Nửa sau TK XIX đến nay, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, dưới áp lực của yêu cầu đổi mới để tìm lại khán giả, nghệ thuật xiếc thế giới đã có những chuyển đổi và thích ứng mới. Đồng thời với việc phát huy kỹ xảo điêu luyện giàu tính truyền thống, đội ngũ nghệ sĩ xiếc nỗ lực sáng tạo, những hình thức, thủ pháp nghệ thuật mới nhằm sắp xếp những mảnh trò mang tính kỹ xảo xiếc, liên kết với nhiều mảnh trò thuộc các loại hình, thể loại nghệ thuật khác, tạo nên một tổng thể nhuần nhuyễn, nhất quán để hình thành một thể loại mới: kịch xiếc.
1. Những đặc trưng, tính chất của kịch xiếc
Tính chất tổng hợp
Để mở rộng đối tượng phản ánh, xiếc đã tiếp nhận hàng loạt loại hình nghệ thuật và biện pháp kỹ thuật hiện đại để đa dạng hóa ngôn ngữ tăng cường sức mạnh phản ánh và khả năng biểu cảm của ngôn ngữ xiếc:
Kế thừa, tiếp thu theo hướng dọc (trục tung), nghĩa là tiếp nhận những loại hình nghệ thuật có quan hệ truyền thống như vũ đạo, âm nhạc, mỹ thuật. Nhưng vai trò của từng loại hình nghệ thuật gia nhập kịch xiếc không còn là những thành phần phụ như ở xiếc truyền thống, mà đã thay đổi về chất để trở thành một loại phương tiện phản ánh nội dung kịch xiếc.
Vay mượn, tiếp nhận theo hướng ngang (trục hoành), xiếc chủ động tuyển chọn, tổng hợp để phát huy, phát triển đặc trưng nghệ thuật cố hữu (hành động kỹ xảo điêu luyện) làm căn cốt trong sáng tạo, xây dựng tiết mục, tác phẩm; mặt khác, hình thành những đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật mới, bổ sung cho phương pháp tư duy nghệ thuật xiếc. Xiếc hiện đại, đã loại trừ tận gốc tính chất hỗn hợp của giai đoạn xiếc như một hình thức nghệ thuật tạp diễn.
Kịch xiếc tổng hợp các yếu tố nghệ thuật, các biện pháp kỹ thuật, nhưng không bình quân, chặt chẽ, luôn mở để tiếp nhận sự gia nhập một cách thích hợp của các yếu tố mới, nhưng khi thực hiện các động tác của xiếc, thì vẫn phải trở về đúng quỹ đạo là những động tác kỹ xảo điêu luyện, tinh vi.
Tính chất sân khấu
Có thể thấy, kịch và xiếc có những điểm chung nhất định. Trước hết, cả hai hình thức này đều là nghệ thuật biểu diễn dùng chính bản thân con người để phản ánh hiện thực với những yếu tố đặc trưng: mỗi tác phẩm đều không lặp lại, duy nhất, độc đáo, phương tiện sáng tạo và chủ thể sáng tạo cũng như tác phẩm sáng tạo đều nằm trong bản thân người diễn viên. Biểu diễn xiếc và kịch đều là chuỗi các sáng tạo khi quá trình thưởng thức và quá trình sáng tạo là một... Tuy vậy, giữa hai loại hình này còn có nhiều khác biệt trong ngôn ngữ biểu đạt. Nếu như xiếc thiên về hình thể, xây dựng hình tượng nghệ thuật bằng chính nét đẹp hình thể diễn viên thì ở kịch, ngôn ngữ loại hình lại ở tính tự sự, tái tạo hiện thực và diễn kể nội dung cốt truyện qua xung đột, hành động kịch. Và khi kết hợp, những đặc trưng như tính ước lệ, khoa trương, cách điệu, tượng trưng, đặc biệt tính sân khấu, tính kịch sẽ được biểu hiện hài hòa trong kịch xiếc.
Để thể hiện nội dung cốt truyện, các đạo diễn thường tận dụng vai trò người kể chuyện của hề xiếc, của người dẫn chương trình vào kịch bản như một vai dẫn chuyện. Không chỉ thể hiện xu hướng kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật, kịch xiếc còn khai thác tối đa những vai diễn, đưa vào một số lời thoại để đạt được mục đích kể chuyện của vở diễn - một hình thức rất mới mẻ với xiếc.
