KHÔNG GIAN VĂN HÓA THÀNH NHÀ HỒ VÀ DI SẢN LÀNG CỔ VÙNG PHỤ CẬN

 

Với những giá trị toàn cầu, năm 2011, thành nhà Hồ (thành Tây Đô) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cùng với di sản thành nhà Hồ, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các làng cổ khu vực thành đã tạo nên một quần thể di sản văn hóa đặc sắc và đa dạng. Không thể hiểu hết các giá trị và những ẩn số của thành nhà Hồ nếu không đi sâu tìm hiểu văn hóa truyền thống, trong đó di sản các làng cổ là một trong những thành tố quyết định tạo nên đặc trưng văn hóa của vùng đất cố đô.

Thành nhà Hồ trở thành di sản văn hóa thế giới là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Cùng với tiềm năng phát triển kinh tế du lịch nhằm quảng bá di sản văn hóa nhân loại là các hoạt động dịch vụ du lịch mà bài học nhãn tiền của nhiều khu di tích cho thấy số di sản được bảo tồn luôn tỉ lệ nghịch với sự phát triển của hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch. Nhất là hiện nay, vùng đệm của di sản văn hóa thành nhà Hồ đang có nguy cơ bị phá hủy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường của di sản văn hóa thế giới. Vì thế, cần phải quản lý di sản thành nhà Hồ theo hướng phân vùng bảo vệ rất rõ ràng, vừa để bảo tồn lại vừa phát huy được giá trị di sản.

Trong khu vực thành nhà Hồ, ngoài những làng cổ được hình thành trước khi xây thành và dời đô còn có nhiều làng cổ sát vùng lõi và vùng đệm có lịch sử đồng đại hoặc lịch đại so với sự ra đời và tồn tại của vương triều Hồ và kinh thành Tây Đô cuối TK XIV đầu TK XV. Thành nhà Hồ có 4 cổng; riêng cổng Bắc là giáp với cánh đồng, còn lại 3 cổng (Đông, Tây và Nam) giáp với các làng của xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long.

1. Kinh thành Tây Đô và sự hình thành các làng xã

An Tôn (trước thuộc huyện Vĩnh Ninh, nay là Vĩnh Lộc - Thanh Hóa) là vùng đất cổ. Văn hóa Đa Bút là tên của một làng (làng Đa Bút, xã Vĩnh Tân) với các di tích là cơ sở khẳng định hoạt động của người nguyên thủy trên vùng đất này. Di tích văn hóa Đông Sơn và văn hóa vật chất thời kỳ các vua Hùng dựng nước Văn Lang còn lại trên đất An Tôn đã chứng tỏ; vùng đất này sớm được khai phá và là một địa bàn của bộ Cửu Chân - một trong 15 bộ của nước Văn Lang.

Quá trình khai phá đất đai và lập làng trên vùng đất An Tôn là cả một quá trình lâu dài. Hiện trên vùng đất này còn tồn tại nhiều làng cổ có lịch sử nghìn năm. Ngoài những làng được thành lập trước khi xây thành, dời đô (cuối thế kỷ XIV) thì trên vùng đất này còn tồn tại nhiều làng cổ được hình thành dưới tác động của việc xây thành, dời đô và sự tồn tại của thành nhà Hồ.

Thành An Tôn (thành Tây Đô/ thành nhà Hồ) xây dựng năm 1397, thì sau hơn một năm (15/3/1398) việc dời đô được thực hiện. (1) Việc dời đô từ Thăng Long vào An Tôn đã tạo ra bước ngoặt về sự biến đổi đối với vùng đất này. Thời gian tồn tại với tư cách là kinh đô tuy không dài (1398- 1407) nhưng từ một miền quê, vùng đất An Tôn đã trở thành kinh đô đất nước (Tây Đô). Khi trở thành kinh đô đất nước, vùng đất Tây Đô “từ một làng quê đã dần dần trở thành một đô thị, một trung tâm của trấn Thanh Đô”.

Trong một thời gian ngắn, bộ mặt kinh kỳ làm thay đổi vùng đất An Tôn, nơi “đầu non cuối nước” với những làng quê nghèo và xứ Thanh Đô - Phủ Thanh Hóa - phủ Thiên Xương - đất Tam Phụ đã trở thành trung tâm đất nước (2).

Khi trở thành trung tâm chính trị cả nước, cùng với sự hình thành khu hành chính kinh đố là sự biến đổi dân cư và các làng xã. Tổng thể cấu trúc cũng như hướng Nam của thành nhà Hồ cho thấy khi thiết kế tòa thành, Hồ Quý Ly đã rất chú ý tới yếu tố thị của một kinh đô. Sự kiện này không chỉ tác động làm thay đổi kết cấu hạ tầng mà còn tạo ra những nhu cầu mới kích thích sự phát triển mọi mặt của vùng đất kinh kỳ (3).

