LỄ HỘI QUẾ NĂM 2015

Có một lễ hội được tổ chức vào dịp trung tuần tháng 8 âm lịch, cùng với lễ rước đèn, lễ đón trăng truyền thống của người Dao để đón mùa thu, mang đầy hương sắc vùng cao và cả những hương vị đậm đà, đặc trưng của sản vật địa phương. Lễ hội quế, là một hoạt động được người dân tộc Dao tổ chức ra nhằm tôn vinh cây quế, một loại cây công nghiệp, đặc sản của Văn Yên. Đồng thời, còn là việc định hướng phát triển cho việc trồng, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm quế địa phương. Đây là lễ hội lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Văn Yên, Yên Bái, không những chỉ tích hợp những nét đặc sắc riêng có của đồng bào dân tộc Dao nơi đây, mà còn mang đến những sản vật địa phương làm từ cây quế thơm nồng, một đặc sản độc đáo của vùng đất này.

Lễ hội, một dạng thức biểu hiện đặc trưng của văn hóa bản địa, là tinh túy được chắt lọc sau sự hình thành hàng vạn những giao lộ văn hóa, cũng mang âm hưởng đặc biệt của một vùng đất. Nói theo một cách khác, lễ hội quế ở đây đậm đà cả về hương vị, lung linh về màu sắc, nó là sự chắt lọc có hệ thống của cả một nền văn hóa lâu đời, mang âm hưởng vùng cao.

Sơ lược về huyện Văn Yên

Huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cách trung tâm tỉnh lỵ 40 km. Nếu như đi từ thành phố Lào Cai xuôi xuống thì phải đi mất 140 km đường đèo. Tuy vậy, ở đây có hệ thống giao thông vận tải thuận tiện về đường bộ, đường sắt và đường thủy. Có các tuyến đường giao thông dọc và ngang, cùng với hệ thống giao thông đường thủy dọc tuyến sông Hồng, giao thông đường sắt, tạo nên mạng lưới giao thông vận tải gắn kết các vùng, các trung tâm thị tứ, trung tâm xã với trung tâm huyện và các tỉnh bạn. Đây là một huyện được đầu tư phát triển của tỉnh Yên Bái, bởi nằm ở vị trí đắc địa, nơi dễ dàng tích hợp và hài hòa các dạng thức văn hóa bản địa được định hình ở những vùng văn hóa rải rác lân cận, cũng là nơi có những tiếp biến văn hóa sôi động nhất của tỉnh. Nằm ở vị trí giao thương đắc địa, nhưng Văn Yên vẫn là huyện có số lượng dân nhập cư thấp. Dân cư ở đây chủ yếu vẫn là dân bản địa, những nét văn hóa địa phương gần như được bảo tồn nguyên vẹn.

Trong tương lai,tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc) chạy dọc qua địa phận 8 xã, với chiều dài hơn 50 km, có 2 cây cầu qua sông Hồng tại 2 khu đô thị: thị trấn Mậu A và thị tứ Trái Hút (xã An Bình), với 2 ga tàu hỏa là: ga Mậu A và ga Trái Hút, tạo cho Văn Yên một diện mạo đô thị mới với nhiều lợi thế và tiềm năng lớn để phát triển kinh tế, xã hội.

Huyện Văn Yên là nơi có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống, có tới 11 dân tộc, người Kinh là lớn nhất, còn lại là Dao, Tày và các tộc người khác. Là một địa phương trù phú về tài nguyên thiên nhiên, có tổng diện tích đất tự nhiên 139.154,11 ha. Đất ở đây rất tốt để trồng những loại cây công nghiệp, cho sản lượng cao, trong đó có cây quế. Đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, cùng với đó là những tác dụng khác về dược, hóa và mỹ phẩm, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp văn minh hóa đời sống người dân nơi đây. Nhờ vậy mà đây là địa phương có sự đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và cả du lịch văn hóa. Bên cạnh đó còn phát triển hạ tầng giao thông, điện nước và khu công nghiệp của tỉnh, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và lao độngsản xuất của người dân trong vùng.

Cây quế đối với đời sống của người dân

Tác dụng và tầm quan trọng của cây quế

Quế là cây lâm nghiệp, tuy nhiên có thể xếp vào nhóm cây công nghiệp. Các sản phẩm từ cây quế được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm… Cây quế chỉ cho khai thác 1 lần, vỏ, thân gỗ, lá, rễ của cây đều có giá trị sử dụng trong một số ngành sản xuất và đời sống, nên đều có thể trở thành hàng hóa. Sản phẩm của quế vỏ và tinh dầu quế được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, dược phẩm, hóa mỹ phẩm. Vỏ cây quế là sản phẩm có giá trị nhất, bởi lượng tinh dầu được tập trung chủ yếu ở bộ phận này. Tinh dầu quế còn được sử dụng trong y học và công nghiệp đồ mỹ nghệ, đưa lại hiệu quả rất cao.

Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, cây quế còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, điều hòa khí hậu, chống rửa trôi, giữ đất và nước, bảo tồn và phát triển đa dạng các nguồn gien quý của cây bản địa. Cây quế còn góp phần vào công cuộc định canh, định cư và ổn định sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân miền núi, đóng góp vào công cuộc giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.

Thực trạng cây quế và sản phẩm quế Văn Yên

Văn Yên có tổng diện tích đất tự nhiên là 139.154,11 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 75%. Người Dao nơi đây rất gắn bó với cây quế, họ có kinh nghiệm trồng quế và những cách thức riêng trong chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản để giữ nguyên được hương vị. Quế được trồng vào tháng 1, tháng 2 âm lịch, khoảng thời gian này thời tiết rất thuận lợi để cây phát triển. Quế được thu hoạch thành 2 vụ trong năm, kéo dài từ tháng 3 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến tháng 9.Sở dĩ quế được thu hoạch vào 2 vụ như vậy là bởi điều kiện tự nhiên của vùng vào thời điểm này rất thuận lợi. Từ tháng 3 đến tháng 4 là vào những ngày cuối xuân, đầu hạ, lúc này thời tiết có nắng nhẹ, vẫn mát mẻ, gió từ trên núi thổi xuống thung lũng vẫn còn nhiều. Thêm nữa, các xã trồng quế ở Văn Yên như Phong Dụ, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Tân Hợp, Viễn Sơn, Đại Sơn lại nằm trong vùng chuyển tiếp giữa địa hình núi cao và đồng bằng thấp ven sông Hồng. Chính vị trí này đã tạo ra địa hình và vùng khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây quế Văn Yên. Đến tháng 8 là lúc bắt đầu vào vụ 2, kéo dài đến hết tháng 9. Vụ này vào mùa thu, là lúc mùa hạ nắng chói chang, khiến cho cây khô héo và thiếu nước đã đi qua, mà mùa đông giá lạnh thì chưa tới. Hơn nữa, thời điểm này trong năm các lễ hội trong vùng cũng đã kết thúc, người dân quay trở lại với công việc thường ngày và việc sản xuất, nuôi trồng lại tiếp tục. Đây cũng là lúc quế dóc vỏ, có thể tách vỏ khỏi thân cây dễ dàng và thời tiết cũng ủng hộ cho công việc bảo quản, khai thác và vận chuyển quế ra các vùng lân cận.

Trên địa bàn Văn Yên hiện có 23.000 ha quế, chiếm diện tích về quế lớn nhất tỉnh Yên Bái. Hàng năm, Văn Yên trồng mới từ 1.000 đến 1.200 ha quế, trở thành vùng sản xuất hàng hóa về quế quy mô lớn, xuất ra thị trường mỗi năm từ 8.000 tấn đến 9.000 tấn vỏ quế khô các loại, sản lượng cành lá đạt 55.000 tấn/năm, sản lượng tinh dầu khoảng 280 tấn/năm, sản lượng gỗ quế là 60.000 m3/năm, doanh thu hàng năm khoảng 530 tỷ đồng. Nhờ khẳng định được vị thế chủ lực trong nền kinh tế, cây quế đã giúp người dân nơi đây có cuộc sống ấm no hơn. Từ khi Văn Yên được nhận bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cây quế, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước của cây quế đã được nâng cao, góp phần tạo thương hiệu bền vững cho sản phẩm quế có sức cạnh tranh trên thị trường. Cây quế Văn Yên giờ đây đã phát huy được tối đa hiệu quả về kinh tế trong toàn vùng.

Đặc sắc lễ hội quế vùng cao

Từ ngày 25 đến 27 – 9 – 2015 tại trung tâm huyện Văn Yên đã tổ chức lễ hội quế với chủ đề Cây quế Văn Yên, hội nhập và phát triển cho lễ hội quế lần thứ nhất, với logo được đăng ký bản quyền rõ ràng với Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái. Lễ hội có sự tham gia của 10 xã có thế mạnh về cây quế các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu quế, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân vùng trồng quế. UBND huyện Văn Yên đứng ra là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở VHTTDL, Sở công thương và Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn.