Điều đáng quan tâm chính là tính kịch được áp dụng như thế nào đối với kịch xiếc. Tính kịch thể hiện trong sân khấu luôn ở cấp độ của xung đột quyết liệt. Nhưng với xiếc, việc thể hiện tính kịch lại chỉ chú trọng đến sự biểu diễn khả năng đặc biệt của con người, chủ yếu thông qua các động tác hình thể, sự khéo léo phi thường..., không đi sâu vào mô tả nội tâm, tính cách, hoàn cảnh… để từ đó phát sinh ra các cấp độ của kịch tính. Về bản chất, xiếc không tồn tại những yếu tố của kịch như tính xung đột, mâu thuẫn, hành động kịch. Chính đây là điểm yếu của kịch xiếc.
Khắc phục những điểm yếu đó, khi sử dụng kịch bản vào xiếc, các diễn viên đã thể hiện yếu tố hành động sân khấu nghiêng nhiều sang tính tự sự, kể chuyện của sân khấu truyền thống mà không truy tìm hiệu quả ảo giác như thật của sân khấu kịch. Người dẫn chuyện đưa ra những giải thích, các đạo diễn sử dụng những biện pháp nghệ thuật thích ứng để dẫn dắt, kể lại câu chuyện với sự tham gia của các tiết mục xiếc liên hoàn, không còn người giới thiệu chương trình.
Là nghệ thuật hình thể, không đi sâu vào tâm lý, xiếc khó diễn tả những hành động không được bộc lộ ra bên ngoài mà thường chỉ được hiểu kỹ qua thoại và hành động. Vì vậy, các hành động kịch được thể hiện trong kịch xiếc phải đơn giản, dễ hiểu, có tính chất kết nối cho những cốt truyện vốn hết sức quen thuộc thì công chúng mới có thể lĩnh hội đầy đủ ý nghĩa. Vì những đặc điểm riêng, khi kết hợp vào xiếc các yếu tố của kịch, các diễn viên xiếc cũng không thể đưa ra trọn vẹn, đầy đủ những khái niệm vốn rất quen thuộc của kịch như hành động thống nhất, nhiệm vụ tối cao mà chỉ có thể kết cấu lại một chuỗi tiết mục với những hình tượng nghệ thuật đơn lẻ của xiếc để phục vụ cho việc kể lại một cốt truyện. Nếu có ý tưởng nghệ thuật, chủ đề cao siêu nào đó thì cũng chỉ là những biểu hiện để gợi ý cho người thưởng thức mường tượng về nội dung, ý tưởng.
Tính chất của hình tượng nhân vật
Để trở thành kịch xiếc, ngôn ngữ nghệ thuật xiếc đã ngày càng đa dạng, không ngừng phát triển, tiếp nhận một cách tích cực những thành quả của khoa học kỹ thuật cũng như những loại hình nghệ thuật khác.
Ngôn ngữ truyền thống của xiếc là những kỹ năng kỹ xảo, những trò diễn nhỏ, lẻ, rời rạc nay đã được đổi mới, nâng cao khiến kỹ xảo không còn là ngôn ngữ duy nhất của xiếc mà hòa nhập vào ngôn ngữ tổng thể. Đó chính là sự thay đổi ngôn ngữ xiếc mang tính bước ngoặt.
Việc xây dựng hình tượng nhân vật trong kịch xiếc là vấn đề trung tâm. Sự khác nhau cơ bản của hình tượng kịch và hình tượng xiếc ở chỗ: hình tượng kịch được phác thảo, phát triển, khắc họa từ giây phút bắt đầu cho đến khi kết thúc vở thông qua hành động, mâu thuẫn, xung đột, cao trào… để rồi đến cảnh kết, hình tượng nghệ thuật mới được khẳng định. Trong khi đó, một tiết mục xiếc là hàng loạt tạo hình nghệ thuật, có rất nhiều điểm nhấn hình thể ở nhiều khoảnh khắc khác nhau. Hình tượng xiếc tạo thành ngay ở từng tiết mục, với một số lượng động tác không nhiều, một khoảng thời gian không dài. Hình tượng xiếc lúc nào cũng ở trạng thái xây dựng trong suốt quá trình biểu diễn, là sự hoàn chỉnh ngay trong từng khoảnh khắc của tiết mục, có tính độc lập với các tiết mục khác chứ không cần đến sự kết nối, phát triển qua nhiều khâu, nhiều phân đoạn như trong một vở kịch...
