Trong các tài liệu nghiên cứu về người Dao ở Việt Nam, các học giả đều thừa nhận cấp sắc là nghi lễ đặc trưng văn hóa của người Dao, với ba cấp độ: 3 đèn, 7 đèn, 12 đèn. Tùy theo phát âm, mỗi nhóm Dao tại từng khu vực cư trú có những cách định danh khác nhau, có thể gọi cấp sắc 3 đèn là quá tăng, chấu đàng, phàm thoi...; cấp sắc 7 đèn là chấu say, chất phing tăng...; cấp sắc 12 đèn là tẩu sai, chiệp nhảy phing tăng... Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, lễ cấp sắc 12 đèn trong cộng đồng người Dao ở Việt Nam hiện còn rất ít nhóm đủ đảm bảo các điều kiện để tiến hành.
Về mặt ý nghĩa, nếu lễ cấp sắc 3 đèn được tập trung vào việc đặt tên âm (pháp danh) cho đệ tử thụ lễ và giới hạn trong phạm vi gia đình thì lễ cấp sắc 7 đèn và 12 đèn của người Dao Tiền ở Ngân Sơn, Bắc Cạn là nghi lễ có sự tham gia của toàn bộ dòng họ. Trong đại lễ này, có rất nhiều nội dung, phần mục phức tạp. Có thể khái lược những ý nghĩa chính như sau:
Thứ nhất: trong quá trình sinh sống, có thể có những cá nhân trong dòng họ bị mất khi chưa được cấp sắc, những cháu nhỏ chết yểu, có người chết bất thường… Linh hồn những người này sẽ phải đi lang thang hoặc về động Đào Hoa - Lâm Châu, vốn là nơi ở tạm thời của linh hồn trẻ con người Dao. Muốn linh hồn đoàn tụ, người Dao Tiền phải tiến hành lễ cấp sắc 12 đèn để chuộc, cho linh hồn được về ở cùng tiên tổ tại Dương Châu (có sách nói là Kinh Châu) đại điện.
Thứ hai: tại nghi lễ cấp sắc 3 đèn (quá tăng), người đàn ông Dao Tiền đã được cấp sắc, đặt tên âm. Kể từ đây, anh ta sẽ được thực thi những công việc quan trọng của gia đình, cộng đồng và đảm nhiệm một số công việc tâm linh. Tuy nhiên, nếu chỉ được cấp sắc 3 đèn, khi chết đi họ chỉ trở thành những linh hồn bình thường. Để được làm quan tướng bên cõi âm, họ phải trải qua nghi lễ cấp sắc 7 đèn và 12 đèn (tẩu sai).
Thứ ba: tại lễ tẩu sai, người ta phải chuẩn bị hai loại sớ; sớ bên cõi dương gọi là giàng sí só, sớ bên cõi âm gọi là yêm sí só. Sớ bên âm được đốt ngay trong quá trình hành lễ nhằm cẩn cáo với thánh thần về việc đã thăng chức cho đệ tử thành đại pháp sư. Sớ bên dương được giữ lại, sau này khi người chồng, vợ chết mới đem đốt, các cặp vợ chồng sẽ theo sớ đó tìm về đoàn tụ, làm quan tướng và tiếp tục chung sống hạnh phúc với nhau ở cõi âm.
Các điều kiện để tiến hành nghi lễ tẩu sai
Với người Dao Tiền ở Ngân Sơn, Bắc Cạn, các khảo sát của chúng tôi trong 5 năm trở lại đây cho thấy, nhiều dòng họ vẫn còn khả năng tổ chức lễ cấp sắc cho những người thụ lễ ở cấp độ cao nhất là 12 đèn. Để tiến hành nghi lễ, dòng họ phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu sau:
Số thày cúng đã qua lễ tẩu sai hiện còn sống là người ngoài dòng họ phải có ít nhất 14 người. Điều ấy quy định bởi hai vấn đề. Phải có đủ số lượng thày để làm lễ tẩu sai cho dòng họ; sau này, khi người thụ lễ mất đi, gia đình vẫn có các thày cao tay ở ngoài dòng họ giúp làm các nghi lễ trong đám tang. Trường hợp những ông thày cao tay khi mất, không có đủ các thày được cấp sắc ngang bằng tham gia làm ma, con cháu sẽ phải đưa xác ra ngoài rừng chôn cất chứ không được làm ma tại nhà. Các cá nhân, các hộ trong dòng họ phải đoàn kết, vì mỗi dịp lễ, dòng họ chọn 12 cặp vợ chồng (sau này, có dòng họ chọn tới 14, 15 cặp để tham gia thụ lễ). Các ông chồng đều phải trải qua cấp sắc 3 đèn, đã có tên âm cùng với 3 miếu đèn và 36 binh mã (quá tăng/phàm thoi tăng).
