MƯỜNG XIA VỚI LỄ HỘI THỜ THẦN

 

Người Thái Việt Nam có tục thờ thần, gọi thần là phi xân. Thần là các thế lực siêu nhiên phù hộ, bảo vệ cuộc sống con người. Thần có hai loại là nhiên thần và nhân thần. Nhiên thần bắt nguồn từ các nhân vật trong Toi ắm oóc nặm đin. Đó là bảy anh em ẳm ệch, đi săn cầy gò Xác, đi săn nác gò Ngang, nhờ ruồi trâu bay lên trời, học được cách xát cây ra lửa, nướng chín thức ăn, bữa ăn ngon lành, con người khoẻ mạnh hơn. Sau khi ăn xong một bữa ngon lành họ đã chia nhau đi ở nhiều nơi, trở thành bảy ông thần phù hộ cho người. Đó là: thần hang sâu, núi cao, thủy thần, thổ công, ông táo, cây cổ thụ, và thần mái nhà. Mỗi khi thờ các thần này, thày cúng phải có đoạn kể lể về nguồn gốc của các thần, bắt đầu từ bảy anh em ẳm ệch săn được thịt về phải ăn sống nuốt tươi, nhờ ruồi trâu lên trời học được cách xát lửa, dùng lửa nướng chín thức ăn, ăn xong, bảy anh em chia nhau đi mỗi người một nơi và trở thành bảy vị thần.

Ông về làm tạo hang sâu thăm thẳm

Giữa núi mây vờn, sườn núi mây bay

Ông ở trên đỉnh non cao chót vót

Làm tạo giữ rừng, trên chóp núi cao,

Ông ở đất bằng, làm thổ công thổ địa

Người về làm tạo bếp, ông táo , ông công

Ông lên mái nhà làm Quan Lang Sát

Ông nằm dưới cát, đầu bẹp, mình vằn

Nằm dưới sông, làm thần thủy tộc

Ông ở gốc cây to, gò cây lớn

Ai ốm chạy đến cầu, ai đau chạy đến chữa,...

(Toi ắm oóc nặm đin, bản dịch của Hà Nam Ninh)

Nhân thần là linh hồn của những người được cộng đồng kính trọng, tôn thờ, được phân thành ba loại: thần lớn (xân luống tín tại, xân ái tín viêng) là những người có công với nước; thần bản mường (kháu bán cón pín cộc, tộc mương cón pín tạo) tương tự như thành hoàng của người Việt; thần dòng họ, là người có danh giá trong dòng tộc (cộc khứ mạy mai, pái kháng mạy xóng). Nếu như người Thái Tây Bắc thường để tâm nhiều đến các nhân thần huyền thoại như Nàng Han, Chương Han, Nàng Ủa, thì ngược lại người Thái Thanh Hóa chủ yếu là thờ các nhân vật lịch sử như: vua Lê Lợi, Tư Mã Hai Đào, Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước, Hà Văn Nho. Tuy có thờ Nàng Han ở Chiềng Vạn (Thường Xuân), Nàng Ủa Tiếm ở mường Ca Da (Quan Hóa), nhưng chỉ có quy mô nhỏ, có lẽ là dị bản từ Tây Bắc đưa vào.

Về hình thức tổ chức, người Thái Tây Bắc tổ chức thờ thần dưới dạng xin bản, xin mường (cúng cầu phúc cho bản mường), nơi đặt lễ tại trước cửa rừng thiêng. Còn người Thái Thanh Hóa lại hình thành một loạt nơi thờ tự, gồm có nhà thờ thần của mường, poọng, bản, dòng họ, gọi là thiềng xân, miếu thờ các thần lớn ở nơi bản doanh cũ, trong hang động. Việc tế thần diễn ra đồng loạt ở tất cả các địa điểm trong vòng vài ba ngày. Ở vùng mường Ca Da, mường Ký, mường Khoòng (huyện Bá Thước) tế thần và lễ hội vào tháng 8 âm lịch, gọi là lễ hội Căm Mương. Trong các lễ hội này có sự kết hợp giữa lễ hội nguyên sinh cầu mùa màng và giỗ vua “hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi”. Vùng Chiềng Vạn (Thường Xuân) kết hợp thờ danh nhân yêu nước người Thái là Cầm Bá Thước với thờ trời đất và các vị thần quanh mường, tổ chức thành lễ hội long trọng vào đầu tháng giêng hàng năm. Bài viết này sẽ giới thiệu vùng Mường Xia (Quan Sơn) với lễ hội thờ các thần xung quanh núi Pha Dua, nhất là vị thần tình yêu với thờ Tư Mã Hai Đào.