Như vậy, hình tượng nghệ thuật trong kịch xiếc phần nào đã kéo gần những khác biệt giữa hình tượng kịch và hình tượng xiếc. Nếu diễn viên xiếc trong quá trình thể hiện tiết mục đơn lẻ chỉ chăm chú hoàn chỉnh hình tượng thì khi biểu diễn kịch xiếc không chỉ khẳng định hệ thống kỹ xảo mà còn phải tròn vai một nhân vật với những nét tính cách tiêu biểu.
Như vậy, kịch xiếc đã biến đổi cách xây dựng hình tượng nghệ thuật của xiếc theo quá trình diễn tiến của kịch. Diễn viên xiếc vào vai trong kịch xiếc sẽ phải tìm hiểu để biểu đạt không chỉ kỹ xảo xiếc mà cần thể hiện tính cách của nhân vật trong cốt truyện. Như các diễn viên nhào lộn vốn thường xuyên tạo dựng hình tượng vui vẻ, nhanh nhẹn, dễ thương, năng động và hoạt náo nay được phân vào vai những nhân vật ma quỷ, đại diện cho thế lực hắc ám thì sự thể hiện của họ nhất định phải có thay đổi... Hay diễn viên biểu diễn với trăn, nổi tiếng với hình tượng khỏe mạnh, dũng cảm, chinh phục được những con vật khổng lồ, đáng sợ thì có thể lại biến thành một tên tướng cướp dữ tợn...
Tính chất biểu tượng
Biểu tượng là một dạng đặc thù của ký hiệu, một thực tại có thể tiếp nhận một cách cảm tính, bao gồm ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi, hình trạng. Biểu tượng trong kịch xiếc với vai trò của nó, ít nhất phải phát lộ đối tượng phản ánh về số lượng và năng lượng, khiến người xem không thể hiểu chệch đối tượng được phản ánh sang đối tượng khác.
Cách tốt nhất để xác định một biểu tượng là đối chiếu nó với hình thức đại diện khác, như hình ảnh, tín hiệu, cử chỉ...
Thông thường, một biểu tượng không chịu yên phận đơn nghĩa mà còn nâng mình lên để biểu trưng những biểu tượng khác ở tầng cao hơn, chẳng hạn, chữ viết biểu tượng cho ngôn ngữ đối thoại, trong khi đó, ngôn ngữ đối thoại lại biểu tượng cho tư duy, và đến lượt tư duy, nó lại đại diện cho cái gì lớn hơn tầm vóc của nó rất nhiều.
Tính biểu tượng trong xiếc truyền thống dừng lại ở từng tiết mục, nội dung giản dị, dễ hiểu và tiếp nhận một cách trực quan. Khi tiến đến hình thức biểu tượng sâu sắc hơn qua nhiều tình tiết hành động trong kịch xiếc, tính biểu tượng đã được nâng lên mức cao hơn, trở nên phong phú, đa dạng, chứa đựng một sức nặng ý nghĩa và cảm xúc vượt khỏi bản thân biểu tượng đó.
