Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa đang đặt ra nhiều vấn đề đối với giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao và hội nhập quốc tế. Kế thừa quan điểm của các kỳ đại hội trước, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã có nhiều quan điểm, chủ trương mới, thể hiện sự phát triển về nhận thức của Đảng đối với vấn đề phát triển giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).
Tác động của CMCN 4.0 đã đặt ra nhiều vấn đề đối với phát triển giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay, một trong những vấn đề nổi bật đó là: phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế. Xung quanh vấn đề này, Đại hội XIII của Đảng đã có nhiều nội dung mới, thể hiện tư duy nhạy bén, sáng tạo của Đảng ta. Điểm mới nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đó là: Đảng ta đã gắn nội dung phát triển giáo dục và đào tạo với đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế. Để cụ thể hóa điều đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định một số nội dung cơ bản:
Một là, trên cơ sở quan điểm nhất quán về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Đảng ta chủ trương “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức. Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động” (1).
Trên cơ sở nhất quán chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức; mặt khác, cần hình thành đội ngũ lao động lành nghề, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động. Đây vừa là sự kế thừa của các quan điểm, tư tưởng mà Đảng ta đã đề ra trong các kỳ đại hội trước, vừa là quan điểm xuất phát từ thực tiễn yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 và xu thế hội nhập quốc tế. Như vậy, quan điểm này của Đảng phù hợp với chủ trương định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 “cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; “phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” (2). Đây chính là nội dung mới của Đại hội XIII của Đảng so với các kỳ đại hội trước. Tại Đại hội XII, Đảng ta mới chỉ đặt ra yêu cầu: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (3), đến Đại hội XIII, Đảng chủ trương: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế; Đại hội XII mới chỉ đề cập “Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo điều kiện hỗ trợ dịch chuyển lao động và phân bố lao động hợp lý, hiệu quả” (4), Đại hội XIII xuất phát từ tình hình thực tiễn mới đã xác định cụ thể hơn về chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức.
Hai là, “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa và chế độ thi cử ở các cấp học. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)” (5).
Có thể thấy rằng, phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao là một đòi hỏi khách quan trong bối cảnh hiện nay. Từ quan điểm trên của Đảng, để tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo, chúng ta cần nhận thức tốt một số vấn đề sau: Trước hết, cần nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa và chế độ thi cử ở các cấp học. Đây là vấn đề căn bản, cốt yếu của mọi nền giáo dục nói chung và Việt Nam nói riêng. Thực tế thời gian qua, việc biên soạn sách giáo khoa và chế độ thi cử trong giáo dục còn bất cập. Mặc dù, chúng ta đã có nhiều chủ trương quyết tâm thực hiện vấn đề này, song kết quả mang lại còn bộc lộ hạn chế, gây ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều trong xã hội. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Trong xu thế toàn cầu hóa và tác động mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, nếu đội ngũ giáo viên không có trình độ, phương pháp, đạo đức, nhân cách đáp ứng yêu cầu thì không thể đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo như tinh thần Đảng ta đã đề ra.
Mặt khác, về hình thức giáo dục hiện nay, cần chuyển mạnh từ hình thức giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đây có thể nói là một trong những chủ trương nhằm thích ứng linh hoạt với sự biến đổi của thực tiễn trong giáo dục đào tạo. Tác động của đại dịch COVID-19 cho thấy, chúng ta đã thực hiện chuyển hướng tương đối nhanh trong thay đổi hình thức giáo dục từ trực tiếp sang trực tuyến. Như vậy, có thể khẳng định việc đa dạng hóa hình thức giáo dục phù hợp với xu thế của thời đại là vấn đề cần được quan tâm hiện nay. Hơn nữa, để phát triển con người toàn diện theo quan điểm của Đảng, vấn đề không thể không quan tâm hiện nay là việc giáo dục đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu). Đây là nội dung xuất phát từ yêu cầu khách quan của sự tác động của cuộc CMCN 4.0 và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Từ những quan điểm trên có thể thấy, so với tinh thần của các kỳ đại hội trước thì nội dung này của Đại hội XIII có những điểm mới nổi bật đáng chú ý. Đó là: trên cơ sở chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, Đại hội XIII đề cập việc nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa; trong công tác đào tạo, Đảng ta quan tâm không chỉ là đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân mà còn đào tạo con người có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)...
