MỘT SỐ THỂ LOẠI VĂN HỌC DÂN GIAN TĨNH GIA

Tĩnh Gia, dải biên cương nối liền hai tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An về mặt địa lý, đồng thời cũng là vùng folklore giáp ranh điển hình giữa hai xứ Thanh - Nghệ. Văn học dân gian Tĩnh Gia vừa mang những đặc điểm, sắc thái, thể loại của riêng nó; vừa tái hiện một phần diện mạo văn học dân gian xứ Thanh; lại vừa thấp thoáng dáng hình và âm hưởng của văn học dân gian xứ Nghệ. Bên cạnh truyện kể, tục ngữ, Tĩnh Gia còn có một kho tàng ca dao vô cùng phong phú, sinh động, cùng với hệ thống các bài vè, câu hát dân ca say đắm lòng người.

1. Ca dao

Về ca dao Tĩnh Gia, mặc dù có những câu không phải được sáng tác trên chính vùng đất Tĩnh Gia nhưng vẫn được lưu giữ trong lòng người dân nơi đây như đứa con tinh thần của họ. Điều đáng nói là, bất kể có phải là câu ca dao đề cập trực tiếp đến Tĩnh Gia hay không, song tất cả đều là những lời thơ tiếng hát ngọt ngào, phản ánh nhiều mặt của cuộc sống xã hội và gia đình, ca ngợi tình yêu lứa đôi và cảnh đẹp thiên nhiên, đề cao lao động, bộc lộ tình cảm đối với gia đình và quê hương đất nước.

Có thể nói, tình yêu lứa đôi là đề tài nổi bật hơn cả. Những câu ca dao ở Tĩnh Gia như quen, như lạ. Quen vì nó cũng mang đầy đủ các cung bậc của đồ thị tình yêu; lạ vì có những câu tâm tình làm ta liên tưởng đến đặc trưng nghề nghiệp hoặc một dấu ấn nào đó của riêng quê hương Tĩnh Gia. Đó có thể là những lời ướm hỏi ý nhị, tinh tế mà không kém phần duyên dáng của các chàng trai cô gái:

Có giấy cho anh xin tờ,

Có mực xin tí làm thơ tự tình

Làm thơ dán cội cây quỳnh

Cho thầy mẹ biết là mình lấy ta (1)

cũng có thể là những lời tỏ tình mộc mạc, thẳng thắn như tấm tình của cô gái miền biển:

Anh mong đi giã thuyền nào

Để em sắm sửa con dao ăn trầu

Con dao ăn trầu cho lẫn cần câu

Cái nón đội đầu, cái dải thắt lưng

Cái chèo cho lẫn cái thưng

Sắm sanh đủ thứ xin đừng lo chi (2)

Lời ngỏ ý thật đường đột, mạnh bạo mà vẫn khéo léo khoe về tài đảm đang, tháo vát của mình. Còn các chàng trai, đôi khi không cần rào chắn, che đậy, không cần mời yêu mà mời lấy anh:

Em còn ở đó làm chi

Hãy về kẻ bể mà đi kéo rùnga

Nhà anh nghề bể nghề sông

Lặng thì tôm cá đầy trong đầy ngoài (3)

Lại có khi táo tợn đến đáng ngạc nhiên:

Cau xiến ngang trầu vàng ngắt ngọn

Thời buổi này kén chọn làm chi

Yêu nhau lấy quách nhau đi

Ở trong giá thú luận chi hóa tài (4)

Khi tình yêu đã bén, duyên số đã thành, họ cùng nhau thề bồi sắt son, chung thủy:

Bao giờ lở núi Do Xuyên

Cạn sông Lạch Bạng lời nguyền mới phai

(Sưu tầm ở xã Hải Thanh)

Tình yêu lứa đôi có khi phải trải qua nhiều sóng gió, gập ghềnh: hoặc ngăn đón của mẹ cha, hoặc gièm pha miệng thế. Sự ngăn cách đó làm cho đôi lứa thầm mong trộm nhớ:

Vắng mặt nhân ngãi một ngày

Cầm bằng bác mẹ đi đầy ba đông

(Sưu tầm ở xã Tĩnh Hải)

Tình yêu viên mãn, duyên phận vẹn toàn, đôi lứa nên vợ nên chồng, xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc, vợ chồng tin cậy, tựa nương vào nhau:

Trăng lên vừa đến mái nhà

Anh về đi lưới kiếm vài con bơn...