Tính tự sự - diễn kể
Xiếc truyền thống không đề cập cụ thể hiện thực đời sống, ít tính thông tin về nội dung… Nhưng sang hình thức kịch xiếc, yêu cầu của thể loại mới đòi hỏi tăng cường tính nội dung trong cách thể hiện. Nếu như kịch xiếc ở những nước có nền nghệ thuật xiếc phát triển cố gắng đến gần với kịch, nhiều vở có cốt truyện hấp dẫn, nhưng cũng có một số vở không có cốt truyện, chỉ có những tình huống, sự việc và con người hành động để xử lý tình huống, thì kịch xiếc Việt Nam và một số nước châu Á nhất thiết phải kể một câu chuyện. Các nhân vật gắn bó máu thịt với cốt truyện, không có chuyện kể, không thành kịch xiếc. Những đối tượng chủ yếu của hiện thực được phản ánh trong kịch xiếc là: tích truyện, một số nét tính cách, trạng thái tình cảm, tâm hồn, tâm trạng, diễn kể ý, thần thái, hoàn cảnh, tình huống, các mối quan hệ, hành động, thời gian, thời cuộc, thời vận của các nhân vật. Tuy nhiên, để dễ dàng được người xem tiếp nhận, nội dung phản ánh cần không quá phức tạp, khó hiểu và lắt léo, hướng tới những nội dung, cốt truyện quen thuộc, dễ hiểu, ít cần tới đối thoại. Đôi khi, nội dung cốt truyện được khán giả tự thêm vào một cách tự giác cho những khoảng trống giữa những động tác thể hiện của xiếc.
Thông qua sự diễn kể ấy, đời sống của các nhân vật trong kịch xiếc được bộc lộ, đưa tư tưởng tác phẩm đến người xem. Đương nhiên, sự diễn kể trong kịch xiếc là diễn kể tự sự, để người xem mường tượng được đời sống ngoại hình và nội tâm của nhân vật, các sự kiện, hoàn cảnh,… chứ không giống như kịch, các nhân vật trong vở diễn tự hành động để bộc lộ đời sống nội tâm, ngoại hình để người xem lĩnh hội được câu chuyện.
2. Những thủ pháp nghệ thuật trong kịch xiếc
Hiện thực được phản ánh trong kịch xiếc là hiện thực tái tạo và luận đề, không phải hiện thực tái hiện. Xuất phát từ hiện thực được phản ánh và ngôn ngữ diễn kể hiện thực trong vở diễn, thi pháp thể loại của kịch xiếc là hiện thực tả ý, tả thần, chứ không phải hiện thực tâm lý. Dù tổng hợp đến thế nào thì cũng không thể quên rằng bản chất của xiếc là thật, mọi động tác biểu diễn của nghệ sĩ diễn ra trước mắt người xem đều là sự thật cá biệt và độc đáo.
Ước lệ
Là thủ pháp tìm tòi, khám phá, xác định, nắm bắt và diễn tả ý hoặc thần của sự việc phản ánh bằng điểm đặc định, mang tính chất tín hiệu điển hình, hay điều kiện khái quát được quy ước, ai cũng biết, chỉ cần gợi ra một điều kiện đặc trưng, người xem có thể hiểu được mỗi tình tiết, sự việc, tình huống, hiện tượng hay vấn đề... mà tác phẩm kịch xiếc phản ánh. Thủ pháp ước lệ hóa được sân khấu châu Á áp dụng sáng tạo, đa dạng và toàn diện, trong đó các trò diễn xiếc, hành động kỹ xảo xiếc thích hợp được đặt đúng chỗ trong ngôn ngữ tổng hợp của kịch xiếc, trở thành những tín hiệu, những điểm đặc định gợi tưởng. Vì thế, các trò xiếc, hành động kỹ xảo xiếc, thậm chí tiết mục xiếc, khi vào vở diễn kịch xiếc, nếu được tổ chức xếp sắp đúng lúc, đúng chỗ, thích hợp, chúng là những điểm nhấn của những hình tượng hợp lý trong vở diễn kịch xiếc. Trường hợp này, cũng giống như việc sử dụng chiếc roi ngựa trong sân khấu tuồng vậy.
Ẩn dụ
Là thủ pháp biểu đạt, thể hiện những ý tứ ngầm ẩn, còn gọi là ví ngầm, hoặc có thần thái tương đồng giữa sự vật này với sự vật khác, nằm trong phạm vi so sánh, nhưng ở mức độ cao hơn, không còn vế bị so sánh, chỉ còn vế đem ra so sánh, nhằm đưa đến hiệu quả kín đáo về sự cảm thấy được. Ẩn dụ không mang chức năng định danh mà là biểu cảm.
Trong xiếc, ẩn dụ thử thách tài nghệ sử dụng các điều kiện thiết kế, các mảnh trò thuộc các hình thái xiếc (người, thú, ảo thuật, hề) với ngôn ngữ tương thích của các loại hình nghệ thuật và các phương tiện kỹ thuật của nhà biên kịch và đạo diễn kịch xiếc. Ẩn dụ cũng chính là sự gợi tưởng để khám phá mặt trái của vấn đề, của tính cách hoặc những ý nghĩa tiềm ẩn khác của thiết kế, câu nói, hành động.
