Kiên Giang: 70 học viên tham gia lớp bồi dưỡng múa truyền thống Khmer

Tiết mục hát múa Khmer tham gia chào mừng trong Lễ khai giảng

 

Ngày 10/7/2023, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang đã khai giảng lớp bồi dưỡng múa truyền thống Khmer. Tham gia lớp học có 70 học viên, là cán bộ, công chức, viên chức các ban, ngành cấp tỉnh; phòng Văn hóa  và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố trong tỉnh.

Lớp học do các giảng viên của Trường Trung cấp Múa Thành phố Hồ Chí Minh giảng dạy, diễn ra từ ngày 10/7 đến ngày 19/7/2023. Nội dung lớp bồi dưỡng cung cấp các chuyên đề: Khái quát nghệ thuật múa Khmer Nam Bộ, chất liệu múa Khmer, phần dân gian: múa Gáo dừa…Cuối khóa học các học viên được Trường Trung cấp Múa Thành phố Hồ Chí Minh trao giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng.

Kiên Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 230.000 người (chiếm 13,02% dân số toàn tỉnh) với đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú, đa dạng, đặc sắc được đồng bào gìn giữ trong suốt quá trình lao động, sáng tạo và phát triển. Việc bảo tồn các loại hình này không chỉ nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào mà còn góp phần làm phong phú, đa dạng thêm nét văn hóa của tỉnh Kiên Giang.

Đây là lớp bồi dưỡng nằm trong chương trình thực hiện “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống nghệ thuật Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu chung của Đề án là góp phần thực hiện tốt công tác văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào Khmer, phù hợp với mục tiêu phát triển toàn diện của tỉnh Kiên Giang; đề xuất và thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, khuyến khích phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu. Đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy, đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, nhạc công, tác giả Khmer kế thừa. Nâng cao trình độ quản lý của cán bộ văn hóa từ tỉnh đến cơ sở trong việc tổ chức các hoạt động của Đề án; tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu nghệ thuật phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân vùng đồng bào dân tộc Khmer trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer.

 

THẾ HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 540, tháng 7-2023

;