Cải lương là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống được nhiều thế hệ công chúng cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng ái mộ, trân quý. Thế nhưng, trong vài thập niên trở lại đây, nhịp độ phát triển năng động của thành phố dường như bỏ lại sau lưng loại hình nghệ thuật vốn dĩ hình thành và phát triển từ lâu đời tại vùng đất này. Nghề làm trang phục cải lương tồn tại song hành với bộ môn cải lương cũng dần mai một. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến trang phục cải lương cổ. Đó là loại hình trang phục sân khấu dành riêng cho nghệ sĩ khi sắm tuồng, đáp ứng yêu cầu của vở cải lương cổ, tái hiện không gian, thời gian, lịch sử, tính cách nhân vật trong cốt truyện xưa.
1. Các cơ sở thiết kế trang phục cải lương hiện nay
TP.HCM quy tụ hầu hết các cơ sở làm trang phục cải lương tuồng cổ, tập trung ở Quận 1, Quận 5, Quận 4, Quận Bình Thạnh… gắn liền với những gia tộc cải lương nổi tiếng một thời, sản sinh nghề làm trang phục cải lương.
Hiện nay, tại TP.HCM ước tính có khoảng trên dưới 50 nghệ nhân làm nghề thiết kế trang phục cải lương. Trong đó, số lượng nghệ nhân chuyên nghiệp chiếm khoảng 60%. Số còn lại là các nghệ nhân không chuyên chỉ thiết kế trang phục khi cần thiết, phục vụ nhu cầu cá nhân.
Mỗi cơ sở trang phục nói chung, mỗi nghệ nhân nói riêng có sở trường thiết kế khác nhau. Điều này giảm đi yếu tố cạnh tranh giữa các cơ sở làm nghề. Theo đó, các vở diễn lớn thường quy tụ nhiều cơ sở trang phục kết hợp với nhau để cung cấp số lượng lớn trang phục phục vụ cho vở diễn, tạo nên đặc trưng riêng giữa các cơ sở trang phục.
Trên thực tế, nghề làm trang phục cải lương phụ thuộc rất lớn vào các vở diễn cải lương. Tuy nhiên, trong vài thập niên trở lại đây, cải lương gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các vở diễn dần chuyển sang đề tài xã hội để giảm thiểu chi phí. Đứng trước thách thức lớn về đầu ra của sản phẩm, một số cơ sở trang phục chuyển sang thiết kế trang phục cho các loại hình nghệ thuật khác.
Ngoài ra, các cơ sở trang phục còn tập trung hướng đến thị trường nước ngoài, ở các quốc gia đông người Việt sinh sống. Các trung tâm băng nhạc lớn, các nghệ sĩ cải lương ở hải ngoại là khách hàng được chú trọng. Đây mới là thị trường tiềm năng, trong khi thị trường trong nước chủ yếu là thuê mượn trang phục.
Về giá thành sản phẩm, mỗi bộ trang phục cải lương tuồng cổ có giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy theo từng nhân vật và yêu cầu của khách hàng. Một bộ trang phục ngoài việc đảm bảo đầy đủ các yêu cầu của vở diễn còn phải phù hợp với người sử dụng. Thông thường, mỗi bộ trang phục cho thuê dao động từ 200.000 - 1.000.000 đồng, tùy loại.
Trên thực tế, ngoài khoảng thời gian diễn ra các lễ hội lớn, thu nhập của các cơ sở trang phục rất ít và bấp bênh. Giá thành các bộ trang phục cải lương cổ tương đối đắt tiền. Vì thế, nguồn thu nhập chủ yếu của các cơ sở trang phục hiện nay dựa vào việc cho thuê trang phục, đồng thời cung cấp các dịch vụ trang điểm, sắm tuồng… cho nghệ sĩ để tăng thêm thu nhập. Các nghệ nhân đa số phải làm thêm nghề tay trái mới có thể đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, họ vẫn bám giữ nghề trong niềm trăn trở.
Nhìn chung, nghề làm trang phục cải lương ở TP.HCM đang hoạt động cầm chừng một số cơ sở nhỏ lẻ có nguy cơ lụi tàn. Đội ngũ nghệ nhân kế thừa nghề lâm vào tình trạng khủng hoảng. Do đặc trưng riêng của nghề về phương thức lưu truyền, công tác đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các cơ sở trang phục lưu truyền nghề theo phương thức cha truyền con nối, không truyền nghề cho người ngoài gia tộc. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với nghề. Nếu không tìm ra phương thức truyền nghề phù hợp, nghề có nguy cơ mai một theo thời gian. Để bám trụ với nghề, các cơ sở trang phục ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật mới trong sản xuất để rút ngắn quy trình chế tác, hạ giá thành sản phẩm.
