NGHỀ SƠN MÀI TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Nghề sơn được hiểu như một nghề truyền thống ở Việt Nam và có lịch sử lâu đời. Kết quả khai quật của các nhà khảo cổ học năm 1961 đã đào thấy trong ngôi mộ cổ Việt Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng nhiều công cụ bằng sơn như mái chèo có phủ hai lớp sơn trong đen, ngoài vàng... Cùng đó là chín cán giáo, một hộp chữ nhật đều được qua lửa rồi phủ sơn.

Kết quả khai quật của nhà học năm 1961 đào thấy trong mộ cổ Việt Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng, nhiều dụng cụ bằng sơn như phủ hai lớp sơn trong đen, ngoài vàng. Đó là, một hộp chữ nhật đều được qua lửa rồi phủ sơn.

Sử sách còn ghi lại rất nhiều điều có liên quan đến đồ sơn và nghề làm sơn. Sách Lược truyện thần tổ các ngành nghề của tác giả Vũ Ngọc Khánh có ghi phần truyện Ứng Long (đời Đinh Tiên Hoàng) đi dẹp giặc qua vùng Thanh Oai - Hà Tây đã dùng sơn quét lên mặt thúng để qua sông đánh đuổi thành công sứ quân Đỗ Cảnh Thạc (1).

Không chỉ dựa vào các dữ liệu mà bằng các hiện vật và thực trạng tồn tại đến ngày nay, chúng ta có thể minh chứng và khẳng định nghề sơn là nghề phát triển từ các thế kỷ trước. Thời kỳ phong kiến Đại Việt, nghề sơn đã phát triển rực rỡ với kỹ thuật pha chế sơn khá hoàn hảo, hầu khắp các xứ Đông, Nam, Đoài, Bắc đều có nghề sơn: xứ Đông có làng Hà Cầu (Đồng Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) nổi tiếng bởi hai nghề sơn và tượng; xứ Bắc có Đình Bảng (Tiên Sơn, Bắc Ninh) nổi tiếng với chất sơn then bóng, mịn; vùng Sơn Nam hạ có làng sơn quang Cát Đằng (nay thuộc Ý Yên, Hà Nam); vùng Sơn Nam thượng có làng Sơn Đồng Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội). Đặc biệt với vùng Hà Tây thuộc xứ Đoài xưa có mật độ các làng sơn khá đậm đặc: Chuyên Mỹ, Bối Khê, Bình Vọng, Hạ Thái, Văn Giáp. Sơ đồ địa điểm này cho chúng ta thấy, các làng nghề làm sơn phần lớn đều nằm trên một trục dọc cận kề với đường quốc lộ 1A. Bên cạnh việc mang đặc điểm chung về địa giới như vậy, trong mỗi làng lại có những bí quyết pha chế và kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm sơn khác nhau. Người thợ sơn làng Hạ Thái sử dụng sơn ta trong sản xuất các sản phẩm sơn son thếp vàng, đưa kỹ thuật sơn mài vào việc tạo ra các pho tượng phật và đồ thờ cúng mà dân gian thường gọi theo kiểu gỗ phủ sơn, sơn son thếp vàng. Ngoài ra người ta còn làm ra những hàng tiêu dùng bằng sơn mài như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm. Người thợ Sơn Đồng đã lấy gỗ làm tượng từ cây mít mộc mạc để biến hóa nó trở thành những pho tượng quý, mỗi bức tượng ở đây đều chứa đựng một tâm hồn dân tộc, phù hợp với kiến trúc chùa làng Việt Nam. Như từ trong quá khứ bước ra, sống động lạ thường là những tượng phật, tượng đức thánh, tượng các anh hùng hay các linh vật: ngựa, hạc, hoành phi câu đối, ban thờ... đều được tận dụng triệt để kỹ thuật sơn son thếp vàng, thếp bạc đậm chất linh thiêng huyền nhiệm. Để hoàn thiện được một sản phẩm hay một tác phẩm điêu khắc phủ sơn, người thợ Sơn Đồng phải là người có thay nghề cao, tư duy hội họa tinh tế và đặc biệt là phải thực hiện đầy đủ các công đoạn pha chế sơn và các kỹ thuật mài nhẵn, đánh bóng hoàn thiện. Tuy nhiên các làng nghề sơn mài vẫn có mối quan hệ khăng khít với nhau thông qua các nguyên liệu bằng việc hầu hết các làng nghề sơn thường đến làng Kiêu Kỵ (Gia Lâm) để lấy quỳ vàng, quỳ bạc, giấy dó của làng Đông Cao (Bắc Ninh), lấy vải màn của làng Đình Cả, lấy vóc hoặc sản phẩm chạm khắc của làng Phù Khê, lấy nguồn sơn thô của Phú Thọ, Yên Bái, lấy dầu trẩu, dầu trám của Lạng Sơn, Cao Bằng...

