Tháng 3-1416 tại Lũng Nhai, dưới chân núi Bù Me, nay là làng Lũng Mi, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, 18 vị tiền bối của nghĩa quân Lam Sơn đã thề cùng nhau vào sinh ra tử, chống giặc Minh cứu non sông nước Việt.
Mùa xuân Mậu Tuất (1418), Lê Lợi cùng 50 tướng văn võ, chính thức phất cờ khởi nghĩa, xưng là Bình Định Vương và kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi giặc Minh. Nhân sĩ, võ tướng, quân và dân từ mọi miền nô nức đến Lam Sơn tham gia nghĩa quân, trước hết là vì thù nhà nợ nước, nhưng sâu đậm hơn là niềm tin ở vị chủ tướng. Ảnh hưởng của Lê Lợi đã thu phục được các tướng giỏi đương thời như Nguyễn Chích (Thanh Hóa), Trịnh Lỗi (Nho Quan, Ninh Bình), Bùi Quốc Hưng (Hà Tây), Phạm Văn Xảo (Đông Đô), Trần Nguyên Hãn (Vĩnh Phúc), Lưu Nhân Chú (Bắc Thái), Nguyễn Xí (Nghệ An), Nguyễn Danh Cá (Quảng Trị)... gia nhập nghĩa quân Lam Sơn.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có điểm khác với nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong lịch sử nước nhà, đó là “một cuộc kháng chiến chống ngoại xâm khi đất nước không có vua”(1). Sức mạnh của Lê Lợi, của nghĩa quân chính là ở sự hòa thuận trên dưới một lòng, nhưng cũng cần xem xét yếu tố trời đem đến, người mang cho như thế nào, để tạo nên sự ứng thiên, thuận nhân kết thành sức mạnh giúp nghĩa quân Lam Sơn làm nên đại thắng.
Chân dung một con người
Vào lúc đất nước loạn lạc, không người cầm lái, nhiều bậc công hầu, tướng giỏi triều trước đều mất phương hướng thì Lê Lợi xuất hiện. Sinh thời ông chỉ là một động chủ đất Khả Lam, luôn tự mình thấy “đau lòng nhức óc, vì giận quên ăn...”. Từ một hào trưởng chốn núi rừng xa thành Đông Kinh trên 200 km, đã nuôi chí đứng ngôi thiên tử thì điều ấy liệu có thể là huyền thoại hay là thiên mệnh?
Đã xem việc cứu nước là thiên mệnh thì gây dựng niềm tin, tô vẽ hình ảnh vua cho oai vệ, thiêng liêng là việc thường làm của người đương thời. Trong lịch sử, nhiều bậc vua, chúa thời cổ trung đại, khi khởi dựng cơ nghiệp đều có những sự tích nửa thực nửa hư như vậy.
Các giai thoại lịch sử về Lê Thái Tổ mang nhiều yếu tố thần thoại, nhưng tính hiện thực xen lẫn màu sắc thần thoại một cách hài hòa đã tạo cho câu chuyện có tính hấp dẫn cao. Ví như chuyện tìm đất thiêng gây dựng cơ nghiệp vua: “Động Chiêu Nghi có khoảng đất rộng nửa sào, như hình quả quốc ấn, tọa khôn, hướng cấn (lưng tựa tây nam, mặt hướng đông bắc) có núi Thái Ất và gò Tiên Ban, chầu chực tả, hữu, tiền, hậu. Từ ngoài nhìn vào thì núi Chiêu làm án, tả có núi rồng chầu về, hữu có núi hổ chầu lại, giữa có ao rồng, đó là kiểu đất xoáy ốc, tay phải Hổ Thủy, tay trái Long Sơn, hình như chuỗi hạt châu, sinh trai quý không thể nói, sinh gái thì hiềm có điều thất tiết; táng đất này sau ba mươi năm sẽ phát ngôi thiên tử...”(2).
