Mùa xuân nho nhỏ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Nhân dịp đầu xuân, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức các hoạt động với chủ đề Mùa xuân nho nhỏ từ ngày 1 đến 31-3 hướng tới các ngày kỷ niệm: Quốc tế phụ nữ 8-3, Quốc tế hạnh phúc 20-3, thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26-3, đồng thời khơi dậy tình yêu biển đảo Tổ quốc. Các hoạt động thu hút sự tham gia của gần 100 đồng bào đến từ 14 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) cùng 12 địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày.

Ảnh minh họa: Tuấn Minh

Không gian biển đảo trong lòng Ngôi nhà chung tổng hợp trưng bày ảnh giới thiệu biển đảo quê hương đến khách du lịch, đặc biệt là thế hệ trẻ thông qua âm thanh, hình ảnh, hiện vật, phim tài liệu phong phú. Hoạt động chuyên đề Xuân trên bản mường mang đến chương trình giao lưu Tiếng hát mùa Ban - là một chương trình nghệ thuật tổng hợp của các nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái qua các hoạt động âm nhạc, diễn xướng kể về câu chuyện hoa ban, vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc khi mùa hoa ban nở. Đồng thời giới thiệu ẩm thực từ hoa ban và vẻ đẹp hoa ban qua hình ảnh người con gái Thái. Vào cuối tuần, chương trình Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang mang đến các tiết mục ca múa nhạc về mùa xuân dân tộc, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Tây Nguyên. Với sắc hoa cà phê trắng muốt, hình ảnh của những cây Pơ lang vươn mình trong nắng tháng ba, đồng bào dân tộc Tây Nguyên muốn giới thiệu cây cà phê, hoa cà phê, kỹ thuật rang xay cà phê và cùng du khách thưởng thức những ly cà phê bên tiếng cồng chiêng, vòng xoang Tây Nguyên. Vẻ đẹp của người phụ nữ Tây Nguyên cũng được giới thiệu qua trang phục Em là hoa Pơ lang. Đặc biệt, nghi thức cộng đồng Buôn làng vào hội của các làng dân tộc Tây Nguyên được tái hiện tại Ngôi nhà chung ngày 28-3. Các hoạt động về đức hạnh của người phụ nữ, về hạnh phúc gia đình của đồng bào dân tộc và về thế hệ trẻ luôn được ưu tiên. Tăng cường giới thiệu các nghề thủ công truyền thống có sự thao tác của người phụ nữ để từ đó làm nổi bật nét sinh hoạt cũng như phẩm chất, đức hạnh của mỗi nếp nhà đồng bào dân tộc theo vùng miền đất nước. Bên cạnh đó, các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, hội xuân, chương trình du lịch homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... diễn ra sôi nổi nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Các hoạt động sẽ tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID - 19.

Tác giả: Liên Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

 

;