Thời gian dự kiến làm lễ, các hộ trong dòng họ phải không có tang. Đây là điều kiện khó, nhất là với dòng họ lớn. Có khi, dòng họ đã chuẩn bị xong, đã tiến hành lễ sìn pè đàng để thông báo và khất nguyện cùng thánh thần nhưng trong thời gian dự kiến làm lễ, trong dòng họ lại không may có đám tang thì phải dừng, chờ dịp khác. Khi này, dòng họ buộc phải thực hiện lại lễ sìn pè đàng.
Lễ cấp sắc 7 và 12 đèn được tổ chức gộp cùng một đợt. Trước đó, trưởng họ phải đích thân đến một thày có uy tín xem ngày tháng tốt để làm lễ sìn pè đàng kéo dài 3 ngày 2 đêm nhằm tẩy uế, khất nguyện và thông báo với thánh thần… cho dòng họ bắt đầu thực hiện các việc kiêng cữ, chay tịnh, trai giới…, trước khi tiến hành lễ tẩu sai.
Công tác chuẩn bị của lễ tẩu sai
Sau lễ sìn pè đàng khoảng 5 ngày, đại diện dòng họ sẽ đi mời ông thày viết sớ (sài piu). Do số lượng sớ rất nhiều, nên ông phải viết trong gần một tháng, đến khi diễn ra lễ tẩu sai mới cơ bản xong. Khi đi mời, đại diện dòng họ phải mang theo một gói muối, quấn trong lá dong buộc chỉ màu (phiến) cùng một ống tre đựng bã rượu (tiu sai đồng, trua sai đồng), đến nhà thày viết sớ đặt ở dưới chân bàn thờ. Các loại sớ trong lễ tẩu sai bao gồm:
Chuồn tẩu só, dành để viết tên, tuổi, giờ, phút, ngày, tháng, năm sinh của người chồng, người vợ sẽ làm cấp sắc 7 đèn, 12 đèn. Để viết loại sớ này, người chồng phải mang một con gà sang gia đình nhà vợ làm thủ tục xin phép tổ tiên. Bố mẹ vợ cử người trong họ ra nhận gà, làm thịt, thắp hương… sau đó mới ghi tên tuổi, giờ, ngày, tháng, năm sinh của con gái cho con rể mang về.
Kìa tê só, viết để xin cấp thêm miếu đèn, binh mã cho 14 người thụ lễ.
Các piu só, viết để bẩm báo, xin Ngọc hoàng cùng thần thánh, tổ tiên phù hộ để phong thêm chức tước cho 14 đệ tử.
Yêm sí só, là sớ bên âm, viết cho cả hai vợ chồng thụ lễ, sau này giao cho Ngọc hoàng giữ (đốt ngay tại lễ), báo cho Ngọc hoàng biết việc hai vợ chồng sẽ làm. Sau lễ tẩu sai, họ sẽ có pháp sư cao tay phù trợ, được làm quan tướng bên cõi âm.
Giàng sí só, là sớ bên dương, nội dung như yêm sí só nhưng sau khi tổ chức nghi lễ sẽ được các cặp vợ chồng cất kín trong một cái túi đỏ, tuyệt đối không mở ra xem. Đến khi chết, người ta mới đem sớ ấy đi hóa để linh hồn mang về thế giới bên kia, trình báo với Ngọc hoàng, tổ tiên và tìm lại nhau đoàn tụ bên cõi âm.