Trước kia, nguyên liệu sản xuất chủ yếu là các loại vải thô, đá, cườm, kim sa, kẽm… nghệ nhân phải kết từng chi tiết bằng tay. Ngày nay, với nguồn nguyên liệu phong phú, cùng việc ứng dụng các công nghệ vẽ, in lụa, thêu máy, thêu vi tính, vẽ keo, kim tuyến… nên nghệ nhân chỉ mất từ 1 - 10 ngày để hoàn thành một bộ trang phục. Nghệ nhân phải học cách chế tác nhiều loại trang phục của các dân tộc hay trang phục múa, lễ tân… phục vụ nhu cầu văn hóa, văn nghệ.
Nghệ nhân có nhiều cơ hội tiếp xúc nghiên cứu trang phục qua các phòng trưng bày, bảo tàng, công trình nghiên cứu để tạo ra nhiều loại trang phục đúng với thời gian, không gian, bối cảnh lịch sử, góp phần làm tăng giá trị văn hóa của trang phục. Sự thành công về trang phục của các vở diễn dã sử như: Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng trống Mê Linh, Câu thơ yên ngựa, gần đây nhất là Chất ngọc không tan đã khẳng định trình độ tay nghề của các nghệ nhân, qua sự thông hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc. Từ đó, các đoàn làm phim truyện lịch sử Việt Nam tin tưởng giao cho nghệ nhân thiết kế trang phục và được đánh giá cao cả về hình thức lẫn nội dung.
Các nghệ sĩ trong và ngoài nước thường tập trung về TP.HCM mua, thuê trang phục biểu diễn với nhu cầu cao về trình độ thẩm mỹ cũng như chất lượng sản phẩm. Đây là thị trường chính cung cấp trang phục cải lương trên cả nước. Gần đây, các Việt kiều về nước thu mua nhiều loại trang phục cải lương tuồng cổ sang nước ngoài để sử dụng, bán, tham dự triển lãm, tạo điều kiện cho các nghệ nhân thu nhập kinh tế. Bên cạnh những thuận lợi, nghề làm trang phục cải lương còn gặp phải nhiều thách thức, đứng trước nguy cơ mai một nếu không có những hướng đi, giải pháp đúng đắn để bảo tồn.
Khó khăn chung của cải lương, trong hơn mười năm trở lại đây, đó là sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới truyền hình, sự du nhập ồ ạt của nhiều loại hình nghệ thuật phương Tây như pop, rock…, phim ảnh Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc… làm giảm dần số người xem cải lương ở rạp. Mặt khác, cải lương trì trệ trong công cuộc đổi mới từ nội dung đến hình thức, “thiếu tính nhạy bén với cuộc sống đang trên đà phát triển công nghiệp, tiết tấu cải lương có phần chậm chạp, rề rà, không đáp ứng được thị hiếu ngày càng đa dạng của khán giả” (1). Để giảm bớt chi phí vở diễn, nhất là trang phục, đề tài cải lương chuyển sang các vấn đề xã hội nhưng vẫn không thu hút được khán giả. Một số vở cải lương dễ ăn khách hơn lại không có nhiều kinh phí đầu tư cho trang phục, dàn cảnh trên sân khấu. Đó là một thực trạng khó khăn ảnh hưởng lớn đến nghề làm trang phục cải lương.
Thời cải lương hưng thịnh, sân khấu sáng đèn, nghề may trang phục phát triển. Các nghệ sĩ nổi tiếng thường đặt may đồ riêng. Bên cạnh đó, thị trường chủ yếu là các đoàn hát, đoàn làm phim cải lương, ca nhạc, phim truyện truyền hình, các trường sân khấu, những hội diễn văn nghệ, những chương trình sân khấu hóa… thuê mượn trang phục.
Gần đây, trang phục của một số đoàn cải lương bị báo chí phê bình giống phim ảnh Hồng Kông, Đài Loan. Nhưng đến nay, các nghệ sĩ may phục trang sân khấu vẫn chưa thể góp phần khôi phục lại giá trị đích thực gắn với nền văn hóa Việt. Các đạo diễn, người chỉ huy nghệ thuật của vở diễn và đoàn hát hiện nay rất ít chú trọng đến trang phục. Những vấn đề này đã dẫn đến việc không tôn trọng tính lịch sử hay tính chất nhân vật thông qua phục trang sân khấu, có thể vài chi tiết nhỏ không phù hợp của trang phục cũng làm hỏng cả vở diễn.