Ẩn dụ trong kịch xiếc luôn luôn phải tạo cơ sở cho sự liên tưởng một cách chính xác. Cho dù sự ẩn dụ có tinh tế, kỳ diệu đến đâu cũng phải có căn cứ, có tín hiệu gợi tưởng để người thưởng thức có thể hiểu được, tránh xảy ra sự liên tưởng kỳ quặc, vô lý, khó hiểu..
Kịch xiếc còn áp dụng một hình thức ẩn dụ đặc biệt, được thực hiện bằng sự chuyển đổi cảm giác, không chỉ ở hóa trang mà cả trong diễn xuất, đặc biệt là các trò ảo thuật và hề xiếc. Đây là thủ pháp khá thông dụng của sân khấu hiện thực tả ý, tả thần nói chung, kịch xiếc nói riêng.
Huyền thoại hóa
Huyền thoại là sản phẩm hoàn toàn do trí tưởng tượng mà nên. Một câu chuyện huyền hoặc, kỳ lạ với các nhân vật tài năng đặc biệt và những tính cách, những hành động siêu phàm là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nếu không được huyền thoại hóa, thì kịch xiếc khó có thể trình bày được những diễn biến của cốt truyện, vì tả chân, tả thật không phải là sở trường của kịch xiếc. Nói cách khác, huyền thoại hóa hiện thực được phản ánh là một thủ pháp nghệ thuật tả ý, tả thần của kịch xiếc. Chính vì thế, những vấn đề hiện thực đã được cổ tích hóa, thần thoại hóa, ngụ ngôn hóa… là những mảnh đất màu huyền thoại để nghệ sĩ dàn dựng hàng loạt vở kịch xiếc.
Xiếc có đặc trưng là tính chất kỳ lạ cũng nằm trong huyền thoại hóa.. Song, những cái thuộc tính kỳ của xiếc tuyệt nhiên không phải là những gì xa vời, người ta không thể hiểu, mà là những biểu hiện phi thường, nghịch thường, tuy hiếm, nhưng có ở nơi con người, nên người ta vẫn dễ dàng nhận ra chúng. Để nhận thức được tính kỳ trong kịch xiếc, người ta thường gián cách sự vật nhận thức và phản ánh ra khỏi mối liên hệ với bản thân chủ thể, rồi bằng trí tưởng tượng, liên hệ với sự vật cần tìm hiểu và miêu tả với những sự vật khác tương đồng với nó.
Hề
Không có hề, không còn là nghệ thuật xiếc theo đúng nghĩa hoàn chỉnh của nó. Hề trong kịch xiếc làm nhiều nhiệm vụ khác nhau: làm người dẫn chuyện, người bình luận, làm cầu nối giữa các hồi, các màn, các lớp, giữa đời sống được phản ánh trong vở kịch xiếc với người xem, làm người giải thích và kể chuyện, người gây không khí, điều chỉnh tiết tấu của vở diễn. Hề trong kịch xiếc có rất nhiều chức năng, vì thế, các thành phần sáng tạo nên vở diễn xiếc đều luôn luôn sẵn sàng và thông minh trong việc hài hước hóa một cách tương thích trong quá trình sáng tạo vở diễn. Hài hước là yếu tố quan trọng trong việc giải tỏa sự hồi hộp, căng thẳng của khán giả và là chất men giải trí cho khán giả khi xem kịch xiếc.
Thủ pháp chân thật và hợp lý hóa
Tính chất thật của các trò diễn xiếc xưa nay đều là sự thật, không thần bí, ngay cả các tiết mục ảo thuật cũng không gây ảo giác, mà hoàn toàn là hành động kỹ xảo hợp lý.