Chuyện thêu dệt vê điềm lạ vào giờ khắc vua sinh, như chuyện con cọp già sau nhà ông Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Ngọc Thương; chuyện hương thơm bay khắp xóm khi vua ra đời; chuyện vua có qúy tướng, dáng ngôi thiên tử... được miêu tả: “Nguyên trước, khi vua chưa sinh, ở Như Áng hậu thôn, dưới rừng quế, xứ Du Sơn trong làng, thường có con cọp đen rất thân với người, chưa từng hại ai. Đến giờ tý ngày mùng sáu tháng tám năm Ất Sửu, vua sinh, thì không thấy con cọp nữa. Ai cũng thấy làm lạ. Lúc vua sinh, ánh sáng đỏ đầy nhà, mùi hương lạ khắp xóm. Ngay từ bé, vua đã có vẻ tinh anh, nghiêm nghị, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, mặt rồng, vai tả có bảy nốt ruồi, đi như rồng, bước như hổ, lông tóc đầy người, tiếng như chuông lớn, ngồi xổm như cọp...”(3).
Chuyện ứng thiên, thuận nhân
Chuyện ấn thiêng và gươm báu được ghi trong Sự tích Lam Sơn ở sách Lam Sơn thực lục khá ly kỳ, đó là việc Lê Thận - hàng xóm của vua - quăng chài trên sông Lương vớt được thanh sắt dài hơn thước, hình như là con dao cũ. Thanh sắt đó, khi Lê Lợi nhìn thấy thì sáng rực, vua biết đồ quý xin đổi mang về, không mài mà sáng, hiện rõ chữ triện, biết đó là gươm trời. Chuyện ấn thiêng hiện trên lá cải vườn nhà vua, nhận biết điều kỳ diệu, vua vẽ lại hình nét, thể thức, hôm sau vợ vua ra vườn bắt được một quả ấn y như hình vẽ. Sau lưng quả ấn đó có chữ họ Lê tên Lợi. Tiếng đồn sự tích trời cho vật thiêng đủ thuyết phục thực khách muôn phương tụ hội đến Lam Sơn theo lẽ của trời đất.
Chuyện vua bị nhà Minh vây ráp ba lần ở núi Chí Linh hết sức khốn đốn, vua chạy dài trên bờ sông Khả Lam, vùng Mường Mọt. Nếu không tình cờ gặp được Hồ Ly phu nhân hiện thân là một xác chết thử thách và cứu vua thì rất khó thoát được sự lùng ráp của quân Minh. Chuyện Hồ Ly nhảy từ hốc cây mà Lê Lợi đang trốn đã đánh lừa được quân Minh, dẫu là tình cờ hay chuyện thần thánh cũng không quan trọng, mà ý nghĩa kích thích tinh thần binh sĩ mới là điều đáng quan tâm. Theo Lam sơn thực lục thì Lê Lợi sau này khi đã bình định thiên hạ rồi, ông cho xây đền thờ và phong thần Hồ Ly làm Hoằng Hựu đại vương, cây đa ông nấp làm Hộ Quốc đại vương. Ngày nay vùng xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc còn tên địa danh làng Miểng, bãi Lạnh, bãi Mã Ngô... và tục không chặt phá cây cổ thụ đặc biệt cây có xé ngang, đều liên quan đến chuyện Hồ Ly phu nhân.
Chuyện về Lê Thái Tổ và nghĩa quân Lam Sơn được liên kết xâu chuỗi từ nhiều hệ thống, nhiều chiều khác nhau, nhưng nhìn chung đều xuất phát từ một cội nguồn là tín ngưỡng của người Mường - Việt cổ ở TK XV.
Chuyện về cụ tổ Lê Lợi (ông Lê Hối) chọn đất sách Khả Lam để gây dựng cơ nghiệp, sau là việc vua chọn vị trí lăng Phật Hoàng để an táng hài cốt tổ tiên. Việc vua bảo vệ lăng tẩm của cha ông, không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tin về sức mạnh thiêng liêng giúp ông vững tin vào sự nghiệp chống giặc Minh. Chuyện Để mả ghi rằng: Lúc ấy phản thần là thằng Ái cấu kết với tên quan huyện Đỗ Phú, dẫn giặc Minh đào mả Phật Hoàng, lấy kinh xa treo ở sau thuyền, hẹn vua nếu đến hàng thì sẽ trọng thưởng. Vua sai một số công thần đội cỏ gai bơi xuôi theo dòng nước, từ thượng lưu xuống. Đến đêm tới phường Cửa Sông, Trịnh Khả thấy giặc đã ngủ hết, lấy trộm lại hài cốt linh xa đem về cùng vua bí mật chôn cất lại ở động Chiêu Nghi như cũ.