Em về chắp chỉ quay xa

Sớm hôm chợ búa cửa nhà em lo

(Sưu tầm ở xã Hải Bình)

Nhưng bên cạnh đó, ca dao về tình yêu đôi lứa cũng có những câu thấm nhuần dư vị chua chát, tiếc nuối bởi dở dang, lỡ làng:

Thương con cá kia khỏi nước chịu khô

Thương cho anh những trông chờ uổng công

Lời trách móc nhẹ nhàng mà không kém phần cay đắng:

Những lời mình nói với ta

Sông sâu hóa cạn đường xa hóa gần

Ai ngờ ra dạ lần khân

Sông cạn lại thẳm, đường gần lại xa

(Sưu tầm ở xã Hải Lĩnh)

Đôi lứa có khi lỡ dở duyên tình vì tục lệ cheo cưới nặng nề, nghiệt ngã đến quái gở:

Tiền cheo có một quan hai

Lệ làng thách cưới trăm hai mươi vồ

Thôi thôi, tôi giã ơn cô

Tiền cheo cũng nặng dùi vồ cũng đau

(Sưu tầm ở xã Hải Bình)

Cùng với tình yêu đôi lứa, ca dao Tĩnh Gia còn nhắc đến tình nghĩa gia đình đằm thắm, đặc biệt là tình mẫu tử thiêng liêng. Đây là lời một chàng trai khuyên vợ phụng dưỡng mẹ già cho tròn đạo lý làm dâu:

Em ơi! Em ở cho ngoan

Một vài năm nữa lo toan cửa nhà

Anh đây còn chút mẹ già

Đừng nặng chớ nhẹ người ta chê cười

(Sưu tầm ở xã Thanh Sơn)

Quê hương Tĩnh Gia được tạo dựng từ mồ hôi nước mắt, từ những hy sinh và bao bàn tay lam lũ. Người dân quê có một niềm tự hào thuần phác về quê hương xứ sở, mà dấu ấn còn lưu lại chính là những câu ca dung dị, hiền hòa:

Bung, Mê, Sổ, Sập tứ bề,

Hòn Vàng choi chói, chầu về Biện Sơn.

(Sưu tầm ở xã Nghi Sơn)

Có những câu ca dao khái quát được đặc trưng, phong tục, nghề nghiệp, sản vật của vùng đất quê hương:

Đi ra nhớ cót làng Mai,

Nhớ khoai Trần Xá, nhớ mài tháng Ba.

(Sưu tầm ở xã Mai Lâm)

Phong Thái đan nống (nong) đan nia,

Nguyệt Chư, Ao Cách thức khuya đan buồm.

(Sưu tầm ở xã Hải An)

Mồng sáu đi chợ Chìa chơi,

Rạng ngày mùng tám xem bơi cửa Hàn.

(Sưu tầm ở xã Hải Châu)

Khả La, Du Độ một làng,

Cùng đi một chợ, cùng sang một đò.

(Sưu tầm ở xã Hải Bình)

Quê hương tươi đẹp, thanh bình đồng thời cũng là bến đỗ, niềm mơ, bến bờ bình yên của người con muôn thuở:

Ở đây ăn những lộc gì,

Lộc sung thì chát lộc si thì già.

Ta về sống giữa quê ta,

Cá tươi gió mát thật là cảnh tiên.

(Sưu tầm ở xã Hải Bình)

Với âm hưởng ngọt ngào như thế, có thể dễ dàng hiểu, vì sao những câu ca dao (không riêng gì trên quê hương Tĩnh Gia) vẫn làm đắm lòng người bao thế hệ, trở thành mạch nguồn sự sống lai láng chảy trong tim yêu đất Việt.

2. Vè

Vè dân gian Tĩnh Gia thường thiên về kể lể sự việc một cách tỉ mỉ, khác với vè dân gian xứ Nghệ, nặng về miêu tả sự vật.

Đề tài của vè dân gian Tĩnh Gia khá phong phú. Có bài vè nói về thời vụ trong năm. Chẳng hạn, Vè về nghề cá trong năm chỉ ra nên đánh bắt loại cá nào vào mùa nào; Vè con nước nói về mấy lần nước sinh trong một tháng. Có bài vè kể chuyện xảy ra ở nông thôn xưa, nào chuyện tham nhũng, ác lý cường hào, nào chuyện kiện cáo, mất đoàn kết, ẩu đả, như Vè làng bơi. Lại có vè miêu tả nghề nghiệp (Vè nạo ngao), vè vịnh về tướng người, vè chống mê tín dị đoan, vè kể về những chuyện xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, và vè, đôi khi, để bộc lộ tâm tình. Như có người mượn hình thức bức thư - Bức thư gửi bạn tình, Bức thư gửi chồng xứ Thanh… để bày tỏ nỗi nhớ nhung người yêu, chồng khi xa cách. Có người qua việc kể chuyện trăm hoa mà ngỏ ý ướm hỏi bạn tình:

Thiếp đã kể hết chàng nghe

Trăm hoa ưng thuận hoa gì chàng ơi

(Bài hát về hoa)

