Trong các làng nghề thêu ren truyền thống ở xã Ninh Hải (Hoa Lư, Ninh Bình), làng Văn Lâm được cho là nơi phát tích, hội tụ đầy đủ nhất những tinh hoa của nghề thêu ren với những bàn tay vàng đã được Hiệp hội làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam công nhận. Đây là 1 trong 6 làng nghề truyền thống được nhận bằng, được Nhà nước hỗ trợ phát triển, nhằm đưa nghề thêu ren vươn ra xa hơn trong tương lai.
Nơi đây có ngôi đền thờ các vị tổ nghề đã có công đưa nghề thêu ren về làng Văn Lâm, những giai thoại, truyền thuyết khác nhau về lịch sử hình thành nghề.Theo các cụ cao niên trong làng Văn Lâm kể lại, nghề thêu ren ở đây có từ thời nhà Trần, khi rút lui chiến lược từ Thăng Long về địa bàn Ninh Bình trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2. Trong thời gian này, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, vợ thái sư Trần Thủ Độ, đã cho các cung nữ truyền dạy cho dân địa phương nghề thêu ren cung đình. Đó là một minh chứng vẻ vang, tự hào của người dân Văn Lâm về nghề thêu ren. Không ai phủ nhận dù cho không có văn bản thành văn hay sắc phong nào của các triều đại trước để lại nói đến quá trình hình thành nghề thêu ren, người có công truyền dạy. Người dân nơi đây luôn mang trong mình sự biết ơn thành kính đối với những bậc tiền nhân đã có công truyền nghề thêu ren cho họ.
Người dân Văn Lâm còn ghi nhớ một sự kiện quan trọng. Vào năm 1910, hai cụ Đinh Ngọc Hênh, Đinh Ngọc Xoan là người làng Văn Lâm, đã có công lặn lội lên Hà Nội để học nghề thêu ren. Khi đã học được nghề, các cụ về dạy lại cho dân làng, từ đó nghề thêu ren đã không ngừng phát triển về sản phẩm, đa dạng mẫu mã với những phương thức sản xuất mới, đáp ứng nhu cầu của thời đại, sản phẩm chính lúc bấy giờ là: khăn trải bàn, khăn ăn... Từ đó làng nghề thêu ren Văn Lâm đã có diện mạo mới, tồn tại cho đến ngày hôm nay. Như vậy, hai nguồn tư liệu cho biết về lịch sử nghề thêu ở Văn Lâm đều có cơ sở thực tiễn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, có thể nghề thêu ở Văn Lâm ra đời từ rất sớm (từ thời Trần, như tư liệu đã nêu), sau đó người dân trong làng tiếp tục học hỏi thêm nghề thêu ở Hà Nội để truyền dạy, phát triển theo hướng đa dạng hơn, thời đại hơn.
Hiện nay, ở gần bến đò làng Văn Lâm, vẫn còn ngôi đền thờ 3 vị tổ sư nghề thêu, đó là Quốc tổ nghề thêu Lê Công Hành, 2 cụ ông Đinh Ngọc Hênh, Đinh Ngọc Xoan. Thông qua việc phụng thờ tổ nghề đã phản ánh truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân Văn Lâm, đối với những người đã có công khai sáng, đưa nghề về làng, mang lại một cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây. Kế thừa đạo lý truyền thống bao đời nay của dân tộc Việt Nam, người dân Văn Lâm luôn biết phát huy, sáng tạo trong quá trình làm việc, giữ lại những giá trị văn hóa thiêng liêng mà tiền nhân để lại.
Trước đây, người dân làng Văn Lâm chuyên thêu các sản phẩm phục vụ nghi thức, nghi lễ trong đời sống văn hóa tâm linh, đặc biệt là trong lễ hội: quần, áo, mũ của đội tế; tàn, lọng, y môn trong các ngôi đình, đền đều có sự đóng góp, sáng tạo của người thợ thêu làng Văn Lâm. Trải qua những thăng trầm của thời gian, người dân Văn Lâm vẫn quyết tâm gắn bó với nghề, đã có những bước đột phá mới trong mẫu mã, sản phẩm của mình. Từ chỗ chỉ thêu các đồ thờ trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các nghệ nhân Văn Lâm đã đổi mới, sáng tạo thêm các loại hình sản phẩm mới: thêu những loại khăn trải bàn, khăn ăn phục vụ đa dạng hơn nhu cầu sử dụng hằng ngày của các tầng lớp trong xã hội. Có thể gặp sản phẩm của làng nghề Văn Lâm tại nhiều nhà hàng, khách sạn hạng sang ở Hà Nội hay trong dinh thự của các quan lại, chỉ huy cao cấp người Pháp.
Ngày nay, làng nghề thêu ren Văn Lâm chuyên sản xuất các loại vật dụng trang trí nội thất, phục vụ đời sống sinh hoạt: rèm, khăn trải bàn, khăn ăn, vỏ chăn ga, gối, quần áo thời trang. Nhiều gia đình thêu ở Văn Lâm đã sáng tạo ra những loại hình sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng như các loại tranh thêu: tùng, cúc, trúc, mai, tranh sơn thủy hữu tình, tranh mừng thọ hay các loại tranh con vật.
