Từ ngày 16 đến ngày 19 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021 thiết thực chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chào mừng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV. Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ giao lưu, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mang đậm bản sắc của dân tộc mình, góp phần bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đến với nhân dân và du khách.
Chương trình nghệ thuật Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra tại Quảng trường Khu các làng dân tộc III ngày 16-4. Các loại hình văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh được trình diễn như: thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; hát xoan Phú Thọ; dân ca quan họ Bắc Ninh; ca trù; dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; Nhã nhạc cung đình Huế; nghệ thuật bài chòi Trung Bộ; không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; đờn ca Tài tử Nam Bộ. Bên cạnh đó, Hội nghị Tổng kết 5 năm tổ chức hoạt động hằng ngày của đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được tổ chức vào ngày 16-4 nhằm tổng kết và đề xuất phương thức hoạt động, cơ chế, chính sách, sự phối hợp của các Bộ, ban ngành, địa phương trong việc huy động nghệ nhân dân tộc ở các địa phương tham gia hoạt động hằng ngày tại Làng trong thời gian tới. Đặc biệt, triển lãm, trình diễn nhạc cụ các dân tộc nhằm giới thiệu các nhạc cụ độc đáo của các dân tộc Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Các lễ hội, phong tục, tập quán của các dân tộc cũng được tái hiện như: tái hiện lễ rước nước (phục ruộc) trong lễ hội Kinh Dương Vương vị vua Thủy tổ Việt Nam; tái hiện lễ Bỏ mả (Pơ thi); trình diễn loại hình diễn xướng dân gian Mo Mường; tái hiện lễ mừng lúa mới Kin Khẩu hó; tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây và các hoạt động mừng vui ngày Tết.
Ngoài ra, hoạt động của cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hằng ngày cũng được tổ chức nhằm giới thiệu, tái hiện nét văn hóa truyền thống: nghi lễ, trang phục, dân ca, dân vũ, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, trò chơi, phong tục tập quán… tại chính không gian ngôi làng của dân tộc mình. Văn hóa du lịch, nét đặc sắc của ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hình ảnh áo dài truyền thống Huế cũng được giới thiệu tới đông đảo du khách. Buổi tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn Chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số được thực hiện theo kế hoạch của Vụ Văn hóa dân tộc.
Tác giả: Liên Hương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021