Trong Festival Huế 2010, người ta đang háo hức muốn được thưởng thức một sắc thái mới lạ và đặc sắc trong âm nhạc cung đình Huế - âm nhạc Phật giáo. Phật giáo Phú Xuân vốn nổi tiếng với hệ thống nghi lễ phong phú, đặc sắc. Ngoài những bài bản thuộc nhã nhạc tấu trong nghi lễ còn có những bài bản hòa tấu mang nét đặc trưng của nghi lễ Phật giáo Huế, và những ca khúc trong văn nghệ Phật giáo được viết lời theo các bài bản thuộc nhã nhạc hay những làn điệu thuộc dòng ca Huế cổ truyền.
Theo năm tháng, hiện nay trên đất Huế, số nghệ sĩ còn biết các ca khúc Phật giáo mang âm hưởng giai điệu ấy không còn nhiều. Đến nay vẫn còn lưu truyền ở Huế một số ca khúc Phật giáo được viết theo thể loại âm nhạc truyền thống Huế đã được sưu tầm và trình diễn với nghệ sĩ Minh Mẫn, tuy tuổi đã ngoài 80 nhưng còn có thể ca được tất cả bài ca thuộc dòng ca Huế cổ và các điệu lý xưa.
Nhạc cung đình Huế xưa kia bao gồm nhiều thể loại. Múa cung đình Huế cũng có nhiều điệu được sử dụng vào những dịp khác nhau. Cho đến nay còn tồn tại 11 điệu múa cung đình trong đó đặc sắc nhất là Lục cúng hoa đăng gồm lễ dâng hương, hoa, đèn và nến, trà, quả theo sáu khúc tấu dùng trong các ngày lễ vạn thọ (sinh nhật vua), thánh thọ(sinh nhật hoàng thái hậu), tiên thọ (sinh nhật hoàng thái phi).
Lục cúng hoa đăng có nguồn gốc từ một điệu múa dùng trong nghi lễ Phật giáo, hòa trong lời hát cùng ánh đèn hoa lung linh mờ ảo tạo nên sự trang nghiêm và lộng lẫy. Lục cúng hoa đăng từ tính chất là một loại hình âm nhạc tôn giáo đã được tiếp thu và cải biên thành một loại hình âm nhạc cung đình, được trình diễn với ý nghĩa hoàn mãn, vui mừng, chúc mọi người thái bình, hạnh phúc, an lạc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 312, tháng 6-2010
Tác giả : Vũ Hào