Cùng thời gian này, người trong họ đi mời ông thày về nhà trưởng họ để làm tiền giấy (chây dùn). Do số giấy nhiều nên thày phải đi mời thêm một người nữa cùng làm, thường từ 20 - 25 ngày mới xong. Người trong họ phải làm một cái lán nhỏ để thày ở và làm tiền giấy cho tới khi kết thúc nghi lễ. Khi đi mời, người nhà cũng mang theo gói muối và ống tre nhỏ đựng bã rượu đến nhà ông chây dùn đặt dưới chân bàn thờ. Có các loại tiền sau: tiền mệnh giá 120 đồng (giết pè nhị chìu buổn), gồm 4 tờ giấy ngắn và 4 tờ giấy dài gấp lại thành cuộn nhỏ; tiền mệnh giá 60 đồng (lùa chìa puối), gồm 2 giấy dài, 2 tờ giấy ngắn gấp lại thành cuộn nhỏ; rổ đựng tiền (píu) đan bằng tre, hình tròn, bên ngoài dán giấy xanh đỏ, dùng để đặt tiền bên trong và đốt trong quá trình làm lễ; rổ đan giống hình chim phượng hoàng (só quan đem) dùng để đựng tiền và đốt để dâng cho Ngọc hoàng.
Khi mời được hai thày viết sớ và làm tiền giấy, người trong họ mời 5 ông thày chính. Khi đi, họ cũng phải mang theo gói muối và ống tre đựng bã rượu đến nhà thày để đặt dưới chân bàn thờ. Các thày được mời đến hành lễ và phụ trách các công việc chính như: thày thứ nhất (kìa chế) là thày trưởng trong việc thăng chức cho các đệ tử; thày thứ hai (kìa chế truôi) là thày phó thăng chức, tức thày phụ của thày thứ nhất; thày thứ ba (tẩu sai), đảm nhiệm vai trò chuyển độ lên chức; thày thứ tư (diền tẩu) làm nhiệm vụ dẫn độ lên chức; thày thứ năm (pù ký hoặc pạt chuôi) đảm nhiệm việc bói trong nghi lễ. Sau khi mời xong 5 ông thày chính, người trong họ sẽ tiếp tục đi mời các thày phụ, nhưng không phải mang theo gói muối và ống tre đựng bã rượu. Các ông thày phụ bao gồm: thày thứ sáu (choong tàn) phụ việc cho thày thứ năm để tháo dỡ đám chay sau khi bói; thày thứ bảy (sài piu) viết các loại sớ; thày thứ tám (chây dùn) làm tiền giấy; thày thứ chín (cho tàn) giúp cắt giấy, dán, trang trí tại các miếu đàn, hoa bài...; thày thứ mười (tài mình) phân minh với tổ tiên; thày thứ mười một (thuôi tì) thổi tù và; thày thứ mười hai (cò lò) đánh chiêng, trống, thanh la; thày thứ mười ba (chà cháo) rót rượu cho thần thánh, ma, tổ tiên...; thày thứ mười bốn (díp doang) cắm hương.
Tùy chức năng, có thày mang đệ tử và vợ đi theo để đảm nhiệm một số việc tại đám lễ. Cụ thể: thày thứ nhất có ít nhất 2 đệ tử (sài tùng) và vợ đi cùng; thày thứ ba có ít nhất 4 đệ tử, vợ của ông này không đi cùng mà phải ở nhà thắp hương cầu cho binh mã và pháp sư của thày tại đám lễ, trong 4 đệ tử thì 1 người làm thày nhỏ (cò lò) để hộ việc cho thày, 3 người còn lại tham gia nhảy múa trong nhà (những đệ tử đi theo các thày giúp việc và tham gia nhảy múa gọi chung là sài tùng); thày thứ tư có ít nhất 4 đệ tử và vợ đi cùng, trong đó 1 người làm thày nhỏ (díp doang) để hộ việc, số còn lại tham gia vào hoạt động nhảy múa trong nhà tại một số nghi lễ; thày thứ năm có ít nhất 3 đệ tử, trong đó 1 người làm thày nhỏ (sài ton tía), 1 người hộ việc (truôi cháo), những người khác tham gia nhảy múa (sài tùng); thày thứ sáu có ít nhất 2 đệ tử.
Cách lễ tẩu sai khoảng 4 - 5 ngày, người trong họ dựng hai lán nữa ở trước hiên nhà bên trái và bên phải cho các thày, các đệ tử tham gia cấp sắc có chỗ ở. Sau đó, trưởng họ hoặc những đàn ông uy tín trong họ mang 4 con lợn đến nhà 4 ông thày (thày cả, thày hai, thày ba và thày sài piu - ông thày viết sớ, sau này sẽ ở lại lán của 14 đệ tử và thực hành nhiều nghi lễ quan trọng) để làm lễ cúng tại bàn thờ gia đình các thày nhằm báo cho pháp sư, binh mã của thày biết ngày sẽ cùng thày đi làm tẩu sai. Xong việc, người trong họ quay về nhà trưởng họ đem một gói muối đến đặt tại chân bàn thờ nhà thày để báo cho thày biết cụ thể thời gian, địa điểm hành lễ.
