Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là quần thể di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, chốn thiêng từng gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của hai danh nhân kiệt xuất: anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) và anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380-1442). Nơi đây, cũng là chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Vị tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ Huyền Quang (1254-1334) từng tu hành, viên tịch ở đất này.
Hàng năm, Côn Sơn - Kiếp Bạc có 2 kỳ lễ hội. Lễ hội mùa xuân và mùa thu, kỷ niệm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (20-8 âm lịch), Nguyễn Trãi (16-8 âm lịch) và ngày viên tịch của Thiền sư Huyền Quang (23 tháng giêng). Trải qua trên 700 năm tồn tại, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành lễ hội truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc.
Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc xưa có nhiều hình thái văn hóa phi vật thể đặc sắc được trình diễn như: tế, lễ, rước bộ, rước thủy, lễ mộc dục, lễ đàn mông sơn thí thực, diễn xướng hầu thánh, thi làm bánh, hội chợ và nhiều trò chơi dân gian như đua thuyền, vật võ, rối nước, diễn xướng chém Phạm Nhan… Đó là thuần phong, mỹ tục độc đáo góp phần làm lên bản sắc văn hóa đa dạng của cư dân đồng bằng Bắc bộ.
Ngày nay, mặc dù lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc là một trong những lễ hội đặc biệt quan trọng, cơ sở vật chất của khu di tích đã được đầu tư tôn tạo khang trang hơn, nhưng lễ hội vẫn chưa có quy mô tương xứng với vị thế lịch sử của di tích và danh nhân. Nhiều nghi lễ, diễn xướng truyền thống và phong tục tốt đẹp đang dần bị mai một, có nguy cơ thất truyền. Để khôi phục bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Côn Sơn - Kiếp Bạc, đáp ứng nhu cầu tâm linh, hướng về cội nguồn, đưa lễ hội trở thành một trong những hoạt động văn hóa điển hình của tỉnh, hưởng ứng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND tỉnh Hải Dương, Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) đã phê duyệt đề án nâng cấp lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc, giai đoạn 2006-2010.
Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2010 diễn ra từ ngày 23 đến ngày 25-9-2010 (tức ngày 16 đến 18-8 âm lịch). Đây là kỳ lễ hội tổng duyệt các nội dung đã được phục dựng trong 4 năm theo đề án lễ hội truyền thống quốc gia (2006-2010). Lễ hội năm nay sẽ tập trung, chọn lọc nâng cấp chất lượng một số nghi lễ tiêu biểu đã được phục hồi để làm điểm nhấn, bổ sung, phục dựng một số trò chơi, diễn xướng dân gian làm phong phú nội dung phần hội.
Dự kiến vào hội mùa thu năm nay sẽ có hàng chục vạn người hành hương về dự lễ hội. Theo Trưởng ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc Nguyễn Khắc Minh, mọi công việc đã được hoàn tất, đặc biệt công tác chuẩn bị nội dung các nghi lễ, diễn xướng đã sẵn sàng: Từ ngày 10 đến 15-8 âm lịch sẽ diễn ra lễ cáo yết khai hội và liên hoan diễn xướng hầu Thánh; ngày 16-8 âm lịch tổ chức lễ rước cỗ của 2 làng Vạn Yên, Dược Sơn tế thánh; lễ tưởng niệm 710 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo; lễ tưởng niệm 568 năm ngày mất của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và trên 40 chiếc thuyền của ngư dân Hải Phòng, Hải Dương sẽ về tham dự lễ hội quân trên sông Lục Đầu. Vào đêm 17-8 âm lịch, nhân dân thập phương sẽ được tham dự lễ cầu an và chứng kiến đêm hội hoa đăng rực rỡ... Từ ngày 18 đến 20-8 âm lịch tổ chức hội đua thuyền bơi chải; liên hoan diễn xướng hầu thánh và tế tạ. Ngoài ra, trong lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật đặc sắc như hát chèo, hát quan họ… Đồng chí Trưởng ban nhấn mạnh: các nghi lễ, diễn xướng được phục dựng trên nguyên tắc tôn trọng, kế thừa các giá trị truyền thống, thể hiện sự trang trọng, linh thiêng, hoành tráng và khoa học. Các hoạt động hội phải vui tươi, lành mạnh, hấp dẫn, tiêu biểu cho phong cách, nếp sống của nhân dân vùng văn hóa xứ Đông, kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống với hiện đại, thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của nhân dân. Cũng như mọi năm, để điều hành, tổ chức lễ hội, Ban tổ chức lễ hội thành lập 4 tiểu ban công tác gồm: Tiểu ban an ninh trật tự xã hội, nội dung tuyên truyền, tài chính hậu cần, đoàn kiểm tra liên nghành với mục đích cao nhất tôn vinh tư tưởng nhân nghĩa của các bậc vĩ nhân, đáp ứng nhu cầu tâm linh nơi chốn thiêng, đảm bảo an toàn tốt nhất cho nhân dân thập phương về tham dự lễ hội.
Từ thực tế cho thấy, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành địa chỉ vàng, một điểm di tích quen thuộc, thấm đậm tâm hồn dân tộc Việt Nam.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 315, tháng 9-2010
Tác giả : Đức Sơn