Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất đã để lại cho dân tộc ta, nhân dân ta một di sản văn hóa vô giá. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (viết tắt là Khu di tích) là nơi Người đã sống và làm việc trong suốt 15 năm cuối đời (1954-1969) và hiện đang bảo quản, lưu giữ di sản của Người sau ngày Người đi xa về với “thế giới người hiền”. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 16-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Khu di tích có nhiều ưu thế. Khu di tích đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực thực hiện Chỉ thị và phục vụ các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể quần chúng, cơ sở đoàn, học viện nhà trường... tới tham quan và học tập về cuộc đời, sự nghiệp tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

1. Nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chỉ thị 05-CT/TW

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh cao cả, hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mà còn để lại cho các thế hệ mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cả một thời đại Hồ Chí Minh mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã, đang và sẽ mãi mãi giữ gìn, tiếp tục học tập và làm theo. Từ ngày có Đảng càng khẳng định, giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mãi mãi là ngọn đuốc soi đường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội.

Vì vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và toàn xã hội đã có quá trình lịch sử liên tục, lâu dài. Tại Lễ truy điệu Người, trong Điếu văn đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định “suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người…” và những năm sau đó là khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” với yêu cầu học tập và làm theo gương Bác đã được toàn Đảng, toàn dân nêu cao thực hiện. Ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, có xác định mục đích: “Tạo ra phong trào rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống”. Năm 2005, Bộ Chính trị khóa IX đã quyết định làm điểm việc tổ chức Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trên cơ sở kết quả việc làm điểm, ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đại hội Đảng lần thứ XI yêu cầu đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Sau 5 năm thực hiện, Chỉ thị số 03-CT/TW đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mục đích, yêu cầu của việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập này được xác định cao hơn, phạm vi rộng hơn so với Chỉ thị 06-CT/TW và Chỉ thị 03-CT/TW. Trong đó, nhấn mạnh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là về tư tưởng chính trị và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng không chỉ khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà là cả “đạo đức” và “phong cách Hồ Chí Minh”. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với trọng tâm học tập về: dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm… với mục tiêu tạo động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành.

Để tiếp tục nâng cao nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Một lần nữa, Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định đây là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, do vậy Chỉ thị đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội.

2. Đặc điểm, vai trò và vị trí của Khu di tích trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW

Khu di tích là di tích quốc gia đặc biệt về Bác, nơi Người đã sống và làm việc trong những năm cuối đời. Trong Khu di tích có các di tích bất động sản, tài liệu hiện vật gốc và môi trường cảnh quan di tích. Mỗi di tích, mỗi tài liệu, hiện vật ở đây đều chứa đựng nội dung lịch sử khác nhau là những minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Người cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định bảo quản khu lưu niệm, các di tích, hiện vật lưu niệm của Người tại Phủ Chủ tịch để mở cửa đón đồng bào trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và học tập về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích được Đảng, Nhà nước giao trọng trách giữ gìn và phát huy giá trị những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại tại Phủ Chủ tịch. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với vinh dự được phục vụ tại Khu di tích mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động ở đây, ngoài việc phải nỗ lực cố gắng, tận tụy với công việc, gương mẫu nâng cao nhận thức và tu dưỡng đạo đức của mình, còn có trách nhiệm rất nặng nề là phải bảo tồn và phát huy hiệu quả cao nhất việc tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước.

3. Ưu thế của Khu di tích trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW

Với những ưu thế của Khu di tích, việc phát huy tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW chắc chắn sẽ có nhiều hiệu quả. Hiện nay, cả nước có gần 1.000 di tích và điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trải dài từ Bắc vào Nam, mỗi di tích chứa đựng những nội dung, giá trị ý nghĩa lịch sử và văn hóa khác nhau đã góp phần làm phong phú thêm các sự kiện về cuộc đời hoạt động và tư tưởng, đạo đức của Người. Bên cạnh đó, chúng ta thấy được việc tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch có rất nhiều ưu thế, bởi vì đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong những năm tháng cuối đời. Đặc biệt hơn, đó là những năm Người hoạt động sôi nổi và có những đóng góp to lớn trên cả hai cương vị Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước. Đó chính là những minh chứng thuyết phục trong việc giáo dục, tuyên truyền đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài viết nhất về vấn đề đạo đức (1955, 1958, 1969) trong đó phải kể đến hai bài viết quan trọng vào những năm Người chuẩn bị đi xa, đó là: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân vào ngày 3-2-1969 nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng và bản Di chúc của Người, mà Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đã chọn làm tài liệu để học tập. Đây là một trong số rất ít di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giữ được khá nguyên trạng, nguyên gốc các bộ phận cấu thành di tích cũng như cảnh quan môi trường trong hơn 50 năm qua. Đây là di tích ở ngay tại trung tâm chính trị, văn hóa, lịch sử Ba Đình, gắn với Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh, rất thuận lợi trong việc phối hợp hoạt động cũng như các điều kiện phục vụ đông đảo nhân dân tới thăm quan và học tập... Với các lý do đó, chính là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của Khu di tích.

4. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những giá trị di sản của Người tại Khu di tích

Trong hơn 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động Khu di tích đã tận tình đón và phục vụ chu đáo hơn 80 triệu lượt khách trong nước và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và học tập về Bác Hồ. Đặc biệt, từ năm 2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 23/CT về nghiên cứu, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi năm Khu di tích đón hơn 1 triệu lượt khách tham quan. Trong 5 năm (2016-2020) thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Khu di tích đón hơn 12 triệu khách tham quan. Đa số những người được hỏi khi vào thăm Khu di tích đều bày tỏ nguyện vọng sẽ trở lại thăm Khu di tích nhiều lần. Những con số nêu trên đã khẳng định những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người không chỉ với nhân dân Việt Nam, mà cả những người yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý trên toàn thế giới. Sổ cảm tưởng của Khu di tích cũng ghi nhận những tình cảm trân trọng, yêu quý của khách tham quan khi đến thăm nơi ở và làm việc của Người:

Nhà báo Rônêđô (Haiti) viết: “Những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu? Sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu? Ở đâu có mùa xuân? Xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - sự tồn tại điển hình của một anh hùng của thời đại chúng ta” (1).

Nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta đều dễ dàng nhận thấy sự thống nhất tuyệt đối giữa quan điểm, lời nói và hành động - điều mà không phải lãnh tụ nào cũng làm được. Do vậy, tuyên truyền đạo đức Hồ Chí Minh, ưu thế của Khu di tích chính là thông qua tấm gương đạo đức của Người. Có thể nói bốn nội dung chính của đạo đức Hồ Chí Minh là: trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tình yêu thương con người và tinh thần quốc tế trong sáng đều hội tụ đủ và có thể khai thác hiệu quả thông qua việc tìm hiểu cuộc sống và những cống hiến to lớn của Người trong 15 năm làm việc tại đây. Từ những câu chuyện kể chân thực, sinh động về hành vi đạo đức của Người trong sinh hoạt, cuộc sống, cách ứng xử, cùng với việc tận mắt chứng kiến những đồ dùng, tiện nghi của nguyên thủ quốc gia, cũng như ý nghĩa của mỗi tài liệu, hiện vật trưng bày ở đây được cán bộ tuyên truyền đưa vào nội dung giới thiệu đã thực sự gây xúc động đối với khách tham quan. Từ đó mỗi người có dịp nhìn nhận lại bản thân và ý thức tự điều chỉnh hành vi của mình để ít nhất cũng trở thành người tốt, người có ích cho xã hội.

Nhận thức rõ trách nhiệm của cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, nhiều năm qua Khu di tích không ngừng phát huy ưu thế của mình trong việc tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức. Năm 2003, với Chỉ thị          23-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể nói hầu hết các cơ sở đảng trên địa bàn Hà Nội, các nhà trường, học viện… đều chọn Khu di tích làm địa điểm để triển khai Chỉ thị này. Đến nay, đã hơn 17 năm, mỗi năm Khu di tích đã tổ chức, phục vụ hơn 500 cơ quan, đơn vị với gần 39 nghìn lượt người đến học tập, sinh hoạt chính trị (như báo công, kết nạp đảng viên, sơ kết, tổng kết cuộc vận động và phát động thi đua...).  Những buổi học tập hay sinh hoạt chính trị tại chính nơi ở và làm việc của Người đã để lại nhiều ấn tượng tốt và mang lại hiệu quả giáo dục nhất định, với những dòng cảm tưởng đầy xúc động: “Chúng con vô cùng xúc động khi được đến thăm nơi ở của Người, được tận mắt chứng kiến cuộc sống giản dị, thanh bạch và trí tuệ uyên thâm, tinh thần cách mạng cao cả của Người. Là những giáo viên được đào tạo trong thế hệ Hồ Chí Minh, chúng con nguyện suốt đời học tập phẩm chất đạo đức cách mạng, ý chí xây dựng đất nước của Người. Chúng con nguyện giáo dục thế hệ trẻ của đất nước sẽ học tập, sống và làm việc theo gương Bác” (2).

