thiên nhiên vào tranh.
Đồng dạng về công năng sử dụng
Đối với mọi giáo đường trên thế giới nói chung cũng như ở các nhà thờ Cửa Bắc, nhà thờ Hàm Long, nhà thờ Lớn Hà Nội, việc đáp ứng yếu tố thẩm mỹ phải được xem xét trên nhiều khía cạnh. Ngoài những tiêu chí về phong cách kiến trúc, trang trí ngoại thất, cảnh quan sân vườn, một điều không thể thiếu là trang trí nội thất. Việc trang trí này rất quan trọng bởi vừa phải đảm bảo tính linh thiêng, vừa phải linh hoạt trong công năng sử dụng mà vẫn đáp ứng các yêu cầu về thẩm mỹ. Khi các giáo dân tới nhà thờ hành lễ, họ đến vì đức tin với Chúa, đồng thời họ cũng có nhu cầu hưởng thụ một không gian văn hóa tâm linh giàu tính thẩm mỹ.
Những bức tranh kính hiện đang được trang trí trong cả ba nhà thờ nói trên ở Hà Nội, ngoài chức năng truyền tới người dự lễ những cảm xúc tốt đẹp về Thiên Chúa, đã đảm bảo được những yếu tố mà các nhà thờ cần là cung cấp ánh sáng cho nội thất nhà thờ theo một cách riêng biệt: Ánh sáng tự nhiên rọi qua lớp kính đa sắc kết hợp đèn chiếu bên trong nhà thờ mang đến một cảm giác về không gian ảo ảnh, tạo nên sự đa sắc bí ẩn.
Có thể nói, những bức tranh kính này là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố nghệ thuật với công năng sử dụng trong môi trường nội thất của kiến trúc nhà thờ, khi nó vừa được dùng để trang trí nội thất, vừa là một phần của trang trí ngoại thất. Ban ngày, dưới ánh sáng mặt trời, tranh kính phát huy vai trò làm đẹp cho không gian bên trong nhà thờ, buổi tối, dưới ánh đèn hắt ra từ nhà thờ, các bức tranh kính cũng rực rỡ không kém, làm cho những bức tường thô cứng truyền thống của nhà thờ như giảm bớt sự nặng nề. Hiệu quả của ánh sáng kết hợp với màu phản chiếu của tranh kính tạo hiệu ứng không gian đa chiều vô cùng độc đáo. Cũng bởi nó là loại hình trang trí nghệ thuật nên cái khó của kiến trúc sư khi đưa tranh kính vào kiến trúc là sự kết hợp như thế nào để có thể đạt được hiệu quả cao nhất.
Các tác phẩm tranh kính tại ba nhà thờ này được giới chuyên môn đánh giá cao về mặt thẩm mỹ và độ tinh xảo về nghệ thuật. Kỹ thuật sử dụng trong kiến trúc và xây dựng các nhà thờ, đặc biệt là việc sử dụng các kỹ thuật giàn chống trong kết cấu mái vòm làm giảm đi tải trọng của các bức tường bên ngoài và có thể thay thế gạch bằng những mảng tường kính màu, càng nâng cao tính ứng dụng của sản phẩm này.
Thay lời kết
Trên đây là một số đặc điểm nổi bật của tranh kính ghép được sử dụng trong trang trí nội ngoại thất của nhà thờ Cửa Bắc, nhà thờ Hàm Long và nhà thờ Lớn Hà Nội. Những bức tranh kính thể hiện giá trị về mặt thẩm mỹ đặc trưng, tạo nên tính đa dạng và phong phú cho nghệ thuật trang trí trong nhà thờ. Không chỉ vậy, hệ thống tranh kính trong các nhà thờ tiêu biểu này còn đặc biệt bởi độ bền vững hàng trăm năm, bất chấp sự khắc nghiệt của thời gian và khí hậu mà ít chất liệu hội họa nào đạt được.
Ngoài vai trò truyền giáo bằng hình ảnh, tranh kính còn mang lại cho không gian nhà thờ ánh sáng biến hóa lạ lùng, trong trẻo, như đưa con người lạc vào thế giới huyền ảo, gây tác động mạnh mẽ vào tâm thức của con người khi đặt chân vào Thánh đường. Với những mảng màu nguyên sắc được lọc qua ánh sáng rực rỡ của mặt trời, kết hợp với tạo hình mang tính khái quát cao cùng với những họa tiết, hoa văn tượng trưng cho nhiều biểu tượng kinh thánh, các tác phẩm tranh kính được trang trí trong nhà thờ là những tác phẩm hội họa đặc sắc và độc đáo.
Với những giá trị như vậy, tranh kính nói chung và hệ thống tranh kính của nhà thờ Cửa Bắc, nhà thờ Hàm Long, nhà thờ Lớn Hà Nội nói riêng rất cần được gìn giữ, bảo tồn.
_____________________
Tài liệu tham khảo
1. Lê Văn Sửu, Nghiên cứu yếu tố trang trí trong tranh, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số 3, tháng 9-2014.
2. Nguyệt Hà, Nghệ thuật tranh kính, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2014.
3. Nguyễn Trân, Lịch sử Mỹ thuật thế giới, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1993.
4. Nguyễn Trường Kỳ, Đồ thủy tinh cổ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.
5. Nguyễn Việt, Nghệ thuật thủy tinh sớm ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số 1, tháng 3-2016.
6. Nguyễn Thị Bích Liễu, Tranh kính nhà thờ - Nghệ thuật đi cùng thời gian, Tạp chí Mỹ thuật, số 295 & 296, 2017
THS NGUYỄN THÙY DƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021