Nếu như trước đây việc tổ chức sản xuất ở làng nghề Văn Lâm chủ yếu theo mô hình hộ gia đình thì bây giờ đã xuất hiện các công ty, doanh nghiệp. Đây được xem là một quá trình đổi mới trong tổ chức sản xuất, đồng nghĩa với việc ứng dụng kỹ thuật, các thành tựu khoa học mới trong quy trình sản xuất, thực hiện chuyên môn hóa trong quy trình sản xuất, quy trình làm ra sản phẩm. Để đáp ứng được nhu cầu của thời đại, tồn tại được bằng những sản phẩm của mình, nghề thêu ren Văn Lâm phải luôn có những bước chuyển kịp thời, sáng tạo về nhiều mặt để thích nghi.
Về nguyên liệu, quy trình sản xuất, đối với nghề thêu ren thì nguyên liệu cơ bản là vải, kim, các loại chỉ thêu. Làng nghề Văn Lâm thường nhập các loại chỉ thêu nội địa theo các mối tại các công ty, ngoài ra loại chỉ thêu của Pháp cũng được người thợ thêu ren Văn Lâm ưa chuộng vì mẫu mã đẹp, chất lượng cao. Đối với mặt hàng kim, vải thêu, làng nghề Văn Lâm thường nhập từ Pháp, Ý, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc. Về mẫu mã sản phẩm, tùy theo cơ sở đặt hàng mang đến, bản thân những hộ gia đình ở Văn Lâm đều sáng tạo ra những mẫu riêng, đa dạng phục vụ sở thích hoặc những nét văn hóa của nhiều đất nước. Để có được một sản phẩm thêu đẹp, đòi hỏi người thợ thêu phải có một tư duy tinh tế, sự phối màu thích hợp. Cũng không ngoại trừ trường hợp trong một số sản phẩm, hoặc theo chủ ý của người thêu hay ngược lại, sẽ cho ra đời những bức tranh thêu mang độ trìu tượng, có giá trị nghệ thuật cao.
Làng Văn Lâm đã thành lập Hiệp hội làng nghề gồm đông đảo hội viên, đa dạng về giới tính, tuổi tác. Hội được thành lập vì những mục đích chung là đoàn kết trong sản xuất, có một đơn vị đại diện để liên kết, nhận hợp đồng sản xuất, tạo việc làm cho nhân dân trong làng. Hội có những điều lệ hoạt động, quy định chung, cùng con dấu riêng mang tính pháp lý. Bên cạnh đó, Hiệp hội làng nghề Văn Lâm cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi tay nghề giỏi, chọn ra được những người thợ, phong tặng danh hiệu nghệ nhân, nhằm tôn vinh những người thợ tài hoa, là những tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Đồng thời giúp cho cơ sở sản xuất của các nghệ nhân được thuận lợi hơn trong các giao dịch hợp tác, xuất khẩu hàng hóa.
Hiện tại, UBND tỉnh Ninh Bình đã có dự kiến quy hoạch khu công nghiệp trong giới hạn bước đầu là 5ha, sau đó sẽ mở rộng lên tới 38 ha, địa điểm là khu đất nông nghiệp ở đầu làng Văn Lâm. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc mở rộng sản xuất, biến Văn Lâm trở thành một làng nghề có tiềm năng vươn xa, sản phẩm của họ sẽ có mặt nhiều nơi trên thế giới, phát triển mô hình du lịch làng nghề.
Ngày nay sản phẩm thêu ren của Văn Lâm đã có mặt ở cả trong, ngoài nước. Đối với thị trường châu Âu, mặt hàng này được ưa chuộng hơn ở các nước: Tây Ban Nha, Anh, Ý, Pháp, Đức. Đối với các nước trong khu vực châu Á thì có Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong nhiều năm, số lượng hàng xuất khẩu sang các nước này có tỷ lệ lớn hơn so với mặt hàng tiêu thụ trong nước. Về phương diện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Hiệp hội làng nghề ở Văn Lâm thường xuyên chú trọng đến hoạt động quảng bá sản phẩm của địa phương mình ở nhiều hội chợ trong, ngoài nước. Tại các hội chợ lớn ở các nước: Đức, Nga…, các sản phẩm thêu ren của Văn Lâm đều có mặt trong những gian hàng bày bán, giới thiệu sản phẩm. Theo đánh giá của Hiệp hội, sản phẩm của làng nghề Văn Lâm đã được khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Đây là hoạt động mang tính tích cực của làng nghề Văn Lâm, đó cũng là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất của làng nghề trong thời kỳ mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, có một số lượng lớn khách du lịch nước ngoài đến tham quan làng nghề thêu ren Văn Lâm mỗi năm, họ thường đi theo đoàn, tiến hành quay phim, chụp ảnh, tham quan quy trình làm việc của các thợ thủ công, mua hàng. Việc thuận lợi về vị trí địa lý cũng như nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Ninh Bình cũng đem lại cho làng nghề Văn Lâm nhiều tiềm năng về phát triển du lịch làng nghề. Từ những điều kiện chủ quan, khách quan đó, cần có những phương án xây dựng, biến Văn Lâm thực sự trở thành địa điểm du lịch thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016
Tác giả : NGÔ THỊ KIM TUYẾN