Kinh thành Tây Đô theo quy hoạch của một kinh đô phong kiến. Nếu “lấy La thành làm giới hạn, Tây Đô có diện tích khá rộng, trung tâm là tòa thành xây đá, bao quanh là vùng nông nghiệp rộng lớn với nhiều làng mạc và có thể cả phố xá, tất cả đều ổn định và gắn bó với cảnh quan thiên nhiên. Thiên nhiên được sắp xếp lại chính là tà thành đá có vòng hào sâu bao lấy tường thành cao”(4).

Kinh thành Tây Đô không thuần túy là nơi ở và hoạt động của bộ máy quân sự, chính trị trung ương mà còn bao gồm cả khu vực rộng lớn dân cư sinh sống bao quanh, chắc chắn với đủ các thành phần dân cư theo một trật tự phong kiến (sĩ, nông, công, thương).

Khu vực dân cư chính là vành đai bảo vệ với chức năng đảm bảo cung ứng cho mọi nhu cầu sinh hoạt cho Hoàng thành. Ngoài các xưởng đúc tiền, kho vũ khí, nơi luyện tập binh lính, các bãi “lò rèn”, các làng nghề thủ công và gắn với các cơ sở sản xuất còn là hệ thống chợ (chợ kinh thành và chợ quê).

Trong một thời gian ngắn, các cơ sở sản xuất, hệ thống chợ và đường giao thông đã làm thay đổi diện mạo vùng đất kinh kỳ. Từ vùng đất của các làng quê với kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, đã hình thành các phố phường và trung tâm buôn bán.

Liên quan đến kinh thành Tây Đô và thành nhà Hồ, hiện trong khu vực di sản thành nhà Hồ còn tồn tại nhiều làng cổ. Căn cứ vào kết quả khảo sát có thể phận thành ba cụm làng cổ. Đó là các làng cổ sát vùng lõi (thành nội) có nguồn gốc là các phố phường như Tây Giai, Đông Môn, Xuân Giai; các làng cổ thuộc vùng đệm vốn là khu dân cư khu vực La thành như làng Trác, Cổ Điệp, Bái Xuân, Cao Mật, Cẩm Hoàng, Yên Tôn Thượng, Thọ Đồn, Thổ Phụ, Nhân Lộ, Hà Lương, làng Xoài, Bái Xuân và các làng cổ không chỉ là những giá trị lịch sử - văn hóa thời kỳ kinh đô đất nước mà còn là các di sản liên quan đến vùng đất “phát tích” chúa Trịnh như Bồng Thượng, Bồng Hạ và Bồng Trung.

Từ khi xây dựng thành An Tôn và kinh thành Tây Đô (1397) nhà Hồ cho xây dựng các đường phố, chợ và đặt phố phường. Các làng cổ sát vùng lõi di sản thành nhà Hồ như Tây Giai, Xuân Giai và Đông Môn vốn là các phố phường của kinh đô: Phố Tây Nhai/Giai - phường Lan Nhai (tức phố Tây/ cửa Tây); Đông Môn (phố Đông/ cửa Đông) và phố Hoa Nhai (tức Xuân Giai/ cửa Nam). Đất của làng Tây Giai, Đông Môn và Xuân Giai, trước kia là đất của động An Tôn, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc).

Các làng Xuân Giai, Tây Giai và Đông Môn đều có thời là phường. Cụm dân cư Cồn Xấm được gọi là Vạn Ninh Phường, dân phường chuyển từ nghề nông sang nghề buôn bán và thợ thủ công(5). Các làng này không chỉ là những chứng nhân sinh động cho lịch sử hình thành, tồn tại của thành nhà Hồ mà còn là quần thể di sản vệ tinh, góp phần tạo nên các giá trị văn hóa đặc sắc và đa dạng của không gian di sản văn hóa thế giới.

2. Làng cổ Tây Giai

Tây Giai là ngôi làng cổ nằm ở phía Tây (cửa Tây) gắn liền với sự ra đời của thành nhà Hồ. Cuối thế kỷ XIV, Hồ Quý Ly đã cho xây thành, dời đô đến “địa phận thôn An Tôn, làng Tây Giai, phủ Quảng Hóa” (6) nên tên gọi của tòa thành cũng gắn với thôn An Tôn (thành An Tôn) và làng Tây Giai (thành Tây Giai)(7).