Không phải là phép màu hay trò thôi miên tập thể, mà là kỹ xảo được dàn dựng một cách khéo léo theo công thức thần kỳ. Thật ra, nguyên tắc chân thật và hợp lý trong kịch xiếc không phải sự thật tự nhiên, với cái vẻ bề ngoài trần trụi của chúng, mà là sự thật hợp lý, biểu đạt bản chất và được cấu tứ theo những nguyên lý thích hợp của kịch xiếc. Chẳng hạn, về mặt kỹ xảo, đu bay là cũ, nhưng khi được tổ chức lại để tham gia vào vở diễn thì đu bay trở thành ngôn ngữ mới để miêu tả nội dung mới chân thật và hợp lý.
Kịch xiếc không giống như các thể loại kịch hát và kịch trong nghệ thuật sân khấu, không cố tạo ra giả định làm trung gian và gây ra ảo giác để đánh lừa con mắt, lỗ tai người xem. Dù huyền thoại hóa, kỳ lạ hóa,... đến trình độ điêu luyện, để khán giả cho là thần kỳ, thần bí đi nữa, thì trên sân khấu kịch xiếc, tất cả đều là sự thật.
Gây ấn tượng
Các biện pháp gây ấn tượng gồm: nhấn mạnh, đặc tả và đột xuất trong kịch xiếc có cơ sở từ chính phương pháp thể loại nghệ thuật này. Kịch xiếc có sở trường về gây ấn tượng, diễn kể lướt qua những chi tiết có tính chất dẫn dắt, để tập trung làm nổi bật sự việc, điểm đặc định của tâm trạng, tổ hợp hành động, hay tình huống, chi tiết,… trong đời sống của nhân vật tại những thời điểm và địa điểm quan trọng. Trong quá trình diễn kể của một vở diễn kịch xiếc nhất thiết phải có những điểm nhấn mạnh, đặc tả và đột xuất, tập trung các thủ pháp nghệ thuật để tạo nên các loại kịch tính của đời sống các nhân vật trong hiện thực mà vở diễn phản ánh.
Nhấn mạnh, đặc tả, đột xuất là những điểm mấu chốt có cung bậc cao thấp khác nhau của sự tác động về nội dung, hình thức, về chất lượng, số lượng định vị nơi ký ức người xem. Song, nhấn mạnh, đặc tả, đột xuất ở chỗ nào phụ thuộc vào nhiệm vụ của vở diễn cụ thể, chứ không thể tùy tiện trong sáng tạo của tác giả kịch bản và dàn dựng của đạo diễn. Xử lý điểm nhấn mạnh, đặc tả, đột xuất luôn luôn là những thử thách đối với tài năng của biên kịch, đặc biệt là đạo diễn kịch xiếc.
Ngẫu hứng sáng tạo
Thủ pháp ngẫu hứng (ứng tác và ứng diễn) được vận dụng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và có giới hạn. Kịch xiếc vốn là thể loại nghệ thuật quy phạm, ứng tác và ứng diễn được thực hiện tự do và tối đa là ở giai đoạn sáng tác kịch bản và dàn tập vở diễn. Vở diễn sau khi đã tổng duyệt và được phép công diễn, thì đã có hình thức tương đối ổn định. Bất cứ thành phần nghệ thuật, yếu tố kỹ thuật nào, kể cả nghệ thuật diễn viên, nếu tự động ngẫu hứng ứng tác và ứng diễn, dẫu không nhiều, cũng khiến sự phối hợp đồng bộ bị phá vỡ, dẫn tới sự phá vỡ tổng thể vở diễn. Bởi vậy, sáng tạo ngẫu hứng trong kịch xiếc tại những lần công diễn chỉ là sự điêu luyện, tinh xảo của động tác, của hành động kỹ xảo, điều độ sân khấu và sắc thái diễn xuất của tư thế, cơ mặt..., ít khi có sự ứng tác, ứng diễn bổ sung về nội dung, ngoại trừ những khoảng trống thích hợp mà kịch bản đã dành ra và yêu cầu nghệ thuật ứng tác và ứng diễn của diễn viên phải lấp đầy.
Trên đây là một số vấn đề lý thuyết về thể loại kịch xiếc, hy vọng gợi mở để bổ sung, hoàn thiện, tạo tiền đề cho việc xây dựng và phát triển kịch xiếc Việt Nam đúng hướng, góp phần xây dựng nền văn học nghệ thuật nước nhà trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và phát triển.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 338, tháng 8-2012
Tác giả : Nguyễn Ngọc Trúc