Theo một số cuốn sách cổ và tài liệu của một số cụ lớn tuổi thuộc xã Mường Mìn, Mường Xia (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) ghi lại, lễ hội Mường Xia gắn với nhân vật lịch sử huyền thoại trong cộng đồng người Thái ở xứ Thanh là Tư Mã Hai Đào. Hai Đào là người ở Mường Đào - Mường Khô xưa (nay thuộc xã Điền Quang, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn, có những phẩm chất hơn người như võ thuật, múa kiếm, chơi đu, chọi cù từ lúc còn nhỏ. Lớn lên chàng có tướng mạo phi phàm, dáng người cao lớn và tinh thông võ nghệ... Năm ấy, triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ anh tài, giúp vua diệt giặc ngoại xâm, Hai Đào đã xuôi về kinh kỳ xin được tham gia hội thi. Trong võ đài năm ấy, chàng trai miền sơn cước đã đánh thắng tất cả các đối thủ tranh tài và được công chúa đem lòng yêu thương. Nhìn tướng mạo phi phàm, oai phong lẫm liệt của Hai Đào, nhà vua đã chấp thuận sự lựa chọn của công chúa. Hai Đào trở thành phò mã, tên gọi Tư Mã Hai Đào của chàng có từ đấy. Từ một kẻ nghèo, mồ côi ở chốn núi rừng xa xăm nay trở thành phò mã, lại được vua ban cho thày dạy học hành chu đáo, phò mã Hai Đào trở thành một người văn võ song toàn, nguyện đem hết tài năng của mình báo đáp vua cha, phục vụ giang sơn, đất nước.

Đúng vào lúc ấy, vùng biên giới nước ta bị giặc ngoại xâm rình rập, cướp phá, nhân dân đói khổ lầm than. Phò mã Hai Đào lập tức xin phép vua cha cho được cầm quân diệt giặc. Vua đồng ý sắc phong tướng quân cho chàng và cấp lương thực, vũ khí, voi, ngựa. Hai Đào vui mừng trở về triệu tập thêm binh Mường, rèn luyện vũ khí, chờ ngày tốt xuất quân lên biên giới để trấn giữ biên cương (vùng Tén Tằn, Mường Lát, Thanh Hóa ngày nay). Đoàn quân của Hai Đào đánh thắng nhiều trận giòn giã. Thừa thắng quân ta đuổi lũ giặc ra khỏi biên cương. Để cứu nguy, quân giặc liền mang ra cái coọng thần - một loại nhạc cụ giống như cái chiêng, chờ quân ta xông trận chúng đánh coọng lên làm quân sĩ bủn rủn chân tay, đầu óc quay cuồng. Trước tình thế đó, Hai Đào liền phái hai tướng ót Đanh, ót Đọ (hai tướng giỏi trong các tướng lĩnh của Hai Đào và cũng là hai anh em ruột) có võ nghệ tinh thông đột nhập vào đồn giặc dùng mưu kế đánh tráo coọng thần. Bằng sự mưu trí, gan dạ và dũng cảm hai tướng đã lấy được coọng thần của giặc mang về doanh trại. Hôm sau, Hai Đào lại dẫn quân xông lên đánh giặc. Lũ giặc cậy có coọng thần nên vẫn ung dung chờ quân ta lên gần đến nơi mới đem ra đánh, nhưng coọng thần không còn phát huy tác dụng, chúng thua chạy tan tác. Từ đó, quân giặc xin đầu hàng, rút lui mãi mãi về đồi Phân Mao - nơi núi phân chia ranh giới. 