Phường Lan Giai/ phố Tây Giai có chợ kinh đô (chợ Tây Giai). Nhiều dòng họ, thợ thủ công và dân buôn bán dã tụ tập về sinh sống. Thời kỳ thuộc Minh, thành Tây Đô trở thành nơi chiếm đóng của quân Minh, phố Tây Nhai dân buôn bán và và thợ thủ công bỏ chạy đi nơi khác. Số còn lại chủ yếu là dân làm ruộng, làng Tây Nhai ra đời. Sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, đất nước thái bình, các dòng họ nhiều nơi lần lượt đến sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất làng Tây Giai.

Hiện làng Tây Giai (xã Vĩnh Tiến) vẫn còn lưu lại những truyền thuyết, địa danh và các di tích lịch sử - văn hóa gắn với vùng đất kinh đô xưa như chợ Tây, đường Cống Đá… Trong đó, di tích thành nhà Hồ đã trở thành di sản văn hóa thế giới

Đường Cống Đá thuộc thôn Thọ Đồn (xã Vĩnh Yên) chạy về thôn Tây Giai xã Vĩnh Tiến. Tương truyền được biết, đây là con đường bắt đầu từ khu vực bến Đá sông Mã chạy thẳng đến cửa Tây thành nhà Hồ. Khảo sát dọc tuyến đường, hiện vẫn còn một số phiến đá nằm rải rác hai bên con đường. Điều này cho thấy khả năng con đường còn được bảo lưu dưới nền đường hiện tại. Dấu tích con đường Cống Đá là cơ sở đề tìm hiểu nguồn gốc và kỹ thuật vận chuyển đá xây thành.

 Một trong những di sản văn hóa vật thể độc đáo của làng Tây Giai là ngôi nhà cổ của ông Phạm Ngọc Tùng được xây dựng từ năm Gia Long thứ 9 (1810) và đã được UNESCO công nhận là một trong 10 nhà cổ dân gian có kiến trúc tiêu biểu nhất của Việt Nam. Năm 2002 tổ chức JICA của Nhật Bản đầu tư kinh phí nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu di tích này.

Ngôi nhà gồm 7 gian, trong đó có 3 gian nhà ngoài, hai bên là hai buồng, mỗi buồng là 2 gian. Tổng chiều dài của nhà là 20m, chiều rộng 8,20m. Nhà làm theo kiểu chồng giường và vật liệu làm bằng gỗ lim, sễn, táu, xoan... Mái lợp ngói mũi, cửa bức bàn (3 gian nhà ngoài gồm 12 cánh cửa).

Ngôi nhà có giá trị về mặt kiến trúc, lại được giữ gìn tốt. Hiện ngôi nhà còn tương đối nguyên vẹn. Ngôi nhà của ông Phạm Ngọc Tùng là một trong 6 ngôi nhà nằm trong dự án tu bổ nhà ở truyền thống (nhân dân) tại 6 địa phương; Bắc Ninh, Nam Định, Quảng Nam, Đồng Nai, Tiền Giang, Thanh Hóa. Năm 2002 ngôi nhà được trùng tu lần thứ nhất và được UNESCO công nhận và phát bằng năm 2004. Hiện ngôi nhà đang là điểm đến của khách du lịch.

Đình làng Tây Giai là nơi thờ Thành hoàng và họp việc làng. Đình được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 15 (1834). Ngôi đình có 5 gian, 2 dãy, mõi gian rộng 3m, dẫy rộng 1,5m, riêng gian giữa rộng 1,5m. Do thời gian mưa nắng, khí hậu ẩm ướt... đình làng Tây Giai hư hỏng nhiều. Hiện nay chỉ còn lại 3 gian hậu cung (chính tẩm) là nơi thờ Thành hoàng. với kiến trúc tương đối nguyên vẹn, hiện vật thờ như long ngai, thân vị, các đồ thờ khác còn lưu giữ được trong đình.

Đình Tây Giai được chạm trổ tinh xảo, thuộc loại kiến trúc cổ, có giá trị nghệ thuật.Đình là nơi hội họp, do đó các gian đình được xây bệ đá cao 0,40m để trải chiếu dân làng ngồi (xây gần hết cả gian, chỉ trừ đường đi lại). Riêng gian giữa được xếp đá xanh là chỗ ngồì của các vị chức sắc trong làng khi đại lễ. Khu đình làng có tường boa quanh, phía sau đình có ao làng khoảng 2 sào, quanh năm nước trong xanh tạo cảnh quan thoáng đãng (8).

Di tích đình Tây Giai có giá có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật nên 3 gian hậu cung của đình Tây Giai đã được xếp hạng di tích văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh (năm 2006)..

Chùa làng thuộc loại chùa lớn, chùa nằm trong khuôn viên rộng 2 mẫu đất. Chàu có 3 gian và hâu cung thờ Phật, có 3 gian thờ mẫu và 3 gian nhỏ thờ cô Chín giêng. Có lúc tới 11 vị sư sãi nhưng chùa hiện nay mới được tôn tạo lại.