Hội chợ và Triển lãm quế Văn Yên. Với quy mô 10 gian hàng, được dựng lên ở sân vận động xã Viễn Sơn, nhằm trưng bày và giới thiệu các thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến quế; các sản phẩm được chiết xuất từ quế trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó là triển lãm về sản phẩm quế và chợ quê, được trưng bày trong ngôi nhà chung và 10 gian hàng về quế. Ở ngôi nhà chung đã giới thiệu cho nhân dân những mô hình mô phỏng các chặng thời gian lịch sử, các biểu đồ và tư liệu về quy trình chăm sóc, thu hoạch và chế biến quế. Các hình ảnh mô phỏng một cách sinh động về quá trình người dân Văn Yên tạo ra một sản phẩm từ quế mang thương hiệu địa phương. Ngoài ra, triển lãm còn mở rộng ra khỏi vùng, giới thiệu những sản phẩm quế đến các huyện lân cận. Đặc biệt, khách tham quan còn được tận mắt chiêm ngưỡng những nghệ nhân đang thao diễn kỹ thuật tay nghề thủ công mỹ nghệ từ quế, tạo ra các sản phẩm như bình đựng rượu, vòng tay, các vật dụng phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày như bát, thìa, giỏ đi chợ... để mang ra thị trường.

Hội chợ quế với 10 gian hàng, trưng bày và giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của người Dao làm từ cây quế, những lọ tinh dầu quế và cả những gia vị được người Dao tạo ra từ quế, khi nêm vào món ăn sẽ mang lại hương vị thơm ngon, đậm đà và lạ miệng.

Hội thảo về cây quế với sức khỏe con người và con người với cây quế được tổ chức vào ngày 25 - 9 tại hội trường UBND xã Viễn Sơn. Với sự tham dự của lãnh đạo huyện và các xã sản xuất quế cùng người dân trồng quế. Hội thảo là nơi trao đổi thông tin về những nghiên cứu khoa học về quế, đưa ra giải pháp cho quế Văn Yên vươn tầm khu vực. Bên cạnh đó là tổ chức phát động phong trào bình chọn đồi quế kiểu mẫu, vườn quế phục vụ du lịch và tôn vinh người trồng quế. Các cuộc thi khác như tuyển chọn sản phẩm quế chất lượng, tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu về kinh doanh quế cũng được tổ chức.

Đến ngày 26 - 9, lễ hội quế có thêm những hoạt động như cuộc thi người đẹp vùng quế, lễ cấp sắc 12 đèn, tái hiện đám cưới mẫu người Dao, quy trình làm giấy dó của người Dao, đêm nhạc Ngọt ngào vùng đất quế, cuộc thi trồng quế và tổ chức tour du lịch tâm linh, sinh thái cho du khách.

Đây là lần đầu tiên Văn Yên tổ chức một lễ hội mang tầm khu vực lớn như thế. Lễ hội quế nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện Văn Yên về phát huy thế mạnh sản phẩm, phát triển kinh tế từ cây quế thông qua các hoạt động triển lãm, giới thiệu, quảng bá và các dịch vụ nhằm mở rộng thị trường sản phẩm từ cây quế. Đồng thời, đây còn là dịp để giới thiệu về các dân tộc vùng trồng quế tới du khách trong và ngoài nước, nhằm khai thác và quảng bá các tuyến du lịch trên địa bàn huyện Văn Yên. Thông qua các hoạt động tại tuần văn hóa vùng quế, còn kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, gìn giữ và bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc. Qua hội chợ quế, người dân trồng quế có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sự hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, tạo tính liên kết, từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm quế, thu hút đầu tư chế biến sản phẩm quế tinh ở Văn Yên và tăng thu nhập cho người dân. Đây là dịp để tỉnh định hướng phát triển kinh tế trong sử dụng cây quế cho hoạt động sản xuất, vừa là dịp tăng cường và củng cố thế mạnh của vùng. Đồng thời, qua đó, tăng cường các hoạt động du lịch và kinh doanh cây quế.

Lễ hội quế là cơ hội khuyến khích nông dân trồng quế ứng dựng khoa học, kỹ thuật trong canh tác, tăng năng suất hiệu quả đầu tư trồng quế. Các doanh nghiệp có cơ sở để đầu tư, trang bị các thiết bị, công nghệ hiện đại, đa dạng hóa mẫu mã, năng suất chất lượng, hạ giá thành, mở rộng thị trường, tăng giá trị xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng quế trong huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thông qua lễ hội quế, người dân không chỉ nâng cao nhận thức về cây quế, một loại cây công nghiệp lâu năm có tác dụng lớn trong cuộc sống, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu mà còn là cơ sở khoa học để xúc tiến, phát triển tuyến du lịch Hà Nội – Yên Bái – Lào Cai.

Tóm lại, lễ hội quế là cơ hội xúc tiến quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của vùng, khôi phục và tôn vinh nét đẹp văn hóa của người Dao đỏ với cây quế, thúc đẩy ngành quế phát triển bền vững, cải thiện từng bước đời sống người dân, giải quyết vấn đề việc làm và đưa lại lợi ích cho địa phương, cũng như cho ngân sách Nhà nước. Tầm quan trọng của việc xuất khẩu quế và khẳng định thương hiệu quế Văn Yên cũng được tăng lên, đy mạnh du lịch văn hóa vùng. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015

Tác giả : TRỊNH PHƯƠNG THU

;