Ba là, Đảng ta chủ trương “Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học bắt buộc. Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu, chú trọng xây dựng nền tảng kỹ năng nhận thức và hành vi cho học sinh phổ thông. Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Giảm tỷ lệ mù chữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” (6). Đây có thể xem là một trong những nội dung căn bản nhất trong việc phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay. Trước đây khi nói tới đổi mới giáo dục, chúng ta thường mới chỉ chú ý đến giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, đề cập đến nội dung này, Đảng ta xác định, phải thực hiện phổ cập giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học bắt buộc. Như vậy, hiện nay chúng ta đã chú ý và quan tâm nhiều hơn tới giáo dục phổ thông. Đảng ta xác định “Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông” nhằm giải đáp bài toán “thừa thầy thiếu thợ”, nhất là đội ngũ thợ kỹ thuật có tay nghề bậc cao ở nước ta hiện nay. Đây cũng chính là điểm mới nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Bốn là, “Sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới, chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công - tư. Quy hoạch, sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng; có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới” (7).
Đây là một trong những chủ trương nhằm vào việc sắp xếp lại hệ thống trường học, trong đó có các trường công lập và các trường ngoài công lập, các trường đại học và cao đẳng trong mạng lưới hệ thống trường học ở Việt Nam hiện nay. Điểm mới nổi bật ở đây là, trong khi sắp xếp lại hệ thống trường học, Đảng ta lưu ý ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách. Nếu như Văn kiện Đại hội XII mới chỉ quan tâm phát triển giáo dục, dạy nghề trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn, thì Đại hội XIII, Đảng ta đã chú ý cả vùng biên giới, hải đảo, các đối tượng chính sách. Như vậy, quan điểm về phát triển giáo dục đào tạo đã thể hiện được sự đầy đủ hơn, toàn diện hơn, đã quan tâm đến tất cả các đối tượng, các vùng miền của đất nước.
Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đến nội dung mới về phát triển giáo dục đào tạo công lập và ngoài công lập. Nếu như Đại hội XII của Đảng mới đặt ra nhiệm vụ “Thí điểm chuyển đổi mô hình trường công lập sang cơ sở giáo dục do cộng đồng, doanh nghiệp quản lý và đầu tư phát triển” (8), thì Đại hội XIII đã đề xuất chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công - tư. Như vậy, đây là bước phát triển mới trong việc hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, Đại hội XIII của Đảng xác định: có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới, nhằm hoàn thiện việc sắp xếp lại hệ thống các trường học phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta, thông qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu của nhân lực chất lượng cao và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Năm là, Đảng ta chủ trương: “Thực hiện cơ chế tự chủ một số trường phổ thông tại các đô thị lớn, các nơi có điều kiện; thí điểm cơ chế cho thuê một số cơ sở giáo dục sẵn có theo nguyên tắc bảo đảm tất cả học sinh được đến trường. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; thực hiện đào tạo theo nhu cầu của lao động. Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học ngoại ngữ, coi trọng dạy, học và sử dụng tiếng Anh. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực” (9). Đây là quan điểm có tính chất hướng mở cho phát triển giáo dục phổ thông, mang đặc trưng của hình thức xã hội hóa trong giáo dục. Từ việc xác định cơ chế hướng mở cho sự phát triển của giáo dục phổ thông như vậy, Đại hội XIII đã xác định mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng ta trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của nước ta trước tác động của CMCN 4.0 và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.
Tóm lại, Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đến nhiều nội dung, quan điểm mới về giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt các nội dung quan điểm tại Đại hội XIII của Đảng về phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế là cơ sở để chúng ta nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở nước ta hiện nay, thiết thực góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống.
__________________
1, 2, 5, 6, 7, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.132, 115, 232-233, 233, 233-234, 234.
3, 4, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.295-296, 297, 297.
Tác giả: Ths Nguyễn Đình Nguyên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021