Cùng với các di sản văn hóa vật thể, làng Tây Giai còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể

Về nghệ thuật trình diễn dân gian, Tây Giai có một số nghệ thuật phục vụ sinh hoạt cung đình, tiêu biểu như hát ca công hát. Thời kỳ là kinh đô, để phục vụ sinh hoạt cung đình, loại hình nghệ thuật hát ca công đã trở thành nhu cầu không thể thiếu. Hơn 6 thế kỷ đã trôi qua, hát ca công của kinh thành xưa do thời thời gian đã bị mai một và hiện chỉ còn lưu truyền trong dân gian. Loại hình nghệ thuật cung đình này vẫn còn lưu lại dấu tích ở làng Tây Giai. Bằng chứng là những năm 1920-1945, ở phố Giáng gần thành Tây Đô vẫn còn cửa hàng cô Đầu. Và trong dân gian hiện còn lưu truyền giai thoại về mối lỳ duyên giữa cụ Vọng Tân Đặng Hy Trứ, bậc đại nho thời Tự Đức được sung chức Nhiếp chính biện ấn phủ Quảng Hóa (tức huyện Vĩnh Lộc) với cố đào hát họ Trần thuộc dòng họ hát ca công ở làng Tây Giai.

Thờ Thần là tục lê nói chung, làng Tây Giai và các làng của xã Vĩnh Tiến thờ thiên thần và nhân thần. Thành hoàng làng được thờ tại hậu cung của đình làng. Làng Tây Giai thờ 3 vị thần, trong đó Thần Thủy thảo Bách dược là Thành hoàng của làng. Theo bài vị hiện còn lưu giữ cho biết tên thần là Lê Mậu Dược, thần được phong là Uy linh Hộ Quốc, Tế thế Trạch dân. Diễn Phúc an dân, Thịnh đức Dương Vũ, Quản triệt phù hiệu, Tín nghĩa đại vương.

Thủy thảo Bách dược (nghĩa là cây xanh trăm loài dược liệu quý). Vị Thành hoàng làng Tây Giai cùng với chức năng bảo vệ an ninh và sản xuất còn có quyền năng bảo vệ sức khỏe cho dân làng. Đây là nét đặc biệt của vị Thành hoàng làng Tây Giai so với Thành hoàng của các làng khác.

Bài vị Thành hoàng làng được đặt trong long ngai chính giữa. Long ngai này có chiều rộng và chiều cao rộng hơn, cao hơn một ít so với hai long ngai ở hai bên. Long ngai bên phải (từ trên nhìn xuống) thờ Thủy tướng quân tôn thần. Long ngai bên trái không còn thần vị nên không biết được Thần thứ 3 là thờ ai.

 Vốn có nguồn gốc từ phố Tây và chợ Tây Giai là trung tâm buôn bán sầm uất của kinh thành, nên hiện làng Tây Giai còn lưu truyền câu thành ngữ mang dấu ấn thời kỳ kinh đô (“Bỏ con, bỏ cháu không bỏ mồng sáu chợ Tây”).

 Kết chạ với các làng xung quanh đã trở thành tục lệ của làng Tây Giai. Làng Tây Giai kết chạ với làng Khanh, làng Thân, làng Vống (Cẩm Thủy), làng Lai (Thạch Thạch nay là xã Vĩnh Long), làng Thọ Đồn (Vĩnh Yên), làng Cẩm Hoàng (Vĩnh Quang). Hiện làng Tây Giai còn lưu truyền câu ca dao thể hiện tục lệ kết chạ với làng Cẩm Hoàng:

...Cẩm Hoàng đánh gỗ Thung Bô

Tây Giai kéo đá qua hồ đưa lên

Đưa lên công phụng việc thờ

Có đôi hương án phụng thờ khói nhang

Thắm tình đậm nghĩa cao sang

Ghi sâu tâm khảm dạ vàng sắt son.

Một số tục lệ của làng đã bị mai một như tục làm bánh chưng bánh giày tế thần vào rằm tháng giêng hàng năm và lệ đánh cá tế thần. Mỗi năm đến rằm tháng Giêng, làng lấy 4 người tuổi 59 đến tháng giêng đủ tuổi 60, mỗi người gói môt chiếc bánh chưng to (với lượng gạo là 60 bò) cộng với đậu và thịt. Cùng với 1 chiếc bánh giày với đường kính 0,80m, cao 0,30m. Bánh sau khi tế thần xong được chia cho dân làng.