Ngoài các hình thức giới thiệu, tuyên truyền trực tiếp, Khu di tích còn chủ động phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng xây dựng các chương trình cụ thể, phù hợp, thiết thực như mở chuyên mục “Mỗi câu chuyện là một bài học” trên Báo Văn hóa; phối hợp giới thiệu nội dung di tích và kể chuyện đạo đức Bác Hồ trong chuyên mục “Giáo dục từ xa” với Đài Tiếng nói Việt Nam; cử báo cáo viên đi nói chuyện tại cơ sở; tổ chức Hội thảo khoa học; Tọa đàm khoa học; tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về di tích cho các hướng dẫn viên du lịch… Có thể khẳng định Khu di tích đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Tuy vậy, khác với Chỉ thị 23-CT/TW, cuộc vận động Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Chỉ thị 06, Chỉ thị 03 không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức mà vấn đề thực hành “làm theo” như thế nào, đó là yêu cầu, mục đích chính của cuộc vận động. Chỉ thị 05-CT/TW về Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với trọng tâm là học tập và làm theo phong cách, tác phong Hồ Chí Minh về dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm… với mục tiêu tạo động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành. Qua thực tế chúng tôi thấy, muốn công tác tuyên truyền có hiệu quả thì trước hết cần phải làm rõ: học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không có nghĩa là bắt chước một cách máy móc, mà phải hiểu rõ tinh thần cốt lõi của từng bài học đạo đức. Muốn vậy cán bộ tuyên truyền phải gắn câu chuyện đạo đức với bối cảnh lịch sử và phân tích ý nghĩa của từng hành vi đạo đức. Làm sao cho mọi người nhận thức được các chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh, liên hệ với thực tiễn hiện nay. Từ đó rút ra những bài học cụ thể, thiết thực từ những hành vi đạo đức của Bác... Có nghĩa là cuộc vận động này không nhằm làm cho mọi người máy móc bắt chước Bác Hồ, mà là để mỗi người soi vào tấm gương của Bác để giải quyết hài hòa ba mối quan hệ: với người, với mình và với công việc.

Cán bộ tuyên truyền phải chuẩn bị kỹ đề cương với từng đối tượng cụ thể, tìm mọi cách để khơi dậy tính “thiện” ở mỗi đối tượng và lứa tuổi khác nhau… làm sao để mỗi người sau khi được tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đều cảm thấy việc học tập và làm theo Người không phải là xa lạ hoặc quá sức. Ngược lại, mỗi người đều có thể sáng tạo, áp dụng ở mỗi công việc cụ thể hằng ngày. Trong tuyên truyền cán bộ tuyên truyền đã sử dụng nhiều chuyện kể và thực sự đã đạt được hiệu quả cao hơn. Do vậy, chủ trương của Khu di tích trong bài thuyết minh của cán bộ phải được lồng ghép các câu chuyện kể về Bác. Tổ chức các cuộc thi “Kể chuyện đạo đức Bác Hồ”, thi “Hướng dẫn viên du lịch giỏi tại Khu di tích”… Khu di tích và các bảo tàng, di tích về Người cần phát huy thế mạnh của mình trong việc triển khai Chỉ thị. Việc tìm chọn các mẩu chuyện không chỉ giới hạn chuyện về Bác, của Bác như “Bác chọn nhà 54 làm nơi ở và làm việc”, “Các chú làm cho Bác xa dân”, “Bác chúc Tết đêm giao thừa”, “Bác không thể xa dân lúc này… mà nên khai thác cả những tấm gương điển hình tiên tiến, học Bác có địa chỉ cụ thể hiện nay. Những câu chuyện này sẽ có sức thuyết phục rất cao giúp cho Chỉ thị thực sự đi vào cuộc sống.

Với những giá trị và ý nghĩa đặc biệt to lớn đó, Khu di tích là nơi hội tụ những giá trị nhân văn cao cả, tư tưởng, phản ánh tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Khu di tích đã bày tỏ vui mừng trước thông tin lượng khách trong nước và quốc tế thăm Khu di tích ngày càng đông. Tổng Bí thư đã phát biểu: “Đây là địa điểm không chỉ để tham quan du lịch mà còn là nơi mỗi lần đến ta học Bác, tự kiểm điểm lại mình và định ra hướng để sửa chữa thế nào. Thời gian càng lùi xa càng thấy sự vĩ đại của Bác, càng ngày càng chinh phục lòng người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách, phẩm chất của Bác lan tỏa rộng rãi không chỉ trong nước mà đối với cả quốc tế”.

Tổng Bí thư cũng nhắc nhở cán bộ, nhân viên Khu di tích “cần tiếp tục học tập, làm theo tấm gương của Bác về mọi mặt nhưng đồng thời cần thấm nhuần sâu sắc trở thành việc làm tự nhiên của mỗi cá nhân. Được trực tiếp bảo quản, trông coi, giữ gìn những hiện vật, di tích rất quý báu ở đây, tiếp xúc với khách trong nước và quốc tế, anh chị em cần giới thiệu làm sao có thể lột tả cho hết cái hồn, tư tưởng, tinh thần, sự vĩ đại nhưng rất khiêm tốn của Bác” (3).

_________________

1, 2. Sổ cảm tưởng tại Khu di tích.

3. Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu - Khu di tích.

Tài liệu tham khảo

1. Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr.297.

Tác giả: Nguyễn Văn Công

Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021

;