Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 – 2023), theo lời mời của ban tổ chức, đội múa Nakama Yosakoi tới biểu diễn tại Lễ hội Harajuku Omotesandou Super Yosakoi Genki Matsuri lần thứ 21 diễn ra tại Tokyo - Nhật Bản trong hai ngày 26 và 27-8-2023.
Đội múa Nakama Yosakoi thành lập năm 2012, ra mắt lần đầu tại Lễ hội tháng 4-2013 tại Hà Nội. Đến nay, sau 10 năm hoạt động, đội đã có 70 thành viên, tất cả là người Việt Nam hiện đang sống tại Hà Nội, Nhật Bản, Singapore, Đức và Hàn Quốc. Là đội múa được sự bảo trợ của Trung tâm Thông tin UNESCO - Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, đội múa Nakama Yosakoi ra đời với mục đích tạo nên sân chơi cho những người đam mê điệu múa Nhật Bản yosakoi tại Việt Nam cũng như góp phần vào các hoạt động văn hóa tăng cường quan hệ ngoại giao nhân dân giữa hai đất nước.
Năm 2015, đội múa Nakama Yosakoi từng tham dự Lễ hội Harajuku Omotesandou Genki Matsuri Super Yosakoi lần thứ 15 tại Tokyo và vinh dự giành được giải Người mới xuất sắc với bài diễn Mirai e (Hướng đến tương lai). Năm 2023, để đánh dấu chặng đường 10 năm hoạt động, đội múa đã cho ra mắt bài diễn Irodori lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Việt Nam Công và Quạ, với mong muốn có thể lan tỏa được nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam ra thế giới. Irodori được biểu diễn lần đầu tại Liên hoan Việt Nam Yosakoi tại Hà Nội, tháng 4-2023 và từng đạt Giải Nhì tại Yosakoi Dance Contest Hải Phòng tháng 7-2023.
Âm hưởng Việt Nam được đưa vào bài múa Nhật
Anh Phan Tiến Dũng, đại diện đội múa chia sẻ: “Đến với Lễ hội tại Tokyo lần này, Nakama Yosakoi tiếp tục mang đến bài diễn Irodori được lấy cảm hứng từ truyện cổ Công và Quạ vốn quen thuộc với mọi tầng lớp người dân Việt. Bài diễn được kỳ vọng sẽ mang đến một năng lượng vui tươi, lạc quan và tích cực cho công chúng, đặc biệt trong bối cảnh cả hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản đều đang cùng nỗ lực đi lên, vượt qua những khó khăn sau đại dịch”.
Những màn trình diễn đường phố của Nakama Yosakoi cũng như của hơn 100 đội múa Nhật Bản tại 6 sân khấu biểu diễn bố trí quanh khu vực Harajuku Omotesandou hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng khán giả những sắc màu văn hóa đa dạng và đặc sắc.
Đây không phải là lần đầu tiên Cổ tích Việt Nam được đưa lên những sân khấu kịch hay vào những giai điệu, ca từ. Những màn kết hợp tốn nhiều giấy mực nhất có thể kể đến ca khúc đình đám một thời Bống Bống Bang Bang (2016) dựa trên Tấm Cám của nhóm 365Daband hay album Cổ tích (2018) kể chuyện cổ tích bằng âm nhạc của KTS Nguyễn Thanh Minh. Dù không phải là một hướng đi mới, nhưng sự kết hợp vừa mới lạ vừa thân thuộc với tuổi thơ luôn mang lại sự hào hứng, thích thú cho công chúng. Đặc biệt, đội múa Nakama Yosakoi cũng mong muốn mang một chút sắc màu văn hóa Việt Nam lan tỏa ra thế giới.
Theo Phan Tiến Dũng - đại diện đội Nakama Yosakoi: “Truyện cổ Công và Quạ trên thế giới có nhiều phiên bản, nhưng chỉ có bản Việt Nam lý giải lý do vì sao hai con vật lại có màu lông như hiện tại. Riêng ở Việt Nam cũng có hai dị bản. Chúng tôi muốn thay đổi đi cái kết, bằng cách thêm vào một phân đoạn mới”.
Trong cái kết mới này, loài Quạ không còn cảm thấy xấu xí mà có thể nhận ra vẻ đẹp huyền bí nơi đôi cánh đen tuyền, cuối cùng Quạ cũng hạnh phúc vì những gì mình có. Đây cũng là một cái kết xứng đáng hơn cho những nỗ lực sáng tạo chăm chỉ của Quạ khi ngồi tô điểm cho chim Công.
Lịch biểu diễn của đội múa Nakama Yosakoi tại Tokyo - Nhật Bản
Biên đạo nhảy Nguyễn Việt Hùng đã đưa vào nét đặc trưng của những loài chim, cũng như cố gắng lột tả được hành động, cảm xúc của Công và Quạ ở từng phân cảnh. Bằng những động tác đầy dụng ý, gợi hình ảnh, biên đạo Việt Hùng đã khiến Irodori mở ra trước mắt người xem những trang sách về một miền cổ tích Việt vốn rất thân quen với nhiều thế hệ.
Thông qua bài múa, đội Nakama Yosakoi không chỉ muốn truyền tải tinh thần sống hết mình cho hiện tại, trân trọng tất thảy những gì mình đang có, mà còn gửi vào đó một thông điệp mang tính thời sự và rộng lớn hơn, cổ vũ chúng ta nhìn nhận tất cả mọi vẻ đẹp khác biệt trên đời, không phân biệt đối xử - như chiến dịch toàn cầu “Black Lives Matter” đang hướng đến (Black Lives Matter: Mạng sống của người da đen cũng đáng giá, chiến dịch bắt nguồn từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi, nhằm chống lại bạo lực và phân biệt chủng tộc có hệ thống đối với người da đen).
Trong bản nhạc sáng tác riêng cho Irodori, producer Khang Nguyễn đã đưa thêm vào nhạc cụ đàn tranh, sáo nhị, nguyệt cầm… trên giai điệu của âm nhạc Việt truyền thống, nhằm tạo ra được bối cảnh mang đậm nét Việt Nam cho câu chuyện cổ Công và Quạ.
Phan Tiến Dũng cho biết: “Khi đặt sáng tác bài hát cho Irodori, chúng tôi đã yêu cầu thể hiện được yếu tố Việt trong tổng thể một bài múa phong cách Nhật Bản. Yosakoi đã du nhập vào Việt Nam 16 năm và Nakama cũng đã đi qua năm thứ mười hoạt động, việc có thể hài hòa giao thoa những nét Việt Nam vào loại hình đặc trưng của nước Nhật, được diễn ở Nhật cũng là một trải nghiệm thú vị và nhiều ý nghĩa, đặc biệt, khi đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản”.
NGÔ HỒNG VÂN