Làng Tây Giai có một hồ lớn trong thành Tây Đô, cá tự nhiên rất nhiều, không ai được đánh bắt. Theo lệ cứ vào ngày 14 tháng giêng âm lịch làng tổ chức đánh cá tế Thần. Ngày đánh cá các gia đình trong làng, gia đình có người nào biết đánh cá đều tham gia, mỗi người 1 dụng cụ từ vó, nơm, thậm chí đem cả rổ, rá... để đánh bắt cá. Tất cả đều ngồi, đứng xung quanh hồ, khi có trống lệnh mới được xuống đánh cá. Cá đánh được dùng để làng tế thần. Ngày làng đánh cá cũng vui như ngày hội làng.

3. Làng cổ Đông Môn

Đông Môn là một làng cổ nằm sát tường thành phía Đông (cửa Đông) thành nhà Hồ. Cũng như Tây Giai, đây là ngôi làng cổ gắn liền với sự ra đời của tòa thành năm 1397. Làng được hình thành do quá trình Hồ Quý Ly xây thành, dời đô.

Khi thành lập làng, Đông Môn là nơi cư trú của thợ xây thành thuộc khu đất ngoại thành phía Đông. Từ “cụm dân cư gồm những người đi phu làm thợ đào hào, xây thành, đắp lũy, làm gạch đã trở thành phường nghề” (sau là làng Đồng Môn)(9).

 Năm 1407 giặc Minh xâm lược, dân làng phiêu tán, làng trở thành trại lính của quân Minh. Thời kỳ Nam - Bắc triều, khu vực thành là chiến trường Trịnh - Mạc. Thời kỳ Lê sơ, Vĩnh Lộc trở thành đất “phát tích” của chúa Trịnh, nên triều đình đã cho khẩn hoang, phục hồi kinh tế. Làng Đông Môn đã trở thành trang ấp của họ Trịnh nhưng lại giao cho quan đại thần họ Vũ tên là Vũ Khắc Minh cai quản, nên ông đã chiêu nạp dân chúng khai phá lập xóm làng. Vì vậy, sau khi mất (ngày 15 tháng 4 năm Canh Thân - 1680), Vũ Khắc Minh được dân làng tôn kinh là phúc thần của làng (Thành hoàng làng) và thờ ông ở Nghè Hạ.

Về lịch sử lập làng, hiện đình làng còn có 2 câu đối: Sở nhân đắc kỳ môn giả/Quần lưu trướng phi đông chi (Mấy thước nhận thành cửa Đông/ Bao dòng nước chắn chảy về Đông); Hồ thành đối tri giang sơn cựu/Trịnh ấp tung hoành đồng vũ tân (Thành nhà Hồ đứng sừng sững cùng non sông kỳ cựu/ ấp họ Trịnh, tòa ngang, dãy dọc họ Vũ mới xây) và Bức đại từ: “Thánh cung vạn tuế!” (Thần thánh muôn đời)

Làng cổ Đông Môn hiện còn lưu giữ một số hiện vật, di tích, truyền thuyết và những sinh hoạt truyền thống gắn với kinh thành Tây Đô.

Đình làng Đông Môn thuộc làng Đông Môn, cách cổng Đông thành nhà Hồ khoảng 150m về phía Đông. Đình quay mặt hướng Nam, hướng vào hào nước thành nhà Hồ. Đình được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng và rộng rãi, với chiều dài 34m, rộng 27,7m. Diện tích là 942m2, xung quanh có tường xây bảo vệ có 2 cổng ra vào. Sân đình rộng 12m, dài 27,7m, qua tam cấp bước lên nền đình. Đình làng Đông Môn có vị trí trung tâm cửa Đông thành nhà Hồ, là di tích vệ tinh có liên quan đến lịch sử thành nhà Hồ.

Đình làng Đông Môn có từ xa xưa, được xây dựng từ thời chúa Trịnh Tùng (1570- 1623), nhưng lúc đầu chỉ là đình tranh, đến năm Cảnh Hưng thứ 15 triều vua Lê Hiển Tông (1753) đình được xây dựng bằng gỗ. Đình gồm hai phần đình ngoài và đình trong. Đình ngoài là 5 gian, 2 chái, cấu trúc 4 mái, nền đình dài 23m, rộng 12m. Đình trong giáp với đình ngoài, tạo nên kết cấu hợp nhất hình chữ đinh, chui vồ. Phần chui vồ gọi là hậu cung hay còn gọi là nội diện là trung tâm thờ thần. Sau khi được trùng tu tôn tạo từ năm 2007- 2009. đình làng có cấu trúc như hiện nay.