Kỹ thuật làm sơn mài hay còn gọi là công nghệ sơn mài có nguyên lý chung, nhưng chứa đựng trong đó là sự khác biệt về kinh nghiệm, cách thao tác của từng cá nhân, từng gia đình hay từng làng sơn. Kỹ thuật làm tranh khác với kỹ thuật làm tượng, đồng thời cũng khác hẳn với cách trang trí đồ vật, phủ sơn. Để hoàn thiện một sản phẩm sơn mài, người thợ sơn phải sử dụng các nguyên liệu chính như: sơn (khai thác từ cây sơn), dầu trẩu, dầu trám, nhựa thông (màu là màu của sơn mài cổ truyền với hai màu cơ bản là cánh gián đen và đỏ) bạc thếp, bạc dán, bạc xay và bạc dầm. Ngoài ra còn có cỏ trứng, vỏ trai, vỏ ốc, bột điệp... tạo ra những gam màu trắng và sáng.

Các công đoạn làm sơn cổ truyền, người thợ sơn thường chia ra các phần chính như: bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng. Trong đó cách làm hom vóc cần có các chất liệu như đất phù sa, bột đá, gỗ, giấy, vải màn và tạo dáng tùy theo đặc trưng của từng sản phẩm. Việc trang trí cũng dựa vào cách tạo dáng của cốt vóc đến gắn các chất liệu tạo màu như sơn đen (then), màu đỏ (son) hay màu trắng được gắn từ vỏ trứng, xà cừ, vàng bạc phủ sơn rồi lại mài. Khâu hoàn thiện chính là công đoạn đánh bóng. Như vậy, sơn mài truyền thống được mệnh danh là thứ chất liệu khó tính, được nhiều người ví như một cô nàng đỏng đảnh khó chiều bởi các khâu ủ, mài phụ thuộc vào thời tiết và những bất ngờ khi mài. Tuy nhiên tác phẩm sơn mài truyền thống thường để lại sự lộng lẫy, bền, độ sâu thẳm mà ít thấy trên các chất liệu khác.

Ngoài các làng nghề sơn mài nói trên thì thủ đô Hà Nội ngày nay vẫn là nơi tập trung các nguyên liệu phục vụ cho việc làm sơn mài, từ sáng tác tranh hội họa đến các dụng cụ làm đồ thờ cúng và trang trí khác. Hà Nội còn là trung tâm thương mại, là địa điểm trao đổi các sản phẩm sơn mài với các thể loại khác nhau, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Các phố như Hàng Hòm, Nam Ngư từ xa xưa đã được coi là nơi buôn bán sơn và đồ sơn vẽ và bày bán các sản phẩm từ đồ thờ trong chùa, đền, kiệu, mâm bồng, giường tủ. Việc hình thành, duy trì, lan tỏa nghề sơn và sản phẩm từ sơn có ở Hà Nội là do từ các thế kỷ trước đã có những người thợ sơn từ các làng nghề tuyền thống tại Hà Tây, Hưng Yên... di chuyển ra Hà Nội lập nghiệp. Ngày nay tại số nhà 11 phố Hàng Hòm, Hà Nội vẫn có ngôi đình Hà Vĩ thờ ông Lư (Lương) người làng Bình Vọng, Thường Tín, Hà Tây, là tiến sĩ, lương y. Trên đường đi sang Trung Quốc (làm tiền hộ) ông quan tâm học các nghề dân gian ở địa phương, trong đó có nghề sơn, và ông đem về truyền cho dân làng. Vì là người có công phát triển nghề sơn cổ truyền, nên ông được tôn là tổ nghề (2).