Tuy nhiên, loại vè dân gian phát sinh, phát triển nhiều nhất ở Tĩnh Gia là vè nhật trình. Thông thường, những bài vè nhật trình rất coi trọng việc liệt kê tên làng, tên núi, tên sông… Đây là một đoạn trong bài Hành trình ra đi lưu hành ở vùng Tứ Hải (5):

...Buồm chi te lưới chạy vào

Đó là Lạch Bạng núi cao chẳng lầm

Đền thờ Tứ vị muôn năm

Nước trong vèn vẹn phượng nằm giải vây

Làng Danh ba nhóm ở đầy,

Bên ngoài hòn Thổi nằm ngay vững vàng...

(Sưu tầm ở xã Hải Bình)

Đáng lưu ý là vè Tĩnh Gia, cũng như phần lớn vè Thanh Hóa, rất thưa thớt loại vè có 4 từ, mà phần nhiều là loại vè có câu 6-8. Vì vậy, về mặt hình thức, nó gần với vè của các địa phương ở đồng bằng Bắc Bộ hơn (như vè Vợ Ba Cai Vàng, Hà thành thất thủ…) nhưng về mặt phong cách dẫn chuyện lại rất gần với vè Nghệ Tĩnh. Có nhà nghiên cứu đã tìm được 14 bài vè mang dáng dấp, hương vị của xứ Nghệ; trong đó, một số có nguồn gốc từ xứ Nghệ (vè Bắt lính ở xã Xuân Lâm; vè Vợ khuyên chồng ở xã Mai Lâm, Trường Lâm; vè Lệch gối nghiêng chăn ở xã Hải Yến, Tĩnh Hải, Hải Thượng; vè Vợ mọn ở xã Bình Minh, Xuân Lâm; vè Anh nói lắp ở xã Mai Lâm, Trúc Lâm); còn lại là do một số người Tĩnh Gia có quan hệ bằng hữu với người xứ Nghệ - chịu ảnh hưởng trực tiếp của vè dặm xứ Nghệ mà sáng tác ra; tất nhiên là những quy tắc cấu tạo của vè xứ Nghệ cũng không còn nữa. Điều đó cho thấy, vè xứ Nghệ đã ùa tràn ra Tĩnh Gia và đã tìm được chỗ đứng trong những sinh hoạt folklore của một số xã ở vùng giáp ranh này, nhưng mức độ ảnh hưởng chưa đủ sức đồng hóa được vè Tĩnh Gia. Nghĩa là, về cơ bản, vè dân gian Tĩnh Gia vẫn bảo lưu được những sắc thái riêng của địa phương và mang nhiều đặc điểm của vè xứ Thanh.

3. Hát khúc

Hát khúc Tĩnh Gia là một loại hát ru. Lời ru cũng chính là lời kể lể tha thiết, tâm tình mà mộc mạc, hồn hậu chứ không bay bướm, tài hoa như nhiều lời ru ở các nơi. Những bài ca sưu tầm được hầu hết ngắn, trung bình từ 20-30 câu, bài dài nhất không quá 50 câu. Đó là lời nhắn gửi yêu thương:

...Hay em muốn lấy anh?

Này vườn anh rộng

Trồng trúc, trúc tốt

Trồng chè, chè cao

Này anh đào ao

Trồng sen thả cá

Dưới anh lát đá

Trên anh xây tường...

(Sưu tầm ở xã Hải Bình)

Lời gọi thương gọi nhớ:

Ra về én Bắc nhạn Nam

Đôi bên đôi ngả lệ hồng tuôn rơi

Lắng tai nghe tiếng bạn cười

Lòng còn bát ngát

Nghe tiếng bạn hát

Ngước mắt trông lên...

(Sưu tầm ở xã Hải Bình)

Lời than thở duyên tình lỡ dở:

Ở nhà anh đã khiến sang

Nghe thầy mẹ nói dở dang nhiều điều

Đôi ta mến yêu

Những điều trung hiếu

Tình kia dan díu

Nhàn án bay qua

Vịt lội Ngân hà

Bây chừ dang dở

Thầy mẹ úp mở

Cho lỡ chiếu giường

Thầy mẹ không thương

Sao ban đầu không nói?

Anh sang anh hỏi,

Mẹ nói rằng: Ừ!

Đi sang cưới chừ

Trăm điều thách lại

Này yếm thêu hoa cả dải

Vòng xuyến dăm đôi

Này khăn nhiễu tàu

Mươi vuông cho đủ

Bỏ quả sơn son

Này rượu cho ngon

Năm bảy vò đầy ắp

Này mười gánh nếp

Thết đãi họ hàng

Nhà anh khó khăn

Lấy đâu đồ sính lễ

Mẹ cha chẳng nghĩ

Em cũng mặc tình

Bỏ lời nguyện ước ba sinh,

Tiếc con rồng vàng bỏ đám mây xanh, ngậm ngùi!