Đối với các cơ sở làm trang phục, muốn duy trì nghề phải đầu tư vốn. Tuy nhiên, quá trình thu hồi vốn rất lâu. Để giữ mối làm ăn lâu dài, khi có yêu cầu may đồ cho thuê làm vở mới, các nghệ nhân phải đáp ứng ngay, nhưng đôi khi trang phục chỉ cho thuê được một lần vì tính đặc thù của nó. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn, không có tài liệu chính quy hướng dẫn việc thiết kế trang phục. Các nghệ nhân gặp khó khăn trong việc tìm hiểu trang phục. Đôi khi gặp nhiều sai sót trong một số chi tiết liên quan đến lịch sử, dân tộc. Khó khăn lớn nhất của các nghệ sĩ may phục trang sân khấu là sự phá giá của một số người mua bán trang phục khiến cho công lao động và giá trị của từng kiểu trang phục sân khấu bị rớt giá.
Hiện nay, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa được áp dụng đối với nghề làm trang phục cải lương ở TP.HCM. Các nghệ nhân cũng chưa được phổ biến chính sách pháp luật dành cho nghề thủ công truyền thống. Đây là một hạn chế lớn đối với nghề.
2. Giải pháp phát triển nghề thiết kế trang phục cải lương.
Trong hoạt động bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, Thông tư số 116/2006/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07-7-2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, có các tiêu chí công nhận nghề truyền thống, nghề làm trang phục cải lương được xếp vào loại hình nghề truyền thống cần được bảo tồn và phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, nghề đã tồn tại hơn 50 năm. Sản phẩm của nghề mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với hệ thống trang phục cải lương đồ sộ, phong phú và đa dạng. Nghề gắn liền với tên tuổi của các đại gia tộc cải lương ở TP.HCM: Huỳnh Long, Bầu Thắng - Minh Tơ, Thành Tôn… Đồng thời nghề gắn với tên tuổi của nhiều nghệ nhân nổi tiếng như Tám Trống, Công Minh, Kim Phượng, Bạch Nga, Bảo Ly, Trường Sơn, Bo Bo Hoàng, Thành Châu… Bản thân nghệ nhân cũng là nghệ sĩ nổi tiếng.
Nghị định số 98/2010/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật di sản văn hóa và luật sửa đổi, bổ sung luật di sản văn hóa, tại khoản 1, điều 2 quy định di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: “tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian”. Như vậy, nghề làm trang phục cải lương được xếp vào loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Nếu nghề được công nhận theo luật di sản sẽ có những thuận lợi trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghề. Đồng thời, nghề sẽ được đảm bảo quyền lợi theo quy định của Nhà nước.
Nghị định số 98/2010/NĐ-CP tại khoản 1, điều 9 quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thực hiện theo quy định tại điều 3, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật di sản văn hóa: “Danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú để tặng cho cá nhân có công bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể” (2). Việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân sẽ giúp các nghệ nhân được hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Các nghệ nhân “được hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi về không gian, mặt bằng để tổ chức các hoạt động truyền dạy, trình diễn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm; được giảm hoặc miễn thuế đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về thuế; được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng và những ưu đãi khác nếu có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn” (3). Các nghệ nhân nên lập hồ sơ đệ trình các cơ quan công nhận nghề truyền thống, xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú để hưởng quyền lợi, chính sách của Nhà nước.
Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cần đưa hoạt động sân khấu, nghệ thuật vào chuẩn mực khoa học. Ứng dụng các công trình nghiên cứu nghệ thuật vào thực tiễn nghệ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả thực tiễn của các công trình nghiên cứu. Đồng thời, giám sát việc sử dụng trang phục không chỉ riêng sân khấu cải lương mà ở lĩnh vực điện ảnh, kịch nói… về đề tài lịch sử.
Về phía Hội Sân khấu TP.HCM, nên có những buổi hội thảo bàn về nghề làm trang phục cải lương trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, thảo luận về vấn đề trang phục trên sân khấu trước thực trạng sử dụng trang phục không đúng cách, không đúng lịch sử của bộ phận nghệ sĩ trẻ hiện nay. Nên có những công trình nghiên cứu đưa ra quy định về cách may trang phục, họa tiết phù hợp với từng thời đại, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở trang phục, nghệ nhân hoàn tất thủ tục, đệ trình Nhà nước công nhận nghề truyền thống, nghệ nhân ưu tú, thúc đẩy bảo tồn và phát triển nghề. Cần có sự phối hợp giữa các nhà hát nghệ thuật truyền thống với ngành du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trình diễn, bảo tồn loại hình cải lương, phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp. Đặc biệt, Bộ GDĐT, Bộ VHTTDL cần phối hợp cải tiến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận cho sân khấu truyền thống, bao gồm soạn giả, đạo diễn, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân may trang phục, họa sĩ thiết kế sân khấu… Mở rộng khai thác các nội dung cổ điển để tăng cường thêm sự đa dạng của tuồng tích, trang phục cải lương...