Gần đến ngày lễ, các gia đình trong họ mang vật phẩm về nhà trưởng họ. Ngoài củi, các hộ còn góp tiền, gạo, rượu, rau... Đàn ông trong các gia đình đến lấy cây que, cỏ gianh... dựng lán, làm ghế ba chân... Khoảng 7 - 8 giờ sáng ngày thứ nhất, bếp trưởng và vài người trong họ làm rượu cúng từ cơm nếp tãi ra nong để nguội thì trộn men sống và đem ủ vào 28 chum nhỏ (nếu thiếu chum, có thể ủ vào các ống tre nghẹ). Sau đó, mọi người lại làm bánh cúng. Cũng như lễ cấp sắc 3 đèn, lễ sìn pè đàng…, tại lễ tẩu sai, làm rượu cúng và bánh cúng chỉ có ông bếp và những người nam trong họ, người ngoài họ không được chứng kiến và tham gia vào công việc này. Khoảng 9 giờ, một số đàn ông trong họ đi lấy cây que về làm một đàn tế ở ngoài ruộng, cách nhà trưởng họ 200m - 300m (tầu thây), dựng cao khoảng 2,5m, dài và rộng khoảng 2m, bên trên dát sàn. Để lên được sàn cao, họ phải bước qua cái thang đặc biệt, bậc làm bằng các lưỡi dao quắm đặt chéo nhau. Tổng cộng có 13 lưỡi dao, lưỡi trên cùng đặt ngang, 12 lưỡi còn lại bắt chéo, phần mũi cắm vào thân gỗ cầu thang, phần cán dao buộc lại bằng vải trắng. Thang này chỉ dành cho thày cả, thày hai và 14 đệ tử bước lên khi hành lễ.
Các nội dung cơ bản của lễ tẩu sai
Theo tục lệ, từ khi làm sìn pè đàng đến lễ tẩu sai, các cặp vợ chồng phải kiêng quan hệ. Nếu không kiêng được thì các ông chồng phải đan các rọ tre nhỏ (chây lò), bọc giấy bản lại để khai báo, xưng tội với thần thánh cùng các ma. Bao nhiêu lần quan hệ phải làm bấy nhiêu cái chây lò. Thông thường, lễ cấp sắc 12 đèn kéo dài 7 ngày 6 đêm. Nghi lễ bao gồm một số lễ chính như sau: lễ dâng lợn cúng tổ tiên và thần thánh (lò mạ), cúng báo thổ công giúp quản lý các đồ vật và tiếp đón pháp sư, binh mã (bjiêu kiềm chê miền); lễ cúng báo tổ tiên, thần thánh về việc dòng họ bắt đầu thực hiện chay tịnh cho cấp sắc 12 đèn (puồng chê); lễ trình diện của vợ chồng đệ tử với thần thánh trong 5 ngày đại lễ cấp sắc 12 đèn (hỉu lùng pua puồng chê piu); lễ dẫn binh mã của đệ tử ra ngũ đài để tập nhảy múa (đồ thây); lễ cúng báo thần thánh, pháp sư, binh mã về nội bất xuất, ngoại bất nhập khi hướng dẫn binh mã của đệ tử tham gia nhảy múa (dịa chiếm); lễ cúng mời linh hồn chết yểu về đoàn tụ cùng tổ tiên (thinh tài nhuệ trì) và lễ bói lớn tìm nơi ở của các linh hồn xấu số (tồm bâu); lễ cúng và nhảy múa chia vui với binh mã của các đệ tử và các linh hồn xấu số đã được chuộc về đoàn tụ cùng tổ tiên (là chê); lễ cúng trình thần thánh về việc mài dao, làm bậc thang lên ngũ đài (mỏ dụ) và cúng giải hạn, xóa điều xấu, đón điều tốt về cho các đệ tử (loàng phinh); lễ cấp 7 đèn và 12 đèn cho các đệ tử (quá tẩu sai tang) và mở cửa trời cho đệ tử (sài ton hỉu lùng); lễ đưa các đệ tử đi qua sông suối (tẩu sùi dụ) và cúng cho các đệ tử hóa thân thành chim phượng bay lên ngũ đài (pến sin pháo tầu thây); lễ cấp ấn tín cho các đệ tử thụ lễ (bêu diến) và cúng đưa các bà vợ của 14 đệ tử đi qua sông suối (tẩu là choòng); lễ cúng cấp bằng sắc cho các đệ tử (quá chế), cấp sớ âm dương cho vợ chồng đệ tử (là cháo chầy), chỉnh đốn binh mã (là chái peng); các lễ cúng đón điều tốt cho vợ chồng các đệ tử (phâu nghình doàng tấu), giao binh mã của từng đệ tử cho Ngọc hoàng (puông nghình peng piu), báo cáo trời đất về đám tẩu sai đã hoàn thành (pua mài sán piu); lễ cúng tạ ơn tổ tiên, pháp sư, binh mã, thổ công... (séng loỏng).