Đất nước trở lại thanh bình, Hai Đào ban thưởng cho ót Đọ về làm Đạo Mường Chanh, ót Đanh về làm Đạo Xim Pùng và đặt tên cho bản người Thái nơi phát lệnh đánh coọng thần thắng giặc là bản Chiêng Côông. mã Hai Đào được vua phong tước Tư mã Biên phòng. Trong thời gian trấn ải biên cương, Hai Đào đã qua lại nhiều lần trên đất mường Xia, thấy cảnh đẹp hữu tình, đất đai trù phú nên ông đã chọn mường Xia làm thủ phủ. Ông cũng xin vua cho lập Chu Sàn. Từ đó Mường Xia lại tấp nập, cư dân bỏ mường ra đi nay lại kéo nhau về ngày càng đông hơn, số hộ di cư sang mường Bén, mường Xôi (Lào) sinh sống cũng lần lượt quay về. Mường Xia lại sầm uất hơn xưa. Sau khi ông mất, người dân mường Xia đã an táng ông tại một trong những hang động của núi Pha Dùa. Tuy nhiên nơi an táng ở hang động nào của núi Pha Dùa đến nay vẫn còn là điều bí ẩn chưa ai tìm ra. Cũng từ đó, dân bản mường Xia gọi ông là thần Tư Mã ở Pha Dùa. Hiện nay, tại bản Chung Sơn vẫn còn dấu vết của đền thờ tướng quân Hai Đào cùng với những dấu ấn ao vua, cây đa, cây gạo và nơi cất hòn đá vía của cả Mường Xia. Gọi là hòn đá vía vì người Thái ở Mường Xia cho rằng, đó chính là nơi giữ vía của toàn bộ cư dân mường Xia. Theo các bậc cao niên ở Sơn Thủy, hòn đá vía của người Mường Xia có từ thời khai thiên, lập địa. Khi lớn lên họ đã nghe ông bà kể về sự linh thiêng của nó, sự ứng nghiệm đối với người bản Mường. Đến bây giờ hòn đá vía vẫn nằm nguyên vẹn ngay giữa trung tâm của bản Chung Sơn, gần sát với nền móng của ngôi nhà thờ Tư mã Hai Đào. Người dân mường Xia, mường Mìn tôn thờ Tư Mã Hai Đào xem ông là thần giữ vía cho cả Mường.

Khi so sánh với sử sách cổ ghi chép lại, nhiều bậc cao niên trong xã đều cho rằng cây gạo trước bản là nơi nghỉ mát của các binh sĩ sau khi luyện tập. Ngày nay, cây gạo vẫn còn nguyên trạng như chứng tích của người anh hùng ghi dấu trên đất mường Xia. Đó là một khu bãi đất rộng sát với đồi núi vẫn còn nguyên vẹn. Đấy là nơi xưa kia Tư mã Hai Đào đóng quân để ngày đêm rèn đúc vũ khí và luyện tập võ nghệ, bãi đất nơi binh lính luyện tập đã được người ở vùng mường Xia khai hoang để trồng lúa, đồng lúa mường Xia xưa kia quanh năm tốt tươi. 

Ngày nay, hàng năm, người dân mường Xia tổ chức lễ hội cầu mường vừa để tri ân, vừa mong Tư mã Hai Đào phù hộ cho bản làng no ấm, cuộc sống an lành, mùa màng tốt tươi, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Khi mở hội, trai thanh gái lịch trong mường và các mường lân cận như mường Mìn, mường Khiết, mường Ly, mường Lò... thậm chí cả mường Bén và mường Xôi (nước Lào) cũng đến tham dự. Lễ hội mường Xia xưa kia là lễ hội đông vui tấp nập nhất các vùng Thái xứ Thanh. Bởi lễ hội vừa là tưởng nhớ người anh hùng có công với bản mường, cầu mong ngài phù hộ mọi điều tốt lành cho bản mường, gia đình... Với nam nữ thanh niên, lễ hội mường Xia còn là dịp cầu duyên - lễ hội của tình yêu đôi lứa.