Đình không chỉ là nơi sinh hoạt của làng Đông Môn mà còn là nơi thờ ông Vũ Khắc Minh và Quản gia đô bác họ Trịnh là Thượng đẳng thần. Đây là ngôi đình lớn và có giá trị nghệ thuật cao. Tại ngôi đình còn lưu giữ một số hiện vật liên quan đến di tích thành nhà Hồ và nhiều sinh hoạt truyền thống gắn với ngôi làng cổ của kinh đô xưa.

Đình làng Đông Môn là di tích lịch sử văn hóa và công trình kiến trúc gỗ, điêu khắc thế kỷ XVIII được xếp hạng di tích cấp Tỉnh (năm 1992). Hiện đình làng còn lưu lại tương đối nguyên vẹn.

Cụm di tích đền thờ - bia ký nàng Bình Khương; Bia mộ Cống Sinh và đoạn tường thành phía Đông bị sụt lở là một trong số các dấu tích phản ánh về việc Hồ Quý Ly xây thành, đắp lũy kiên cố và phu phen tạp dịch nặng nề. Chuyện xưa cho biết về sự tích bi ai, oan nghiệt của Trần Công Sĩ (còn gọi là Cống Sinh), người được Hồ Quý Ly giao cho trọng trách đốc phu xây thành phía Đông, nhưng do mạch nước ngầm làm sụt lở phần móng nên một đoạn thành cứ xây xong lại bị sụt đổ. Hồ Quý Ly cho rằng Cống Sinh mưu phản, không đốc thúc phu phen, cố tình trì hoãn việc xây thành đắp lũy, nên đã bị xử tội chết. Nàng Bình Khương vì quá thương xót về cái chết oan ức của chồng, nên đã đập đầu vào tường đá tự vẫn.

Đền nàng Bình Khương thuộc làng Đông Môn, nằm sát phía Đông của tường thành nhà Hồ. Đền là nơi thờ nàng Bình Khương, hiện còn ba bia đá dưng ở phía sau đền, nơi đoạn tường thành bị sụt lở. Bia đá dựng năm Thành Thái thứ 15 (1903) do Vương Dy Trinh soạn ghi sự tích Bình Khương và Cống Sinh; bia đá dựng năm Thành Thái thứ (1903) do Phan Hữu Nguyên soạn ghi nội dung ca tụng Bình Khương và bia trùng tu miếu Bình Khương dựng năm Bảo Đại thứ 5 (1930). Trong đền thờ nàng Bình Khương, phía trước bài vị của bà hiện còn một phiến đá nguyên khối dài 4m, rộng 2m, có dấu tích đá lún in hình đầu người và hai bàn tay. Đền được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1995.

Cùng với các di sản văn hóa vật thể, làng Đông Môn còn lưu giữ một số lễ hội truyền thống. Tiêu biểu là lễ hội tế Thành hoàng làng vào ngày 15 tháng giêng hàng năm. Trưởng làng tổ chức lễ hội và có đội chủ tế. Lễ hội được diễn ra taị đình làng Đông Môn. Đây là di sản văn hóa còn tồn tại và duy trì phát triển.

4. Làng cổ Xuân Giai

Cũng như làng Tây Giai và Đông Môn, Xuân Giai là làng cổ nằm ở phía Nam thành nhà Hồ, có lịch sử lâu đời và gắn liền với sự ra đời của Kinh thành Tây Đô. Khẳng định điều này hiện làng Xuân Giai còn lưu truyền câu hát:(“Xuân Giai ở đất vua Hồ/ Trai thanh, gái lịch Kinh đô rõ ràng”).

Trước Cách mạng tháng Tám 1945 Xuân Giai là một trong số làng thuộc tổng Cao Mật. Sau 1945, Xuân Giai thuộc xã Lưu Phương (một trong 4 xã được chia từ tổng Cao Mật; Đại Đổng, Lưu Phương, Tiễn Mỹ và Tiến Mỹ). Xã Lưu Phương lúc này gồm Xuân Giai, Phương Giai, Thổ Phụ, Phương Giai và làng Đông Môn thuộc tổng Bỉnh Bút.

Làng Xuân Giai thuộc xã Vĩnh Tiến. Xã Vĩnh Tiến mới tách bao gồm các làng Xuân Giai, Tây Giai, Phương Giai, Thổ Phụ, Phú Lĩnh. Xuân Giai hiện là một trong số 6 làng thuộc xã Vĩnh Tiến (Xuân Giai, Tây Giai, Phương Giai, Thổ Phụ, Phú Lĩnh và Phố Mới).

Thời kỳ là kinh đô nhà Hồ, Xuân Giai chính là phố Hoa Nhai, sau đó phố Hoa Nhai chuyển thành làng Hoa Nhai. Thời Thiệu Trị (1841-1847) kiêng chữ Hoa (tên húy mẹ vua Thiệu Trị) nên đổi làng Hoa Nhai thành Xuân Nhai. Đến đời Thành Thái (1889-1907) Xuân Nhai lại đổi thành Xuân Giai.