Một số biểu tượng tại lễ tẩu sai và những giải mã bước đầu
Do nghi lễ kéo dài, nhiều thủ tục phức tạp, chúng tôi chỉ sơ bộ giới thiệu và giải mã một số tình tiết chính của nghi lễ.
Về trình tự của lễ tẩu sai, có thể thấy rõ sự chi phối khá cụ thể và chặt chẽ của Đạo giáo. Bắt đầu từ việc kiêng kỵ, trai giới… để cả dòng họ cùng tham gia vào lễ sìn pè đàng. Trình tự nghi lễ tập trung vào các nhóm công việc như: đầu tiên là nghi lễ đón tiếp các thày và các pháp sư của thày về ngự tại khu vực miếu đàn dành riêng cho từng loại ma, thánh thần…của thày cả, thày hai….Riêng ma tổ tiên thì được mời về gian giữa, nơi những người giúp việc cho lập một cái miếu nhỏ ở gần giữa ngôi nhà ông trưởng họ, gọi là on tòi. Sau khi mời các pháp sư, sẽ đến phần mục mời tổ tiên về ngự, chứng giám cho con cháu trong dòng họ chuẩn bị bước vào quá trình tiến hành lễ tẩu sai. Kết thúc phần mục công việc này, các cặp vợ chồng đệ tử sẽ ra trình diện các thày cúng, pháp sư của các thày, với mục đích là để các thày cùng thánh thần biết rõ và nhận mặt, nhận tên…cho từng cặp vợ chồng đệ tử trong đám lễ, đảm bảo rằng việc cấp sớ, ghi tên, cấp bằng sắc…không bị nhầm lẫn ở cả hai cõi dương và âm. Sau thủ tục này, ông thày sẽ làm thủ tục trấn yểm, nội bất xuất, ngoại bát nhập, không cho tổ tiên và các ma, các thánh thần đi lại tự tiện, mà phải ở tại các vị trí do các thày đã mời về, sau đó các phần mục chính của lễ cấp sắc 12 đèn mới được tiến hành.
Trong tập hợp biểu tượng liên quan đến nghi lễ, nhóm biểu tượng liên quan đến nước, con cá… thể hiện rất rõ. Riêng biểu tượng chim (phượng hoàng) chỉ 1 con, đảm nhiệm vai trò chuyển sớ, tiền… cho Ngọc hoàng, Tam Thanh và thánh thần, tổ tiên, hỗ trợ các đệ tử, các thày… bay lên ngũ đài (pến sin pháo tầu thây). Biểu tượng có vai trò quan trọng, chi phối nhiều hành động trong tổ hợp các nghi lễ thuộc về con cá, con thuyền và sông nước. Chẳng hạn, để tiến hành thủ tục bói, chuộc những linh hồn xấu số về đoàn tụ cùng tổ tiên, người ta phải đặt lên bụng ông thày pạt chuôi 2 chum nước, ông sẽ nhập hồn vào đó, để chum nước, vốn được quan niệm là con thuyền, đưa đến mọi chỗ, mọi nơi…nhằm tìm kiếm và chuộc linh hồn trở về. Việc nhắc lại tín ngưỡng nước hoặc có liên quan đến nước còn được tìm thấy ở nghi lễ tẩu sùi dụ (dẫn các đệ tử đi qua sông suối), ở việc trên gác nhà trưởng họ, phải dán đến 18 cái lệnh hoa bài, trên các hoa bài này luôn có hình con cá bằng giấy màu… Hình ảnh con cá còn được tìm thấy trên sợi dây buộc các lưỡi dao làm bậc thang đi lên ngũ đài… Tất cả những con cá này đều thực hiện một nhiệm vụ chung tại nghi lễ: chở, tiễn đưa… linh hồn ông bà, tổ tiên đến và đi về nơi ở cũ… Cách tạo ra trang phục duy nhất người Dao Tiền ở Việt Nam còn lưu giữ và thực hiện, khiến có thể khẳng định rõ đây là một tập hợp các hóa thạch văn hóa trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người Dao Tiền.