Lời nguyện thiêng liêng
Chuyện về nghĩa quân Lam Sơn rất phong phú. Vùng thượng lưu sông Mã và sông Chu ở đâu cũng mang tên làng, bản do Lê Lợi đặt cho gắn với từng sự việc liên quan đến huyền thoại, sự tích về Lê Lợi và nghĩa quân. Đặc biệt nhiều sự tích kể về Lê Lợi đã thề nguyện và thực hiện các lời thề đó.
Lời thề thứ nhất, tại Lũng Nhai (1416) Lê Lợi cùng 17 huynh đệ tổ chức ăn thề trước trời đất và quỷ thần rằng: “Ở trong nước, tôi là Phụ đạo Lê Lợi cùng với Lê Lai đến Trương Chiến, 19 người. Tuy họ hàng, quê quán khác nhau, nhưng kết nghĩa thân nhau như một tổ liền cành. Phận vinh hiển đều có khác nhau, mong có tình như cùng chung một họ. (Có kẻ) băng đảng xâm chiếm nước ta, qua cửa quan làm hại, nên Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến, 19 người chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước làm cho xóm làng được yên lành. Thề sống chết cùng nhau, không dám quên lời thề son sắt...”. Sau này khi Lê Lợi lên ngôi báu, 17 huynh đệ của ông đều là khai quốc công thần của nhà Lê.
Lời thề thứ hai, là giai thoại về những năm đầu của cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân nhiều lần bị vây ráp, nguy khốn. Một lần được các già làng dâng vò rượu, Lê Lợi đổ rượu xuống suối và tự múc lên uống. Quân sĩ vui vẻ làm theo, như một lời thề đồng lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào. Do vậy mới có chuyện hòn đá Khao ở làng Năng Cát huyện Lang Chánh, hay huổi láu ở huyện Thường Xuân.
Lời thề thứ 3, từ ngày khởi nghĩa ở Mường Tẩm 1418, đến năm 1420 là quãng thời gian khó khăn nhất của nghĩa quân. Vùng Đồng Tâm, Thiết Ống, Điền Lư, ngày nay vẫn còn nhiều địa danh gắn liền với các sự tích thần kỳ của Lê Lợi. Núi Chí Linh ở Mường Khao, có dãy Bù Rinh hùng vĩ, nơi đây nghĩa quân 4 lần lận đận, ăn măng rừng, tìm mật ong để sống qua ngày. Lê Lai phải liều mình giả làm Lê Lợi cứu chúa. Tại đây, Lê Lợi đã thề trước trời đất và tướng sĩ: Lê Lai có công đổi áo, mai sau trẫm, con trẫm, và con cháu các công thần, nếu không nhớ công ơn ấy thì nguyền cỏ cây này hóa thành núi rừng, ấn báu hóa thành cục đồng, lưỡi gươm thần hóa thành dao mác... Khi lên ngôi, Lê Lợi lập tức cho xây đền thờ Lê Lai tại quê nhà và cho con cháu ông hưởng vinh lộc.
Lời thề thứ 4, khi tổ chức nghĩa binh ở Mường Mọt, bị quân Minh vây ráp, vua chạy trốn bỗng gặp xác cô gái áo trắng chết ở bờ sông Khả Lam, vua chôn cất và khấn rằng: “Tôi bị giặc Minh đuổi gấp, xin thần giúp tôi thoát nạn, mai sau được thiên hạ, sẽ lập miếu thờ, hễ có mổ thịt tế lễ thì cúng thần trước”. Khi quân Minh dùng gươm, giáo đâm vào gốc cây Lê Lợi, Lê Liễu, Trương Lôi đang nấp thì Hồ Ly chạy ra, quân Minh bị lừa đuổi theo, vua thoát, đó là điều ứng thần diệu.