Vào những năm 1972-1975, các hãng sơn hóa học của Nhật Bản nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam. Việc quảng bá rộng rãi loại sơn này đã tạo điều kiện cho việc chế tạo thành công các loại sơn công nghiệp có thể thay thế các loại sơn mài cổ truyền do có ưu điểm, nhất là dễ dàng trong sản xuất tranh và sự biến đổi phong phú của màu sắc. Dù khó khăn, các làng nghề sơn vẫn có sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng. Kinh tế xã hội phát triển, văn hóa tín ngưỡng được coi trọng, chùa làng, đình làng được khôi phục, xây dựng nhiều hơn. Các làng nghề làm đồ thờ phát triển, có nhiều đơn đặt hàng hơn những giai đoạn trước. Đối với những sản phẩm thuộc lĩnh vực ứng dụng và nghệ thuật, các thợ sơn chỉ dùng một phần nguyên liệu sơn ta và một phần sơn hóa học của Nhật để phục vụ các đối tượng không sành về đồ sơn Việt Nam hoặc dành cho những khách hàng ham rẻ. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, đời sống nhân dân tuy có nâng cao hơn trước, nhưng những sản phẩm sơn mài truyền thống vẫn, kén chọn khách hàng. Nếu như người ngoại quốc thường đến Việt Nam để tìm mua những sản phẩm sơn mài truyền thống, thì khách hàng trong nước, một số người lại tìm đến những sản phẩm từ sơn Nhật, vóc không có vải, hom một đến hai lần rồi dùng sơn điều (chế từ hạt điều) để tạo phần nền, sau đó vẽ mỏng và phủ điều một lớp sơn bóng của Nhật hoặc dầu trẩu theo kiểu như làm tráp quả cưới hay quang nón. Các dòng sản phẩm được làm từ sơn Nhật này tuy không bền bằng kỹ thuật sơn truyền thống, ít tính nghệ thuật và thiếu độ sâu (vốn là ưu điểm nổi bật của sơn mài truyền thống) nhưng giá cả lại rất rẻ, có khi còn rẻ hơn tới 10 lần so với các sản phẩm của sơn mài truyền thống. Thử làm một bài toán kinh tế về sơn mài, để chúng ta có thể thấy được thực trạng của nghề sơn mài với cơ chế thị trường. Một bức tranh phong cảnh được bày tại một gallery ở Hà Nội được làm bằng chất liệu sơn mài truyền thống kích thước 150cm x 150cm với giá khoảng hơn 3.000 USD. Cạnh đó là bức tranh được làm bằng chất liệu sơn Nhật, kích thước nhỏ hơn chút ít, được đề bán với giá 300 USD. Điều đó cho thấy bên cạnh việc kỹ thuật, đầu tư chất liệu còn phải nói đến giá trị nghệ thuật, độ bền, chiều sâu ở từng tác phẩm, nhưng với người mua, chắc họ sẽ tìm đến sản phẩm làm từ sơn Nhật để khỏi phải nghĩ nhiều, phù hợp túi tiền và vẫn có trong tay sản phẩm sơn mài. Sơn Nhật đã thức dậy nhu cầu chạy theo thị trường làm sản phẩm sơn Nhật, nhanh, rẻ, giảm đi sự đầu tư về kinh phí, thời gian, và đặc biệt là dễ bán. Kỹ thuật sơn mài truyền thống bỗng ít trở thành phổ biến cho thị trường buôn bán, nhưng cũng thật độc đáo khi xuất hiện những tác phẩm và sản phẩm sơn mài được làm bằng kỹ thuật truyền thống. Kỹ thuật và nghề sơn truyền thống ở chừng mực nào đó, vẫn được bảo lưu, nguyên vẹn do tính ứng dụng đa dạng và hiệu quả thẩm mỹ trong đời sống thực tại của một đất nước đang trên đà phát triển nhưng luôn hướng về cội nguồn.