Tại nghi lễ cấp sắc, hạt vừng cũng được coi là một biểu tượng khá đặc biệt. Vừng được dùng rắc vào bánh cúng, rắc vào bát nước phù chú... để các ông thày trừ tà, tẩy uế, phù chú phun mây, mưa…
Một điểm nữa cần lưu ý, khi cúng ông tổ Bàn Vương, ngoài việc mặc váy, ông thày phải mặc cả áo choàng dài và quấn quanh thắt lưng một chiếc dây dài, hai đầu đính những rải tua rua như những chùm bông kê. Đó cũng là một dấu ấn, là ký hiệu thể hiện rằng thông qua hành vi này, ông thày sẽ được tăng thêm sức lực, trí tuệ để giao tiếp với ông tổ nhằm tiếp xúc tốt hơn với cõi âm để tẩy uế, khai thông các khả năng thần bí, thâu nhận nó để trao truyền, răn dạy đệ tử trước khi kết thúc nghi lễ.
Từ sự mở rộng vấn đề trong việc tìm kiếm các tín hiệu văn hóa cổ truyền trong đời sống của người Dao Tiền ở Ngân Sơn, chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét:
Thứ nhất, có rất nhiều tín hiệu, biểu tượng tại lễ tẩu sai biểu đạt các lớp văn hóa liên quan đến sông nước. Đó chắc chắn là lớp văn hóa bản địa của người Dao trước khi phải chuyển cư.
Thứ hai, trong quá trình chuyển cư, người Dao dần chuyển lên ở vùng núi, tại đó họ dần đồng hóa với văn minh nông nghiệp khô. Việc làm này được tiến hành cộng với quá trình tiếp nhận Đạo giáo (trước tiên là Đạo gia) để tạo nên một sự hỗn dung văn hóa. Đây được xem như một điểm mốc, đánh dấu sự biến đổi của văn hóa Dao ở trong và sau ly tán và phân chia ra các nhóm ngành.
Thứ ba, do sự hỗn dung văn hóa, nhất là của Đạo giáo phù thủy đã diễn ra quá lâu, nên các ý nghĩa ban đầu của vừng (kê mạch) đã không được người Dao Tiền biết đến một cách cặn kẽ. Với màu sắc của pháp thuật, người ta chỉ nhìn thấy ở đó việc tẩy uế, trừ tà. Song, nếu xâu chuỗi hành vi này với việc cúng Bàn Vương phải mặc váy và quấn thắt lưng có tua rua như những chùm bông kê... thì việc sử dụng vừng theo các ý nghĩa trên là thỏa đáng. Có điều nó được chính Đạo giáo thâu nhận và dung nạp, cải biến nó thành một biểu hiện của Đạo giáo.
Tóm lại, ở Việt Nam, người Dao cư trú lâu đời tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Lễ cấp sắc được coi là đặc trưng, biểu đạt nhiều khía cạnh, nhiều giá trị văn hóa của người Dao.
Nếu đặt hệ giá trị của lễ tẩu sai, sự phức tạp của nó cùng nhiều kiêng kỵ khá đặc biệt, niềm tin trong đời sống của người Dao Tiền ở Ngân Sơn, Bắc Cạn, chúng ta có quyền lạc quan nghĩ rằng, cho dù chịu nhiều tác động, biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội, hệ thống nghi lễ này có chăng cũng chỉ có những đổi thay hoặc dịch chuyển nhỏ. Về bản chất sâu xa, những giá trị cốt lõi của các nghi lễ đã và sẽ tồn tại song hành cùng đời sống văn hóa Dao, góp phần tạo nên tiếng nói chung trong sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam hiện tại cũng như tương lai.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016
Tác giả : BÀN TUẤN NĂNG