Lời thề thứ 5: năm 1425, Lê Lợi tiến đánh thành Trào Khẩu ở Hưng Nguyên (Nghệ An), nằm mộng thấy thần Phổ Độ xin một người thiếp và hứa sẽ phù hộ cho Lê Lợi đánh thắng quân Minh. Bà Phạm Thị Ngọc Trần xin dâng mình cho thần, chỉ xin Lê Lợi sau này lập con của bà làm thái tử. Khi đó Lê Nguyên Long mới ba tuổi và được giao cho người hầu thân cận của bà hậu họ Phạm nuôi nấng. Lê Lợi lập đàn tế lễ tiễn đưa người thiếp có tinh thần cao cả ấy cho thủy thần. Khi lên ngôi hoàng đế, vì mải vào chuyện quyền lực, lập con trưởng làm giám quốc, quên mất lời thề xưa. Sau vua đã cải chính, nhưng cũng vì thế mà sinh mầm biến sau này.
Lời thề thứ 6, quân Lam Sơn phát triển rất nhanh, từ vài trăm năm 1420 đến cuối năm1424 đã lên tới vài nghìn. Lê Lợi quyết định mở đường tiến chiếm Nghệ An. Trước tiên là hạ thành Đa Căng (Thanh Hóa), sau đến thành Trà Long (Con Cuông, Nghệ An). Năm 1425 hạ thành Tân Bình, Thuận Hóa. Năm 1426 nghĩa quân thắng lớn trên nhiều mặt trận, đồng thời tiếp tục vây hãm thành Đông Quan, thực hiện vừa đánh, vừa đấu tranh ngoại giao. Vào trung tuần tháng 12-1427, bên bờ sông Nhị, hội thề lịch sử diễn ra giữa chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn và tổng binh quân Minh. Bài Văn hội thề do Vương Thông đọc cam kết đình chỉ mọi hoạt động chiến sự, rút hết quân, không cướp bóc sách nhiễu nữa. Hội thề này Lê Lợi ở ngôi chủ, nghe Vương Thông thề nguyện, đó là một hình tượng thật lãng mạn.
Kết thúc các lời thề, sau khi đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, vua ngồi vào ngôi báu ở Đông Kinh. Để tỏ lòng hòa hiếu, gìn giữ thái bình, vua khoan dung với tù binh, nhún nhường trước nước lớn. Ngoài ra còn chuyện hoàn gươm cho thần Kim Quy tại hồ Tả Vọng cũng rất đáng lưu tâm. Rồi chuyện Lê Thận vớt được lưỡi gươm thần, việc vua tìm thấy vỏ gươm quý tại cây đa thiêng khi bị giặc vây ráp với việc hoàn gươm có lẽ đó là huyền thoại lịch sử.
Vấn đề lịch sử, huyền thoại liên quan đến nghĩa quân Lam Sơn và Lê Lợi rất đa dạng và tiếp tục được hư cấu cho đến ngày nay. Thực tế, các địa danh ở vùng tây nam sông Chu gồm các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh đã nói lên nhiều điều về sự gắn bó với lịch sử của nghĩa quân. Hương Lam Sơn (còn gọi là sách Lam Sơn) có mối giao kết chặt chẽ với các sách khác trong vùng Lôi Dương, Lương Giang như: Mục Sơn sách, Cao Trĩ sách, Lại Thương sách, Thủy Chú sách, Dượng Tú sách... Mối giao ước kết chạ đó đã phát huy trong những ngày đầu kháng chiến, che chở, cung cấp lương thực, nhân lực cho nghĩa quân.
Nhiều tên núi, tên bản, làng gắn liền với huyền tích lịch sử của nghĩa quân: núi Mục (núi Mắt) một trạm tiền tiêu của chiến khu (mặt chính đông khu Lam Kinh ngày nay); núi Dầu (còn gọi là Du Sơn) ở chính giữa sách Khả Lam, phía hữu Vĩnh Lăng, đây là nơi đón các nghĩa sĩ về Lam Sơn tụ nghĩa, gắn liền với sự tích bà hàng dầu. Đêm đêm bà thắp sáng đèn báo hiệu cho nghĩa quân. Khi giặc Minh giết bà, làm đổ dầu cháy xém vàng úa cỏ cây cả một vùng. Sau này có chuyện hai mốt giỗ Lê Lợi, hai hai giỗ Lê Lai, hai ba giỗ bà hàng dầu.