Vấn đề trang phục cải lương từ lâu đã được các nhà nghiên cứu phê bình đưa ra các giải pháp khắc phục khuyết điểm. “Khi soạn một bổn tuồng về thời đại nào, nên tìm trong sách vở lưu trữ tại thư viện hay viện bảo tàng, để thấu đáo cách ăn mặc, từ quần áo đến nón mũ, giày dép của những nhân vật trong thời đại ấy” (4). Trách nhiệm thuộc về những người làm nghệ thuật, nhất là các nghệ nhân may trang phục. Nếu trang phục phản cảm sẽ gây bất mãn cho khán giả, phá vỡ hiệu quả của vở diễn. Đồng thời, trang phục không đúng với thời đại, giai đoạn lịch sử sẽ tạo nên sự nhận thức lệch lạc cho người xem.
Những người có trách nhiệm về cách dàn cảnh, trang trí và phục sức “nên quan sát kỹ càng các chi tiết của vở tuồng phù hợp với hoàn cảnh, thời gian và không gian, vì khán giả ngày nay có con mắt thẩm mỹ tinh đời” (5). Các nghệ nhân may trang phục phải chú ý việc nghiên cứu, tìm hiểu các cứ liệu lịch sử để thiết kế trang phục.
Các cơ sở trang phục nên thành lập một tổ chức hội hay câu lạc bộ để trao đổi cách thức chế tác trang phục, hỗ trợ các hội viên về phương diện kỹ thuật, hành chính. Tổ chức này có những quy định, quy ước về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng trang phục qua các thời đại lịch sử, cũng như các thể loại tuồng tích Tàu, Việt, Mông Cổ, Ấn Độ, Ba Tư, Nhật Bản…
Các nghệ nhân khi thiết kế trang phục nên có những quy ước, ký hiệu sản phẩm khi thiết kế sao cho khách hàng nhận biết được hàng Việt Nam. Kêu gọi sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, hướng dẫn các cơ sở trang phục nghiên cứu thị trường. Đồng thời, cải tiến công nghệ may trang phục nhanh hơn, kinh tế hơn để có thể đứng vững trước những yếu tố cạnh tranh trang phục.
Kết hợp với các cơ sở đào tạo dạy nghề, xây dựng chương trình đào tạo các thế hệ nghệ nhân kế cận. Đội ngũ kế thừa vững chắc, đủ mạnh sẽ góp phần bảo tồn và phát huy nghề, tránh nguy cơ mai một, thất truyền. Nghề phải được đào tạo chính quy, bài bản, các nghệ nhân thiết kế trang phục có chứng chỉ hành nghề nhằm khẳng định tay nghề của nghệ nhân, uy tín của nghề.
Liên kết với các công ty du lịch, thiết kế tour du lịch văn hóa, đưa khách du lịch đến các phòng trưng bày trang phục tham quan quy trình thiết kế, mặc trang phục chụp ảnh lưu niệm với bối cảnh được thiết kế sẵn. Các nghệ sĩ có thể hướng dẫn du khách mặc trang phục đi vài thế võ, đường quyền, tạo dáng theo nhạc để quay hình lưu niệm… Muốn thực hiện điều này, cần có sự kết hợp nghiên cứu nhằm xây dựng được chương trình phù hợp, chuyên nghiệp, đảm bảo các quy định của pháp luật về nghệ thuật biểu diễn và du lịch.
Nghề làm trang phục cải lương có thể giúp đa dạng hóa các loại hình du lịch trên địa bàn TP.HCM, đồng thời, quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của vùng Nam Bộ nói chung, Sài Gòn - Chợ lớn xưa hay TP.HCM hiện nay nói riêng đối với du khách trong nước. Qua nghệ thuật sân khấu cải lương, du khách quốc tế sẽ được giới thiệu về bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam với những con người tài hoa, giá trị văn hóa độc đáo, đời sống tinh thần phong phú.
_______________
1. Cao Tự Thanh, Hồng Duệ, Hoàng Mai, Sân khấu cải lương, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2007, tr. 304.
2, 3. Luật Di sản Việt Nam sửa đổi bổ sung 2010.
4, 5. Trần Văn Khải, Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr.88, 89.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ TÂM ANH - NGUYỄN NGỌC SANG