Trước đây làng Xuân Giai có nhiều loại hình di sản như đình, nghè, đền, chùa, văn chỉ nhưng đến nay chỉ còn lại một số di tích. Hiện trong làng vẫn còn những địa danh gắn với vùng đất kinh đô xưa như đường Hoa Nhai, Bãi Chuối Khô, Gò Ngục, đồng Bái Đàn...

Đường Hoa Nhai được nhà Hồ cho xây dựng năm 1402. Đây là con đường nối từ thành nhà Hồ đến đàn tế Nam Giao. Căn cứ vào kết quả khai quật khảo cổ học trước cổng Nam thành Nhà Hồ (năm 2008) được biết đường có chiều rộng 4,5m và được xây bằng những phiến đá xanh lớn.

Thành hoàng của làng có tên là Tiết Đinh Quý. Thần tích và sắc phong của các vị thần ở Xuân Giai không còn (bị đốt vào năm 1947). Vì thế, nguồn gốc, lai lịch Thành hoàng Xuân Giai không được biết cụ thể. Theo lời truyền ngôn được biết Tiết Đinh Quý/ Tiết Nhân Quý là người Trung Quốc, ông đã sang đây đầu tiên lập ấp và gây dựng làng Xuân Giai ngày nay nên làng đã tôn ông làm Thành hoàng. Ban đầu Thành hoàng được thờ trong hậu cung của đình làng, nhưng sau khi đình bị phá bỏ,làng đã xây dựng ngôi đền 3 gian nhà cấp 4 trong khu vực nhà văn hóa làng để thờ.

Nghè thờ Vũ Hoa công chúa tôn thần nhưng năm 1954 bị phá, đưa bà vào đền thờ cùng Thành hoàng làng (10).

Xuân Giai là một trong số những làng cổ trong không gian di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thế. Một trong những lễ hội lớn của làng là lễ hội đền thờ Tam Tổng (lề hội đền thờ Trần Khát Chân).

Ngày 6/3 (ngày kỵ Thành hoàng làng) là ngày lễ kỳ phúc của làng và cũng là ngày Hội làng.

Tục lệ của làng kiêng đặt tên là Quý (tên Thành hoàng). Nếu phải nhắc đến tến Quý sẽ đọc chệch thành Qưới. Ông là người Trung Quốc được truyền sang Việt Nam bằng sách, bằng hát tuồng (hát bội). Ông được thờ theo tập tục người Việt Nam.

Tục thờ các vị thần như Vũ Hoa công chúa, chúa tể phụ thẳng công thần, Thánh sư tổ nghề hát ca công; hoặc tục kết chạ với các làng ấn Đủ, Cổ Tế (Thạch Thành), Hữu Chấp, Lợi Chấp (Vĩnh Hòa), Đồng Minh (Vĩnh Phúc), Mỹ Xuyên (Vĩnh Yên), Đông Môn (Vĩnh Long).

Vốn là đất kinh đô cũ, nên Hoa Nhai/ Xuân Giai là nơi giỏi ca múa (11). Hát trống quân là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đang có nguy cơ bị mai một. Hiện làng Xuân Giai còn một nghệ nhân cao tuổi Tiếp Thị Ngở là người có thể biểu diễn được loại hình nghệ thuật này.

Làng Xuân Giai trước đây là phố Hoa Nhai nằm ngay trước cửa Nam - cửa chính của thành Tây Đô. Đến nay làng Xuân Giai vẫn còn lại nhiều dấu tích về một địa phương có nghề hát ca công nổi tiếng. Theo lời truyền ngôn thì các dòng họ ở làng Xuân Giai, thời nào cũng có người đàn hát. Trong đó, họ Trần là dòng họ có nhiều người hát hay và đàn giỏi. Vì thế, dòng họ Trần đã từng có thời gian dài (từ thời Hồ cho đến Cách mạng tháng Tám 1945) được phép cai quản các hoạt động vui chơi ca hát của làng.

Là loại hình nghệ thuật phục vụ sinh hoạt cung đình, hát ca công ở Xuân Giai không chỉ phát triển thời kỳ kinh đô mà cho đến thế kỷ XIX, nhiều kép hát, đào nương họ Trần (tiêu biểu như đào nương Trần Thị Duyên) hàng năm vẫn được vào hát chúc hổ (hát chúc mừng nhà vua) ở triều đình Huế. Hát ca công tuy đã bị mai một, nhưng làng Xuân Giai hiện vẫn còn nhiều địa danh liên quan đến nghệ thuật biểu diễn và hai loại nhạc cụ chủ yếu trong hát ca công như ruộng Nhà Trò, Cồn Đàn thuộc cánh đồng Cồn Cà (những thửa ruộng được đắp thành hình cây đàn đáy) và Cồn Trống (hình tròn giống cái trống)...(12).