Sự pha trộn giữa hai dòng văn hóa Nho giáo và dân gian cũng rất đặc biệt ở vùng chiến khu Lam Sơn. Ngay trong nghệ thuật kiến trúc lăng mộ các vua Lê sơ ở Lam Kinh cũng thể hiện khá rõ điều đó. Khu di tích lịch sử văn hóa Lam Kinh ngày nay tuy đã được trùng tu, nhiều di vật được làm mới, nhưng vẫn còn dấu vết kiến trúc và điêu khắc của tiền nhân. Di vật hiện còn cho thấy sắc thái văn hóa dân gian của người Mường - Việt cổ tồn tại rất mạnh mẽ, hòa đồng cùng văn hóa Nho giáo, ít nhất cũng diễn ra trong vùng chiến khu Lam Sơn. Thoạt nhìn, khu điện Lam Kinh có kiến trúc mô phỏng hoàng cung của vị hoàng đế đã qua đời gồm: không gian có phần ảnh hưởng Thập Tam Lăng ở Trung Hoa cùng thời nhà Minh, nhưng biến cải nhiều theo tâm thức người Việt. Đó là một kiểu kiến trúc đối lập, tương phản hai mặt: tính quy mô, cầu kỳ, mực thước ở điện chính tam tòa, cửu cung, bia ký... đối lập với một biến thể rất khác lạ là các lăng mộ và tượng chầu bên lăng. Bia Vĩnh Lăng là một kiệt tác đại diện cho bia ký Việt Nam về sự hài hòa, chặt chẽ trong bố cục loại bia hai mặt, trán vòng cung, trên tượng rùa, kỹ thuật chạm khắc rất tinh tế, đồ án trang trí với nhiều bố cục hàm chứa triết lý nhân sinh và vũ trụ sâu sắc. Trong khi đó, khu lăng mộ chỉ là mộ đất rất giản lược, cao chừng 1m, rộng chừng 2m. Không gian lăng mộ được xác định bằng biên độ của hai hàng tượng chầu chừng 30m mỗi chiều. Đáng chú ý là những tượng chầu có kích thước chừng 1,1m, tạo tác có vẻ sơ sài, ngộ nghĩnh, kiểu hàng mã, nhưng rất ấn tượng.
Có thể nhận thấy, sau việc hoàn gươm cho thần Kim Quy tại hồ Tả Vọng là sự đoạn tuyệt với những huyền thoại, hương liệu của văn hóa dân gian, vốn đã nuôi dưỡng nghĩa quân Lam Sơn. Bước vào một thời kỳ mới, là chuyện tranh giành quyền lực và vật chất ở chốn kinh kỳ, khiến cho nhiều bậc khai quốc công thần như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi đều lâm vào vòng lao lý. Thậm chí, người anh em của vua là Trịnh Khả bị gièm pha, nhiều lần vào tù ra tội, chỉ bình yên khi từ quan về an lão... Đây không chỉ là sự tranh giành quyền lực thuần túy mà là sự đối đầu của hai dòng văn hóa, hai ý thức hệ rất khác biệt.
Nghiên cứu lịch sử và huyền thoại về nghĩa quân Lam Sơn là một công việc cần nhiều công sức và thời gian. Hy vọng trong tương lai, các nhà khoa học sẽ quan tâm tìm hiểu theo nhiều hướng khác nhau. Vùng đất, con người miền tây nam Thanh Hóa, không gian văn hóa Lam Sơn còn khá nhiều điều lý thú, bởi một đặc trưng của vùng Mường - Thái nằm sâu trong rừng núi, giữa lưu vực sông Mã và sông Chu với kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc cần được khai thác, bảo tồn.
_______________
1. Lời phát biểu của Lê Duẩn, khi ông về thăm Lam Kinh năm 1978.
2, 3. Theo Lam Sơn thực lục, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, tr.190, 188.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 323, tháng 5-2011
Tác giả : Lê Văn Tạo