Lễ hội mường Xia xưa thường tổ chức tế lễ hai nơi, trong đền và ngoài cửa suối Xia. Trong đền lễ bằng trâu đen, ngoài cửa suối Xia lễ bằng trâu trắng. Mỗi khi tổ chức lễ hội, người mường Xia mới được phép đào hòn đá vía lên để thờ cúng và phải lựa chọn 18 thanh niên, trong đó 9 nam, 9 nữ để rước hòn đá vía. Hòn đá vía được đào lên, rửa sạch, bọc vải đỏ và cho lên kiệu long đình rước về làm lễ trước đền thờ tướng quân Hai Đào. Sau khi tổ chức lễ hội xong, hòn đá vía lại được rước về chôn xuống nơi cất giấu cũ và trồng cây xương rồng xung quanh để bảo vệ chờ mùa lễ hội năm sau. Mỗi năm mở lễ hội một lần và rước vía về để cầu cho vía yên, vía lành. Vía được yên lành tức mọi người dân trong bản mường đều được mạnh khỏe, người đi xa thì chân cứng, đá mềm, người ở trận mạc thì tránh được mũi tên, hòn đạn. Người ở nhà thì ăn nên làm ra, vạn vật đều tốt tươi, sinh sôi nảy nở.

Lễ hội mường Xia không chỉ là lễ hội tưởng nhớ đến người anh hùng có công với bản mường là Tư mã Hai Đào mà còn gắn với một câu chuyện tình bi thương, thể hiện niềm tha thiết cháy bỏng trong tình yêu của người Thái xứ Thanh.

Tương truyền rằng xưa kia có đôi trai gái tài sắc yêu nhau tha thiết. Cô gái là nàng Lá Nọi - con gái của một nhà lang đạo giàu có nổi tiếng khắp vùng mường Xia, mường Mìn. Chàng trai là con nhà quan tạo mường Xia, nhưng gia đình đã sa sút, nghèo khó không còn tương xứng với ông tạo mường Mìn gia thất đề huề, kẻ hầu người hạ, giàu sang phú quý. Mối tình của họ không được gia đình cô gái chấp nhận. Cha cô gái quyết gả bán cô cho một nhà tạo giàu sang làm rể. Ông nghiêm cấm con gái “đêm không được xuống thang, đêm trăng không được ra hạn khuống dệt vải”.

Nàng Lá Nọi hết lời van xin nhưng cha mẹ cô trả lời kiên quyết. Biết không thể lay chuyển được gia đình, nàng Lá Nọi nói với người yêu: Cha mẹ em kiêng khem cấm đoán. Nội ngoại cũng không thương thì chúng ta chỉ còn có nước xin trời cao thả thang sắt, thang đồng cho em và anh cùng lên trời sánh đôi cùng làm bạn.

Tình yêu của họ như ngọn lửa, càng ngăn cấm càng bùng cháy dữ dội. Ngày ấy, vào đúng ngày ông Tạo mường Mìn gả ép, đôi trai tài gái sắc đã viết giấy dấu vào vạt áo. Rồi cùng cắn ngón cái làm đôi, cắt lìa ngón út uống máu ăn thề, nói rằng: ta nguyện chết cùng nhau, cho hồn lìa xác để chúng mình được sống bên nhau; ta chết cùng biến vào trong núi Pha Dùa sống quanh làn mây trắng, bước lên đỉnh cao chỏm núi làm thần hai mường.

Cũng đúng vào ngày đôi trai tài gái sắc lìa xa cõi trần, dân hai mường bỗng thấy mây trắng vờn quanh mây hồng bay cuồn cuộn dâng cao lên ngang đỉnh Pha Dùa. Họ nghe thấy từ vầng sáng tỏa ra lời ca (Ing lá ơi, Chài hặc ơi!) nghe tiếng ca hát yêu đu năm ne tha thiết, hòa quyện nhau trên đỉnh mây mờ, tiếng khặp từ rõ đến văng vẳng xa xăm, dần dần về sau chỉ còn nghe tiếng vi vu khi qua hang Dùa, núi họa núi, núi họa tiếng, rập rình sông, râm ran họa nhau không dứt, là tiếng lòng của đôi trai gái thầm thì yêu nhau vang vọng trong không gian đất trời.