(Sưu tầm ở xã Hải Yến)

Sách Dân ca Thanh Hóa giới thiệu được 11 bài mà tên gọi mỗi bài là do soạn giả căn cứ vào nội dung để đặt (Em chờ anh mãi, Đôi lời thở than, Xa cách, Em muốn lấy anh, Trời định duyên ta, Thương em, Trách chàng bỏ ngãi, Xa hỡi hời xa, Chê anh trả của cho anh, Lấy được vợ khôn, Tình duyên dang dở). Hẳn là vẫn còn rất nhiều bài chưa được ghi chép, giới thiệu; song với số lượng bài như trên, cũng đủ căn cứ để chúng ta coi hát khúc là một lối hát ru riêng của Tĩnh Gia. Những bài hát ru này, bài ngắn 20 câu, bài dài 43 câu, trung bình 30 câu, cho thấy hát ru Tĩnh Gia có bài bản và lề lối khác các nơi.

Về hình thức văn bản lời thì: mở đầu bằng một câu lục bát, kết thúc cũng bằng một câu lục bát, hoặc lục bát biến thể, hoặc chỉ một câu bát, đoạn giữa chủ yếu là 4, có thể chen vào câu 5 chữ, vần chủ yếu là vần chân. Hình thức câu của phần mở đầu và kết thúc, cũng như sự sử dụng phổ biến vần chân chứng tỏ trong cấu trúc lời của hát khúc Tĩnh Gia và hát dặm xứ Nghệ có khá nhiều nét tương đồng. Dẫu vậy, hát khúc Tĩnh Gia không có cấu trúc nghiêm ngặt như hát dặm. Bài hát dài hay ngắn là do nội dung phức tạp hay đơn giản quy định. Trong hát dặm, câu láy lại ở mỗi đoạn là một yếu tố cơ bản, nhưng trong hát khúc, đây chỉ là thứ yếu, láy hay không láy là phụ thuộc vào ý đồ của tác giả dân gian.

Như vậy, hát khúc Tĩnh Gia hàm chứa nhiều nét tương đồng và gần gũi với hát dặm xứ Nghệ, nhưng suy cho cùng, nó vẫn mang những nét đặc trưng riêng của vùng folklore giáp ranh Tĩnh Gia. Hơn nữa, trên thực tế cũng đã có nhiều vùng folklore khác từng gặp nhau ở vùng giáp ranh này, chứ không riêng gì hát dặm xứ Nghệ. Có lẽ, do vậy mà hát khúc Tĩnh Gia vừa có cái gân guốc, nặng nề của hát dặm xứ Nghệ, vừa có cái thanh thoát của trường đoản cú… Đó là sản phẩm của văn học dân gian, của nhân dân Tĩnh Gia, với những nét tình cảm, tâm lý rất địa phương, rất Tĩnh Gia.

Nhìn lại tổng thể văn học dân gian Tĩnh Gia, có thể thấy, dù dưới dạng này hay dạng khác, ở những cấp độ này hay cấp độ khác, ít khi thấy vắng bóng các thể loại văn học dân gian điển hình của xứ Nghệ, đặc biệt là loại hình dân ca ví dặm. Có lẽ, không nên coi đó là ảnh hưởng từ xứ Nghệ về phía Bắc mà nên nhìn nhận sự hiện diện của các thể loại văn học dân gian điển hình ấy trên vùng đất Tĩnh Gia là một tất yếu lịch sử trong quy luật giao lưu văn hóa giữa hai xứ Thanh - Nghệ mà vùng folklore Tĩnh Gia là chiếc cầu nối trung gian.

Nghĩa là, một lần nữa cần khẳng định rằng, văn học dân gian Tĩnh Gia, căn bản vẫn nằm trong hệ thống văn học dân gian xứ Thanh và thực sự trở thành vùng văn học dân gian giáp ranh giữa hai xứ Thanh - Nghệ.

_______________

1. Hà Đình Thành, Góp phần tìm hiểu văn học dân gian ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 5, 2002, tr.77.

 

2, 3, 4. Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hải Bình, Địa chí xã Hải Bình (bản thảo), Tĩnh Gia, 2000, tr.173, 171, 174.

 

            5. Tứ Hải bao gồm các xã Hải Bình, Tĩnh Hải, Hải Yến, Hải Thượng. Theo Quyết định số 163-HĐBT, xã Hải Thượng được chia thành ba xã lấy tên là Nghi Sơn, Hải Hà và Hải Thượng.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 325, tháng 7-2011

Tác giả : Hà Đình Thành

;