Như vậy, không gian di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ là nơi hội tụ đủ các loại hình di sản có liên quan đến kinh thành Tây Đô và vương triều Hồ. Cùng với biến động thăng trầm của lịch sử thành nhà Hồ là những bước ngoặt đối với vùng đất Tây Đô. Nếu như việc xây thành An Tôn và dời đô (năm 1397) đã làm biến đổi vùng đất Vĩnh Ninh với những làng quê thuần nông trở thành kinh đô và xuất hiện các phố phường thì sự thất bại trước cuộc xâm lược của nhà Minh của vương triều Hồ (năm 1407) đã làm mất vai trò kinh đô và từ phố phường là các làng quê nông nghiệp lại được tái lập. Và nhất là hiện nay, khi thành nhà Hồ trở thành di sản văn hóa nhân loại, chắc chắn sẽ làm thay đổi diện mạo của vùng quê thuần nông, đặc biệt là những làng cổ sát các cổng Đông, Tây và Nam thành như Tây Giai, Đông Môn và Xuân Giai. Đây là các làng cổ được tạo lập từ các phố phường của Kinh thành Tây Đô và còn hiện hữu nhiều loại hình di sản mang dấu ấn kinh đô, góp phần tạo nên những giá trị đặc sắc của không gian di sản thành nhà Hồ.

Di sản làng cổ khu vực quanh thành nhà Hồ không những trở thành địa điểm kết nối của các tour du lịch thành nhà Hồ và quần thể di tích vệ tinh mà còn là “sự liên kết các điểm du lịch gần nhau mang những tính chất du lịch bổ sung cho nhau”. Do đó, để lưu giữ và tạo dựng được “hình bóng nguyên sơ” của di sản văn thế giới thành nhà Hồ thì cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản còn tồn tại, đồng thời cũng cần phải phục dựng và tái tạo được các di sản đã bị phá hủy, mai một của các làng cổ trong không gian của di sản. Trước hết là ba làng cổ khu vực quanh thành (Tây Giai, Xuân Giai và Đông Môn).

_______________

1. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.190.

2. Năm 1397 trấn Thanh Hóa đổi thành trấn Thanh Đô, năm 1403 phủ Thanh Hóa thành phủ Thiên Xương, cùng với châu Ái, châu Cửu Chân gọi là đất Tam Phụ.

3. Xem thêm Nguyễn Thị Thúy, Thành Tây Đô và vùng đất Vĩnh Lộc từ cuối TK XIV đến giữa TK XIX, Luận án tiến sĩ Lịch sử, ĐHSP Hà Nội, 2009.

4. Chu Quang Trứ, Mỹ thuật Việt Nam buổi giao thời Trần - Hồ, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5 (264) - 1992, tr.81.

5, 9. Nguyễn Thị Thúy, Kinh thành Tây Đô và sự hình thành các làng xã trên vùng đất cố đô, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (155) - 2013, tr.67, 68.

6. Loui Bezacier, L’art Viet Namien, E’disions de L’union Francaise 3, Rue Blaise - Desgoffe, Pariis - vi (Bản dịch lưu tại Viện Bảo tàng Việt Nam), 1954, tr.83.

7. Trong số các tòa thành cổ Việt Nam, thành nhà Hồ là một trong những tòa thành mag nhiều tên gọi khác nhau như thành An Tôn, Tây Đô, Tây Giai, thành nhà Hồ, thành Vĩnh Lộc... Tên gọi thành Tây Giai xuất hiện từ vương triều Nguyễn. Cũng như Thăng Long - Đông Kinh được đổi tên là trấn Bắc Thành và sau đó là tỉnh Hà Nội thì thành An Tôn lúc này không còn tên gọi là Tây Đô nữa mà mang tên mới (thành Tây Nhai). Tây Nhai là tên gọi của một làng ở cửa Tây (làng Tây Nhai). Sau đó, từ Nhai được đổi thành Giai, làng Tây Nhai thành làng Tây Giai nên tòa thành cũng được gọi là thành Tây Giai.

8, 10, 12. Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ xã Vĩnh Tiến, Lịch sử xã Vĩnh Tiến, Nxb Thanh Hóa, 2010, tr.100, 56, 112-113.

11. Lưu Công Đạo, Thanh Hóa tỉnh Vĩnh Lộc huyện chí, Nxb Thanh Hóa, 2010, tr.176.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 356, tháng 2-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Thúy

;