Tương truyền, từ đó về sau, vào những đêm trăng thanh gió mát, ai có dịp đi qua Pha Dùa đều nghe trong tiếng gió vi vu đẩy lá rừng rơi khe núi ven sông hòa lẫn vào tiếng nước chảy dưới sông, thì thầm không ngớt như lời tình tự của đôi trai gái. Và cũng từ ngày đó mỗi độ xuân về, trai gái Chu Sàn mường Xia - mường Mìn cùng có tục du xuân. Họ cùng nhau chơi cát dưới bãi sông sau sát chân núi, sau đó tắm sông, rồi cùng nhau vào hang Dùa du xuân.

Đời sau, trai gái yêu nhau nếu bị lệ bản hoặc cha mẹ ngăn cấm thì họ thường rủ nhau đến hang Ma thề ước nguyện được mãi mãi bên nhau và không bao giờ trở về nữa. Vào những đêm khuya thanh vắng, từ hướng hang Ma thường vọng lại những câu hát bi thương, ai oán. Điệu khắp Pha Dùa ra đời từ đấy, mang ý nghĩa như một giải pháp cho tình yêu, cho sự đấu tranh để vượt qua mọi thế lực ngăn cản. Chính vì vậy, người Thái ở Thanh Hóa còn gọi lễ hội mường Xia ở vùng Quan Sơn là lễ hội Pha Dùa. Khắp Pha Dùa được xem là độc đáo, là đặc sản của người Thái xứ Thanh Với dung lượng đồ sộ hàng nghìn câu và với bề dày văn hóa lẫn bề dày lịch sử, khắp Pha Dùa của người Thái xứ Thanh không thua kém gì so với tác phẩm Xống chụ xôn xao nổi tiếng của người Thái Tây Bắc. Nội dung điệu khắp là lời trai gái tha thiết tâm tình và chàng trai mời cô gái đi chơi phà hèn cặp Pha Dùa (cầu bắc vào hang giữa hai lèn núi). Khắp Pha Dùa không những hay mà còn rất khó, bởi lẽ người hát phải thuộc tới hàng ngàn câu và còn phải biết vận dụng sự sáng tạo, khả năng ứng đối nhanh.

Sau khi tế thần Tư mã Hai Đào và đôi trai gái hóa thành thần tình yêu, người Thái vùng mường Xia lại mở hội trên tầng cao núi đá có phong cảnh nên thơ tuyệt vời, mang trống chiêng lên đánh trước cửa hang. Trai gái hát khắp đối đáp, rủ nhau đi thăm hang, tự tình tìm hiểu nhau và tục du xuân chơi hang cũng bắt đầu từ đó...

Ngày nay, hàng năm lễ hội mường Xia được duy trì tổ chức nhằm ôn lại những giá trị văn hóa truyền thống đã được đúc kết ngàn đời nay của dân tộc Thái ở vùng biên giới Quan Sơn. Lễ hội đã thu hút hàng ngàn người tham gia, cầu mong những điều tốt lành... Cùng với sự hoàn tất đường vành đai biên giới, cùng với suối nước nóng và hệ thống hang động, bản làng trù phú thơ mộng, thấm đẫm chất huyền thoại như hang Bo Cúng, núi Pha Dùa, hang Ma, Núi Lá Hoa... chắc chắn vùng mường Xia sẽ trở thành một điểm đến lý tưởng để du khách tắm suối nước nóng, vãn cảnh đẹp bồng lai, cảnh hang động không thua kém Phong Nha - Kẻ Bàng và núi Lá Hoa đẹp đến lạ kỳ trong tuyến du lịch sinh thái miền núi biên giới miền Tây xứ Thanh. 

_______________

Tài liu tham kho

Chương trình Thái học Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Thái học lần thứ nhất, Nxb Văn hóa Dân tộc, 1992.

Chương trình Thái học Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Thái học lần thứ hai, Nxb Văn hóa Dân tộc, 1998.

Chương trình Thái học Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Thái học lần thứ ba, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002.

Chương trình Thái học Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Thái học lần thứ tư, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006.

C.Robequain, Le Thanh Hoa, Tài liệu lưu tại Thư viện Tổng hợp Thanh Hóa.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013

Tác giả : Ngô Xuân Sao

;