Ngoài những thực tại hiện tồn trong cơ chế thị trường như đã nói ở trên, nghệ thuật sơn mài truyền thống quả thực đã không dễ dàng bị mai một. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời (1925) tạo ra một gạch nối vô cùng quan trọng cho việc phát triển kỹ thuật sơn. Chuyển biến tích cực chính là các họa sĩ Đông Dương đã biết áp dụng rất hiệu quả tính trang trí của sơn ta thành chất liệu hội họa độc lập. Dấu mốc đó được đánh dấu bằng tác phẩm sơn mài Cành tre và bóng nước (1935) của họa sĩ Trần Quang Trân. Đó là việc đưa sơn ta vào sơn mài làm cho tranh sơn mài rung chuyển vì có không khí và ánh sáng, nghệ thuật phủ vàng son vừa hiện hữu vừa sâu lắng, bề mặt được phủ sơn cánh gián và mài nhẵn. Bản thân sơn là chất liệu phủ, nhưng nó có thể phản ánh được các tính năng như pha màu hoặc dán, gắn các chất liệu. Phần lớn các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương vẽ sơn mài với kỹ thuật có tiến trình cơ bản như từ làm vóc đến mài ủ, cách điều chế sơn, pha trộn, cách mài kết hợp với sự rung cảm của họa sĩ vào tác phẩm. Thành công của các họa sĩ sơn mài được đánh dấu ở từng giai đoạn từ hướng đi và phong cách hiện thực đến các phong cách hiện đại trừu tượng, ấn tượng, cũng như sự cách tân về kỹ thuật, đề tài mà các thế hệ sau tiếp thu, phát triển.

Chất liệu sơn mài truyền thống vẫn phát triển khá mạnh, nó không chỉ gây được cảm tình và có uy tín trên thế giới mà ảnh hưởng đến thực tế: tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đang duy trì việc đào tạo họa sĩ làm sơn mài. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tiền thân là Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cái nôi của hội họa Việt Nam, luôn coi chất liệu sơn mài truyền thống là một trong những môn học cơ bản nhất của nhà trường. Kỹ thuật sơn mài không chỉ dạy cho các sinh viên khoa hội họa, sư phạm mà còn được đưa vào chương trình học cho các sinh viên khoa lý luận và lịch sử Mỹ thuật, học viên nước ngoài như một thực nghiệm và tìm hiểu chất liệu. Đội ngũ giảng viên của trường nói chung, giảng viên sơn mài nói riêng đã tạo cho các thế hệ sinh viên một tình yêu với nghệ thuật sơn mài truyền thống. Nền kinh tế thị trường làm cho kinh tế đất nước có nhiều thay đổi và cũng ảnh hưởng không ít vào công tác đào tạo, sáng tạo nghệ thuật. Với bề dày truyền thống và những thành công của các thế hệ họa sĩ tên tuổi qua tranh sơn mài, việc đón nhận của công chúng vừa tạo thuận lợi vừa là thách thức mà các giảng viên, họa sĩ của trường phải gạn đục khơi trong, để giữ vững nhân cách người nghệ sĩ trong việc truyền thụ kỹ thuật sơn mài để nó luôn mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

_______________

1. Vũ Ngọc Khánh, Lược truyện thần tổ các ngành nghề, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990, tr.73, 74.

2. Trường Đại học Mỹ thụât Hà Nội, Sơn ta và nghề sơn truyền thống Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2002.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 325, tháng 7-2011

Tác giả : Chu Anh Phương

;